"Một trong số những vấn đề của bệnh nhân trầm cảm là chúng ta không nói lý với họ được".
Đây là câu mà tôi đọc được từ một bài viết của một bạn nam trên Spiderum khi bạn kể câu chuyện trầm cảm của mẹ mình.
"Chúng ta không nói lý với họ được".

Ba năm tìm hiểu, chỉ để khẳng định những gì chúng ta biết về trầm cảm sau sang chấn tâm lý ít đến mức nào (nói rõ vậy là vì trầm cảm có rất nhiều dạng).
Tôi đã biết về hội chứng Stockholm_một hội chứng mà nạn nhân quay sang thấu hiểu, đồng cảm, thậm chí là yêu kẻ bạo hành, bắt cóc mình. Nhưng phải mãi lâu sau, tôi mới biết nguyên do của nó ở dạng phản ứng của não bộ.
Khi lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, não bộ con người sẽ tiết ra hoạt chất tương tự như morphin làm giảm stress, ổn định thần kinh và giúp họ chống chọi tốt hơn với biến cố. Hai chất đó là endorphins và serotonin. Trong cuốn How we die của bác sĩ Sherwin B. Nulan, ông miêu tả endorphins như một vòng tay đầy bao dung của tạo hoá, khi khoa học não bộ phát hiện trước khi một nạn nhân chết vì tai nạn giao thông hoặc thú dữ ăn thịt, thì ngay lập tức endorphins được tiết ra để nạn nhân cảm thấy bớt đau đớn vào giây phút lìa đời. 
Nhưng sau đó vào năm 1970, Richard Solomon đã chỉ ra cơ thể chúng ta học cách quen dần với kích thích, bạo hành, đánh đập bằng một cơ chế tương tự, khiến cho nạn nhân sẽ bớt lo lắng hơn khi tiếp xúc lại với sự căng thẳng
Thế nên, chúng ta mới thấy người mẹ bị đánh đập nhưng vẫn nhất quyết ở bên cạnh chồng mình, bạn gái bị bạo hành vẫn khẳng định "anh ấy yêu tao" và những đứa trẻ có tuổi thơ bị lạm dụng sau lớn lên lại có khả năng yêu người có tính cách giống người bạo hành mình. 
Hay chúng ta nói về một trường hợp khác nhé. 
Các bạn đã quá quen với chuyện các binh sĩ trở về từ chiến trận và mắc PTSD đúng không? Đặc điểm của họ là hiếm khi nào mà nhớ được thứ 2 tuần trước mình ăn cái gì vào buổi sáng, nhưng nếu bạn hỏi về trận chiến quyết định của họ, binh đoàn của họ có bao nhiêu người, cố thủ ở đâu, địa hình như thế nào, đồng đội của họ chết bao nhiêu người vào cả chục năm về trước, họ có thể kể vanh vách từng chi tiết một. Tại sao lại như vậy? 
Tiến sĩ y khoa Bessel Van Der Kolk đã tiến hành quét não của các bệnh nhân tình nguyện. Ông miêu tả 1 trường hợp điển hình như sau: Marsha trở nên trầm cảm sau cái chết vì tai nạn của con gái mình, và căn bệnh này tồn tại 13 năm. Tôi đứng sau màn hình máy quét khi cho Marsha nghe lại đoạn ghi âm kể lại câu chuyện tai nạn của con gái mình. Câu chuyện vừa bắt đầu, vùng Broca_một trong những trung tâm thành lập từ và phát âm của não sẽ ngay lập tức bất hoạt. Đồng thời vùng Brodmann_vùng ghi nhận hình ảnh đầu tiên ghi vào não thì lại sáng lên trên màn hình. Tôi và cộng sự đã vô cùng ngạc nhiên khi khu vực này của não vẫn bị kích hoạt rất lâu sau khi tai nạn diễn ra, dưới điều kiện thí nghiệm hoàn toàn bình thường. Một lần nữa, chúng ta chứng kiến não hoạt động y như ngày mà sự kiện dẫn đến sang chấn được diễn ra. 
Điều này có nghĩa là, bạn không thể nào nói với một người mẹ mất con sau 13 năm hay một người trải qua sang chấn một câu đơn giản: "chuyện đó đã là quá khứ rồi". 
Tôi thực sự không muốn dông dài thêm, vì những định kiến sai lầm về trầm cảm là rất nhiều. Tôi chỉ muốn liệt kê vài lời khuyên "có lý" tiêu biểu mà tôi_với tư cách là một người trầm cảm rất hay nghe. Chỉ để mong những bạn có người thân trầm cảm hiểu được, trước khi các bạn nghĩ rằng mình "có lý", xin hãy dành thời gian một chút, để hiểu được rằng những sang chấn tâm lý hoàn toàn có thể dẫn đến việc thay đổi kết cấu nền tảng mà não bộ xử lý nhận thứctừ đó thay đổi cách mà những người trầm cảm do sang chấn hành động và suy nghĩ. Chúng tôi không muốn điều đó đến với mình, chúng tôi nhìn cuộc sống của những con người bình thường qua một khe cửa hẹp, ước ao rằng căn hầm tối mà chúng tôi đang ở cũng có ánh sáng như ngoài đó, còn bạn, do cách cửa nhận thức ngăn cách 2 bên đóng quá kín, không có cách nào hiểu được cảm giác mà chúng tôi đã trải qua. 
