“Dù có chuyện gì, mình vẫn thương nhau” và vài câu chuyện nho nhỏ về chuyện mất con
"Phải buông tay con và không giữ được con bên mẹ là điều quá sức chịu đựng với mẹ - Hà vẫn thầm nói với Nam, con trai đã mất của chị...
"Phải buông tay con và không giữ được con bên mẹ là điều quá sức chịu đựng với mẹ - Hà vẫn thầm nói với Nam, con trai đã mất của chị - Nỗi đau này thực sự không thể và không bao giờ nguôi ngoai"."Khi vợ hay chồng bạn chết, bạn là người góa. Khi bố mẹ bạn chết, bạn trở thành mồ côi. Nhưng không có từ nào cho bạn khi con bạn chết - Ann G. Smolen quan sát.
Đây là đoạn trích từ bài viết đầu tiên về hành trình cận tử của tác giả Đặng Hoàng Giang, đăng trên báo Tuổi Trẻ cách đây 4 năm trước. Thời điểm đọc về nó, tôi còn là sinh viên năm 2, chưa nếm trải mùi bệnh viện. Mọi cảm giác ùa về lúc ấy chỉ là cái chậc lưỡi và cảm giác đau nhói trong tim không thể tả được khi nhân vật Nam - cậu bé 8 tuổi mắc bệnh ung thư nói câu “Mẹ ơi con tạm biệt mẹ”, cũng như hành trình tìm kiếm bản thân và ý nghĩa mới cuộc đời của chị Hà - mẹ Nam.
Tôi biết về cái chết lần đầu lúc năm tuổi. Không phải bản thân trải qua điều đó, sau này qua lời mọi người trong nhà thuật lại chính con bé năm tuổi lúc ấy phát hiện biểu hiện bất thường của người thân đó và báo mọi người. Cảm giác ai đó nói “Sắp chết rồi” với giọng hơi đứt quãng và gần dứt là thứ thi thoảng vẫn ám ảnh tôi đến giờ. Sau đó, lên lớp 8 và giai đoạn chuyển cấp, tôi có dịp dự thêm vài đám tang người thân của bạn bè, họ hàng khác nhau. Thực sự cũng chưa thấm nhiều về nỗi đau của người khác, nhưng tôi học được bài học: việc gọi cho người thân của người đã mất để an ủi những câu đại loại như “Mọi việc sẽ ổn thôi”, “Mạnh mẽ lên”, “Ba/mẹ/em/… sẽ phù hộ cho chị/bạn” ở thời điểm sau tang gia vài ngày là một điều không hề hay ho chút nào. Người dạy bài học này chính là bố tôi, người mất anh trai vào thời điểm rớt đại học và một người chị. Bố nói vầy, “Con chưa mất người thân nào thực sự, nên không đứng ở vị trí của chị ấy (chị họ tôi thời điểm ấy mất mẹ) để nói ra câu này. Bố đã từng trải qua cảm giác này nên mới biết cách trò chuyện với chị.”
Năm 4 lúc đi Nhi, tôi mới hiểu được điều đó. Vì khi trải qua cảm giác đau đớn tột cùng, con người không thể nói lên lời về nỗi đau của mình được.
Đọc thêm:
Không biết vì sự sắp xếp ngẫu nhiên đáng yêu nào đó, lần nào tôi đi Nhi cũng rơi vào trước Giáng sinh và kéo dài đến hết Tết tây. Ấn tượng của tôi về Nhi đồng 2 là kiến trúc bệnh viện rất đẹp, do đây từng là nhà thương của Pháp, có hàng me xanh mát chạy dài khắp các khoa để sinh viên sống ảo và hai khu vui chơi đầy sắc màu (tôi đã từng lén chơi vài hôm lúc không có ai). Bọn nhỏ thấy sinh viên mặc áo blouse cầu vai xanh thì mặt đứa nào đứa nấy cũng lạ lẫm lắm, có đứa thì thốt lên “Bác sĩ, bác sĩ” vào ngày đầu tiên tôi ở bệnh viện, có đứa thì chạy đến chơi với anh chị không ngại ngùng chút nào.
