Với tôi, còm hay cũng là cả một nghệ thuật!

"Lại nâng tầm quan điểm, quan trọng hóa vấn đề. Ý ông là bài viết của ông quan trọng chứ gì. Bỏ đi mà làm người, tập trung vào nội dung đi ông Andy ey". Tiếng nói trong đầu vang lên.

…

Thôi thì nhân dịp Tornad mới đăng bài về còm, thực ra chỉ muốn chia sẻ với mọi người vài điều mình học được về còm hay cách đưa ra nhận xét ý tưởng của bản thân.

Lưu ý chút bài này không phải về còm dạo vô thưởng vô phạt nhé, mà về còm khi phát hiện mâu thuẫn hay còm để góp ý cho bài viết.

Bài của Tornad

1. Thái độ là tất cả




Mình nhận thấy vấn đề lớn nhất đối với các còm không chất lượng là chúng đều được viết ra khi người còm đang bị chi phối bởi một kích thích cảm xúc nào đó từ bài viết (thường là kích thích tiêu cực, khiến bản thân cảm thấy tự ái, hay ít nhất trong bài cũng có những ý trái ngược với quan điểm hoặc niềm tin của người còm ở thời điểm đó). Khi ấy, chính bản ngã của người còm nổi lên đòi công lý. Thực ra các còm kiểu này vẫn hoàn toàn có thể rất đúng về kiến thức và nội dung, nhưng chắc chắn chúng sẽ bị đẩy lên dẫn đến thái quá về cảm xúc, thậm chí thường là đến mức tiêu cực - mỉa mai, chê trách hay gay gắt không cần thiết. Điểm này hoàn toàn có thể hiểu được nếu xét trên quan điểm của người còm, nhưng chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến thái độ tiếp nhận của chủ thớt, và cứ thế chiến tranh bàn phím nổi lên lúc nào không ai hay.
Vậy nên, điều mình thường làm khi đọc bài mà bản thân muốn còm một cái gì đó kiểu đánh giá hay phản bác, là mình sẽ hãm cái sự muốn còm ấy lại, ít nhất một vài phút, đợt đầu mình thậm chí phải bỏ cả laptop để đi lại hoặc làm gì đó khác. (Nhưng cũng đừng ủ quá lâu, kiểu có vài lần sáng đọc bài mình ủ cả ngày tối về mới còm, đâm quên mie nó mất ý cần nói).
Điều mình nhận ra là khoảng thời gian bỏ lửng ấy khiến lúc quay lại mình thường sẽ còm khách quan hơn và tách biệt được giữa nội dung mình muốn nhận xét và cảm xúc (mỉa mai, đá đểu, thượng đẳng, vv.). Từ đó sau khi hoàn thành còm và đọc lại, mình sẽ dễ dàng xóa đi phần cần xóa.

2. Nội dung còm, hay cách đưa nhận xét trong cuộc sống


Về cách thức, các còm của mình bị ảnh hưởng rất lớn từ cách đưa nhận xét về bài nói trong Toastmasters (TM). 
(Nếu ai chưa biết thì đây là một tổ chức hỗ trợ nâng cao khả năng nói trước đám đông nhé, mọi người có thể đọc thêm bài giới thiệu Toastmasters của mình ở đây).
Đơn giản vì mình nghĩ bản chất của việc đưa nhận xét trong TM và còm khá giống nhau, đó là đưa ý kiến về một sản phẩm của người nói (trong TM) hay người viết (trong Spiderum chẳng hạn). Vì đều là những người không chuyên, nên công sức bỏ vào những sản phẩm ấy thì rất nhiều, mà nếu đem ra vạch lá thì thường cả đống sâu, vậy nên cái quan trọng của việc đưa nhận xét hay còm là chọn ra con sâu nào đáng bàn, vì nó to, hay nó có thể có ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của tác giả.
Cấu trúc của một nhận xét trong TM là CRC (Commendation-Recommendation-Commendation, hay tiếng Việt là Khen điểm làm tốt - Gợi ý điểm cần khắc phục/cải thiện - Khen điểm làm tốt khác). 
Cấu trúc này dựa trên 2 lý do: (1) là để đối tượng có thể chắc chắn rằng mình trân trọng sự cố gắng của họ trong bài nói hay bài viết, và mình nghiêm túc đánh giá nó một cách toàn diện. Và (2) là thực ra chê thì rất dễ, nhưng chê làm sao để người ta tiếp nhận cái chê ấy với thái độ tích cực, để tự họ có cái mong muốn ghi nhớ và lần sau chú ý cải thiện là rất khó. Và cấu trúc kẹp cái điểm chê vào giữa này khi áp dụng cho hiệu quả rất cao.

