Dịch từ bài gốc của Lydia Wilson, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Máy tính ĐH Cambridge, trên Nautilus
---
Nghệ sĩ người Trung Quốc Từ Băng từ lâu đã tiến hành thí nghiệm với những giới hạn của chữ viết và thu được kết quả đáng kinh ngạc. Năm ngoái tôi tham quan Centre del Carme ở Valencia, Tây Ban Nha, nhằm có một cái nhìn bao quát về những tác phẩm của anh. Một tác phẩm sắp đặt, Thiên thư, gồm những cuộn giấy giăng từ trần nhà xuống và trải theo mặt sàn một căn phòng lớn, in Hán tự có thể nhìn thấy rõ khi tiến tới gần. Nhưng đây chẳng phải Hán tự thông thường: Từ Băng đã sử dụng hình thức, thậm chí những cấu phần, của các chữ Hán thông thường, để tạo ra khoảng 4000 phiên bản chữ hoàn toàn hư cấu. Kết quả thu được là một thứ chữ viết trông có vẻ đọc được nhưng chẳng hề có chút ý nghĩa nào. Như chính Từ Băng ghi nhận, những chữ viết tự bịa của anh “dường như khiến các bậc trí thức đau đầu,” như một thứ mạo danh ranh mãnh gửi tới sự kính trọng của chúng ta dành cho văn tự.
Ở một căn phòng khác là Địa thư, một quyển sách mỏng, trưng bày trong một căn phòng lấy cảm hứng của nghệ sĩ: biểu tượng và emoji, thu thập từ khắp nơi thế giới và thuộc đủ các ngôn cảnh khác nhau, từ sân bay tới bàn phím. Từ Băng khai thác thế giới để tìm thấy những hình ảnh đặc trưng xuyên suốt và kết quả thu được tương phản hoàn toàn với tác phẩm Thiên thư: quyển sách này tạo ra sao cho ai cũng đọc được. Trang đầu tiên có vẻ hơi quái gở, dịch những hình ảnh sang từ ngữ (trong trường hợp của tôi là tiếng Anh). Nhưng khi tôi lật sang các trang kế tiếp, ý nghĩa của chúng bắt đầu trở nên thông suốt, và tôi bị cuốn vào chuyện kể về một ngày của nhân viên văn phòng. Như thể nghệ sĩ Từ Băng đang buộc tôi đặt câu hỏi, điều gì đang xảy ra trong não tôi nếu như những hình ảnh li ti trên trang giấy biến thành một ý nghĩa, một tự sự. Liệu quá trình đọc biểu tượng hình ảnh có khác gì với việc đọc các chữ viết dựa trên các ký hiệu ngữ âm hay không? 
Từ Băng đã minh họa cho kết quả vừa được các nghiên cứu gần đây trong khoa học thần kinh tiết lộ: Cách con người trên khắp nơi trên thế giới đọc từ ngữ cấu thành từ hình ảnh, chẳng hạn Hán tự (còn gọi là chữ tượng hình), và từ ngữ đến từ chữ cái, có rất nhiều điểm tương đồng. Đây là một nhận định mở ra cánh cửa nhìn nhận về cách chúng ta viết và đọc - cũng như cách để tiến sâu hơn vào các giếng sáng tạo lẫn giao tiếp.
Con người ở những nơi chốn và thời đại khác nhau luôn cảm thấy muốn vượt lên khỏi những giới hạn của hình ảnh trong giao tiếp. Mặc cho việc muốn tóm bắt ngôn ngữ nói bằng hình dáng có vẻ cấp thiết, một số xã hội lại chưa từng có nhu cầu này. Trước khi đến thời kỳ xâm lược thuộc địa, các cộng đồng bản địa ở Australia vẫn sống trong các xã hội chi phối bởi những luật lệ cực kỳ phức tạp khẩu truyền qua các thế hệ. Suốt hàng vạn năm, các luật lệ chi phối việc săn bắn, mở lối, hôn nhân, và lễ tế đều được cài vào các bản nhạc và trình diễn, học, và dạy lại trong đời sống hàng ngày. Có một tác phẩm nghệ thuật sử dụng đá thiêng liêng đẹp mắt ở khắp Châu Úc, và các biểu tượng biểu đạt hết sức cụ thể, nhưng chẳng hệ thống nào phát triển lên thành một hệ thống chữ viết nắm bắt toàn bộ ngôn ngữ.
Một số dạng chữ viết lâu đời nhất - các biểu tượng tượng ý hơn là những hình ảnh thuần túy - đến từ vùng Lưỡng Hà, có niên đại khoảng 3000 năm TCN; những tấm đất sét được khai quật tại di chỉ khảo cổ ở Kunara, gần vùng núi Zagros vùng Kurdistan ngày nay của Iraq. Những tấm đất sét này ghi lại số lượng hàng hóa như một dạng sổ sách - lượng bột và ngũ cốc xuất và nhập kho. “Nét tài tình của con người nằm ở chỗ hễ khi có nhu cầu rất mực dành cho một thứ gì đó, nó thường tinh kết thành khám phá,” Irving Finkel, trợ lý bảo tồn thư tịch, ngôn ngữ, và văn hóa vùng Lưỡng Hà của Bảo tàng Anh Quốc nhận định. Cái khó ló cái khôn, nếu phải diễn đạt theo cách khác. “Rất nhiều khả năng chính một thứ trách nhiệm hành chính nào đó đã tạo ra lần thử sức đầu tiên với chữ viết và rốt cuộc là một thứ chữ viết làu thông đĩnh đạc,” Finkel cho hay.
Nhà Ai Cập học Gunther Dreyer cũng đi đến những kết luận tương tự sau suốt một đời khai quật Ai Cập cổ đại, phát hiện ra những cổ vật cực kỳ quan trọng đối với hiểu biết của chúng ta về tiến trình hình thành chữ viết. “Vì sao lại có nhu cầu viết lại một điều gì đó? Tôi cho rằng nguyên nhân rất đơn giản,” Dreyer nói. “Đó là những điều kiện bắt buộc của ghi chép.” Dreyer chỉ ra rằng việc cai trị vào thời bấy giờ, cũng như hiện tại, bao gồm “thu thuế và phân phối lại. Và trong một khu vực rộng lớn, ta cần phải ghi lại ai đã cung cấp thứ gì vào lúc nào.” Thổ dân Châu Úc, tự nuôi sống bản thân và cộng đồng bằng lối sống săn bắt-hái lượm, trao đổi hàng hóa với các cộng đồng khác, chẳng cần ghi lại những đắp đổi kia, không để cho một bên thứ ba xa xăm nào (chẳng hạn thuế quan) hay để cho thế hệ mai sau.
Nhưng hãy còn một chặng đường dài từ việc ghi chép lại hàng hóa và số lượng của chúng tới thời điểm sáng tác ra những trước tác văn học lẫy lừng. Nhân loại trên khắp thế giới cùng đối mặt nhiều vấn đề chung khi phải diễn đạt tâm tư suy nghĩ của mình vượt khỏi hiện tiền mà ngôn ngữ nói đã giải quyết. Hóa ra mỗi hệ thống văn tự cổ đều đã giải quyết cùng các vấn đề này hệt như nhau. “Chúng tôi muốn gọi đó là một bước tiến vĩ đại của nhân loại,” Finkel nhận xét. Bước tiến khổng lồ từ sử dụng hình ảnh làm hình ảnh (văn tự ngữ tố) sang dùng hình ảnh để tượng thanh (văn tự tượng thanh) - Nguyên tắc Rebus. Nhiều trẻ chơi trò chơi bằng đúng nguyên tắc này, khi chúng phát hiện ra rằng con ong cũng có thể sử dụng thay cho âm be, và kết hợp với hình vẽ một chiếc lá, cả hai vật chẳng dính dáng gì nhau bỗng có thể tạo ra nghĩa - belief, niềm tin.