Ở với tụi con nít, tôi mới thấy bọn nhóc này có một sự lạc quan mãnh liệt. Mới bị chích thuốc, đâm kim truyền dịch đau thấu tận mây xanh, vậy mà một lúc sau vẫn cười toe toét. Có những đứa bệnh quá nặng phải theo dõi dài ngày, truyền thuốc cả chục ngày chứ không ít, vậy mà cỡ nào tụi nó cũng quậy cũng chơi tới bến. Với những đứa này, thứ cứu cánh và khiến chúng vui là iPad và smartphone. Bản thân người lớn đây còn phải công nhận sự vi diệu của ánh sáng xanh khiến mình luôn phải tỉnh giấc dù mắt mũi đã gần lim dim hết rồi.
“Đứa nhỏ nó còn vui, coi iPad còn thích thú là nó còn khoẻ. Còn nó mà đến mấy thứ đó không thèm coi là mình khám biết là mệt với nó rồi đó.” - bố tôi, người từng là bác sĩ Nhi, nói khi tôi thắc mắc về điều này.
Quả đúng thật. Ở nơi đây, những dãy nhà mới được xây dựng giường chen chúc, bệnh nhi nằm chung với cha mẹ họ hàng của nó, mình vô muốn ngộp thở mệt mỏi huống chi. Mùi cháo xay lẫn mùi sữa và mùi ói trớ của đứa nhỏ khiến không khí càng ngột ngạt, mệt mỏi hơn. Mọi bước đi lại thấy người nhà trải chiếu, lắp màn, bày đồ chơi trước cửa phòng nhằm tránh cái nóng và ngộp thở của nơi đây. Trước khi đi Nhi, tôi đã quá ám ảnh với bầu không khí chen chúc này của bệnh viện Ung Bướu, trên giường dưới gầm đều kín mít bệnh nhi và người nhà. Bởi vậy tôi nể cả hai lắm, đặc biệt khi có đoàn từ thiện đến thăm càng khiến mấy nơi này ám đầy hơi người nóng nực nữa.
Bởi vậy, có một bé khoá dưới từng nói mình đi Nhi vui lắm, có con nít ẵm bồng chơi tinh thần khá hơn. Mình chỉ cười cười hỏi lại thế em có bao giờ thấy bệnh nhi chết chưa, hay người nhà cố gắng bấu víu từng ngày cầu đứa nhóc đó tồn tại chưa, thấy đứa nào sợ chết vì bạn bè cùng nằm chung phòng “đi” hết sạch chưa. Những cảnh tượng đó sẽ kéo bạn về với thực tại khắc nghiệt của sự bất lực và vô vọng bám víu vào sống còn của đứa trẻ.
Hiện thực phũ phàng khi đi thực tập tuần đầu tiên ở khoa Thận kéo tôi cực gần về sự khắc nghiệt của cuộc sống. Khoa này lúc nào cũng đông vui, chật kín mít, nóng nực vì đâu đâu cũng thấy bệnh nhi và người lớn. Tuỳ bệnh, có những đứa bệnh điều trị tốt thì về sớm, nhưng có những đứa thận bị hư hết thì phải ở lại dài ngày. Bệnh càng nặng thì cuốn hồ sơ bệnh án dày như cuốn tiểu thuyết. Nhóc nào má cũng phính, tay chân bụ bẫm do tác dụng phụ của truyền thuốc, trên tay lúc nào cũng có băng trắng và ống kim luồn để truyền thuốc.
Với một đứa trẻ, nhận được chẩn đoán bệnh thận Lupus hay các bệnh thận nặng khác là một án tử treo với nó rồi. Bạn tưởng tượng một ngày đẹp trời thấy mặt và mi mắt sưng tù vù, tiểu không nhiều và màu sắc nước tiểu có gì kỳ kỳ thì đến lúc vào viện rồi đó. Chẩn đoán rồi sinh thiết ra kết quả xấu thì xác định thành khách trọ quen thuộc của bệnh viện luôn. Tưởng tượng đi, một đứa trẻ ở độ tuổi ham chơi, thích đi học một ngày nào đó vì bệnh phải nghỉ học hết tất cả, rời xa thầy cô bạn bè thân thiết để ngày ngày sáng bước ra cho bác sĩ khám, rồi truyền thuốc chờ làm thủ thuật, suốt ngày quẩn quanh trong viện với câu trả lời không có hồi đáp: Rồi khi nào về nhà chơi? nó kiệt quệ thế nào.
