1
Điệp viên Douglas Mackiernan - mới được công nhận gần đây là điệp viên CIA đầu tiên thiệt mạng.
Cách đây hơn 70 năm, vào tháng 4 năm 1950 trên vùng Cao nguyên Tây Tạng giáp với Tân Cương xảy ra vụ việc chấn động: một điệp viên CIA tên Douglas Mackiernan bị lính canh Tây Tạng bắn chết cùng 2 điệp viên người Nga tên Leonid Shutov và Stefan Yanyushkin. Do điều kiện thông tin thiếu thốn ở Tây Tạng bấy giờ, sự cố đã không được biết tới rộng rãi. Và khi thông tin đến được với cơ quan tình báo Mỹ, nó ngay lập tức bị tất cả bên dìm sâu vào bí mật trong hơn nửa thế kỷ. Trong suốt thời gian đó, mọi thông tin dư luận biết về Douglas Mackiernan hết sức mù mờ, gần như không ai quan tâm đến công việc và cái chết của ông, cũng như mối liên hệ của ông với CIA, và vì vậy góa phụ và con cái của ông cũng phải sống trong day dứt và thiệt thòi trong 50 năm.
Mãi đến những 2000, những bí ẩn mới được giải mã hoàn toàn nhờ những nỗ lực ở 2 đầu thế giới. Trong khi ở Nga, người ta tìm đến Vasily Zvantsov, người Nga duy nhất sống sót sau sự cố trên cao nguyên Tây Tạng để kể lại câu chuyện, thì bên kia thế giới, CIA và chính quyền Mỹ đã tiến hành giải mật tài liệu, tiết lộ sự thật về cuộc đời điệp viên Douglas Mackiernan.
Vậy điều gì đã xảy ra trên cao nguyên Tây Tạng năm 1950. Tại sao người Nga và Mỹ lại đi chung? Và tại sao tình báo Mỹ phải vội vã chôn sâu bí mật này? Bài viết này tổng hợp những tư liệu được công bố gần đây về cuộc đời điệp viên Douglas Mackiernan và nhiệm vụ bí mật của tình báo Mỹ ở miền Tây Trung Quốc cách đây 70 năm để trả lời những câu hỏi trên.

1/ Douglas Mackiernan và bối cảnh miền Tây Trung Hoa. (Loạt bài Tây Trung Hoa nếu cần sẽ có bài khác)
Douglas Mackiernan ngày 25/4/1913 tại Mexico City, Mexico nhưng sống ở Hoa Kỳ. Phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ thời Thế Chiến, ông gây ấn tượng với cơ quan tình báo Hoa Kỳ với khả năng nói thành thạo các thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Nga. Vì vậy từ năm 1943, Douglas Mackiernan đã được tình báo Hoa Kỳ bổ nhiệm vị trí ở thủ phủ Urumqi (người Trung Quốc gọi là Dihua) của vùng Tân Cương, tây bắc Trung Hoa, một nơi mà xét theo thành phần dân cư, tình báo Hoa Kỳ không tính nó vào ”châu Á”.  Ở Urumqi, Douglas Mackiernan làm nhiệm vụ dưới vỏ bọc một nhân viên khí tượng. Năm 1947, ông được biên chế vào CIA, tổ chức tình báo khét tiếng thành lập trong chiến tranh Lạnh. Vợ của ông, Pegge Mackiernan (tên thật là Pegge Lyons) cũng là nhân viên khí tượng ở Dihua, nhưng không được biết về hoạt động tình báo của ông.
Tân Cương từ lâu đã là ”vùng đất dữ” nổi tiếng của Trung Hoa. Từ khi nhà Thanh sụp đổ, các bộ tộc thiểu số ở vùng đất này như Kazakh, Kyrgyz,… và nhất là sắc dân lớn nhất – Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) đã liên tục nổi dậy chống lại chính quyền do người Hán đứng đầu. Từ năm 1930, vùng đất này đã rơi vào ảnh hưởng của Liên Xô, trở thành quốc gia vệ tinh của Xô Viết. Cho đến năm 1944, Liên Xô dựng lên ở Tân Cương một chính quyền bù nhìn do Thịnh Thế Tài đứng đầu. Vào năm 1944, tình hình ở đây thêm một nấc rối ren, khi Liên Xô hỗ trợ một chính phủ người Duy Ngô Nhĩ ly khai, tự xưng ‘’Cộng hòa Đông Turkestan’’, nổi lên chống lại quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch ở Tân Cương. Sự kiện được biết là ”cuộc nổi loạn Ili” từ năm 1944 đến 1949.
