Dọc đường khu công nghiệp cao Hòa Lạc, trên những tấm tôn bọc lại những khu đất đang xây dựng, liên tục hiện chữ “Quế Đất”. Đây chỉ là một trong số vô vàn những chữ Quế Đất được viết nguệch ngoạc lên những tôn trải dài từ Bắc vào Nam. Vậy, Quế Đất là ai hay cái gì? Hoặc, thậm chí việc đặt những câu hỏi đó có là cần thiết hay không?
Tôi được biết đến huyền thoại Quế Đất từ một người bạn cũ. Cô học chuyên ngành lịch sử design tại một trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Khi về Việt Nam, với con mắt của một giám tuyển trong quá trình thành hình, cô nói vui, Quế Đất là một trong những “dự án nghệ thuật” đáng chú ý nhất hiện nay. “À, và Travis Scott cũng thú vị nữa”, cô bâng quơ nói.
Khi tìm kiếm “Quế Đất” trên Google, tôi dễ dàng tìm thấy những bàn luận tương đối sôi nổi về chủ đề này. Với điểm chung là những từ “Quế Đất” viết tay trên những tấm tôn khắp đất nước, cụm từ này tạo nên một sức hấp dẫn bí ẩn với những người tò mò. Trên đây là một vài lý giải từ “cụ Gúc”:
Có người nói, Quế Đất là tên một cò đất ở Hải Phòng. Trong thời gian Hải Phòng thi công tuyến đường World Bank, nhà thầu xây dựng đã sử dụng rất nhiều tấm tôn để che chắn. Người này đã lấy sơn để viết tên mình lên đó cùng số điện thoại liên hệ. Sau này, khi công trình hoàn thành, những tấm tôn có đề Quế đất này bị tháo dỡ, vận chuyển tới các công trình khác. Vì vậy, cụm từ này được phát tán đi khắp các tỉnh thành. Đây cũng chính là nguồn gốc dẫn tới sự xuất hiện của từ Quế đất dọc tuyến đường.
Một người khác cho rằng, đây là một người tên Quế bao thầu tôn quây cho các công trình nhà nước và cố tình viết hoa chữ Q như khẳng định tôn này của họ.
Có người lại nói, quế thì thơm, quế đất là đất thơm, ý là miếng đất tốt, có thể đầu tư.
Những lý giải này xét qua thì luôn có một sự bất hợp lý của nó. Ví dụ, nếu Quế Đất là tên cò đất, thì số điện thoại của anh ta đâu? Trong mọi tấm tôn được ghi hình, chữ Quế Đất đi riêng, trơ trọi. Tương tự với giả thuyết về ông chủ tấm tôn. 
Nhưng tôi lại quan tâm đến góc nhìn gợi mở của người bạn cũ kia hơn: Quế Đất như một… tác phẩm nghệ thuật? Có thể chứ!
-----
BNE, Banksy và Quế Đất
Dù vô tình hay cố ý, Quế Đất hoàn toàn có thể là một tác phẩm nghệ thuật.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, một người tự xưng là nghệ sĩ chưa chắc đã tạo ra được cái gọi là “nghệ thuật”. Nếu tôi vẽ nhăng vẽ cuội lên giấy A4, chắc chắn không ai coi đó là nghệ thuật. Nhưng, điều ngược lại cũng đúng, rằng đôi khi nghệ thuật được tạo ra không phụ thuộc ở chủ ý người “nghệ sĩ”. Kant, người vô tình “tiếp tay” cho nghệ thuật trừu tượng đương đại (mà ông sẽ chẳng thích), nói đúng, phán đoán về thẩm mỹ là phán đoán của thị hiếu, không phải phán đoán về nhận thức. Không có khoa học về cái đẹp, chỉ có phán đoán về cái đẹp.
Và nếu chúng ta bàn cãi về “vẻ đẹp” hay “chỗ nào đẹp” của một thứ như Quế Đất, thì đây cũng không phải là tác phẩm duy nhất thuộc trường phái này. BNE WAS HERE là một ví dụ tiêu biểu.