Hôm thứ năm, không phải tua trực nhưng tôi cũng đi ké vừa kiếm bệnh án làm nộp, nhận bệnh mới theo chỉ tiêu, và cũng muốn trải qua cảm giác đi trực đêm ở bệnh viện Nhi thế nào. Mọi thứ tưởng chừng xong chuẩn bị về thì nghe tiếng khóc gào lên như tiếng cười lớn vọng từ ngoài cửa phòng bệnh nặng. Quay lại thì thấy bé gái 8 tuổi đang gào thét vì đau khi đặt thông tiểu. Chưa kịp chạy ra xem hồ sơ của bệnh nhân khác thì điều dưỡng kêu tôi giữ thẳng người cho bé ấy để thở oxy. Cô bé bị bệnh thận Lupus, thận đã hư hết. Giữ người cho bé và động viên "Ráng lên con", nói người nhà cầm điện thoại cho bé xem Doraemon, tôi kỳ vọng rằng qua cơn khó thở này mọi thứ sẽ bình thường trở lại. Cho đến khi con bé không thể nhìn nổi vào màn hình nữa, liên tục nói "Con mệt, con mệt" bất kể mình có động viên, thì băng ca được chuẩn bị để đưa vào phòng Hồi sức.
10g đêm, một tay đẩy băng ca, một tay ra hiệu, tôi chạy thật nhanh kêu những bệnh nhân khác trên đường dọn lối càng gọn càng tốt để đẩy thật nhanh bé vào phòng Hồi sức. Nằm trên giường thở mệt, trên tay cô bé vẫn cầm con búp bê bố mới mua cho. Tôi nhẹ nhàng rút con búp bê ra, ekip bảo rằng hết mệt rồi sẽ được chơi nha con. Đứa bé gồng lên, giãy người liên hồi. Tôi được kêu ra ngoài, bần thần lúc lâu khi thấy nhớ lại cảnh tượng ekip đặt nội khí quản nhưng máu chảy ra. Người nhà bệnh nhân thực tâm không muốn hợp tác với bác sĩ, nhưng tôi đi ra họ lại cảm ơn ríu rít. Chị bác sĩ lúc nãy ngồi thở dài vì nghĩ rằng sớm muộn gì em cũng đi. Tôi cũng không biết phải lúc nãy mình cười với người nhà vì điều gì, họ có đứng vững khi nghe tin lỡ chừng con mình không qua khỏi không. Kết khoa Thận, tôi không dám quay lại để hỏi số phận của bé gái mình đưa đi đêm đó ra sao. Tôi sợ, sợ vì nhớ lại lúc người cha gật đầu cảm ơn khi mình trả lời về con gái họ. Kể cả khi họ đã không còn ngồi đó, nhưng tôi vẫn sợ. Sợ khi tưởng tượng cả gia đình khóc thảm thiết và tuyệt vọng ra sao khi con họ mất. Ở khoa Tiêu hóa ngày nọ, một người cha lau người cho đứa con gái bị bại não, đến 13 tuổi vẫn phải mang tã. Ở khoa Hô hấp, có những người mẹ người cha phải khổ sở thế nào khi cho con quấy khóc lúc hít bình định liều, và cả người mẹ cõng đứa con 8 tuổi chậm phát triển trí tuệ. Ở khoa Thần kinh là những người cha người mẹ giữ con mình lại khi con lên cơn co giật trong không khí nóng ngộp của cả khoa. Lúc đó tôi thắc mắc sao họ có thể có niềm tin vào sự sống của con mình mãnh liệt đến vậy, kể cả khi người trong ngành biết rằng nó sống được ngày nào hay ngày đó?