Bài viết Phần 1 của tôi khi bạn admin chia sẻ trên Fanpage (Cảm ơn bạn admin) có 290 lượt thích và tầm 70 lượt share. Và trong những con số này, nếu không may mắn có những bạn cũng bị trầm cảm, thì tôi hi vọng các bạn tin vào cảm giác của mình và hãy tìm hiểu những thông tin bạn có thể để giải quyết trường hợp của bản thân. Vì bạn càng hiểu về con quỷ bao nhiêu, nhìn rõ nó bao nhiêu, thì bạn càng có khả năng cao để khống chế nó bấy nhiêu. Ở đây, tôi muốn nói đến việc, nếu bạn đủ hiểu về con quỷ của riêng bạn, bạn có thể chọn lựa được đúng phương thức chữa trị trầm cảm phù hợp với mình. (Nếu không xét đến yếu tố ý chí của bệnh nhân, tôi tin rằng riêng khâu chọn lựa người chữa trị và phương thức chữa trị đúng thôi là đã có được 60% kết quả rồi). 

Sau buổi gặp đầu tiên, nói rõ mong muốn của mình, chúng tôi chia tay nhau. Đến lúc về, tôi nhận được một email đơn giản của chị, yêu cầu tôi trả lời 3 vấn đề. Chúng tôi vẫn chưa quyết định sẽ ký hợp đồng với nhau hay không. Tôi cẩn trọng vì biết giá một phiên khai vấn của người ngồi trước mặt mình. Chị cẩn trọng vì chị đã tìm hiểu về trường hợp của tôi thông qua đồng nghiệp của chị. 
1. Vấn đề mà em đang gặp phải là gì?
2. Kết quả mà em muốn đạt được trong quá trình Khai vấn?
3. Vai trò của chị trong quá trình này?
Trong giới Khai vấn, có một tiêu chuẩn rõ ràng để phân chia "khách hàng có thể thực hiện khai vấn" và "khách hàng không phù hợp để khai vấn". Và câu trả lời của tôi cho 3 câu hỏi trên, sẽ phân biệt tôi thuộc dạng nào. 
Sau tất cả những gì mà tôi tìm hiểu, khai vấn vẫn là hình thức hoàn hảo với tôi trên lý thuyết, một niềm tin ngông cuồng thiếu thực tế.
Nhưng tôi tin nó hợp với tôi, vì một lý do đơn giản: 7 nguyên tắc cốt lõi của khai vấn ngăn cản người khai vấn nói lý với người cần được hỗ trợ. Nói cách khác, họ không đưa ra đánh giá và yêu cầu người được khai vấn làm theo lời khuyên của mình
Người ta hay nghĩ việc chữa trị trầm cảm là một câu chuyện chỉ bắt đầu khi đến gặp người trị liệu, nhưng sự thật không phải như vậy, quá trình này cần được bắt đầu trước lúc đó.
Muốn bước vào tâm hồn bệnh nhân, hiểu được thế giới quan của bênh nhân để tìm phương pháp điều trị (nhấn mạnh: không phải chữa khỏi bệnh, mà là tìm phương pháp điều trị) cần rất nhiều thời gian và tốn nhiều công sức_Cao Minh.
Tôi thật sự không muốn nghe câu chuyện mà một bạn trẻ trên Spiderum bị ba mẹ đưa đến gặp một bác sĩ tâm lý mà bạn ấy không thích ngay từ lần đầu tiên và kéo dài suốt cả tháng trị liệu. Không cần nói thêm, tôi biết quá trình này không có tác dụng.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây, phần tiếp theo, tôi sẽ nói về một số phương thức trị liệu phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, những số liệu tôi có được từ bệnh viện Bạch Mai, mức giá của nó trên thị trường (dù cái này thì hơi khó kiếm thông tin nên cũng chưa đầy đủ lắm). À, tôi sẽ nói nhiều hơn về câu chuyện trầm cảm của bản thân nữa chứ.
Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dùng 4 tiếng để mài rìu_Abraham Lincoln
Tài liệu tham khảo để viết:
1.  Sang chấn tâm lý - Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D.)
2. How we die - Hiểu về sự chết (Sherwin B. Nulan)
3. Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải (Cao Minh)
4. The coaching Manual (Julie Starr)