Tượng Phật ở Borobudur (Indonesia). Source: photodharma.net

Đôi lời mở đầu:
Xin chào mọi người,
Nhân khi vô tình “đào mộ” lại bài viết đã đăng từ khá lâu của Hoàng Tử (@AnDanh), mình thấy là đề tài Phật giáo được rất nhiều bạn quan tâm, hứng thú, nhận thấy qua số bình luận sôi nổi bên dưới. Tuy vậy, cũng đã lâu rồi, đề tài này chưa có bài viết nào mới, dù rằng một số cây viết có lời hứa hẹn ở một đôi chỗ. Do vậy, mình xin phép “mượn cây ghép cành”, lấy tiếp đề tài mà Hoàng Tử đã khơi lên mà có đôi dòng đóng góp cho mọi người.
Xin phép các admin, mình đăng bài này trong group Science2vn, như có lần Admin Viet Anh Tran (@please) đã nói.
Với Hoàng Tử, mình rất cảm ơn bạn đã khơi lên đề tài “gây tranh cãi” để nhiều bạn có cơ hội vào góp ý kiến. Trong bài đăng này, các luận điểm và dẫn chứng đa số đều đối lập, hoặc phản bác lại quan điểm của bạn. Dù vậy, tất cả đều trong tinh thần tìm về nguồn gốc, hòng thổi bớt đi những hiểu lầm, sai biệt, tiếp biến mà tiến trình lịch sử đã phủ lên Phật giáo, mà chúng ta đang tiếp nhận hiện thời; cũng là nhằm giới thiệu lại cùng mọi người những gì là gần hơn với “thuở ban sơ” của đạo Phật, để có cái nhìn ít xa cách hơn. Mong rằng bạn sẽ không lấy đó làm phiền.

Trong bài Phật giáo – góc nhìn khoa học, Hoàng Tử có nêu lên một số luận điểm để chứng minh quan điểm rằng “Phật giáo là môn khoa học duy vật”. Mình sẽ lấy đó làm tâm điểm cho bài viết, với câu hỏi là: “Phật giáo là ‘duy’ gì?”, kèm theo một số ý nhỏ mở rộng.

Đọc thêm:

Đầu tiên, ta cần có chút thống nhất về mặt từ ngữ trước đã.
Với 2 thuật ngữ “duy tâm chủ nghĩa” và “duy vật chủ nghĩa”, mình xin dẫn ra giải thích từ quyển sách Các Chủ đề Triết học của tác giả Nguyễn Ước, như sau:
Duy tâm chủ nghĩa (Idealism): […] Trong triết học, triết thuyết này cho rằng hiểu theo ý nghĩa nào đó, thế giới vật chất được tạo ra bởi tâm trí và không hiện hữu độc lập với tâm trí. Những “vật” duy nhất hiện hữu trọn vẹn là tâm trí và nội dung của chúng.Duy vật chủ nghĩa (Materialism): Một hệ thống tư tưởng được bảo lưu rộng rãi, giải thích bản tính của thế giới hoàn toàn tùy thuộc vào vật chất và sự chuyển động. Thực tại tối hậu và nền tảng của thế giới là vật chất, và ở quá bên kia nó chẳng có gì nữa để mà tìm kiếm.
Bách khoa Triết học Stanford (Stanford Encyclopedia of Philosophy, SEP) khi nói về Idealism[i] : 
“… có thể thận trọng nói rằng trong triết học hiện đại có hai ý niệm cơ sở về idealism: 
thứ gì đó có tính tinh thần (tâm trí, linh hồn, lý trí, ý chí) là nền tảng tối hậu của mọi thực tại, hay thậm chí là bao quát hết thực tại, vàdù rằng sự tồn tại của thứ gì đó độc lập với tâm trí là được thừa nhận, mọi thứ ta có thể biết về cái “thực tại” độc lập với tâm trí này cũng được thấu suốt bởi các hoạt động mang tính sáng tạo, hình thành, hoặc xây dựng của tâm trí (kiểu này hay kiểu khác) mà đều xác quyết rằng hiểu biết phải được xem, theo một nghĩa nào đó, là một dạng của sự tự biết mình (self-knowledge).”
Cũng theo SEP, khi tra khái niệm Materialism, lại dẫn đến khái niệm Physicalism, mà họ cho rằng “theo cách dùng đương đại, hai thuật ngữ trên là khả hoán, dù rằng lịch sử của chúng là rất khác biệt”[ii]. Tính khả hoán này ở chỗ, họ nhìn nhận rằng “vật” trong “duy vật” (material-) là “vật chất” (matter), thể hiện bởi tính vật lý (physical) của nó.
Nói đến “vật chất”, lại còn đau đầu hơn, khi mà bộ Bách khoa thư Triết học do Thomson Gale xuất bản dành cho khái niệm “Matter” một mục từ (entry) dài gần 4500 từ[iii]! Do vậy, ta sẽ tạm hiểu với nhau khái niệm “vật chất” theo ý nghĩa cơ học như sau: Vật chất là những thứ tồn tại trong không-thời gian, tức là tại một thời điểm nào đó nó có mặt thì nó sẽ chiếm một (thể tích) không gian nào đó; có tính chất cơ học, tức là có tính quán tính (khối lượng và sự di chuyển); và thêm nữa, thứ này phải vô tri giác.
Theo đó, Bách khoa thư Triết học của Thomson Gale nói rằng: Materialism là tên gọi cho một họ các học thuyết, khi xem xét bản chất của thế giới (thực tại) này, đã đưa vật chất (như nói ở trên) lên vị trí chủ yếu, và như thế, tâm trí (hoặc linh hồn) xếp ở hàng thứ yếu, phụ thuộc; hoặc thậm chí, ở mức độ cực đoan, không có khái niệm tâm trí tồn tại độc lập/bên ngoài vật chất.[iv]
Xin nói thêm, dù ở Việt Nam chủ yếu là giảng dạy triết học Marx-Lenin, nhưng mình không dùng ý kiến của hai ông này, vì lẽ: Marx, về mặt tư tưởng triết, được xem là chịu ảnh hưởng của I. Kant, F. Hegel, mà hai ông này không theo “phe” duy-vật, và công trình nổi bật của Marx lại là về kinh tế chính trị học; còn Lenin thì chưa bao giờ có thể được coi là một triết gia, ông này là nhà đấu tranh cách mạng. Và phát biểu của Lenin về vật chất mà như trong phần sau bài viết của Hoàng Tử, đó cũng là quan điểm cá nhân của ông (về phạm trù vật chất) mà thôi.

Đọc thêm:

Tóm gọn lại, sau một hồi dông dài chữ nghĩa, Idealism và Materialism là đối lập nhau trong việc nhìn nhận tính nền tảng, tính tối hậu của thực tại là vật chất hay là tâm trí (hoặc ý thức).
Thực sự, trong quá trình theo dõi, mình cũng băn khoăn là Hoàng Tử cho 2 khái niệm trên ý nghĩa là gì. Và trong phần trả lời bình luận như trong hình dưới đây

mình đã hiểu “duy vật” và “duy tâm” mà bạn đó đề cập là gì. 
Tất nhiên là, như “cu Mùi và các bạn” có thể thay vì ăn cơm trong tô thì đổi sang dùng thau, uống nước trong chai thay vì là trong ly, hoặc là “đặt tên cho thế giới”[v], bạn đó có quyền dùng 1 từ nào đó với nghĩa nào đấy mà bạn đó định ra. Nhưng điều đó hoàn toàn không xác đáng khi trao đổi, luận bàn chung cách công khai. 
Theo cách hiểu chung nhất, thì: “mình thấy gì mình nói ra” là sự miêu tả khách quan; trong khi “mình nghĩ sao mình nói ra” đó là sự phát biểu chủ quan
Một cách chủ quan, mình nhận thấy đây là “đầu dây mối nhợ” đưa đến quan điểm của Hoàng Tử (đã nêu ở trên). Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục đi thêm, vì vấn đề được khơi lên từ đầu bài vẫn chưa dừng lại ở đây.