Thực sự chỉ đến khi có trải nghiệm đầu tiên này, tôi mới hiểu cảm giác biết mình sẽ mất đứa con nó khó nhường nào. Làm sao có thể đứng lên được khi con bạn bữa trước còn chơi còn cười, nhưng ngày sau đột ngột chuyển nặng rồi qua đời? Cái câu “Mạnh mẽ lên, rồi sẽ vượt qua mà” chẳng khác gì đồ bỏ. Cứ đi vô bệnh viện Sản theo dõi bà bầu đi khám thai rồi sinh đi thì mới hiểu hết cái công sức người ta bỏ ra cho một đứa trẻ nó lớn chừng nào. Mọi tình yêu, giọt máu và tâm huyết đều nằm ở đó rồi đột ngột biến mất. Nó có tội tình gì mà phải đi?
Khi tôi viết đoạn kể về đêm trực ấy đăng trong một group, có một người mẹ cảm ơn tôi đã viết về nó. Con chị từ lúc mới sinh đã phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Nhi Trung Ương. Chồng chị túc trực bên con suốt đêm, cảm thấy “tiếng trẻ con khóc váng đầu và ám ảnh”, chỉ riêng con chị không khóc do không có đủ sức để khóc. Con chị bị bệnh ở não nặng lắm phải mổ, và chị chỉ cầm hy vọng mọi thứ sẽ qua. Đứa trẻ cùng phòng với con chị ói ra máu đen, rồi ngày sau không còn ở trong phòng. Không biết bé ra sao, nhưng chị “không nỡ hỏi thêm về bé”.
Năm 6, giao thừa Tết Tây.
Năm ngày sau đó, tôi mới đủ khả năng dồn hết sức lực để viết bài cho phim Soul. Sáng 1/1, bệnh nhi mà tôi cùng các anh chị bác sĩ ấn tim bóp bóng mất khi mới 7 tháng tuổi. Trong căn phòng trắng của khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, không khí lạnh hơn bao giờ hết.
Đứa bé tím ngắt, hai chân trắng bệch, đồng tử giãn to nằm bất động không khác gì con búp bê. Chị bác sĩ bảo tôi ngừng bóp bóng vì bé có thể đã mất trước khi đến viện, chờ kết quả giải phẫu bệnh để kết luận. Ngay sau đó mẹ bé được vào phòng trước. Bà đứng im một lúc lâu, sau đó khóc nấc lên ôm đứa nhỏ.
“Con tôi chết rồi. Con tôi chết rồi trời ơi”
Người cha cũng chạy vào phòng thất thanh thảm thiết, trước khi có bác sĩ kêu ông đừng làm ồn trong khoa cấp cứu. Người mẹ mang một bộ đồ vàng có hình trái dâu mặc cho đứa con xấu số, ngồi ôm nó một lúc lâu, kể cả khi tôi rời đi bà vẫn ngồi đó. Ở một góc khác tại không gian đó, ở chiếc lồng kính có đứa bé trai đang khóc nhập viện do suy hô hấp, mẹ nó đứng đó hỏi han bác sĩ và nhận được lời giải thích khá khả quan.
Thời điểm nhìn người mẹ ôm đứa con, tôi ước mình có thể quay lại thời gian chỉ để vỗ vai bà. Chứng kiến con của một người khác sống và sẽ ra viện vui chơi bình thường là điều đau khổ nhất vào cái ngày đáng ra ai cũng vui chơi. Nhưng tôi không làm điều đó. Tôi chạy về nhà, kể bố mẹ, xong bố mẹ cũng xót thương cho người phụ nữ và đứa trẻ xấu số ấy. Ngủ thiếp đi, mãi đến 2h chiều mới có dũng sức để ăn. Muốn khóc mà không khóc được. Sau đó bần thần suốt một ngày.
Bởi vậy đợt vừa qua có một chị bác sĩ, trên tôi hai khoá đang làm ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 mắc PTSD mấy lần vì không cứu nổi đứa trẻ trên tay mình, tôi đồng cảm. Chị viết trên Facebook lần đầu mình đã từng khóc, cứng người và mắc PTSD (rối loạn sau sang chấn), rồi không thể bước đến phòng gym hay làm việc gì vui vui trong ngày. Tôi hiểu, vì chính mình trải qua chuyện đó rồi.
Không biết rằng sau chuyện này, hai vợ chồng họ có thể ngồi nói chuyện với nhau bình thường và tiếp tục đi về phía trước không. Nhưng để qua được điều đó, họ phải trải qua những bước ì rất rất dài trước khi có bàn đạp để bước tiếp. Vì đứng ở đó, cách họ trải qua cung bậc cảm xúc vô cùng khác nhau. Người bất lực muốn gào lên còn người chỉ lẳng lặng khóc nấc. Ở trường hợp cô bé mắc bệnh Thận Lupus tôi kể trên, mẹ cô bé đang đi làm xa. Không biết họ sẽ thế nào. Sau khi lo tang gia cho đứa nhỏ, liệu cả hai có thể nhìn mặt nhau và cùng bước tiếp những chặng đường khác không.
Văn hoá người Á Đông rất ngại thể hiện cảm xúc và tình cảm, nên với những nỗi đau thế này, thật khó để lộ ra. Họ chỉ biết giấu trong lòng, lao vào những cơn trầm cảm, nhiều lúc cố gắng để bước khỏi cái hố đen đó nhưng lại rơi vào chỗ cũ.
Hy vọng số phận sẽ mỉm cười, có thể cho họ một đứa trẻ khác để họ có niềm vui mới. Nhưng cũng không biết được, nỗi đau vẫn sẽ hằn đó. Rất nhiều lần chất vấn tại sao mọi thứ lại bất công như vậy, kiếp trước có phải gánh chịu nghiệp quả không mà nó ra đi sớm nỗi này, phải chi tui đưa nó vô viện sớm, phải chi tui phát hiện dấu hiệu sớm của nó, phải chi tui cứu được hay đỡ nó ngay lúc đó….
Phải chi….
“Sau khi nó mất, ổng không nói chuyện với tui suốt mấy tháng trời, đến khi có đứa thứ hai này.”
Câu chuyện này tôi nghe trên chuyến xe ngồi chung với những bạn học thời đại học của mẹ, lúc đang chờ kết quả thi đại học lần hai.
Cô và chú yêu nhau từ thời đại học, ra trường rồi lấy nhau. Mẹ bảo cô bạn cùng lớp này mỗi ngày đổi ava Facebook một tấm, lúc nào cũng up hình lên từ những sinh hoạt nhỏ nhất. Tôi cười, chỉ nói rằng do người ta ở nhà suốt cũng không có gì làm nên phải vậy thôi.
Cho đến cuộc họp lớp đại học của mẹ, nghe cô kể về việc con gái đầu bị bệnh đột ngột gục mất tại nhà mới hiểu được để có niềm vui bây giờ với đứa con thứ hai khó đến mức nào. Một thời gian dài, khi nhắc về chồng cô với mẹ, tôi bức xúc vì sao chú có thể xa cách như vậy, trong khi đáng ra đây là lúc hai người cần nhau.
“Bởi vì thực ra người ta cũng không hiểu tại sao chuyện này xảy ra nên mới không nói với nhau được đấy con. Chú cũng bất lực và có nỗi khổ riêng, có thể rơi vào trầm cảm nên không nói gì được đó.”
Tôi sẽ kể cho bạn nghe lý do viết bài này. Đây là ý tưởng được ấp ủ từ lâu nhưng chưa có dịp, chỉ đợi đến lúc này mới kể.
Năm nay, “If anything happens I love you” đạt giải Oscar cho phim ngắn hoạt hình xuất sắc nhất. Do phim của Netflix, và cũng ít khi xem phim nên coi bản lậu vậy.
Bộ phim kể về hành trình hàn gắn của hai vợ chồng sau khi đứa con gái mất vì vụ xả súng ở trường học.
