"Chừng nào chúng ta thôi "tung hô" bác sĩ, giáo viên,... là "những nghề cao quý nhất" thì lúc đó dịch vụ y tế và giáo dục mới thực sự được cải thiện" - đấy là quan điểm của ông già nhà mình, và cũng là một trong số những quan điểm hiếm hoi mà mình với ông cụ đồng tình với nhau. 

Ảnh minh họa. Nguồn: trên ảnh.

Tại sao lại đừng "tung hô"? 

Fact: Từ tung hô là một động từ Hán - Việt với ý nghĩa là "Lời chúc tụng thiên tử ngày xưa. Cũng gọi là “hô tung” 呼嵩, “tam hô” 三呼, “sơn hô” 山呼" - https://hvdic.thivien.net/
Khi mình nói đến vấn đề này với một người bạn, cậu ấy bảo: "Kẻ sĩ thì không cần tung hô". Sự tung hô ở đây được nhắc đến với thái độ khá mỉa mai. 
Tung hô ở đây là tiền đề cho những áp lực không đáng có từ dư luận mà các y bác sĩ đang phải đối mặt - @han.fearless
Kiểu như là đến ngày 27/2 thì chúng ta hô hào rằng "Thầy thuốc là nghề cao quý nhất", đến ngày 20/11 thì lại xuýt xoa "Ôi những người làm nghề giáo thật là đáng quý". Và những ngày còn lại thì chủ yếu là các tin bóc phốt những người làm hai nghề này. Nếu không phải bóc phốt thì là hành hung. 
Kiểu như là càng khen thì càng bị ăn đánh, bóc phốt và càng nhiều áp lực dư luận.

Đọc thêm:

À nếu bạn định bảo "thế những tin tích cực thì sao?" . Thì dĩ nhiên là vẫn có.
Nhưng nếu bạn searh từ khóa "bác sĩ bị hành hung" thì có đến tận 73 triệu kết quả trên Google. Còn với từ khóa "biểu dương bác sĩ" thì chỉ có 53 triệu kết quả. Điều đó chứng tỏ: Sau khi khen ngợi bác sĩ đến tận giời, thì người ta vẫn đánh bác sĩ nhiều hơn. Hoặc là người ta quan tâm đến việc bác sĩ bị đánh nhiều hơn. 
Có một câu chuyện nhỏ thế này: Mình quen một anh bác sĩ hồi sức cấp cứu làm ở viện X trong Sài Gòn. Thi thoảng khoa tiếp nhận vài ca bệnh nặng hoặc thấy số lượng người thân "hộ tống" người bệnh đông và hung hãn, việc đầu tiên anh ấy làm là mở cửa hậu của phòng trực cấp cứu để chạy cho kịp trước khi bị đánh, nếu có biến cố gì xảy ra. 
Thế thì việc tung hô nghe chừng không có ý nghĩa lắm nhỉ?
(Làm thế nào để bác sĩ bớt bị đánh lại là một câu chuyện khác mà mình không bàn ở đây các bạn ạ)

Thế không "tung hô" thì là không tôn trọng à?

Có một comment như thế này ở dưới bài post của mình, trước khi mình sửa bài: 
12 năm đèn sách, 4 - 5 năm đại học và giờ bạn nói như vậy? Bạn học cái gì ở trường vậy? Không phải tự nhiên mà bác sĩ và giáo viên là 2 nghề cao quý nhất đâu. Từ hàng nghìn năm nay ở cái văn hóa Á Đông này người ta coi 2 người này luôn là cao quý nhất. 1 người dạy bạn làm người, 1 người cho bạn được tiếp tục làm người. Hay nói cách khác, 2 người thầy này cho bạn được làm người. Không chắc bạn làm con gì đó rồi. Hãy coi bác sĩ là người làm dịch vụ. À thì ai chẳng cần tiền để sống. Vậy các bác sĩ lao vào ổ dịch, họ cần tiền hay cần mạng sống? Thế giới bao nhiêu người chết vì Covid rồi. Họ lao vào ổ dịch không phải vì tiền mà vì để những người khác - như bạn ấy có thể tiếp tục được sống chứ không phải thành ma.

Bác sĩ mà bạn nói vậy thì chắc bộ đội với công an bạn coi như cỏ rác. - BHHN (mình có sửa lại chính tả một tí cho dễ đọc)
Bạn có biết bạn làm trái tim mong manh này vỡ vụn rồi không huhu 😓 Ba mình làm bộ đội, cậu mình làm công an nè huhu 😓
Rõ ràng tung hô với tôn trọng là hai khái niệm khác nhau. Nhưng mình thấy có vẻ nhiều bạn vẫn đang đánh đồng hai khái niệm này khi đọc bài viết cũ của mình.
(Hoặc vì mình viết chưa đâu ra đâu làm các bạn hiểu nhầm, hihi xin lỗi vì đã ăn cắp 2 phút của các bạn)
Chúng mình cùng xem lại khái niệm tôn trọng là gì nhé:
Tôn trọng là sự đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác, thể hiện lối sống văn hóa của mỗi người - Wikipedia
Trong khi tung hô là sự đánh giá quá mức, đề cao quá mức dẫn đến kỳ vọng quá mức và hụt hẫng khi không được thỏa mãn kỳ vọng, thì đó, tôn trọng là mọi thứ được đặt về đúng mực. 
Tôn trọng là bạn coi bác sĩ, y tá, điều dưỡng... đều là nhân viên y tế. Công việc của họ đòi hỏi nhiều trách nhiệm và kỹ thuật hơn, nên họ tốn nhiều thời gian và bỏ nhiều công sức hơn để hành nghề. Trách nhiệm của họ là giúp bạn chữa khỏi bệnh. Nếu không, hai bên ngồi xuống tìm phương án thích hợp. 
Không có sự cầu cạnh nào tồn tại hết. Đôi bên làm việc trên tinh thần tôn trọng.

Câu chuyện của một bác sĩ hồi sức cấp cứu nọ

Có một câu chuyện này, mình muốn kể để các bạn hình dung rõ hơn về việc bác sĩ đang bị tấn công như thế nào khi người ta kỳ vọng quá mức vào những người làm nghề này: 
Trong một đêm trực nọ, bệnh nhân rất đông, anh con trai của ông cụ bị tiêu chảy thấy bố mình chờ đợi đã một lúc lâu mà chưa được đi siêu âm ổ bụng tổng quát (ông cụ đã được cắm đường truyền, xử trí thuốc chống co thắt, bù điện giải từ trước ...vv), thì anh ta vào thẳng phòng giao ban, dùng tay đập bàn, đá vào chân ghế inox, chỉ vào mặt bác sĩ (là mình) đe doạ chửi bới...
Mình thấy rất ngạc nhiên, vì thấy bề ngoài anh này cũng đàng hoàng, gương mặt lại có nét hiền lành, ăn mặc cũng lịch sự, chứ không phải dạng “giang hồ” gì cho cam - tại sao một người “có học” lại có thể cư xử vô văn hoá đến như vậy nhỉ (???!!!) - mình cứ mang một nỗi băn khoăn như vậy trong suốt cả đêm trực...

Đọc thêm:

Đến sáng hôm sau, ông cụ đã ổn định, đã đã được chuyển lên khoa Tiêu Hoá rồi, mình bàn giao xong tua trực mới đi ra ngoài cổng tìm quán cafe làm cốc cho tỉnh ngủ. Bất ngờ mình gặp lại thanh niên chửi bới mình đêm qua cũng... đang ngồi uống cafe ở quán mình hay uống luôn (!!!)
Anh con trai cũng nhận ra mình dù mình không khoác áo blouse, chưa kịp để anh ta phản ứng, mình nhanh chóng sà xuống ngồi ghế bên cạnh, khoác vai hỏi :
- Này chú em, anh hỏi thật nhé, chú làm nghề gì và ở đâu???!!!
Thanh niên thấy mình đon đả hỏi thế thì ngượng ngùng trả lời :
- Dạ em làm nhân viên văn phòng bình thường thôi ạ ...
Mình ôn tổn hỏi tiếp :
- Nhìn chú hiền lành chất phác - rất giống anh (!!!) Anh nghĩ chú chắc không phải dạng “hung đồ” đụng đâu đánh đấy. Nhưng sao hôm qua ở trong bệnh viện chú lại “đá thúng đụng nia” như muốn ăn sống bác sĩ như vậy (???!!!)
Thanh niên nghe mình hỏi vậy thì lộ ra rõ vẻ xấu hổ, bèn ngượng nghịu quẹt tay lau vệt cafe còn vương trên khoé miệng trả lời :
- Anh thông cảm, không biết lý do là tại sao, nhưng cứ vào trong bệnh viện mà gặp chuyện gì không vừa ý là cái “máu điên” trong con người em nó nổi lên (!!!)  Sau mỗi lần như vậy ngẫn lại em cũng thấy là em có phần quá đáng - nhưng không hiểu sao cứ vào trong bệnh viện là em lại cảm thấy thế anh ạ...
Mình ngạc nhiên hỏi lại :
- Thế khi em “bức xúc” ở những nơi khác, ví dụ chờ đợi khi đi làm giấy tờ căn cước, công chứng sổ sách, hay xếp hàng ở siêu thị, tầng hầm gửi xe, hay quán ăn... vv thì em có dễ “nổi điên” hay không (???!!!)
Thanh niên ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời :
- Dạ hoàn toàn không, nếu ở những nơi công cộng mà “điên” lên là dễ bị ăn “vả” vào mồm lắm anh ạ.
Nhưng ở trong bệnh viện thì có “cớ” là người thân đang bệnh tật nên không ai dám làm gì em...
Mình chợt hiểu ra một điều: Vấn nạn hành hung thoá mạ bác sĩ ở đây, không phải lỗi do cá nhân một hay một vài người bệnh cá biệt, mà có thể diễn ra đối với bất cứ ai, ở bất kỳ đâu, sẽ chỉ ngày một tăng lên mà thôi (!!!)
Đó là hậu quả của cả một quá trình lâu dài...
Là sự “Bắt Nạt Kẻ Yếu”.
Từ bao giờ bác sĩ và nhân viên y tế lại trở thành những kẻ yếu đuối đến nỗi - bất cứ ai cũng có thể chà đạp đến như vậy (???!!!)
Phải chăng là minh chứng cho một xã hội đã thối nát đến tận xương tuỷ (???!!!)
Các bạn có thể xem nhiều câu chuyện khác của anh bác sĩ này tại: https://drkitchen.vn/

Thế cuối cùng chúng ta phải làm gì với bác sĩ?

