Đứa con của thần mặt trời trên biển
Từng nắm trong tay quyền kiểm soát gần như toàn bộ Thái Bình Dương rộng lớn, Hải quân Đế quốc Nhật Bản là một trong những lực lượng...
Từng nắm trong tay quyền kiểm soát gần như toàn bộ Thái Bình Dương rộng lớn, Hải quân Đế quốc Nhật Bản là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trên thế giới từng tồn tại. Không một đế quốc châu Âu nào có thể nghĩ rằng, quốc đảo nhỏ bé từng đi sau họ hàng trăm năm về công nghệ đóng tàu lại có ngày đe doạ những kẻ sừng sỏ nhất trên biển trong lịch sử : Anh, Pháp, và thậm chí là cả Mỹ.
Đã có những thời điểm, những con tàu treo lá cờ đỏ trắng của một quốc gia châu Á là chuẩn mực để các nước phương Tây học tập. Mỉa mai thay, không lâu trước đó, họ còn cầm tay chỉ việc cho những kĩ sư Nhật Bản đóng những tàu chiến đầu tiên..... và chỉ ít lâu sau, phương Tây bị chính học trò của mình vượt mặt và đe doạ.
Người Nhật thường tự gọi mình là con cháu của nữ thần mặt trời. Và những hải đội huyền thoại của họ, xứng đáng là những đứa con của thần mặt trời trên biển.
Nguy cơ từ ngoài biển khơi
Trước thế kỉ 18, Nhật Bản chưa từng được coi là một cường quốc về hải quân. Họ thất bại trước những chiến hạm hình mai rùa của Triều Tiên, không có khả năng đối đầu 1 chọi 1 với Trung Hoa, lại càng không thể so với phương Tây về kĩ thuật hàng hải và công nghiệp đóng tàu. Điều kiện tự nhiên của Nhật Bản cũng trở thành một chướng ngại lớn cho bất kì kẻ nào muốn vượt biển để xâm lược quốc đảo này, nên người Nhật cho rằng, một lực lượng hải quân hùng manh có lẽ là không cần thiết.
Mạc phủ Tokugawa giữ chính sách Sakoku (phong toả đất nước) và Ninen nashi (giết bất cứ kẻ nước ngoài nào đặt chân tới), đồng thời chỉ giao thương với người Hà Lan cũng với các quốc gia lân cận trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sự lo sợ bị can thiệp đã bắt đầu nhen nhóm khi Trung Quốc thất trận trong Chiến tranh Nha Phiến, và tới năm 1853 thì sự lo sợ này trở thành hiện thực. Bằng sức mạnh đe doạ của bảy chiếc frigate hiện đại lúc bấy giờ, Mỹ đã ép Mạc phủ phải ký hiệp ước giao thương có lợi cho mình, tiếp theo đó là các đế quốc khác. Sử sách Nhật Bản gọi những điều ước này là "điều ước thời Ansei", chúng khiến giới nho sĩ - trí thức Nhật Bản vô cùng bất bình.
Và không còn con đường nào khác, để tránh bị xâu xé giống như Trung Quốc, Nhật Bản buộc phải bước vào giai đoạn để quốc chủ nghĩa, và phát triển một lực lượng quân sự mạnh mẽ để tự bảo vệ chính bản thân mình. Kế hoạch ban đầu của họ là đóng 200 tàu chiến cho 10 hạm đội hùng manh, nhưng chính sách Rikushu Kaijū (lục quân trước, hải quân sau) cùng ngân khố nghèo nàn không cho phép họ thực hiện điều này. Công nghệ của họ cũng không đủ sức tạo ra những con tàu chiến đủ mạnh mẽ.
Cuối cùng, người Nhật quyết định dựa vào Anh Quốc để phát triển lực lượng hải quân cho riêng mình
Những viên gạch nền móng từ xứ sở sương mù. Nước Pháp đến rồi đi.