Ảnh: điệp viên Douglas Mackiernan và vợ Pegge Lyons trong thời gian ở Tân Cương, Trung Quốc.
2
Chính phủ Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị ly khai ở Tân Cương năm 1944.
Cuộc nổi loạn Ili diễn ra chủ yếu ở miền Bắc Tân Cương, và thủ phủ Dihua nơi Douglas Mackiernan làm việc không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng cũng trong thời gian diễn ra loạn Ili, năm 1948 xảy ra một cuộc đụng độ đẫm máu ở núi Bắc Tháp Sơn (Beitashan) gần biên giới Mông Cổ – Trung Quốc. Quân Mông Cổ được Liên Xô chống lưng đã xâm lấn biên giới Trung Hoa, gây ra đụng độ làm hàng trăm binh lính 2 bên thương vong. Douglas Mackiernan được lệnh của cơ quan tình báo Mỹ, đã đi theo quân Trung Hoa Dân Quốc lên núi Bắc Tháp Sơn và là người đã đưa những sự kiện ở Bắc Tháp Sơn ra quốc tế, gây ra tranh cãi ngoại giao lớn giữa Trung Quốc và Liên Xô ở Liên Hợp quốc.
Ngoài ra, ở Tân Cương, Douglas Mackiernan là người đã phát hiện ra chương trình nguyên tử của Liên Xô khi ông nhận thấy các hoạt động khai thác Uranium và các lò phản ứng được xây dựng ở Tacheng, Bắc Tân Cương. Ông cũng đã dự đoán chính xác vụ thử bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô ở Kazakhstan. Do đó, Douglas Mackiernan được mệnh danh là ”gián điệp nguyên tử” (Atomic Spy) đầu tiên của Hoa Kỳ. Những tài liệu giải mật sau này của Douglas Mackiernan đã cho thấy bằng chứng chắc chắn rằng Hoa Kỳ đã biết rõ chương trình hạt nhân của Liên Xô nhưng không thể ngăn chặn.
Ngoài ra, còn có những nghi ngờ về ”cái bắt tay mờ ám” giữa Liên Xô và Mỹ ở miền Tây Trung Hoa. Theo đó, Douglas Mackiernan hoạt động trong lòng một khu vực ảnh hưởng của Liên Xô nhưng không bị đụng đến. Còn chương trình hạt nhân của Liên Xô không bị phá hoại. Người ta lập luận rằng Liên Xô và Hoa Kỳ đều coi miền Tây Trung Hoa lúc đó là “miếng bánh ngon” cần được chia sẻ, và vì vậy đã chia nhau lợi ích của mình ở nơi này, mặc kệ người Trung Hoa. Trong khi Liên Xô tiếp tục giữ Tân Cương làm “quốc gia vệ tinh” và khai thác nơi này, người Mỹ cũng định biến Tân Cương, Tây Tạng thành căn cứ cho tàn quân Quốc Dân Đảng trong trường hợp họ thua trong nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này càng có cơ sở khi tai nạn của Douglas Mackiernan ở Tây Tạng diễn ra sau đó: ông đi cùng 3 người Nga.

2/ Cuộc hành trình đến Tây Tạng
Năm 1949, tình hình Trung Quốc thay đổi nhanh chóng. Đảng Cộng sản Trung Quốc được coi là chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc nội chiến. Lúc này, cả Liên Xô và Mỹ đều có những tính toán riêng cho những quân bài của mình trước nước Trung Hoa Cộng sản sắp thành lập.  Nếu như Liên Xô chọn cách bỏ rơi Tân Cương, giữ lại Mông Cổ, thì người Mỹ dự định đưa tàn quân Quốc Dân Đảng về một khu hiểm trở ở Tây Nam (chính là tỉnh Vân Nam và Miến Điện ở Đông Nam Á) tiếp tục chiến đấu. Họ cũng dự tính biến Tây Tạng – một khu vực vốn trung lập trước đây – thành một quốc gia thù địch chống lại Trung Hoa Cộng sản. Và đây chính là một cơ sở nghi ngờ ”cái bắt tay” của Liên Xô và Mỹ, khi họ cùng dự tính ”dọn đường” Tân Cương cho quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa tiến vào và Quốc Dân Đảng dời đi. Nếu như Liên Xô cho đoàn chính phủ Tân Cương lên máy bay rồi ám sát bằng cách cho rơi ở hồ Baikal , thì CIA được cho là tìm một con đường xuyên qua Tây Tạng để tàn quân Quốc Dân Đảng ở Tân Cương đi xuống Vân Nam lập chiến khu.
Tháng 7 năm 1949, sứ quán Mỹ và hầu hết người Mỹ ở Dihua được di tản bằng máy bay, trong đó có cả Peggy Mackiernan, vợ của Douglas. Điều này thực hiện được nhờ một thỏa thuận đã được xác thực giữa Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc, theo đó duy trì các chuyến bay giữa Tân Cương và các thành phố của Quốc Dân Đảng kiểm soát. Nhưng Douglas Mackiernan và vài người khác được chọn cho nhiệm vụ này tiêu hủy tài liệu, vật tư của tình báo Mỹ ở Dihua. Riêng Douglas Mackiernan còn nhiệm vụ đặc biệt khác: tiếp tục theo dõi chương trình hạt nhân Liên Xô, do trước đó ông đã báo cáo có vẻ Liên Xô sắp thử bom nguyên tử. Vào ngày 10 tháng 8 năm 1949, bức điện cuối cùng của Mackiernan ở Dihua được gửi đi, thông báo rằng Liên Xô có vẻ sẽ thử quả bom nguyên tử ở Kazakhstan trong thời gian ngắn sắp tới. Tin tức này của ông sau đó đã được chứng minh là chính xác: ngày 29/8/1949, Liên Xô thử quả bom nguyên tử đầu tiên của nước này tại bãi thử Semipalatinsk, Kazakhstan.
Kế hoạch hành trình của Douglas Mackiernan là men theo biên giới phía Tây, đi quan Tây Tạng hoặc thậm chí là Ấn Độ để xuống Vân Nam. Do không thông thạo đường đi ở Nam Tân Cương, Douglas Mackiernan đã được một đoàn cộng sự khác hộ tống. Đoàn cộng sự của ông gồm nhà địa chất người Mỹ Frank Bessac, cùng 3 người Nga tên Stepan Yanyushkin, Leonid Shutov và Vasily Zvantsov. 3 người này là những người Nga chống cộng, cựu quân Bạch vệ thời Nội chiến Nga, chạy trốn khỏi Liên Xô. Tuy nhiên ở Tân Cương, hầu hết quân Bạch Vệ đều làm việc cho tình báo Liên Xô KGB. Trong số này, Vasily Zvantsov là người nổi tiếng nhất, sau này đã sống sót để kể lại câu chuyện về Douglas Mackiernan.
Đoàn hành trình 5 người men theo biên giới phía Tây giữa Tân Cương và Kazakhstan, đi về phía Nam hướng đến Tây Tạng. Trong nhật ký của Frank Bessac ghi lại, họ không đi liên tục mà đã có hẳn 1 tháng dừng chân trong căn cứ của tướng ly khai dân tộc Kazakh rất nổi tiếng là Ospan Batyr. Đó là khi chiếc xe Jeep của họ bị hỏng và phải bỏ lại, và họ phải tìm đến căn cứ của Ospan Batyr. Ospan Batyr là thủ lĩnh người Kazakh ở Tân Cương, người đã chiến đấu chống lại bất cứ phe nào chỉ để bảo vệ lợi ích của dân tộc Kazakh. Sau năm 1949, Ospan Batyr không hạ vũ khí mà tiếp tục chiến đấu chống lại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kết quả là bị bắt và xử tử năm 1951.
Trong thời gian ở căn cứ của Ospan Batyr, đoàn của Douglas Mackiernan đã được tiếp đón, cung cấp nhu yếu phẩm và lạc đà để di chuyển. Douglas Mackiernan và đoàn của ông cũng để lại cho thủ lĩnh người Kazakh một số vật phẩm như radio, đồng hồ và vàng để cảm ơn. Cũng trong thời gian này, ngày 25 tháng 9 năm 1949, Douglas Mackiernan đã xoay trở để có thể gửi đi bức điện tín cuối cùng của mình đến cơ quan tình báo Mỹ ở Nam Kinh. Tuy vậy, bức điện lần này mang nội dung khá bi, quan đại ý là: “quân Quốc Dân Đảng ở Tân Cương đã hạ vũ khí và chào đón quân Cộng sản tiến vào. Và không có vẻ gì họ muốn hành quân xuống phía Nam tiếp tục chiến đấu”. Bức điện của Douglas Mackiernan được cho là nguyên nhân khiến tình báo Mỹ từ bỏ kế hoạch hành cho Quốc Dân Đảng quân xuống Vân Nam, thay vào đó tập trung xây dựng căn cứ ở vùng Đông Nam Á xa hơn.
Sau khi rời trại của Ospan Batyr, 5 người trong nhóm Douglas Mackiernan đi bằng lạc đà hơn 1000 km qua sa mạc Taklamakan khắc nghiệt. Thỉnh thoảng họ thậm chí đã đi qua lãnh thổ Trung Á của Liên Xô mà không bị bắt giữ. Trên đường đi, Mackiernan đã rất cẩn thận ghi lại từng km trong nhật ký hành trình của mình, cố gắng ghi lại chi tiết từng địa điểm, cột mốc mà đoàn đi qua, trong khi thường xuyên tìm cách liên lạc qua Radio với các cơ quan tình báo Mỹ. Đến nay, nhật ký hành trình của Douglas Mackiernan và Frank Bessac mới chỉ được giải mật một phần. Các bức ảnh chụp và liên lạc qua radio vẫn nằm trong kho tài liệu chưa được giải mật của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
Tháng 11/1949, đoàn Douglas Mackiernan đã đến chân dãy núi Côn Luân, ranh giới giữa Tân Cương và Tây Tạng. Tại đây, các ghi chép cho thấy họ đã bị kẹt lại trong 3 tháng vì mùa đông khắc nghiệt, nhưng may mắn đã được trú tạm cùng một bộ lạc người Tajik địa phương.
Đến tháng 3/1950, sau khi kết thúc mùa Đông, nhóm 5 người đã băng qua dãy Côn Luân, đến được sơn nguyên Changtang thuộc Tây Tạng. Đây là một khu vực hoang vắng rất thưa người.

3/ Và vụ bắn nhầm tai tiếng
Bi kịch ập đến vào ngày 29/4/1950. Tại một khu vực có người ở trên cao nguyên Changtang, nhóm 4 người gồm điệp viên Douglas Mackiernan cùng 3 cộng sự người Nga: Yanyushkin, Shutov và Zvantsov bất ngờ đụng độ lính canh Tây Tạng đang đi tuần. Không kịp phản ứng, lính Tây Tạng nổ súng bắn cả 4 người. Nhà địa chất Frank Bessac tách khỏi nhóm cách đó một ngọn núi, nghe thấy tiếng súng chạy đến thì thấy 3 người gồm Mackiernan, Yanyushkin, Shutov đã chết, còn Zvantsov bị thương nặng. Frank Bessac gào thét để lính Tây Tạng dừng bắn và ông bị bắt ngay lúc đó. Frank Bessac và Zvantsov bị lính Tây Tạng đưa đi, không còn biết gì về thi thể Douglas Mackiernan và 2 người Nga kia nữa.