Chúng ta tôn trọng họ, rõ ràng. Chúng ta tôn vinh họ, cũng rõ ràng nốt. Nhưng hãy có chừng mực, để không bên nào phải cầu cạnh bên nào. 
Bác sĩ không vì ỷ y mình đang "làm nghề cao quý nhất" mà làm giá. Bệnh nhân, và xã hội không vì "bác sĩ phải cống hiến vì ông được trọng vọng nhất" mà oán trách, hành hung... hoặc đặt nặng áp lực lên bác sĩ. 
Khi chúng ta coi bác sĩ là một nghề cao cả hơn những nghề khác, tự nhiên cái tiêu chuẩn làm bác sĩ cũng trở nên ngặt nghèo, khắt khe hơn. Kéo theo đấy là sự đòi hỏi hy sinh của người làm nghề bác sĩ, kiểu như là “vì anh ta làm bác sĩ, nên anh ta phải…”. 
Tự nhiên thành ra, bác sĩ phải vui lòng đáp ứng hết yêu cầu của bệnh nhân, của lãnh đạo, của xã hội. Tự nhiên thành ra, khi các bác sĩ làm chúng ta thất vọng, họ trở thành những kẻ đáng bị thóa mạ mà không cần lý do và từ "thánh nhân" thành "kẻ yếu đuối". 
Hiện nay trong xã hội, rất đông người thích chụp cái mũ "cống hiến" lên đầu người khác. Mà đã là "cống hiến" thì, ờ, xem nào, xin đừng có pha vật chất vào khiến nó không còn là "cống hiến" nữa. Trong lịch sử có bao tấm gương ăn rau muống luộc tìm ra vắc xin đó sao. Ở tầm cao hơn, người ta bắt một bộ phận nhỏ đen đủi phải làm á thánh. Tức là ngồi trên bệ cho người ta hâm mộ, và hít hương hoa. [...] Chúng ta hay nói chuyện vĩ mô, chuyện đạo đức. Chúng ta thường bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền khi nói về các nghề trong hệ thống dịch vụ công. - @nemesis
Mình không nghĩ trả nhiều tiền hơn cho bác sĩ là một ý hay để giúp bác sĩ đỡ khổ. Nhưng tôn trọng hơn thì rõ ràng là có vẻ đơn giản hơn. (Tôn trọng với đúng nghĩa của nó, không các bạn lại bắt bẻ mình 🤷).
Rất nhiều bác sĩ ngoài kia vẫn phải cố gắng làm việc chăm chỉ mặc dù thu nhập có thể chưa xứng đáng với yêu cầu của họ. Tuy nhiên có 1 giá trị nhận lại đó là sự tôn trọng của người khác. Theo 1 cách khác, sự tôn trọng này được tích luỹ theo thời gian rồi sẽ đến lúc quay lại sinh ra giá trị đảm bảo các bác sĩ luôn có một cuộc sống đàng hoàng. Làm bác sĩ thì không vội được - từ 1 ng làm ngành y 5 năm - @1nguyenhuuhieu
Cuối cùng thì, mình vẫn giữ nguyên quan điểm: Chúng ta hãy coi người làm y tế đang cung cấp một dịch vụ đặc thù. (Ôi nhưng đừng so sánh bác sĩ với công an, bộ đội, nó là một câu chuyện dài khác bạn ạ)
Và giữ vững tinh thần "mọi nghề nghiệp đều đáng quý" - để đỡ phải cãi lộn rằng nghề nào đáng quý hơn nghề nào rồi đặt áp lực thật nặng cho nghề đó.
Tự thân các bác sĩ họ đều đã có áp lực "lương y", và chương trình đào tạo bác sĩ cũng đã đặt cái áp lực "lương y" đó vào đầu họ, từ những ngày đầu tiên trên giảng đường. 
Nói chung, ko có nghề hèn, chỉ có người hèn - @cqmdh5
Khi đó, người làm nghề y sẽ nhận được những gì họ xứng đáng: tiền bạc, sự tôn trọng cần thiết, quyền được phản kháng khi cần thiết... Còn người bệnh cũng sẽ nhận được chất lượng khám bệnh, tư vấn chữa bệnh... tốt hơn.
---
Bài viết hoàn chỉnh rồi đấy ạ, mệt quá đi mất. 
Cảm ơn sự quan tâm và đóng góp quan điểm của Đồng Nhện. Đặc biệt cảm ơn những người anh em đã phát biểu quan điểm, mà vì lười biếng, nên mình nhặt luôn vào bài, đa tạ đa tạ.