Xét về vị trí địa lý, Anh Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia khá giống nhau. Hai quốc đảo, bị đe doạ bới tứ phía, cách kẻ địch truyền kiếp chỉ một eo biển, và thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên. Tuy vậy, khác với Nhật Bản, Anh Quốc là kẻ có số má trong lính vực hàng hải. Danh hiệu "đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn" mà Anh có được phần lớn là nhờ vào lực lượng hải quân hùng mạnh của mình, vốn vượt trội so với các quốc gia Tây Phương khác.
Đó hẳn là một tấm gương xứng đáng cho "đế quốc mà mặt trời luôn mọc đầu tiên" của tương lai noi theo :)
Nhật Bản bắt đầu bằng việc gửi các sĩ quan của mình đi học ở Anh - Mỹ, thuê các sĩ quan Anh về huấn luyện, và mua những con tàu chiến hiện đại đầu tiên từ nước Anh. Trong thời gian này, một cuộc chạy đua vũ trang đã diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc, khi mà hai quốc gia này liên tục mua sắm những chiến hạm mạnh mẽ từ phương Tây. Trung Quốc đặt mua hai con tàu bọc thép Đinh Viễn và Trấn Viễn từ Đức, trong khi Nhật Bản chỉ vỏn vẹn mua hai tàu tuần dương bảo vệ Naniwa và chị em của nó, Takachiho. Không thể chiến thắng Trung Quốc với một lực lượng nhỏ bé hơn hẳn so với đối thủ, và cùng với những lo ngại về việc Anh gần gũi với nhà Mãn Thanh, Nhật tìm đến Pháp.
Trong số 48 con tàu chiến được lên kế hoạch đóng hoặc mua sắm, thì có tới 22 chiếc là tàu phóng lôi. Điều này là do ảnh hưởng bởi người Pháp, vốn ưa thích xây dựng một hạm đội với nhiều tàu tuần dương và tàu phóng lôi nhỏ nhẹ nhằm đối đầu với những con tàu to súng lớn. Lực lượng chủ lực của Nhật lúc này, với sự giúp đỡ của Pháp, gồm ba tàu tuần dương bảo vệ lớp Matsushima có lượng choán nước 4.700 tấn, một vài tàu tuần dương cỡ nhỏ hơn, và 16 tàu phóng lôi. Sự hợp tác Nhật - Pháp này chấm dứt sau khi Pháp đánh mất tàu tuần dương Unebi trong quá trình di chuyển tới Nhật, và Nhật quay trở lại với người bạn cũ : người Anh.
Năm 1887, Anh Quốc hạ thuỷ cho Nhật Bản tàu phóng lôi Kotaka, vốn có ảnh hưởng lớn tới thiết kế của tàu khu trục sau này. Tiếp theo đó, Anh lần lượt hạ thuỷ tàu tuần dương Yoshino và Chiyoda cho Nhật Bản. Tới chiến tranh Thanh - Nhật, Nhật đã sở hữu một lực lượng hải quân khá lớn, tuy nhiên vẫn dưới cơ nếu so với hạm đội của nhà Mãn Thanh.
Hải chiến Hoàng Hải và cuộc cách mạng trên biển của người Nhật
Sự can thiệp của Mãn Thanh vào Triều Tiên nhằm quét sạch lực lượng đảo chính thân Nhật không hề làm Nhật Bản hài lòng. Ngày 8 tháng 6 năm 1894, Lục quân Đế quốc Nhật đổ bộ lên Incheon, và hai tháng sau, sau khi không đàm phán hoà giải được, quân Nhật quét sạch Lục quân Bắc Dương của nhà Mãn Thanh ra khỏi Seoul.
Ngày 19 tháng 7, hải quân Nhật thành lập Hạm đội Liên Hợp (Rengoukantai), sẵn sàng cho việc đối đầu với Hạm đội Bắc Dương. Do mối chia rẽ nội bộ vốn có giữa Hạm đội Bắc Dương và Hạm đội Nam Dương, nên hạm đội Bắc Dương gần như sẽ phải chiến đấu cô độc trong cuộc chiến này, cùng với trang thiết bị thiếu thốn, đạn dược hạn chế và khả năng sẵn sàng chiến đấu vô cùng kém cỏi do thiếu kinh phí duy trì, cộng thêm sự vô kỷ luật tới từ binh lính. Lý Hồng Chương muốn trì hoãn trận đánh bắt buộc phải xảy ra này nhằm tái trang bị lại cho hạm đội của mình, nhưng bị triều đình nhà Thanh khước từ. Lời thỉnh cầu khiến ông bị coi là "kẻ hèn nhát", và mệnh lệnh được đưa ra, là bằng mọi giá ngăn chặn hạm đội của Nhật, bảo vệ cho tuyến đường tiếp tế sống còn cho Lục quân Bắc Dương.