Nhưng rắc rối xuất hiện: Khi nào con ong là con ong, và khi nào nó là một âm? Chữ hình nêm, chữ tượng hình Ai Cập và Maya và Trung Quốc đều giải quyết theo cùng một cách: Họ thêm vào các yếu tố không có trong ngôn ngữ nói được gọi là “lượng từ” để làm rõ liệu người viết đang nói về chuyện nuôi ong hay đơn giản là đang sử dụng be như một âm. Người Trung Quốc vẫn còn sử dụng hệ thống này, với các yếu tố về hình ảnh, ngữ âm, và lượng từ đều quan trọng trong hệ thống chữ viết của họ. Nhưng ở các nơi khác một hệ thống khác lại chiếm ưu thế: chữ alphabet, phát minh ra cách nay chừng 4000 năm tại bán đảo Sinai. Loại bỏ đi tất cả mọi thứ trừ âm thanh, bộ ký tự này có thể được học rất nhanh, khác với hàng ngàn ký tự tiếng Trung cần phải học thuộc để đạt trình độ đọc hiểu. Sau vài thế kỷ chầu rìa, hệ thống alphabet từ vùng Sinai đã càn quét Châu Âu và phần lớn Châu Á cùng Châu Phi, biến đổi thành sự phong phú cực kỳ mà chúng ta đang có ngày hôm nay.
Không một hệ thống chữ viết nào có niên đại quá 5000 năm, một cái chớp mắt nếu xét theo thước đo tiến hóa. “So với tiếng nói, việc đọc chữ hãy còn rất trẻ,” Tae Twomey của University College London, người dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về cái mánh lới mới mẻ này của người Homo sapien, cho hay. “Phần não phụ trách việc đọc buộc phải tiến hóa từ bộ não mà chúng ta sử dụng trước khi phát minh ra chữ viết.” Và chẳng phải vận dụng mỗi một phần. “Thử hình dung mà xem, đó là một nhiệm vụ rất phức tạp. Ta trích xuất thông tin hình ảnh để, rốt cuộc, hiểu một ý nghĩa.” Ngay khi tôi bắt đầu nghĩ tới quá trình này - cái quá trình mà không thể nhớ mình từng làm sai lần nào hay chưa - nó dường như lại cực kỳ lạ lẫm: Các ý nghĩ, suy nghĩ, hướng dẫn, thông tin đang được chuyển từ một bộ não khác sang bộ não của tôi, thông qua thần kinh thị giác. Nhưng yếu tố hình ảnh chỉ đóng một phần trong câu chuyện.
Nghiên cứu của Twomey sử dụng các bản quét để chỉ ra các vùng khác nhau trong não hoạt động khi chúng ta đọc. “Đó là một mạng phân phối,” chị giải thích. Nhà khoa học thần kinh Thomas Hope, một giáo sư nghiên cứu cao cấp tại University College London, đưa ra một cách hình dung. “Giống với hầu hết hành vi nhận thức, chúng ta cho rằng việc đọc hoạt động giống như đồng bằng châu thổ sông Nile.” Nó không bắt nguồn từ duy nhất một dòng chảy, anh chia sẻ, “mà bởi một nhóm rất nhiều dòng chảy rối.”
Để đọc, có hai phân nhánh lớn, đại khái tương ứng với âm thanh và hình ảnh. (Khu vực quan trọng thứ ba trong việc đọc là vùng Broca, đóng vai trò nhạc trưởng, chịu trách nhiệm điều khiển tất cả các dữ kiện đầu vào). Người đọc tập đọc từng chữ cái để nắm được nghĩa. “Đọc không chỉ để giao tiếp ý nghĩa, mà còn để giao tiếp nói chung,” Hope cho biết. “Và cách chúng ta giao tiếp phổ biến nhất chính là nói. Do đó khi ta đọc lớn một từ, một phần nào đó trong bộ não đang bật ra âm thanh về từ đó cho chúng ta như khi ta đang đọc hoặc ai đó đọc cho chúng ta nghe.” Và hành vi giao tiếp bằng giọng nói cũng giống hệt nhau qua khắp các nền văn hóa, dù ở dạng chữ viết nào, do đó hầu hết độc giả vừa đọc vừa nghe thấy giọng nói.
Nhưng âm thanh chẳng phải tất cả. “Tôi đã quan sát các con tôi học cách đánh vần,” Hope chia sẻ. “Ta không thể nói chúng học bằng cách đọc chữ. Ta phải học cách hiểu và nhận ra chữ nữa.” Độc giả hệ thống alphabet phải học tương đồng trong chữ viết. Học hình dáng của một từ về cơ bản cũng tương tự với việc trích xuất ý nghĩa từ một chữ tượng hình. Nhưng khi thông thạo hơn với việc đọc, chúng ta thường sử dụng một phân nhánh khác thường xuyên hơn. “Một cách khác, mà phần lớn độc giả tinh tường mến chuộng, là nhận ra cả một từ như một thực thể và gắn nó trực tiếp vào ý nghĩa,” Hope giải thích.
Cái gọi là lá thư Cambridge, một meme năm 2003, trao cho độc giả thuần thạo một dịp để kiểm tra cách đọc thứ ba này, thông qua việc nhận ra hình dáng của chữ thay vì phát âm chúng ra:
Teho một nhgêin cứu tại ĐH Cimabrgde, tậrt tự chữ cái tnorg một từ knhôg qaun tọnrg, chỉ cần chữ cái đầu và cuối ở đnúg chỗ. Các chữ cái còn lại có thể tnug tóe kắhp cốhn mà ta vẫn đọc đợưc kôhng cúht khó kăhn. Đó là vì bộ não con nưgời kônhg đọc tnừg ký tự, mà đọc cả từ cnùg lúc. 
Aoccdrnig to a rscheearch at Cmabrigde Uinervtisy, it deosn’t mttaer in waht oredr the ltteers in a wrod are, the olny iprmoetnt tihng is taht the frist and lsat ltteer be at the rghit pclae. The rset can be a toatl mses and you can sitll raed it wouthit porbelm. Tihs is bcuseae the huamn mnid deos not raed ervey lteter by istlef, but the wrod as a wlohe.
Hầu hết mọi người có thể lấy được nghĩa từ đoạn trích này không chút khó khăn, dường như chứng minh cho mục đích của thí nghiệm: Ta có thể đọc bằng ấn tượng chung về từ ngữ thay vì trông cậy vào âm thanh của nó. Nhưng cũng theo Hope, lịch sử nghiên cứu là một lịch sử giở qua những giải thích đơn giản hòng tìm thấy những câu chuyện lý thú, nếu không muốn nói là phức tạp hơn, ẩn bên dưới. Kỳ thực, tráo các ký tự của chữ viết thật sự có ảnh hưởng mạnh với một số chữ hơn các chữ khác, và một số câu hơn so với các câu khác.
Matt Davis, thuộc ĐH Cambridge (nơi nghiên cứu chẳng được tiến hành; lỗi đầu tiên của tên meme), đã tổng hợp thành một blog rất tiện lợi bàn về cách tư duy sai lầm về chữ cái. Trước tiên là thực tế là những chữ có hai hoặc ba chữ cái chẳng hề thay đổi: toàn bộ câu thứ hai của đoạn văn vẫn giữ nguyên các “the”, “can”, “be”, “a”, “and”, “you”, “can”, và “it”, trao cho bộ não chúng ta rất nhiều thông tin đơn giản để xử lý. Một đặc điểm khác của meme chính là không có một từ nào bị phát âm sai để hóa thành một từ hoàn toàn khác - Davies sử dụng ví dụ chữ “salt” và “slat” mà nghiên cứu đã bỏ qua - và hơn nữa, mỗi cách xáo trộn đều đặt các từ ngữ gần với nguyên dạng ban đầu: “Cmabrigde” có thể dễ dàng nhận ra (nhất là sau chữ “Uinervtisy”) nhưng lại khó hơn nhiều nếu được viết thành “Cgbaimrde”. Cuối cùng, các ví dụ được chọn đều giữ đúng âm thanh gốc của từ khi đảo chúng đi; chẳng hạn “th” trong “without” được giữ nguyên. Và điều này hóa ra chỉ ra rằng, âm thanh vẫn hết sức cần thiết và quan trọng.