Sau khi đã có được định nghĩa, hoặc sự thống nhất trong cách hiểu “duy vật”, “duy tâm” như đã bàn ở trên, ta chưa nên vội áp Phật giáo vào một trong hai ý niệm đó. Đến đây, ta cần trả lời cho một câu hỏi nữa:
“Một cách khái quát, mà không kém rõ ràng, Phật giáo là gì?”
Xin đưa ra trước ba đáp án mà đa số vẫn thường hình dung về Phật giáo: Tôn giáo, Triết học, và Khoa học. Ta sẽ tiến thêm ít bước nữa, hướng về phía nguồn, để xem đâu là đáp án đúng cho câu hỏi “ngang xương” này. 
Ngay đây, ta cũng cần nói đôi lời ngắn gọn về 3 thuật từ vừa nêu. 
        Về tôn giáo.
Religion, như trong tiếng Anh, tiếng Pháp, có nguồn gốc từ tiếng Latin là religio. Theo Hoang Phong: “… Chữ religio phát sinh vào thời cổ đại (thế kỷ thứ III-II trước Tây lịch) thuộc nền văn minh La-Mã, thế nhưng ý nghĩa không được rõ rệt. Bước sang thời hậu cổ đại, một nhà lãnh đạo chính trị và học giả người La Mã là Marcus Tullius Cicero (thế kỷ thứ I trước Tây lịch) mới định nghĩa chữ religio là « hành động hướng vào một thứ gì tối thượng mà người ta cho là thiêng liêng và phải tôn thờ ». Kể từ đó chữ religio chỉ định sự tương quan giữa con người và Thượng đế.”[vi] 
Như vậy, xét về nguyên nghĩa, cũng là ý nghĩa được hiểu và thực hành rộng rãi hiện nay, ta không thể dùng từ Religion để chỉ cho Phật giáo. Các đặc điểm của Phật giáo được bàn đến ở phần sau sẽ làm rõ thêm ý kiến này. 
        Về khoa học
Bách khoa thư Britannica định nghĩa (một cách tổng quát) khoa học là “bất kỳ hệ thống tri thức nào có liên quan đến thế giới vật lý và các hiện tượng của nó và buộc phải có các quan sát không thiên kiến cùng thực nghiệm có tính hệ thống. Nói chung, một môn khoa học bao hàm sự theo đuổi tri thức bao gồm các chân lý phổ quát hoặc sự vận hành của các quy luật cơ bản”[vii]. Những đặc tính của khoa học, gồm: sự hiểu biết; có tính hệ thống; về thế giới này (được hiểu là vật chất và hiện tượng); kiểm chứng được (bởi giác quan hoặc thiết bị thích hợp); có thể đưa ra dự đoán. 
Đây là những thứ cô đọng nhất có thể dùng để phác họa khái niệm Science, để đỡ phải lạc vào “rừng chữ nghĩa” với ít nhất vài mươi bài viết cho các phương diện căn bản của Science. Ta sẽ dựa vào định nghĩa và những đặc tính này để so sánh khoa học và Phật giáo. 
        Về triết học 
Bộ Bách khoa thư Triết học của Thomson Gale mở đầu mục từ Philosophy bằng một câu xanh rờn: “Việc định nghĩa triết học, tự thân nó cũng là một vấn đề triết học rồi”[viii]. Vậy nên, ta sẽ dùng cách định nghĩa ngắn gọn của Bách khoa thư Britannica để bớt hại não nhau: 
“Philosophy (từ tiếng Hy Lạp, viết bằng ký tự Latin là philosophia – sự yêu thích trí tuệ) – sự xét đoán hữu lý, trừu tượng, và có phương pháp về thực tại như là một tổng thể hoặc về những chiều kích cơ bản của sự hiện hữu và kinh nghiệm của nhân loại.”[ix]
Các đối tượng cơ bản của Philosophy gồm: thực tại, nhân sinh (bao gồm sự hiện hữu, các kinh nghiệm), ý thức. Các tính chất của Philosophy, có: suy xét (hoạt động tư duy), hữu lý, trừu tượng, có phương pháp. Ta cũng sẽ so sánh triết-học và Phật giáo dựa trên những yếu tố này.
 
Sau khi đã có cái nhìn khái lược về 3 thuật từ đó, ta đi vào xem xét Phật giáo. Hướng tiếp cận được dùng ở đây là “từ bên trong”, tức là chủ yếu sẽ dẫn ra các “giáo lý” căn bản, nền tảng, thông qua trích dẫn kinh điển.
Phật giáo (Hán-Việt – Phật: đức Phật; giáo: dạy, lời dạy), trong tiếng Pāli (thường gọi là Nam Phạn) là buddhasāsana, nghĩa là “những lời dạy của đức Phật” (the teaching of the Buddha). Như vậy, có thể ngắn gọn định nghĩa rằng: Phật giáo là những lời dạy của đức Phật, mà hiện tại được lưu lại trong hệ thống các văn bản được gọi là Tam Tạng (nghe quen chứ ha). 
Nói thêm chút: về mặt chữ nghĩa, có chút khác biệt giữa “Phật giáo” (đã nói ở trên), với “đạo Phật”, mà ở Việt Nam thường được dùng lẫn lộn. Đạo Phật, với “đạo” (pāli: magga) = way = con đường, có nghĩa là: con đường đưa đến quả vị Phật, hoặc là con đường để “trở thành” Phật. 
Đi thẳng vào trọng tâm, chính đức Phật đã nêu lên cốt lõi của “Phật giáo” như sau: 
“Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.”
(MN 22.38)[x] 
Đúng như một nhận xét của Hoàng Tử, để ra một đời đọc Tam Tạng cũng không đủ, nên chỉ với mỗi câu kinh này, chúng ta cũng chưa đưa ra câu trả lời được. Vậy nên, ta sẽ tiếp thêm vài bước nữa. 
Phật giáo có nói đến Năm Định luật (Pāli: Panca-niyāma; The Five Niyamas)[xi] như sau: 
Utu-niyāma: định luật của tự nhiên. Các môn khoa học cơ bản, như Vật lý, Hóa học, hoặc như Khí tượng học là tương đương với định luật này.Bīja-niyāma: định luật về sự sống. Có thể xem tương đương với môn Sinh học.Kamma-niyāma: định luật về Nghiệp (Kamma). Đây là điều mà khoa học, cho đến hiện tại vẫn… chưa đụng đến. Một số nhánh triết học có bàn đến, nhưng không xem là trọng tâm.Citta-niyāma: định luật về Tâm (Citta), như là các hợp phần của Tâm, năng lực của Tâm, hoặc tiến trình (lộ trình) của Tâm. Gần nhất (nhưng không nhiều) đến định luật này, có thể thấy trong Tâm lý học, hoặc Tâm phân học.Dhamma-niyāma: định luật của Pháp (Dhamma), nói đến sự vận hành của Pháp (có thể hiểu đó là Thực-tại).
Ngang đây, ta có thể đưa ra những so sánh giữa Phật giáo và khoa học. Mặc dù Phật giáo có một vài điểm tương đồng với khoa học, như là sự hiểu biết (kiến thức), nhấn mạnh về sự vận hành (của thực tại) theo các quy luật, nhưng lại có nhiều điểm không tương đồng. Khác biệt lớn nhất là về mục đích: trong khi khoa học theo đuổi sự hiểu biết, Phật giáo lại hướng đến “sự diệt khổ”. Hơn nữa, sự hiểu biết của khoa học, chí ít cho đến bây giờ, chỉ giới hạn trong thế giới vật chất, thông qua sự kiểm chứng được bởi các giác quan, hoặc các thiết bị thích hợp, thì Phật giáo còn nói đến những điều mà hiện khoa học (lẫn triết học) vẫn cho là siêu hình, như 3 Định luật sau trong 5 Định luật vừa nêu.
Như vậy, ta có thể xác định rằng: Phật giáo không là khoa học
Kèm theo đó, Phật giáo cũng không đặt “vật chất” vào trọng tâm của mình, do vậy, Phật giáo không phải là “duy vật”
Mặc dù trong Phật giáo có nhiều khái niệm mà khoa học cũng như triết học cho là siêu hình, nhưng không phải mọi điều siêu hình mà triết học quan tâm đều được bàn đến trong Phật giáo, như thấy trong đoạn trích dẫn sau[xii]: 
“Quả thật Đức Phật không bày tỏ quan điểm riêng của mình về vài thắc mắc của nhân loại mà giữ im lặng một cách đặc biệt về những đề tài tranh luận ấy, vì nó không thích nghi với sứ mạng cao cả của Ngài và không cần thiết cho sự giải thoát của chúng sanh. Trong trường hợp nọ, có một vị tỳ khưu tên Māluṅkyaputta đến hầu Phật và nóng nảy muốn Ngài giải thích tức khắc vài điểm thắc mắc, và nếu không được như vậy, thầy dọa sẽ hoàn tục, từ bỏ đời tu sĩ. Thầy bạch:
 ‘Bạch hóa Đức Thế Tôn, đến nay Đức Thế Tôn chưa hề giải rõ. Ngài đã gác qua một bên và đã loại bỏ những lý thuyết đề cập đến quan điểm: thế gian này có trường tồn vĩnh cửu không, thế gian này có giới hạn không, hay vô hạn định, v.v. ‘[xiii]
Đức Phật khuyên thầy không nên lãng phí thì giờ và năng lực trong những học thuyết chỉ có hại cho tiến bộ đạo đức.” 
Đức Phật đã nhận xét như sau về Giáo Pháp (tức là “giáo” trong Phật giáo) như sau: 
“… sâu kín là pháp này, khó thấy, khó giác ngộ, an tịnh, thù thắng, không thể luận bàn, tế nhị, chỉ bậc trí mới hiểu.”[xiv] (MN 72)
Và phương cách để đưa đến “sự diệt khổ”, đức Phật đã nói: 
“Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.”[xv] (MN 10) 
Tức là, để đưa đến “sự diệt khổ”, cần phải thực hành (thiền) Bốn Niệm xứ ! 
So sánh thì thấy, quả là triết học và Phật giáo có rất nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, điểm cốt yếu nhất thì lại không: trong khi triết học là “sự xét đoán”, tức là sự vận động tư duy, Phật giáo lại đề cao thực hành (lời dạy) để đưa đến kết quả, và tránh xa sự luận bàn không đi theo hướng này (hướng diệt khổ). 
Do vậy, Phật giáo cũng không là triết học
Cũng từ những trích dẫn đã nêu, xin đưa ra nhận định (được công nhận rộng rãi) như thế này: Phật giáo, hoặc đạo Phật, đó là một con đường, hay có thể gọi là một phương pháp, một lối sống, nhằm nhận diện sự khổ và đưa đến sự diệt khổ (chấm dứt khổ).
“… này chư Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy.”[xvi] (MN 22.13)
Với những ai đã đọc đến chỗ này, mình xin nói một chút đến Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma piṭaka), là một trong Tam Tạng có nhắc đến ở trên. Trong Vi Diệu Pháp, thực tại tối hậu, hay thực tại tuyệt đối, gọi là Chân Đế gồm 4 Pháp (thứ, điều, loại, khái niệm, v.v.): Sắc (hiểu là vật chất), Tâm (hiểu là ý thức/tâm trí), Tâm Sở (hoặc Sở hữu Tâm, đây là các thuộc tính của Tâm), và Níp-bàn (Niết Bàn). Do Sắc và Tâm đồng là pháp Chân Đế, tức là thực tại tối hậu, và 2 pháp này độc lập, riêng biệt với nhau, nên không đưa đến việc Tâm “tối hậu” hơn, hay “có trước”, hay “đẻ ra” Sắc, hoặc ngược lại. 
Tức là, Phật giáo không phải là “duy tâm”, cũng như không là “duy vật”! 
Không duy vật, cũng chẳng duy tâm, vậy là duy… gì?! 
Trong một bài giảng (được đưa lên Youtube), ĐĐ. Thích Phước Tiến (Tu viện Tường Vân, Bình Chánh) có nói, đại ý: “nếu phải nói Phật giáo là duy gì, thì có thể là duy Duyên”. Chữ “duyên” ở đây là trong “lý duyên khởi”, trình bày ngắn gọn là: thế gian này, mọi sự vật hiện tượng là nhờ có duyên mà mới xuất hiện, cũng như sẽ theo duyên mà biến hoại rồi mất đi. 
Tuy vậy, theo ý riêng của mình, Phật giáo… chẳng duy gì cả. Vì sao? Vì khi dùng đến chữ “duy”, tức là ta tách riêng, nghiêng hẳn về cái khái niệm đi kèm đằng sau nó, đặt trong thế đối lập, hoặc ít nhất biệt lập với những thứ còn lại. Điều này là tính chất của tư duy triết học Tây phương, lấy sự xét đoán, luận thuyết, biện giải làm cách thức hoạt động. Phật giáo, như đã trình bày, là con đường, là “chiếc bè để vượt qua”, hướng đến mục đích là “sự diệt khổ”, thông qua sự thực hành. Như vậy, sẽ là khiên cưỡng khi cố gán cho Phật giáo bất kỳ kiểu “duy” gì, cho dù là duy duyên như nói ở trên, vì rằng Phật giáo có nói đến các đặc tính của thế gian này, nhưng đó không phải là mục đích, không phải điều cốt yếu.
  

