Trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, chứng khoán lại một lần nữa trở thành chủ đề mà truyền thông và nhiều người quan tâm. Mình cũng muốn chia sẻ với các bạn đang bắt đầu hoặc có ý định đầu tư vào công cụ này trên góc nhìn của mình. Cụm từ "Chứng khoán" mình sẽ nói ở đây chỉ giới hạn ở cổ phiếu thôi, trên thực tế thì chứng khoán còn có thể là các công cụ nợ khác nữa, như trái phiếu chẳng hạn. Hi vọng chứng khoán sẽ mang đến cho các bạn thật nhiều thành công!
Bạn kỳ vọng điều gì?
Hiển nhiên bạn sẽ không đầu tư chứng khoán nếu như bạn không kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận của mình sẽ cao hơn các kênh đầu tư khác, phổ biến nhất là các công cụ nợ như tiền gửi, trái phiếu...
Dưới đây là biểu đồ diễn biến của VN-Index, chỉ số tổng hợp giá chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), từ 2013 đến 2019. Đây là giai đoạn mà nền kinh tế bắt đầu ổn định sau khi trải qua Bong bóng chứng khoán và Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007-2009), Căng thẳng thị trường nợ, lạm phát cao và hệ thống ngân hàng suy yếu (2011-2012). Tính bình quân (compounding annually), chỉ số mang tính đại diện này đã tăng khoảng 15.08%/năm - từ khoảng hơn 400 điểm lên 960 điểm.
Chỉ số VN-Index (2013 - 2019)
Mức tăng này cao hơn so với lãi suất tiền gửi tương ứng của giai đoạn này (dao động ở mức từ 8 - 11%/năm). Tuy vậy, với biến động của hàng trăm mã cổ phiếu, trong rất nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, sự chọn lựa của các bạn sẽ mang đến tỷ suất khác nhau. Well, hãy thử ví dụ:
So sánh 2 cổ phiếu là VNM (Vinamilk - Hàng tiêu dùng nhanh) và FLC (FLC - Bất động sản) với chỉ số VN-Index. Dễ thấy là nắm giữ VNM cho lợi suất trung bình khoảng 24.13%/năm, cao hơn nhiều so với VN-Index, ngược lại FLC cho lợi suất trung bình khoảng 2.23%/năm, thấp hơn nhiều so với chỉ số đại diện.
Ở đây mình không cổ vũ các bạn mua cổ phiếu VNM hoặc "đì" cổ phiếu FLC. Thống kê này nói lên rằng lựa chọn của các bạn làm nên tỷ suất lợi nhuận của các bạn. Sự biến thiên so với kết quả trung bình của thị trường (VN-Index) cho thấy rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu khi nắm giữ cổ phiếu, và mọi thứ là "kỳ vọng", còn thực tế có thể sẽ khác. Hay nói cách khác là, lợi nhuận kỳ vọng của việc đầu tư chứng khoán cao hơn các kênh đầu tư khác vì nó rủi ro hơn.
Vậy rủi ro đến từ đâu?
Thứ nhất, rủi ro đến từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bạn nắm giữ cổ phiếu. Vòng xoáy tài chính bắt đầu với những đồng vốn nhàn rỗi, bạn gửi tiết kiệm và cho ngân hàng vay với lãi suất nhất định, ngân hàng cho vay lại doanh nghiệp với lãi suất cao hơn, và chủ sở hữu của doanh nghiệp (trong trường hợp này là bạn) - sẽ kỳ vọng kinh doanh với tỷ suất cao hơn tỷ suất phải trả cho ngân hàng. Mọi người đều chấp nhận rủi ro để kỳ vọng sinh lời, và kỳ vọng sinh lời cao hay thấp phụ thuộc vào rủi ro cao hay thấp.
Thứ hai, rủi ro đến từ những biến động của thị trường. Trong ví dụ trên có những giai đoạn FLC tăng mạnh hơn nhiều so với cả VNM và VN-Index, nhưng xét trong thời gian 6 năm đến năm 2019, VNM đã tăng mạnh hơn. Thậm chí nếu bạn bán VNM vào một ngày đầu năm 2018 và rời khỏi thị trường, bạn đã có tỷ suất còn cao hơn nữa. Biến động của thị trường phụ thuộc rất nhiều vào cung và cầu. Cung cầu lại đến từ kỳ vọng của con người. Kỳ vọng này lại đan xen bởi cả lý trí và cảm xúc. Vào tháng 2/2020, mọi chuyện còn chưa rõ ràng: COVID-19 ư? Có vẻ không đáng sợ lắm nhỉ. Sang tháng 3, khi mọi chuyện trở nên tồi tệ một cách bất ngờ, thị trường phản ứng nhanh không kém. Đến tháng 4, mọi chuyện vẫn quá tồi tệ ư? Thị trường đã tăng trở lại.
Bằng việc kỳ vọng vào điều xảy ra trong tương lai, nhà đầu tư tạo nên biến động hiện tại của thị trường. Và có lẽ bạn nên quen với điều đó đi nếu muốn đầu tư chứng khoán - thị trường luôn đúng, dù bạn có thấy nó vô lý thế nào. Trong những ngày đại dịch bùng nổ, doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng ngay nhưng nhà đầu tư tin rằng tác động sẽ rất lớn, một sự sợ hãi và bất định tràn ngập thị trường. Và trong thời khắc đen tối nhất của tháng 3, nhà đầu tư bắt đầu nhìn về một tương lai "đại dịch qua đỉnh" và nền kinh tế sẽ hồi phục, cũng là lúc chứng khoán bắt đầu tăng trở lại, trong khi doanh nghiệp đang thấm dần khó khăn.
Điều đó có vẻ là một nghịch lý. Nhưng đôi khi, chúng ta không đủ thông minh, không đủ nhạy bén, kiến thức và cơ hội để biết được bức tranh toàn cảnh về một doanh nghiệp. Còn thị trường - với những dòng tiền lớn hơn của bạn - vẫn ngày ngày định giá lại cổ phiếu.
Nếu là một nhà đầu tư nắm giữ lâu dài, bạn sẽ gặp phải cả hai rủi ro ở trên, và quan trọng nhất là rủi ro hoạt động kinh doanh (vì bạn có thể tắt bảng giá đi và tập trung vào các vấn đề thực chất của doanh nghiệp). Nếu là một "trader", bạn sẽ thấy ít rủi ro ở hoạt động kinh doanh, mà tập trung vào các biến động trên thị trường. Mặc dù vậy, như đã thấy ở trên, thị trường trong ngắn hạn biến động thường khó đoán hơn. Hai chiến lược kỳ vọng khác nhau, nhưng đều đòi hỏi một sự quản trị rủi ro chặt chẽ.
Thụ động hay chủ động?
Như đã nói ở trên, bạn có thể là một nhà đầu tư chủ động, dùng những phân tích của mình về doanh nghiệp, dùng những kiến thức về biến động thị trường để lựa chọn và mong rằng sẽ đạt được lợi nhuận vượt trội so với thị trường hoặc các kênh đầu tư khác. Dù là phân tích kỹ thuật hay cơ bản, bạn sẽ kiếm được tiền nếu bạn có đủ lợi thế.
Vậy nếu bạn không đủ giỏi? Chẳng phải hàng ngày bạn đều tiêu tiền sao, chẳng phải chúng ta đều có nhu cầu ngày càng nhiều và dân số ngày càng tăng? Vậy thì trong dài hạn chứng khoán cũng sẽ tăng thôi, gửi gắm tiền vào các doanh nghiệp với vị thế và lợi thế cạnh tranh hàng đầu không phải là một lựa chọn tồi. Ai sẽ trả lãi cho ngân hàng? Ai sẽ trả tiền lãi tiết kiệm cho bạn? Chính là họ đấy.
Mình xin được kết bài ở đây. Kỳ vọng đúng, bình tĩnh, kiên nhẫn và kỷ luật sẽ giúp các bạn có được kết quả đầu tư tốt. Thân chào các bạn!