Trong một thí nghiệm gần đây, Twomey quét não người tham gia thí nghiệm trong lúc họ thực hiện việc đọc. Thí nghiệm của cô được dựa trên cách cô học đọc ở Nhật. Mọi đứa trẻ ở Nhật đều học hai hệ thống chữ viết, hệ kanji, dựa trên chữ Hoa, và hệ kana, thuần túy là ngữ âm (mặc dù các đơn vị ở đây là phụ âm thay vì các âm thanh đơn lẻ trong hệ alphabet). Cách tiếp cận song song này kéo dài suốt cuộc đời họ, khi tất cả các quyển sách đều viết bằng hai hệ thống (ngoại trừ sách thiếu nhi, cốt để các em dễ đọc). Điều này có nghĩa là ta có thể kiểm tra độ chênh lệch khi đọc hai hệ thống chữ viết mà không cần phải lo lắng về khả năng đọc hiểu hay khác biệt về ngôn ngữ. Giả định hiện hành của nhiều học giả cho rằng các bản quét não của người đọc chữ viết tượng hình sẽ thể hiện điểm nhấn ở phần hình ảnh trong bộ não, ý nghĩa rút ra khi nhận ra chữ viết, trái ngược với những người đọc chữ tượng thanh, vốn sử dụng âm thanh của chữ viết để hiểu ý nghĩa. Các bản quét của Twomey cho thấy rằng cùng một nhóm khu vực não được kích hoạt khi đọc hai dạng chữ viết khác nhau. 
Thí nghiệm này so sánh cách đọc trong cùng một cá nhân đã học đọc theo hai hệ thống. Twomey tiến hành một nghiên cứu khác so sánh các cách đọc giữa các cá nhân, bằng cách quét não của người đọc sử dụng tiếng Hoa và tiếng Anh. Khác biệt giữa độc giả ở thí nghiệm này không quá rõ nét. “Thoạt tiên chúng tôi cho rằng khác biệt mình nhìn thấy ở các bộ não đến từ khác biệt ở chữ viết họ đang đọc,” Twomey cho hay. “Nhưng khi quan sát những người đọc mắc chứng khó đọc, họ sử dụng cả hai vùng não, bất kể hệ thống đang đọc là gì, từ đó cho thấy rằng nó chẳng liên quan gì tới thứ chữ viết đang đọc.”
Twomey giải thích kết quả đầy ngạc nhiên này như bằng chứng về khác biệt trong cách đọc đến từ cách mà chúng ta học đọc chữ. Người đọc tiếng Anh được dạy bằng một hệ thống ngữ âm, dùng vần gieo và các bài tập dựa trên âm thanh; tiếng Trung được dạy thông qua chữ viết, và liên hệ chữ viết trên trang giấy trực tiếp với ý nghĩa. Twomey cho rằng người mắc chứng khó đọc, trong nỗ lực tìm cách đọc, đang sử dụng nhiều nhánh não hơn nhằm bù đắp cho các khó khăn họ mắc phải ở bất kỳ ngôn ngữ nào họ đang được dạy. Điều này thể hiện ra trên các bản quét: Đường dẫn thần kinh dùng để trích xuất ý nghĩa cũng tương tự ở người khó đọc, dù họ đọc chữ tiếng Hoa tượng hình hay chữ alphabet tượng thanh. Không hề có khác biệt nào giữa các từ ngữ tượng thanh hay tượng hình đối với bộ não, mà chỉ có điểm khác nhau trong cách chúng ta được hướng dẫn đọc như thế nào.
Hope, người đã đọc qua và ngưỡng mộ nghiên cứu của Twomey, đề xuất một tóm tắt như sau. “Điểm chính ở đây là tất cả chúng ta luôn sử dụng cả hai cách,” Hope chia sẻ. “Bạn và tôi có thể có đôi chút khác biệt trong cách nhìn nhận, nhưng chúng ta đều ứng dụng cả hai cách làm này.” Cái công nghệ 5000 năm của loài người, vốn nảy sinh ở những nơi chốn khác nhau trên khắp quả địa cầu, trước tiên sử dụng các hệ thống tương tự nhau kết hợp các yếu tố về ngữ âm, hình ảnh và từ loại; khác biệt xảy ra với sự phát minh ra bảng chữ cái alphabet, từ đó khởi phát thành những dạng thức khác nhau như Cyrillic, Ả Rập, Armenia, Tây Tạng và Hindi. Nhưng khi chúng ta nhìn sâu vào trong bộ não, hóa ra tất cả chúng ta đều thực hiện cùng cái hành vi lạ kỳ này theo những cách giống hệt nhau.
