Hôm trước xem Ai chết giơ tay (tập 5) của Huỳnh Lập, có đoạn nói về chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật.
Đoạn này hơi lấn cấn, đại loại là Huỳnh Lập bảo là người duy vật không tin vào tâm linh, người duy tâm mới hiểu được nó.
Xét ra thì phạm trù duy vật (materialism) và duy tâm (idealism) không liên quan đến tâm linh. Chữ tâm ở đây không phải là tâm linh, xét về từ gốc của triết phương tây một cách thuần túy thì nó là ý thức (ideal), nên nếu đúng thì nên gọi là duy ý thức. Còn tại sao sử dụng chữ tâm, là bởi ảnh hưởng của phật giáo, bảo rằng mọi vật đều xuất phát tại tâm. Chữ tâm của một giáo lại là một vấn đề dài dòng khác nữa.

Đọc thêm:

Trở lại câu nói của Huỳnh Lập, thì nói đến tâm linh, nghĩa là nói đến linh hồn, thì nó thuộc phạm trù tín ngưỡng và tôn giáo, gắn liền với spiritism (thông linh luận) hoặc spiritualism (duy linh luận).
Còn thuyết duy vật và thuyết duy tâm lại là vấn đề khác, nó liên quan đến việc ý thức (ý thức khác với linh hồn) có trước hay vật chất có trước. Ví dụ, nếu có một cái ghế tồn tại ở đâu đó trên trái đất, nhưng tôi không biết đến sự tồn tại của cái ghế đó, thì cái ghế đó liệu có tồn tại hay không. Người duy vật bảo là có, người duy tâm bảo là không.
Idealism có rất nhiều hướng phát triển. Kant bảo ta chỉ thấy được cái hiện tượng của thế giới (nghĩa là cái mà thế giới phô bày cho ta coi), chứ ta không thể thấy được bản chất của thế giới. Cũng có người bảo vật chất chỉ là một ý niệm trong thế giới ý thức của một người duy ý thức. Vân vân và mây mây.
Thực ra thì từ chủ nghĩa duy ý thức (hay xưa giờ chúng ta quen gọi là chủ nghĩa duy tâm và hiểu lầm), ta vẫn diễn giải ra được thành duy linh luận, vấn đề là đừng sử dụng chữ duy tâm thuần túy kia như một thứ thuộc về phạm trù tâm linh.
Thiết thấy có 3 kiểu người Việt sử dụng chữ duy tâm nói riêng và triết học nói chung như sau:
1 là kiểu người tự tìm tòi về triết học.
2 là kiểu người đi học đại học rồi bị nhồi nhét mấy thể loại triết học linh tinh rồi hiểu sai về vấn đề, và từ đó đến già hễ nghe đến mấy chữ triết học, duy này duy nọ, thuyết kia thuyết đấy là nổi da gà, bảo rằng đó là những thứ xàm đời vô ích. Này thì nhiều lắm.
3 là kiểu người chẳng tìm hiểu gì, nghe thấy và tự suy diễn. Kiểu này thì thường hay hiểu chữ tâm trong duy tâm là tâm linh, liên quan đến linh hồn
3 người này thì đều tự nhận rằng là mình biết về triết học, và khi ngồi xuống nói chuyện thì chỉ có nước tốn thời gian, bởi mỗi người một tý. Kẻ thì tâm là ý tưởng, kẻ thì tâm là tâm linh, kẻ thì tâm là cái vẹo gì mà 2 đứa mày cãi nhau dữ vậy.

Đọc thêm:

Hôm trước đọc ở đâu đó rằng, mọi cuộc đối thoại đều có thể giảm đi được thời gian vô ích nếu thống nhất được các phạm trù và định nghĩa của các từ khóa ngay từ đầu.
Hôm trước có cô bạn bảo nếu tôi yêu thì tôi lý trí lắm, chợt buột miệng bảo đôi khi cảm xúc lấn át lý trí mà lý trí không biết, và cũng chợt nghĩa vậy cảm xúc là gì, lý trí là gì, làm sao biết được một suy nghĩ đó là của cảm xúc hay của lý trí, hay một suy nghĩ lúc nào cũng bị chi phối bởi cả hai. Mỗi người sẽ tự đặt ra câu hỏi và đi tìm câu trả lời của mình, và lúc đó ai cũng sẽ là một thinker  - một người suy nghĩ, hay một triết gia - một philosopher, nói theo nghĩa gốc là một người yêu sự thông thái.
Và những kẻ (ngỡ như là) thông thái sẽ cãi nhau, nhưng ít nhất thì cũng nên cãi với vai trò là kiểu người số 1 ở trên.
//
Mà thật ra mà nói, loạt phim này của Huỳnh Lập quá hay, nó mở ra một vũ trụ quan mới, vũ trụ quan ấy có tên là gì nhỉ, Xã hội tâm linh của người Việt, có lẽ. Một vũ trụ quan có thổ địa, bùa phép, linh hồn, kẻ tin, người không v.v... Nó khiến ta có một dự cảm rằng cái vũ trụ quan này sẽ ngày càng được mở rộng, cũng như cách vũ trụ MCU mở rộng từ xuất phát điểm là một anh tỷ phủ đến cái mốc đa vũ trụ liên hành tinh giờ đây.
Một người có ảnh hưởng như Huỳnh Lập sẽ khiến giới trẻ giờ đây nhìn vào tượng ông địa với một con mắt khác, nhìn vào nén nhang với một con mắt khác. Tất nhiên là sẽ có người đồng tình với xã hội tâm linh này và có người không, nhưng nó sẽ mở rộng thế giới ý thức của những người xem nó.