Sáng chủ nhật, tôi có nhiều việc phải làm sau khi ngủ nướng. Quan trọng nhất vẫn là dọn dẹp bàn học.
Dọn bàn học là một công việc vừa khó vừa dễ. Nó sẽ dễ nếu so với những việc to tát hơn, phức tạp hơn của đời người như dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, xây nhà, mua ô tô,... Dĩ nhiên rồi!
Nó lại khó ở chỗ phải loay hoay quyết định việc giữ lại đồ vật nào, sắp xếp chúng ra sao cho hợp lý.
Nâng lên rồi lại hạ xuống. Mọi chuyện trở lên phức tạp dần:
“Liệu có nên vứt đống phao thi vừa thi hôm thứ 7? Nhỡ không qua môn mà phải thi lại thì sao nhỉ? Liệu có nên vứt tấm ảnh kỷ yếu này vào sót rác? Có đứa nào hỏi han đâu cơ chứ! Đống note học từ mới tiếng anh dán trên tường mấy tháng kia liệu có nên quẳng đi cho khuất mắt? Tập sách mới mượn ở thư viện về tháng trước đã bám bụi mà chưa đọc chữ nào có nên đem trả? Cây guitar dựa gần bàn không đánh nữa có nên cất đi?....”
Mười vạn câu hỏi vì sao đang quay mòng mòng vào một buổi sáng rảnh rỗi hiếm hoi của thằng sinh viên.
Sẽ không quá lời khi nói dọn bàn học là một công việc yêu cầu sự dũng cảm cao. So với việc giữ lại một điều gì đó, thì việc vứt nó đi khó khăn hơn rất nhiều.
Mối quan hệ giữa người với người cũng như vậy. Giữ lại mối quan hệ thì dễ, nhưng bỏ nó đi thì lại khó khăn biết nhường nào...
Dọn bàn học vốn không dành cho những tay cục súc không hiểu ý nghĩa của nó. Người ta nói “ Cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc”. Thật khó để chỉ ra cho người ta thấy sự biện chứng thần kỳ giữa độ gọn gàng của cái bàn và độ ngăn nắp của cuộc đời con người đó.
Người ta cứ hay than phiền họ bị khủng hoảng, mọi thứ cứ rối tung lên, đan xen hết vào nhau, nhưng họ có bao giờ thử dọn dẹp lại cái chỗ cung cấp cho họ cánh cửa tiến vào thế giới này: bàn học.
8/6/2019 An Phạm