Trời đẹp, ngày ... tháng ... năm ..., một người bạn hỏi tôi về quan điểm đối với vấn đề phá thai.
Nhớ về, ngày ... tháng ... năm ..., tôi và những người bạn thân của tôi đã có tranh luận về vấn đề này.
Quan điểm tranh cãi thứ nhất: cuộc sống tươi đẹp hơn hay là những hệ lụy xấu.
Trong quá trình tranh luận, tôi và anh bạn của tôi mặc nhiên bỏ qua câu chuyện rằng trong một số trường hợp đặc biệt, việc phá thai là hoàn toàn đúng đắn và dù đứng về phe bảo vệ hay phe phản đối việc phá thai, chúng ta đều không thể phủ nhận quyền phá thai trong các tình huống này. Đó là những ca mà thai phụ có thể mang thai ngoài tử cung hoặc thai nhi có dị tật bẩm sinh, việc phá thai trong bối cảnh này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn là mất mát và qua đó giúp cuộc sống tươi đẹp hơn.
Cũng dựa vào lý luận rằng con người ta cần có cuộc sống tươi đẹp hơn, một số giả thuyết đại loại như việc phá thai sẽ giúp các cặp cha mẹ giảm đi các gánh nặng tài chính hay qua đó là cả gánh nặng về tinh thần đối với việc nuôi dạy con cái. Dù sao thì nếu cha mẹ chỉ nuôi một hay hai con trong khả năng tài chính của họ, không chỉ cha mẹ được hưởng lợi mà cả con cái của họ cũng được phát triển trong một môi trường tốt hơn rất nhiều so với những gia đình đông con. Là một đứa trẻ, chẳng ai muốn lựa chọn cho mình một môi trường sống và phát triển với hàng tá thiệt thòi.
Hay đối với những người phụ nữ trót sai lầm, phá thai cũng chính là cơ hội cho họ làm lại cuộc đời và cũng như đã đề cập ở trên, cũng chính là bớt đi được một đứa trẻ phải chịu những thiệt thòi mà đáng ra nó không phải nhận lấy. Dạo gần đây chúng ta không khó để bắt gặp những tin tức liên quan đến những kẻ mất hết nhân tính hành hạ con riêng của nữ nhân tình, câu hỏi tôi đặt ra là tại sao người mẹ lại quyết định cho đứa trẻ ấy có mặt trên đời để phải gánh chịu những điều khốn khổ, khốn nạn ấy. Nhưng liệu chúng ta có nên ủng hộ hoàn toàn quyền phá thai hay không?
Ngày 06/04/2023, trang báo vietnamnet.vn đăng tải một bài báo với tựa đề “Cô gái 25 tuổi thú nhận từng phá thai 18 lần”, tôi không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong tiêu đề này bởi nếu tính từ năm 16 tuổi, mỗi năm cô gái phải phá thai hai lần để đạt được số liệu nói trên. Tuy nhiên, có một thực tế là nếu không có bất kỳ một hạn chế nào, con người ta sẽ dễ rơi vào tình trạng lạm dụng các biện pháp xử lý để giải quyết hậu quả. Trong một bài báo đăng tải từ năm 2015 của tờ báo mạng vnexpress.net với tiêu đề “Phá thai nhiều lần vì “mù” kiến thức sinh sản”, “bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà, Hà Nội, cho biết, bà cũng từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến phá thai khi không áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn chỉ vì lo ngại sẽ vô sinh khi sử dụng”.
Không quá khó để có thể tìm được những hậu quả do phá thai gây ra, ấy vậy mà người ta vẫn chủ động sử dụng phương pháp này (nhiều lần) như một cách đơn giản để loại bỏ đi những rắc rối của mình. Và vô tình, khi chúng ta ủng hộ quyền phá thai, chúng ta cũng phần nào đó ủng hộ những người này, và vì vậy, tôi không đồng ý ủng hộ hoàn toàn quyền phá thai.
Quan điểm tranh cãi thứ hai: My body my choice
Khi xã hội đề cao quyền tự do cá nhân, mỗi cá thể của xã hội lại muốn đấu tranh để khai phóng bản thân mình nhiều hơn, họ muốn sự tự do của họ không bị giới hạn.
Các quy định hà khắc tại đa số bang ở Mỹ đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi lớn về vấn đề phá thai và quyền tự do cá nhân. Ngày 14/05/2019, dự luật chống phá thai được gần như toàn bộ thượng viện bang Alabama thông qua, theo đó, dự luật chỉ cho phép pháp thai khi thai phụ bị đe dọa tính mạng như có mang ngoài tử cung hay thai nhi có dị tật bất thường gây tử vong. Các trường hợp mang thai do hiếp dâm, loạn luân không được phép phá bỏ (nguồn: https://accgroup.vn/luat-nao-pha-thai-o-my/).