Lính canh Tây Tạng lúc đó không hề biết mình vừa bắn một điệp viên Mỹ. Và người Mỹ cũng không hề biết điệp viên của mình vừa bị bắn chết dù liên lạc đột ngột bị cắt đứt. Phải tận 5 ngày sau, lính Tây Tạng mới tá hỏa khi biết đã giết một nhân viên tình báo Mỹ. Đó là lúc đại diện Mỹ ở Nam Kinh viết thư cho Dalai Lama của Tây Tạng thông báo rằng sắp có một đoàn điệp viên Mỹ băng qua biên giới Tây Tạng, đề nghị có hành động an toàn. Lúc Dalai Lama nhận được thư thì Douglas Mackiernan đã bị bắn chết 5 ngày rồi. Sự chậm trễ khó tin của đại diện tình báo Mỹ được giải thích là do không có điện tín được nối trực tiếp đến Tây Tạng nên phải gửi thư tay.

Chính quyền Tây Tạng sau đó phải vội vã giải thích rằng Douglas Mackiernan khiến họ nhầm lẫn. Cụ thể, Mackiernan là người châu Âu nhưng mặc quần áo Tân Cương, lại đi cùng người Nga nên lính canh Tây Tạng tưởng nhầm ông là điệp viên của Cộng sản ở Tân Cương (ám chỉ Liên Xô), vì thế đã nổ súng bắn chết. Lính canh Tây Tạng thời điểm đó đang được đặt trong cảnh giác cực độ, sẵn sàng bắn bất cứ người nước ngoài nào xâm nhập do lo sợ CHND Trung Hoa sắp sửa chiếm Tây Tạng (điều đó thực sự sau đó đã xảy ra).
Sau khi tin tức từ Tây Tạng thông báo về vụ bắn nhầm, cơ quan tình báo Mỹ đã được chỉ thị liên hệ với Tây Tạng giấu kín mọi thông tin không được để lộ ra ngoài. Tất cả thông tin được Hoa Kỳ đưa ra về Douglas Mackiernan là nhân viên bộ ngoại giao Mỹ kiêm khí tượng viên, thiệt mạng ở Tây Tạng không nói rõ lý do, còn lại không đề cập bất cứ thông tin gì về liên hệ với tình báo Mỹ. Cũng không có thông tin gì được đưa thêm về phía Tây Tạng, một phần do điều kiện thông tin thiếu thốn ở Tây Tạng thời đó. Tóm lại, không nhiều người trên thế giới biết về vụ Tây Tạng bắn nhầm điệp viên Mỹ lúc đó, còn công chúng Mỹ tin rằng người Mỹ thiệt mạng ở Tây Tạng chỉ là nhân viên khí tượng bình thường.

Ngày 29 tháng 7 năm 1950, tận 3 tháng sau cái chết của Douglas Mackiernan, mới có tờ báo lớn đầu tiên, New York Times thông báo ngắn gọn: nhân viên Bộ ngoại giao Douglas Mackiernan đã thiệt mạng ở Tây Tạng! Hoàn toàn không đề cập gì đến nhiệm vụ tình báo của ông.
Tuy nhiên, sau này người ta phát hiện trước đó đã có những nghi ngờ Douglas Mackiernan làm nhiệm vụ gián điệp ở Trung Quốc. Cụ thể, chính quyền Trung Quốc từng tố cáo Douglas Mackiernan đang làm gián điệp ở miền Tây Trung Hoa, nhưng điều này bị Hoa Kỳ bác bỏ. Một tờ báo địa phương ở San Francisco tháng 1/1950 thậm chí đã phỏng vấn vợ của Douglas Mackiernan, bà Pegge Mackiernan, trong đó bà bác bỏ tin đồn chồng mình là điệp viên. Dĩ nhiên, bởi Douglas Mackiernan đã giấu kín hoạt động tình báo của mình với cả người vợ.

Đây có thể là câu trả lời cho việc tại sao chính quyền Mỹ lại muốn giấu mối liên hệ giữa Douglas Mackiernan và cơ quan tình báo. Dễ thấy trong lúc đó, người Mỹ vừa mạnh miệng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc về Douglas Mackiernan, nên khi tai nạn xảy ra buộc phải tuyên bố ông chỉ là nhân viên Bộ ngoại giao, nhằm mục đích giữ thể diện cho chính quyền và cơ quan tình báo Mỹ.

4/ Số phận người sống sót.
Sau khi được biết là bị bắn nhầm, 2 người sống sót là nhà địa chất Mỹ Frank Bessac và người Nga làm việc cho KGB Vasily Zvantsov đã được đối xử khá tốt. Họ đã được cứu chữa, gặp người Mỹ ở Tây Tạng, và thậm chí được diện kiến Dalai Lama của Tây Tạng. Frank Bessac đã may mắn ghi lại những bức ảnh quý giá về Tây Tạng trong thời gian 2 người ở đây.

Với nhóm lính canh Tây Tạng bắn nhầm điệp viên Mỹ, sau khi phát hiện sai lầm một tòa án binh Tây Tạng đã kết án nhóm lính canh. Tội bắn nhầm người thời đó ở Tây Tạng bị phạt rất nặng, bao gồm cả những hình phạt ghê rợn như xẻo mũi và tai. Nhưng Frank Bessac đã xin tha cho nhóm lính, giúp họ chỉ bị phạt 200 roi.
Bessac và Zvantsov sau đó tiếp tục được chuyển đến thủ đô Lhasa của Tây Tạng trong 2 tháng 6 và 7 năm 1950. Tại đây, 2 người gặp được nhiều người nước ngoài, cả Nga và Mỹ ở Tây Tạng. Bessac liên hệ được với đại diện Mỹ, sắp xếp cho ông trở về Mỹ từ Ấn Độ. Bessac cũng thuyết phục Zvantsov theo ông về Mỹ, và Bessac sẽ kiếm hộ chiếu Mỹ cho ông.
Tháng 8 năm 1950, họ nhận được ngựa của Tây Tạng để đi về phía Ấn Độ. Lúc này đường dễ đi hơn do có đường lớn nối thẳng Ấn Độ với Tây Tạng. Ngày 21/8/1950, Bessac và Zvantsov đến được Sikkim, biên giới Ấn Độ và được lính Ấn Độ ở đây đón về thành phố Calcutta, một thành phố lớn của Ấn Độ, cũng là nơi đặt một cơ sở quan trọng của CIA. Từ Calcutta, họ được trở bằng máy bay về thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Tại đây, Bessac được trở thẳng về Mỹ, còn Vasily Zvantsov bị kẹt lại hơn 8 tháng do ông không có hộ chiếu Mỹ, lại là công dân Liên Xô nên người Mỹ không cho ông lên máy bay.
Zvantsov đã kẹt ở Delhi trong 8 tháng. Sau khi được Bessac lo hộ chiếu Mỹ, ông mới được sang Mỹ định cư. Ông sống ở bang Hawaii và qua đời năm 2012. Dĩ nhiên, ông giữ kín (hoặc bị bắt giữ kín) câu chuyện về Douglas Mackiernan và những chuyện trên cao nguyên Tây Tạng. Còn Frank Bessac tiếp tục làm giáo sư ở trường đại học ở Montana, Hoa Kỳ. Ông qua đời vào năm 2010.
5/ Giải mật và thừa nhận.
Sau hơn nửa thế kỷ giấu kín, đến những năm 2000, những góc khuất trong câu chuyện về Douglas Mackiernan đã được làm sáng tỏ, nhờ những nỗ lực của cả 2 bên Nga và Mỹ.