Một số ý mở rộng:

Hoàng Tử đã đúng, khi nhận xét rằng đức Phật chỉ nói lên những gì Ngài thấy và biết rõ. Tất nhiên không phải là chỉ thấy bằng mắt thường như phàm nhân chúng ta đây, như Hoàng Tử cũng có nói.Mình xin phũ phàng mà nói rằng, bình luận sau là không đúng, dù theo bất kỳ truyền thống Phật giáo nào.
Rất nhiều người, kể cả các vị thuộc hàng cao tăng, thường hay dẫn một câu nói, được cho là do Einstein phát biểu về Phật giáo, rất nổi tiếng. Mình xin không dẫn lại ra đây, vì bài dài lắm rồi. Chỉ xin đi ngược dòng một chút: GS. Donald S. Lopez Jr.[xvii] về Phật học và Nghiên cứu Tây Tạng, từ Trường Văn chương, Khoa học và Nghệ thuật – ĐH. Michigan cho rằng Einstein đã bị “nhét chữ vào miệng”, ông không hề phát biểu như thế, dù rằng ông có đôi lần nhắc đến Phật giáo trong một số cuộc nói chuyện.[xviii]
  
Cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc bài viết khá dài và khá khô khan này. Nếu các bạn có hứng thú, mình sẽ tiếp tục thêm các ý khác, dựa vào phản hồi của các bạn.
Chúc mọi người năm mới nhiều bình an, may mắn và thành công!

Tài liệu tham khảo:   

[iii] Donald M. Borchert, Encyclopedia of Philosophy, 2nd Edition, Thomson Gale, 2006: vol. 6, p.58-64  
[iv] Donald M. Borchert, Encyclopedia of Philosophy, 2nd Edition, Thomson Gale, 2006: vol. 6, p.5  
[v] Nguyễn Nhật Ánh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, NXB Trẻ  
[viii] Donald M. Borchert, Encyclopedia of Philosophy, 2nd Edition, Thomson Gale, 2006: vol. 7, p.325  
[x] HT. Thích Minh Châu (dịch Việt), Trung Bộ Kinh, bài số 22.  
[xii] Narada, Đức Phật và Phật Pháp (Phạm Kim Khánh dịch), chương 16.  
[xiii] HT. Thích Minh Châu (dịch Việt), Trung Bộ Kinh, bài số 63. Nội dung cuộc vấn – đáp là toàn bộ nội dung bài kinh, do vậy, không thể trích dẫn nguyên văn.  
[xiv] HT. Thích Minh Châu (dịch Việt), Trung Bộ Kinh, bài số 72.  
[xv] HT. Thích Minh Châu (dịch Việt), Trung Bộ Kinh, bài số 10.  
[xvi] HT. Thích Minh Châu (dịch Việt), Trung Bộ Kinh, bài số 22.