Tranh cãi nổ ra, những người theo phong trào nữ quyền đòi quyền lợi cho bản thân họ và cho những người giống họ, đối với những người này, cơ thể là của họ nên họ có quyền quyết định mọi thứ đối với nó, bao gồm cả mang thai và phá thai. Thoạt nghĩ thì hợp lý đấy chứ, cơ thể là của chúng ta, xiềng xích nào, giới hạn nào có thể khiến chúng ta phải làm thế này, không được làm thế kia, đặc biệt là trong một xã hội đề cao cá nhân như hiện nay. Quyền con người phải được tôn trọng hơn cả, và vì vậy, bất kỳ nhà nước pháp quyền nào cũng phải tôn trọng quyền của cá nhân, tôi được hay không được làm gì với bản thân tôi là chuyện của tôi, không phải là các anh và bằng những công cụ của các anh (luật pháp) dù cho các anh là đại diện cho chính chúng tôi do chúng tôi (hoặc phần lớn chúng tôi) đề cử ra.
Điều này hợp lý cho đến khi tôi nghĩ về giả thuyết: tôi, cho phép bản thân mình, cầm dao và thực hiện một hành động giống chém vào khoảng không trước mặt, vô tình trong khoảng không đó có một người tôi giả vờ không ưa, liệu có gì sai đối với hành động của tôi không? Tự bản thân tôi biết rằng có, hành vi của tôi đã làm ảnh hưởng đến một người khác, và giả sử rằng cũng tình huống trên nhưng tôi là người đứng ở khoảng không đó thì sao? Rất tồi tệ, không ổn chút nào. Đúng vậy, quyền tự do của bạn sẽ được tôn trọng, nếu nó không ảnh hưởng đến ai và các quy định pháp luật được sinh ra để điều chỉnh ở một mức độ nào đó việc quyền của bạn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một cá nhân nào đó khác.
Những người ủng hộ phá thai cho rằng “my body my choice” nhưng sẽ có lựa chọn nào cho thai nhi? Liệu một thai nhi có thể nào phát ra một tín hiệu cho thấy rằng thai nhi ấy không đồng ý cho việc phá thai dù cho tại một thời điểm nhất định nào đó trong thai kỳ, thai nhi đã có thể nhận thức được ít nhiều. Điều này là khó, bởi nếu có, nó sẽ được ghi nhận trong một nghiên cứu nào đó, hoặc cũng có thể họ chưa bao giờ nghiên cứu một điều kỳ quặc như vậy, thai nhi sẽ phản ứng như thế nào khi biết mình bị phá bỏ.
Có thể dựa trên tư duy này, một số quốc gia đã có các quy định về việc liệu thai trong thời gian bao nhiêu tuần tuổi thì có thể phá bỏ theo lựa chọn của người mẹ, tuy nhiên, sự khác biệt trong quy định giữa các quốc gia đặt ra một câu hỏi, liệu thai nhi bao nhiêu tuần tuổi thì không được xem là một “con người” để chúng ta phải tôn trọng “con người” ấy. Ai sẽ là người quyết định một con số cụ thể và dựa vào căn cứ nào để quyết định như vậy, bởi nếu thật sự có một căn cứ, pháp luật các nước sẽ quy định một con số cụ thể mà tiệm cận con số chuẩn nhất. Liệu chúng ta có thể ủng hộ cho việc tôn trọng quyền tự do của người mẹ và lơ đi quyền tự do “con người” của thai nhi hay không? Và liệu chúng ta sẽ luận giải như thế nào cho sự ủng hộ của chúng ta, hay chỉ đơn giản là không quan tâm, tôi chỉ cần biết bản thân tôi trước là được.
Kết:
Các tranh cãi trên thực tế vẫn đang diễn ra. Câu hỏi đặt ra là liệu quan điểm nào là đúng đắn, ủng hộ hay phản đối phá thai là chuyện chúng ta nên làm. Đứng về phía nào, chúng ta sẽ trông giống như là người có đạo đức, người của thời đại hơn.
Giống như cách vận động của tự nhiên, mọi thứ phải cân bằng và liệu các bạn có nhận ra rằng, dù ở phe nào, bạn cũng đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình, đó là đưa mọi thứ về cân bằng. Trong những tình huống nói trên, ủng hộ hoàn toàn một phương án nào cũng là không khả dĩ, và do đó, một phương án mà tất cả (phần đông) mọi người có thể chấp nhận một mức nào đó (sự cân bằng) sẽ là câu trả lời cho cuộc tranh cãi này.
Đừng quá khó chịu khi đối phương đưa ra những lập luận để phản đối ý kiến của bạn, đó chỉ là hành động góp phần đưa mọi thứ về chỗ nó cần đến mà thôi.