BNE WAS HERE là tập hợp những tấm đề can dán khắp tại những thành phố trên thế giới. Nghệ sĩ này được phỏng đoán là xuất thân từ New York, nhưng chưa bao giờ thật sự lộ mặt. Những tấm decal là tác phẩm duy nhất của anh/cô ta, và ngược ngạo thay, cũng là bằng chứng duy nhất cho sự tồn tại của một nghệ sĩ tên “BNE” và BNE đã ở đây. Ngay tại Hà Nội, bạn có thể tìm thấy những tấm decal có chữ BNE trên những bốt điện đoạn giao cắt Hàng Gai – Lương Văn Can, khuất lấp dần dần bởi những tấm decal khác.
Cái hay của BNE là gì? Khác với những nghệ thuật đường phố rẻ tiền đặt đi đặt lại một câu hỏi về chủ thể nghệ sĩ của Banksy, BNE đồng thời là tác phẩm và là nghệ sĩ. BNE không đặt câu hỏi về nhân dạng, trong khi những thứ có giá trị của Banksy nhiều phần đến từ nhân dạng cố tình bị che kiểu “nứa kín nửa hở” của anh ta.
Đặc biệt ở chỗ, với chất liệu nghệ thuật của mình, decal dán, BNE tạo ra những “bản sao” của chính tác phẩm: Ai cũng có thể là BNE, chỉ cần họ muốn. Ngược lại với Banksy, tính nghệ thuật của BNE nằm ở sự thiếu danh tính, chứ không phải sự có danh tính.
Tương tự, về mặt nội dung, BNE phá vỡ không gian công cộng. Nó vô nghĩa và không đóng góp gì cho môi trường xung quanh nó, mà đôi khi còn cố tình phá vỡ cảnh quan đô thị. Banksy, một lần nữa, rẻ tiền và luôn răm rắp phụ thuộc vào chất nền đô thị cùng với những diễn ngôn phản văn hóa nông choẹt đã không làm được điều này. Banksy hóa ra chỉ là một phần cá nhân hóa, Thế-Kỷ-21-Hóa của dự án Tường Thành phố tại New York (project City Wall) những năm 1970.
Quay trở lại với Quế Đất. Nếu chúng ta thấy tò mò và khơi gợi với những gì mà hai chữ Quế Đất mang lại, thì dù có xem nó là nghệ thuật hay không, chúng ta cũng đang được dẫn dắt vào một thế giới của diễn ngôn của tác phẩm. Thay vì đặt những câu hỏi cũ như là “nghệ thuật là gì?”, “Quế Đất có phải là nghệ thuật hay không?”, thì nó đưa ra câu hỏi “tại sao không phải là Quế Đất?”
Quế Đất đặt ngược lại câu hỏi về chủ thể nghệ sĩ, về tác phẩm nghệ thuật hay thậm chí là về cả nội dung nghệ thuật. Người ta tò mò về Quế Đất bởi nó vô nghĩa, chứ không bởi nó cố gắng nói lên điều gì thuộc dạng danh tính. Trước đây, những nghệ sĩ grafitti cũng có năng lực tương tự: Họ phá tan những ranh giới của thành phố, và thêm thắt vào đó sự vô nghĩa của những kẻ nổi loạn.
Giống với BNE hay hầu như mọi tác phẩm grafitti “phá làng phá xóm” khác, Quế Đất không tuân phục. Đặt ở những thành phố mà sự chống lại của văn minh chỉ có thể là gào tên mình thật to, “TÔI TÊN LÀ ABC, TÔI SỐNG Ở XYZ, TÔI LÀM QRT”… vẫn là một sự phản kháng danh tính. Banksy với những tuyên ngôn chính trị, xã hội nửa vời của mình trong khi cố giấu bản thân một cách hời hợt vẫn là một phản kháng danh tính. Những tác phẩm không danh tính, không mục đích như grafitti, BNE hay Quế Đất mới trở thành kẻ nổi loạn thật sự, khi chúng biến sự bất định thành vũ khí nghệ thuật.
Đặt ở những thành phố khác nhau, Quế Đất giống như những cái mầm, những bào tử nấm mọc lên nơi nơi sau cơn mưa, bám vào vùng đất tốt là những công trường. Chính ở những nơi mới này, một diễn ngôn đang dần dần nhú mầm. Có nhiều người, như tôi, lần đầu tiên đặt câu hỏi về sự bất định.
Quế Đất!