Dẫu vẫn chưa được hoàn toàn khai thác về tác động của nhận xét vừa nêu đối với việc giảng dạy, nhưng nghiên cứu của Twomey chỉ ra rằng các hệ thống giảng dạy của chúng ta không hề đào sâu vào các tầng trong não bộ. Dĩ nhiên con người chúng ta học cách trích xuất ý nghĩa từ những nét viết trên trang giấy, còn không bạn cũng chẳng thể đọc những gì đang viết ra ở đây. Thế nhưng chúng ta có thể được dạy cho cách sử dụng thêm những phụ lưu còn lại, như cách người bị khó đọc vẫn có thể bù đắp được những khó khăn vấp phải. Nếu như người đọc thông thường tiếp xúc với chữ viết ký âm, vốn thường được dạy ở giai đoạn đầu thông qua hình thức học bằng âm thanh, được khuyến khích học thêm cách chữ viết hình thành ngay từ đầu; nếu như những ai học chữ viết tượng hình có thể xướng chúng lên thật to cũng như chép lại chúng để ghi nhớ; thì chẳng ai đoán định được thứ sáng tạo nào mới mẻ sẽ được giải phóng ra? Khi ta học về những phụ lưu bí ẩn được kích hoạt trong lúc đọc, có lẽ sẽ còn những cách giảng dạy mới mẻ khác được khám phá nên, giúp ích cho những ai không thể đọc thuần thành tự nhiên, hoặc những ai trên thế giới hãy còn bỏ lỡ nền giáo dục đầu đời.
Khi rời khỏi Centre del Carme, tôi nhìn thấy Từ Băng đứng ở lối ra, và ngỏ lời xin anh ký tên lên quyển Địa thư tôi mua. Anh cười và bảo tôi viết ra những chữ cái họ tôi trên một mảnh giấy trước khi tạo tác chúng - chẳng phải theo một đường thẳng, theo yêu cầu bắt buộc của hệ thống alphabet, mà thành một khối, tái tạo cấu tứ của một chữ tiếng Hoa, một mánh mà anh đã tạo ra hòng phá đi trải nghiệm đọc của chúng ta, theo cách anh gọi là “thư pháp cọ vuông”. Anh ký tên tôi trong một emoji: những chữ hình tròn. Anh cũng viết thêm hai chữ Hoa khác, dù tôi chẳng thể phân biệt được chúng là từ trong từ điển tiếng Trung hay từ Thiên thư, mà rõ ràng nếu anh biết anh sẽ thấy vui.
Với tôi, trải nghiệm đọc qua những chữ viết của Từ Băng vô cùng khác biệt. Đó là bởi tôi đã học cách đọc chữ viết alphabet và vẫn luôn tiếp tục đọc chúng. Có lẽ một ngày nọ lũ trẻ lớn lên cùng với emoji sẽ học cách đọc một tổ hợp hình ảnh và từ ngữ hết sức thông thạo, đưa chúng ta trở về thời đại các hệ thống Ai Cập, hình nêm hay Maya, nơi âm thanh và hình ảnh hòa trộn để cùng nhau tạo nên ý nghĩa. Từ Băng nhắc nhở chúng ta rằng cách chúng ta đọc chẳng hề lập trình sẵn trong bộ não mà hoàn toàn có thể được “học, học nữa, học mãi”. Cách chúng ta viết trong tương lai có thể sẽ mang những hình thái hoàn toàn mới, không thể tưởng tượng ra nổi vào lúc này. Người nghệ sĩ ngày nay còn có thêm hậu thuẫn từ các nhà khoa học, những người đưa ra thêm một bằng chứng hòng giải thích cho sự thành công của giống loài chúng ta: Siêu năng của bộ não chúng ta nằm ở khả năng thích ứng phi thường trước các tình huống và thử thách, trao cho chúng ta những ưu thế nhanh chóng hơn bất cứ những gì tiến hóa có thể trao cho.
k.