Tham khảo: Một bài nhận xét khá mạch lạc, tuy nhiên cô bé nói phần đầu dài quá sau hết thời gian nên cái Commendation cuối chưa rõ. Anw, hy vọng mọi người cảm nhận được các điểm cần khắc phục có thể được chấp nhận dễ dàng hơn khi đưa nhận xét theo cách này.
*****
Khi áp dụng vào còm, mình cũng thấy những ý trái ngược mình đưa ra dễ được tác giả đón nhận hơn, và từ đó sự trao đổi hoàn toàn tập trung vào cái ý đấy mà tránh được những mâu thuẫn về cảm xúc không đáng có.


3. Làm thế nào để ý tưởng của bạn dễ được chấp nhận hơn


Mình muốn tiện đây mở rộng một chút về cách làm thế nào bạn có thể truyền đạt những ý tưởng hay ho mà bạn cho là mang tính đột phá một cách hiệu quả hơn.
Cái này mình học được từ một buổi training self-help, khi diễn giả đưa ra lời khuyên là bất kể ý tưởng mới của bạn có đột phá sáng tạo tuyệt vời đến đâu, cách tốt hơn để tập thể, tổ chức, hay phòng ban của bạn dễ dàng chấp nhận nó là đừng nói đó là ý tưởng của mình
Thay vào đó, hãy nói rằng bạn học được nó từ một buổi training, hay từ một bài nói của một người nổi tiếng nào đó trên mạng. 
Cái này liên quan khá nhiều đến tâm lý học, nhưng có 2 nguyên nhân dễ thấy có thể kể ra ở đây: (1) dù ý tưởng đúng hay tuyệt vời thế nào, sẽ luôn có thái độ phản kháng của mọi người nếu đó là ý tưởng của bạn. Kiểu kể cả họ có thân thiện đến đâu, thì họ vẫn sẽ có cái suy nghĩ trong đầu là tại sao bạn nghĩ ra được mà họ thì không. Và (2) là nếu đó là ý tưởng của bạn, nhưng bạn chưa thực sự nghĩ từ A đến Z cho ý tưởng đó, sẽ rất dễ khiến việc bạn trình bày nó không được rõ ràng hiệu quả, hay bạn sẽ có thể gặp khó khăn nếu mọi người hỏi bạn cặn kẽ về ý tưởng ngay lúc ấy. Nhưng nếu bạn nói bạn biết đến ý tưởng đó từ người khác, thì thay vì chất vấn bạn, những người đồng nghiệp thường lại chuyển qua nghĩ hộ bạn về chính những thứ họ nghi ngờ trong ý tưởng.

Tất nhiên, cái giá của việc này là nó sẽ khiến bạn mất đi thành quả bạn đáng được hưởng vì sự thông minh sáng suốt thiên tài của mình. Vậy nên nếu áp dụng bạn nhớ cân nhắc về mục đích cuối cùng của việc bạn muốn đưa ý tưởng ấy ra nhé. Nếu mục đích cuối cùng chỉ là để tổ chức hay tập thể áp dụng ý tưởng ấy, cách ẩn mình này khả năng cao sẽ có hiệu quả hơn. Nhưng nếu mục đích của bạn là để tạo uy tín trong tập thể thì có lẽ cách tốt hơn là chuẩn bị kỹ rồi tự mình nói ra ý tưởng của mình.

Ơ, thế liên quan gì đến còm?

Ah uhm, thực ra cái này mọi người toàn áp dụng một cách tự nhiên trong còm rồi đấy. Thực ra nó chính là khi bạn trích dẫn các câu quote để nêu lên ý kiến của mình. Nhưng nếu chưa áp dụng thì bạn thử xem, lần sau khi bạn định còm một quan điểm nào đó thì thử tìm xem có câu trích dẫn nào ủng hộ cho quan điểm ấy không trước nhé. 

A Dreamer