Nếu như ở Nga, nhà báo Roman Gruzov dành nhiều năm để tìm kiếm, lần theo dấu vết, cuối cùng tìm được Vasily Zvantsov đang định cư ở Hawaii năm 2011, hóa ra chỉ một năm trước khi ông qua đời. Tại đây, Roman Gruzov đã phỏng vấn Zvantsov, và đã may mắn ghi lại được câu chuyện quý giá về cuộc hành trình xuyên Trung Quốc của đoàn điệp viên Mackiernan năm 1950. Câu chuyện kể của Vasily Zvantsov đã gây sốt trên truyền thông cả Nga và Mỹ khi nó được công bố, dù rằng vào thời điểm đó câu chuyện về Douglas Mackiernan cũng đã được giải mật khá nhiều
Còn đối với cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm về Douglas Mackiernan – cơ quan tình báo trung ương CIA – sau 50 năm tránh trách nhiệm, đến năm 2000 họ mới lần đầu tiên thừa nhận Douglas Mackiernan là nhân viên CIA, thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. Điều này đồng nghĩa với việc Douglas Mackiernan là điệp viên CIA đầu tiên thiệt mạng trong công việc, điều mà trước đây được cho thuộc về Jerome P. Ginley (nhân viên CIA rơi máy bay thiệt mạng ở Nhật Bản năm 1951). Với việc công nhận này, bức tường danh dự của CIA ghi tên những người hy sinh đã được sửa lại, với cái tên Douglas Mackiernan được đưa lên ngôi sao đầu tiên. Nhưng cũng phải đến năm 2006, CIA mới tiếp tục thừa nhận Douglas Mackiernan là “điệp viên nguyên tử” đầu tiên của Hoa Kỳ, nhờ thành tích phát hiện chương trình hạt nhân của Liên Xô ở Tân Cương. Sở dĩ có chuyện này là vì “điệp viên nguyên tử” (atomic spy) là một danh xưng rất cao quý trong thời chiến tranh Lạnh. Như ở Liên Xô, các “điệp viên nguyên tử” sẽ được in hình trên tem thư.
Với người vợ Pegge Mackiernan và con của Douglas Mackiernan, do cái chết của ông không được công nhận là điệp viên CIA làm nhiệm vụ, do vậy họ đã chịu thiệt thòi khi không được nhận trợ cấp từ chính phủ Mỹ và CIA, chỉ nhận được một khoản trợ cấp nhỏ từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ cũng không được biết sự thật về thân thế của chồng và cha mình. Nhưng sau năm 2000, khi các tài liệu được giải mật, chính phủ Hoa Kỳ đã chịu trách nhiệm và bồi thường trợ cấp cho gia đình ông
Sự thật và danh dự của Douglas Mackiernan đã được trả lại tương đối đầy đủ sau hơn 50 năm.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản cho biết 'MONUMENTAL AMERICANS DOUGLAS MACKIERNAN Served in World War II Worked for the Co Soviet efforts to build an atomic bomb Died 1950, escaping from Communist China First CIA officer killed in the line of duty First American casualty of the Cold War MSNBC'
Tưởng niệm Douglas Mackiernan tại trụ sở CIA. CIA chỉ công nhận Douglas Mackiernan là điệp viên của họ sau năm 2000.
Bản đồ ghi lại toàn bộ hành trình xuyên Trung Quốc của nhóm điệp viên:
-Từ tháng 8-9/1949: đi lạc đà và xe tải đến Urumqi, Tân Cương
-Từ tháng 9-11/1949: đi xe Jeep và lạc đà qua sa mạc Taklamakan, đến trại của Ospan Batyr
-Từ tháng 11/1949 – 3/1950: kẹt trên dãy núi Côn Luân
-Tháng 4-5/1950: đến Shegarkhung Lung, Tây Tạng – điệp viên Douglas Mackiernan và 2 người Nga bị bắn chết ngày 29/4/1950
-Ngày 9/5/1950: hai người sống sót Bessac và Zvantsov bị đưa đến Shenisa, Tây Tạng
-Tháng 6-7/1950: ở thủ đô Lhasa, Tây Tạng
-Ngày 21/8/1950: đến Sikkim, biên giới Ấn Độ và được trở đến Calcutta
-Ngày 30/8/1950: đến thủ đô New Delhi, Ấn Độ và trở về Mỹ.
Tư liệu tham khảo:
-”Tôi đến Tây Tạng và trở thành anh hùng” – phỏng vấn Vasily Zvantsov – tác giả Roman Gruzov.
-Into Tibet: The CIA’s First Atomic Spy and His Secret Expedition to Lhasa (Thomas Laird)
– The Book of Honor : The Secret Lives and Deaths of CIA Operatives (Ted Gup)