9 giờ 30 phút sáng ngày 17 tháng 9, hạm đội Bắc Dương trông thấy kẻ địch của chính mình, và khi khoảng cách giữa hai bên chỉ còn chín dặm, Đinh Nhữ Xương, đô đốc chỉ huy của hạm đội, ra lệnh nổ súng vào hạm đội Nhật Bản.
Tuy có ưu thế lớn về mặt lực lượng, nhưng hạm đội Bắc Dương trong tay Đinh Nhữ Xương chỉ còn là cái xác không hồn. Đạn pháo thậm chí bị rút mất thuốc nổ và được thay thế bằng.... xi măng và mạt cưa, số thực sự có thể bắn được chỉ còn rất ít. Những tấm chắn bằng thép cho dàn pháo hạng hai bị binh lính tháo bỏ để bán lấy tiền hút xách, mọi thứ trên tàu có giá trị đều bị rút ra đem bán sạch; thậm chí có một trường hợp sĩ quan đã đem một cặp pháo hạm 10 inch đi cầm đồ. Lính tráng trên tàu luôn luôn trong tình trạng nghiện ngập, sức khoẻ kém, ít được tác xạ thực hành. Hậu quả là hạm đội Bắc Dương khai hoả trước nhưng hầu như không gãi ngứa được cho hạm đội của Nhật Bản.
Trong khi đó, với pháo chính xác hơn, đạn dược nhiều hơn, và kíp pháo thủ tốt hơn, Nhật Bản liên tục giáng trả những đòn đau cho phía hạm đội nhà Mãn Thanh. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, chiến thuật cắt chữ T được đưa ra sử dụng trong một trận hải chiến bằng pháo hạm hiện đại : hải đội tuần dương tốc độ cao của Nhật sử dụng tốc độ cao cắt qua mặt hạm đội Bắc Dương, đánh tạt vào sườn kẻ địch, xé lẻ đội hình địch, ép đối thủ phải giao tranh ở tầm gần - nơi mà những khẩu pháo 6 inch (152mm) có tốc độ bắn cao hơn là một lợi thế rất lớn. Cùng lúc đó, hải đội chính với kì hạm Matsushima cắt ngang mặt hạm đội Bắc Dương và xả toàn bộ pháo qua một bên mạn tàu nhằm lấy ưu thế về số lượng đè bẹp kẻ địch. Cuối cùng, cả hai chiến hạm bọc thép của nhà Thanh đều hết đạn dược và hư hỏng nặng. 5 tàu tuần dương của nhà Thanh chìm dưới đáy Hoàng Hải, 3 tàu hư hỏng nặng, trong khi đó phía Nhật chỉ hư hỏng 6 tàu. Một vài chiếc trong số đó trúng nhiều phát đạn pháo nhưng không nổ, do bên trong không hề có thuốc nổ.
Kết quả đã quá rõ ràng. Cùng với chiến sự trên bộ, trận Uy Hải Vệ và việc Nhật Bản đổ bộ lên Đài Loan, Mãn Thanh chính thức thua cuộc trong cuộc chiến tranh cuối cùng nhằm tranh giành ảnh hưởng với Nhật Bản
Sau trận đánh trên biển Hoàng Hải, Nhật Bản nghiễm nhiên trở thành một thế lực hải quân lớn mạnh trong khu vực. Nhưng họ còn một thế lực lớn cần phải vượt qua trước khi xưng hùng bá ở Đông Á. Đó là Đế quốc Nga.
[Kỳ sau : Hải chiến Tsushima và huyền thoại hải quân Nhật Bản, Mikasa]
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất