Trong quá trình xây dựng nội dung cho video #46 trên kênh youtube HAM HỌC, tôi phát hiện ra một điều khá thú vị. Đó là vai trò của người hòa giải và động cơ thật sự đằng sau nỗ lực hòa giải của họ ĐÔI KHI phức tạp hơn vẻ bề ngoài rất nhiều.
Hãy nghĩ đến tất cả những người mà bạn quen. Hẳn là bạn sẽ nhận ra có 1 (hoặc vài) nhân vật thường xuyên đứng ra hòa giải xung đột của người khác. Họ cũng thường xuất hiện khi ai đó cần sự giúp đỡ hoặc lời khuyên. Một mẫu người luôn sốt sắng, nhiệt tình, hoặc có thể gọi vui là "thổi tù và hàng tổng". Bạn có lẽ nghĩ rằng họ thật tốt bụng, biết quan tâm. Nhưng NHIỀU KHẢ NĂNG là bản thân họ có những vấn đề tâm lý phức tạp. Và hành động giúp đỡ mọi người chính là cách để họ khỏa lấp đi những vấn đề ấy. Thật tình cờ, khoảng vài tuần trước, trong lúc cùng các con ngồi xem hoạt hình Doraemon, tôi lại bắt gặp đúng một tập có nội dung liên quan chặt chẽ đến chủ đề này. Nobita được Doraemon cho mượn bộ đồ siêu nhân giấu mặt. Cu cậu hào hứng mặc nó vào để làm người hùng giải cứu thế giới. Kể từ đó, Nobita hướng cặp mắt đến mọi nơi như một chiêc radar phát hiện tội ác. Mỗi khi phát hiện ra tình huống khả nghi, cu cậu lại gần và ẩn mình quan sát. Nobita chờ đợi "tội ác" xuất hiện để có mặt đúng lúc. Việc này thách thức sự kiên nhẫn đáng kể. Và cu cậu thốt lên một câu thoại kiến tôi phải chú ý:
Sao không hành động nhanh lên chứ!
Ồ! Một siêu nhân lại không mong muốn thế giới được bình yên, không mong muốn mọi người gặp chuyện tốt lành. Thay vào đó, cậu kỳ vọng "tội ác" xảy ra, kỳ vọng rắc rối ập đến mọi người để có cơ hội được làm anh hùng. Hóa ra hành động giúp đỡ không phải xuất phát từ mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho mọi người. Mà nó xuất phát từ mong muốn được thể hiện bản thân, được thấy mình quan trọng và có giá trị.
Tam giác Karpman về xung đột và vai trò của mỗi thành viên trong đó
Thật thú vị, vì lý thuyết về Tam giác Karpman cũng có kết luận tương tự. Rất nhiều người đứng ra hòa giải các xung đột, giúp đỡ người khác, hoặc xuất hiện đúng lúc để cho lời khuyên là bởi bên trong họ có một thôi thúc mãnh liệt được thể hiện bản thân, được cảm thấy mình quan trọng và có giá trị.
Họ không thật sự mong xung đột chấm dứt hoặc người trong cuộc thoát khỏi rắc rối. Bởi nếu vậy, họ không còn cơ hội thỏa mãn nỗi khát khao kia. Cũng vì lý do đấy cho nên sự xuất hiện của họ thường sẽ khiến mọi chuyện trở nên xấu đi, hoặc chí ít thì không mang lại bất cứ tác dụng tích cực nào.
Nếu là một cuộc cãi vã, họ, trong vai trò người hòa giải, thường sẽ đứng về 1 trong 2 phe để chỉ trích phe còn lại. Họ khiến một người có thêm lý do để đổ lỗi cho đối phương, còn người kia thì thêm tức giận. Nếu là tình huống ai đó cần xin lời khuyên thì lời khuyên của họ thường vô dụng, dựa trên vốn hiểu biết hạn hẹp cộng thêm chút tưởng tượng. Nó chỉ khiến người trong cuộc càng thêm bối rối thay vì giúp mọi chuyện trở nên sáng tỏ.
Bản thân họ có đầy rẫy vấn đề. Họ không nhận thức được giá trị bản thân. Họ cần sự thừa nhận của xã hội để thấy con người mình có giá trị. Và hẳn nhiên là bạn sẽ bị phản đối gay gắt nếu dám gặp họ để nói thẳng những điều này ra. Bởi họ rất yếu đuối. Họ sẽ làm mọi cách để trốn tránh cảm giác rằng bản thân đang có những vấn đề trong tâm lý. Họ không đủ mạnh mẽ để đối diện với thực tế này nên sẽ tìm mọi cách để chối bỏ. Đây không phải là cuộc chiến giữa đúng và sai, giữa hiện thực và ảo tưởng, mà là cuộc chiến tự vệ của họ trước một vấn đề mà họ không đủ bản lĩnh để thừa nhận.
Đọc đến đây, tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều đã có những suy nghĩ cho riêng bản thân. Có thể bạn thấy bản thân trong đó. Có thể bạn thấy người quen trong đó. Bất kể là thế nào thì vẫn nên thận trọng với hành vi của người khác và của chính mình. Rất có thể việc tốt mà bạn làm cho người khác hoặc người khác làm cho bạn xuất phát từ một động cơ không lành mạnh và chỉ khiến cho mọi việc thêm rắc rối.
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!