“If anything happens I love you” là dòng tin nhắn cuối cùng của đứa con gái xấu số gửi cho cha mẹ mình ở trường tiểu học. Nhưng mãi không lời hồi đáp. Bản dịch tiếng Việt ghi là “Dù có chuyện gì xảy ra con vẫn yêu bố mẹ”. Tuy nhiên, chỉ khi xem hết bộ phim mới hiểu thông điệp: Dù có chuyện gì, mình vẫn thương nhau. Bởi vì đây là câu chuyện của những người cha mẹ mất con, hành trình vượt qua bóng đen của trầm cảm qua kết nối với kỷ vật của cô con gái, cũng như linh hồn đã mất của đứa trẻ vui tươi này.
Lần đầu khi xem phim, mãi đến cảnh tiếng súng nổ ra, tôi mới rưng rưng nước mắt. Những lần sau thì thời gian càng rút ngắn hơn ở giai đoạn sụt sùi. Trắng đen đổ bóng là tông màu chủ đạo trong suốt bộ phim, chỉ những món đồ hay vết sơn lên bức tường nứt của cô con gái là thứ thực sự có sắc màu. Hình ảnh bóng đen được dựng lên như nỗi đau, ký ức và “phải chi” của hai vợ chồng.
Ở phân cảnh đầu, khi hai người ngồi ăn ở hai đầu bàn, bóng đen hiện lên như một sự trách móc. Bóng đen của người vợ và người chồng tranh nhau to tiếng về cái chết của đứa con gái. Họ kết thúc bữa ăn trong sự im lặng, rồi tách nhau ra. Bằng sự diệu kỳ nào đó, họ thâm nhập vào từng góc ký ức cũ của người con gái - người vợ qua chiếc áo chưa giặt và khăn mùi soa, người cha qua vết sơn xanh đó. Những mảng ký ức kéo họ vào căn phòng từng chứa đầy những ký ức niềm vui đó, từ lúc cô bé chào đời, qua giai điệu nhạc réo rắt từ chiếc đĩa hát.
“I hope that you’re happy with me in your life
I hope that you won’t step away in the night”
(hai câu hát mình nhớ được trong bài hát cô bé yêu thích nhất)
Chỉ đến khi nghe được ca khúc đó, cùng với chiếc áo cũ chưa giặt, họ mới bắt đầu trao nhau cái chạm. Lần đầu tiên sau bao năm cùng nỗi đau không nói lên lời đó, họ mới có thể nhìn nhau và trao nhau một cái mỉm cười. Phim quay lại về những khoảnh khắc cũ trước khi cái ngày định mệnh nó đến. Đó là những phút giây họ tận hưởng sự hạnh phúc, của việc lén nhìn nụ hôn đầu tiên của hai đứa trẻ con.
Mọi thứ thật tự nhiên, cho cái ngày đến trường đó.
“Phải chi mình cản con bé đến trường được thì không ra nông nỗi này?”
Tôi thích cảnh hai bóng đen vợ chồng cố ôm ấp đứa con, nhưng đành bất lực trước sự háo hức của cô bé. Phân đoạn này tôi khóc thật sự khi nhớ về những lúc bố mẹ lo lắng vào những lúc tôi đi chơi xa hay đi trực? Hiểu rằng cha mẹ luôn cố gắng để giữ và che chở đứa con, dù nó có đi xa cách mấy. Nhưng họ không cứu được cô bé.
Bóng đen của cô con gái hiện ra, tinh nghịch và hoá khổng lồ xích hai vợ chồng về lại bên nhau. Trời hết u tối nhường cho mặt trời vàng tươi đang mỉm cười.
Bởi vì sau mất mát ấy, họ vẫn còn có nhau. “If anything happens, I love you”
“Chuyện xảy ra có thế nào đi nữa, em vẫn yêu anh”
“Chuyện xảy ra có thế nào đi nữa, anh vẫn yêu em”
“Chuyện có ra sao nữa, con vẫn yêu và dõi theo bố mẹ.”
Cầu mong cho những người làm cha làm mẹ nuôi nấng con bằng tất cả bình yên.
Vĩnh Anh
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất