Một vài nhận xét về tính khả thi của một cuộc canh tân ở Việt Nam đầu thế kỉ XIX
Cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây vào cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX đã dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cán cân sức mạnh...
Cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây vào cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX đã dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cán cân sức mạnh Đông - Tây. Sự yếu kém và lạc hậu của các quốc gia phương Đông nói chung và nước Đại Nam nói riêng đối với các quốc gia phương Tây là không còn phải bàn cãi. Muốn bắt kịp và đủ mạnh để đối phó với nguy cơ xâm thực của thực dân phương Tây lúc này đang trên đà bùng nổ thì phải có những cuộc cải cách, cách mạng để thoát ra khỏi các mô hình phát triển cũ đang ngày càng trở nên bế tắc.
Trong thời kỳ này, Nhật Bản là quốc gia duy nhất thành công với cuộc Duy tân Minh Trị của mình. Mình thử đặt giả thiết xem một cuộc canh tân đất nước tầm cỡ như vậy, liệu có khả thi ở Đại Nam lúc đó hay không bằng cách so sánh, đối chiếu một cách khái quát tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng ở Việt Nam và Nhật Bản thời kì đó.
Trong bài viết rải rác mình có mấy cái bản đồ, nhìn vào cách vẽ bản đồ ta có thể thấy được sự khác biệt, khoảng cách của hai quốc gia trong thời trung đại.
1. Hệ tư tưởng
Bản quốc dư đồ, Microfilm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, Ký hiệu A.1106, No. 38
Khác với người anh của mình - hoàng tử Cảnh,vua Minh Mạng được giáo dục trong môi trường Nho học từ nhỏ nên suy nghĩ, cách nhìn nhận cũng như giải quyết các vấn đề đều mang nặng tính Nho giáo. Ví dụ, ngay sau khi lên ngôi, Ông đã chú trọng ngay đến vấn đề giáo hoá, bảo với Ký lục Quảng Đức là Ngô Bá Nhân rằng:
“Kinh sư là nơi thanh danh văn vật, phong hoá bắt đầu từ đây. Trước kia từ loạn Tây Sơn, quân dân tập nhiễm thói xấu, không biết nhún nhường. Nay phải lấy lễ phép mà dạy bảo. Khi có xe kiệu nhà vua đi thì phải nghiêm lặng tránh xa, không được xông xáo; hoặc thấy xe lọng các quan trưởng, thì đương ngồi phải đứng dậy, đương đi phải tránh lối, để tỏ giáo hoá tôn vua kính trên mà làm gương cho thiên hạ”[1].
Hay trong công cuộc giáo hoá trong vùng Nam Bộ, ông đã bảo với Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Hữu Thận rằng:
“Người Gia Định vốn tính trung nghĩa nhưng ít học, cho nên phần nhiều tính hay tức khí với nhau. Nếu được bậc đại nho túc học làm thầy dạy bảo cho điều lễ nhượng thì dễ hoá làm thiện mà thành tài cũng nhiều đó”[2].
Cùng với việc sùng Nho của mình, ông cũng đẩy mạnh việc giáo dục, thi cử để đào tạo, chọn lựa một đội ngũ quan lại nho học phụng sự cho mình. Năm 1821, ông đặt chức Tế tửu và Tư nghiệp[3], năm 1820 xuống chiếu mở lại thi Hương và thi Hội[4].
Nho giáo bao phủ đời sống chính trị - xã hội và ảnh hưởng nặng đến kinh tế với tư tưởng “trọng nông ức thương”. Tầng lớp thương nhân bị khinh thường, nền kinh tế hàng hoá bị kìm hãm.
Sự sùng Nho của triều đình Huế kéo theo suy nghĩ tự coi mình là Hoa Hạ, các quốc gia xung quanh là Man Di mọi rợ và ý niệm chính trị “nhu viễn”. Khái niệm “nhu viễn” được sử dụng lần đầu vào năm 1815, khi Gia Long có mười ba quốc gia triều cống là Anh, Pháp, Vạn Tượng, Nam Chưởng, Hoả Xá Quốc, Thuỷ Xá Quốc, Trấn Ninh... Vua Gia Long cho rằng các nước dâng cống vật vì ngưỡng mộ đức độ và quyền uy của mình, Đại Nam ưu việt hơn về văn hoá so với các quốc gia xung quanh[5]. Minh Mạng đã kế thừa ý niệm này từ cha mình, thể hiện rõ trong các phát ngôn của ông về các quốc gia xung quanh hay trong các lần ngoại giao như:
"Quốc vương Chân Lạp Chăn, nhà ngươi đời làm thần thuộc, kính giữ chức cống, sợ mệnh trời thờ nước lớn, một niềm kính thuận, cho nên khi trẫm mới lên ngôi, vương sai sứ đến lạy chầu ngay. Xét lòng thành thực ấy, thật là đáng khen, và gia thưởng các vật gấm đoạn. Vương được nhờ vinh quang ấy, phải kính sợ thêm, vỗ yên quan dân của ngươi, để cho vững mạnh phên giậu của ta mà giữ tiếng hay, chớ bỏ mệnh lệnh của trẫm”[6].
“Động Dịch là dân biên của ta, đã ghi vào sổ sách. Phọc Khâm đã biết tội thì tạm rộng tha cho. Còn như các sách Man ở Cam Lộ thì là thần thuộc của triều ta, vẫn cung nộp thuế lệ hơn 200 năm nay, không có cái việc nước ngoài đến sách nhiễu thuế khoá bao giờ. Phá Hạt Xà Bút sao dám như vậy? Duy nghĩ y mới mạo phạm một lần nên cũng rộng dung cho. Vương phải nghiêm cấm bọn chúng, từ nay phải tuân pháp luật, giữ cương giới, không được làm bậy, để nhờ cái phước của trẫm vỗ yên các bang”[7].
Chính những suy nghĩ coi mình là Hoa Hạ, là văn minh và hạ thấp thứ bậc của các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp đã phần nào tạo nên một sự đề kháng trong sự tiếp thu những thành tựu, tri thức phương Tây.
Hơn nữa, lúc này các tư tưởng mới ở phương Tây chưa được du nhập và tiếp thu vào nước ta. Những hiểu biết còn chưa xuất hiện chứ chưa nói đến suy nghĩ về một cuộc Duy tân. Vua Minh Mạng nói về cách mạng Pháp như sau:
“Trẫm xem cuối đời Lê - Trịnh, kỷ cương rối loạn, một việc kiêu binh lại là việc loạn lạ lùng, từ xưa chưa có, thực đáng thở dài. Trẫm từng nghe việc loạn ở nước Phú Lãng Sa, bắt đầu có người yêu quái truyền nói ở trong nước rằng: “Phàm loài miệng có răng đầu, có tóc đều là người cả, sao lại để cho giàu nghèo không đều”. Thế là ùa nhau nổi lên cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo để cho đều nhau, dần đến loạn to, so với việc kiêu binh cuối đời Lê việc cũng giống nhau. Nhưng đảng loạn nước Phú Lãng Sa cuối cùng bị diệt mà kiêu binh thì không từng có kết cục, lại như lọt lưới thì lạ thực”[8].
Continental Map with Scenes of Forty-Eight People (Asia and Africa), late 18th century, Kobe City Museum
(Bản đồ của Nhật)
Cũng là một quốc gia Nho giáo, nhưng Nho giáo ở Nhật dưới thời Mạc phủ Tokugawa lại có những điểm khác biệt với Nho giáo ở Việt Nam lúc đó. Các nhà nho Nhật Bản đã tìm thấy nhiều điểm tương đồng trong các học thuyết của đạo Nho với Thần đạo của Nhật, chữ “Trung” chi phối các giá trị đạo đức khác. Nho giáo ở Nhật thời kỳ này, là sự hoà trộn cao giữa Tống Nho và Thần đạo.
Đạo Khổng ở Nhật mang tính dân tộc rất cao, có lẽ do tính dân tộc mạnh mẽ riêng biệt đó. Nhật Bản đã có thể sớm thoát khỏi tình trạng bảo thủ, trì trệ của mô hình phát triển phương Đông, Gạt bỏ được những hạn chế trong Nho giáo chính thống để nhanh chóng hoà mình vào thế giới hiện đại[9].
2. Tiền đề kinh tế, xã hội
Ở Đại Nam lúc này, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính. Thủ công nghiệp và thương nghiệp chỉ là nghề phụ, bị chính quyền can thiệp, chi phối sâu sắc.
Một là, trong nông nghiệp: Công việc khai hoang được chú trọng, nhiều vùng đất mới được khai phá, diện tích đất nông nghiệp được mở rộng khá nhiều. Nhưng bên cạnh đó, do những sai lầm trong công tác thuỷ lợi, trị thuỷ, nhà Nguyễn không chế ngự được con sông Hồng, nhiều trận lụt lớn đã xảy ra. Những tiêu cực trong bộ máy quan liêu của triều đình Huế cùng với nạn cường hào ở địa phương đã làm cho đời sống nhân dân thêm khó khăn, xã hội bất ổn.
Hai là, thủ công nghiệp bị nhà nước can thiệp, chi phối nặng nề. Các mức thuế khá cao cùng với sự kiếm soát gắt gao của triều đình đã làm cho thủ công nghiệp bị kìm hãm, kĩ thuật ít được cải tiến, manh mún, nhỏ lẻ. Thương nghiệp cũng chịu chung số phận với thủ công nghiệp, triều đình nắm giữ ngoại thương, tự cung tự cấp vẫn là nền kinh tế chính.
Trong khi đó, Nhật Bản lúc này là một tập hợp hàng trăm công quốc. Chính sách Toả quốc (Sakoku) tuy cách li Nhật Bản với thế giới bên ngoài, song lại thúc đẩy các ngành kinh tế trong nước phát triển. Các công quốc trong lòng nước Nhật trao đổi, quan hệ kinh tế với nhau:
Thứ nhất, trong nông nghiệp: Để nâng cao năng suất lao động, Nhật Bản đã có những cải tiến về mặt công cụ cũng như giống cây trồng, diện tích đất nông nghiệp được mở rộng qua các cuộc khai hoang. Các vùng chuyên canh xuất hiện để đáp ứng về nhu cầu nguyên liệu cho cho các ngành sản xuất. Một bộ phận các hộ nông dân do sở hữu các công cụ, giống lúa mới cũng như có các kĩ thuật mới nhanh chóng giàu lên, họ mua hoặc chiếm đoạt thêm đất, làm cho một bộ phận khác lại bị bần cùng hoá. Nông dân bị phân hoá. Nông nghiệp thoát khỏi tự cung tự cấp, bắt đầu tham gia vào nền kinh tế hàng hoá.
Continental Map with Scenes of Forty-Eight People (America and Europe), details
(Bản đồ của Nhật)
Thứ hai, thủ công nghiệp: Do bị cắt đứt các nguồn cung từ bên ngoài, ngành thủ công nghiệp có động lực phát triển để đáp ứng đủ nguồn cầu ở trong nước. Ngoài ra, do sự phân hoá trong nông dân, những hộ gia đình giàu lên bắt đầu lấn sân sang việc sản xuất các sản phẩm thủ công nghiệp để nâng cao thu nhập. Một bộ phận nông dân khác bị bần cùng hoá, phải đến làm thuê cho các hộ giàu có hay vào các công trường thủ công làm thuê, tập trung ở các thành thị. Điều này thúc đẩy sự phát triển của thủ công nghiệp Nhật Bản.
Thứ ba, do sự phát triển của nông nghiệp, thủ công nghiệp, các đô thị, tụ điểm buôn bán, cùng với nhu cầu trao đổi hàng hoá giữa các công quốc được gia tăng. Nền thương mại nội địa Nhật phát triển. Những thương nhân tự do nhanh chóng trở nên giàu có, và họ bắt đầu lấn sân sang chính trị.
Ceramic Dish with Map of Asia, Africa Europe and the Southern Continent, late 18th c., Gennaiware, 37.8 by 26.9 cm, 4.4 cm high, 1940 g
(Nhật)
Chế độ Sankin Kotai buộc các lãnh chúa hàng năm phải về sống ở Edo một thời gian và để vợ con, người thân của mình lại làm con tin. Cùng với đó là những trách nhiệm phong kiến khác như xây dựng cầu, đường, các công trình công cộng đã làm suy yếu nghiêm trọng nguồn tài chính của các lãnh chúa. Để bù đắp, cải thiện thêm thu nhập của mình, các lãnh chúa phong kiến Nhật phải tham gia vào các hoạt động thủ công nghiệp và thương mại và một bộ phận không nhỏ đã trở thành con nợ của những thương nhân giàu có.
Khi các lãnh chúa tham gia vào các hoạt động thương mại, nảy sinh một vấn đề. Do thiếu kinh nghiệm kinh doanh, thiếu vốn, các thương nhân phong kiến do các lãnh chúa cử đi không thể cạnh tranh được với các thương nhân tự do. Các lãnh chúa không còn cách nào khác phải thuê các thương nhân tự do về làm mãi biện và trao cho họ rất nhiều quyền lợi về chính trị cũng như địa vị xã hội, như các võ sĩ phong kiến khác và còn được thêm một số đặc quyền[10].
Những yếu tố trên đã giúp cho thành thị Nhật bản phát triển, kèm với đó là sự hưng thịnh của kinh tế hàng hoá, các công trường thủ công tiền tư bản xuất hiện. Các giai tầng xã hội mới ra đời. Đây là tiền đề kinh tế xã hội vững chắc để Nhật Bản tự chuyển mình sau này.
3. Mâu thuẫn giữa quyền lợi gia tộc và quyền lợi dân tộc
Nếu ở Nhật là thể chế “Lưỡng đầu quyền lực” với “Mạc phủ - Thiên hoàng”. Cuộc Duy tân Minh Trị đã không làm tổn hại xấu đến quyền lực của Thiên hoàng, thậm chí có phần còn giúp cho địa vị của Thiên hoàng được tăng lên, lợi ích hoàng gia được củng cố. Và điều này đã được chứng thực qua lịch sử.
Thì Nước Đại Nam lại có nền quân chủ tập quyền quan liêu. Quyền lực được tập trung tối đa vào tay vua, giúp việc cho vua là bộ máy quan lại được tuyển chọn qua các kì thi Nho học. Sự xuất hiện của tầng lớp tư bản giàu có sẽ làm thay đổi những cơ tầng xã hội, nền quân chủ tập quyền bị uy hiếp, đe doạ, làm lung lay đến vị trí thống trị của nhà vua và đội ngũ quan lại Nho học. Chưa nói đến Minh Mạng là một ông vua hết sức tập quyền, ta có thể thấy rõ xu hướng tập quyền của Ông qua cuộc cải cách hành chính năm 1831, xoá bỏ Bắc Thành và Gia Định Thành, chia cả nước thành 30 tỉnh và một Phủ Thừa Thiên. Ngoài ra, từ đây còn có một loạt các cải cách, thay đổi trong bộ máy chính quyền trung ương. Có thể coi Minh Mạng là một trong những ông vua tập quyền nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại, liệu Ông có chịu chia sẻ quyền lực của mình cho một thế lực khác?
Mặt khác, gia tộc Nguyễn phải trải qua rất nhiều gian khổ, xương máu mới giành được vương quyền. Từ khi Nguyễn Hoàng vào nam mở cõi năm 1558, bằng những chính sách mềm dẻo, chiến lược khôn khéo mà Chúa Tiên và các vị chúa kế vị đã thành công trong công cuộc Nam tiến, mở rộng bờ cõi và đứng vững trước áp lực rất lớn từ chính quyền Lê - Trịnh ở phía bắc. Nhưng sau cái chết của chúa Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1765, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong lung lay suy yếu, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra, tiêu biểu là Khởi nghĩa Tây Sơn từ năm 1771. Quân Lê - Trịnh thừa thế tiến công xuống phía nam, chiếm Phú Xuân vào năm 1786. Gia tộc Nguyễn bị tàn sát, phiêu bạt. Nguyễn Phúc Ánh, một trong những hậu duệ còn lại của gia tộc Nguyễn, từ một kẻ sống lưu vong, sau 24 năm nam khổ, ông đã tái thống nhất đất nước sau gần 300 năm nội chiến liên miên, khôi phục cơ đồ tổ tiên.
Thật khó để họ bằng lòng trao quyền lực mà khó khăn lắm mình mới giành được cho người khác.Quyền lực và địa vị của gia tộc Nguyễn gắn liền với mô hình nhà nước quân chủ tập quyền Nho giáo cũ. Quyền lợi của gia tộc cầm quyền đã trở nên mâu thuẫn với nhu cầu phát triển của dân tộc. Gia tộc cầm quyền với đại diện là nhà vua, cùng với đội ngũ quan lại của ông ta, đã trở thành một thế lực phản động, đi ngược lại xu hướng phát triển của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, Viện Sử học & Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr.96
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, Sđd, tr.117.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, Sđd, tr.116, 117.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, Sđd, tr.96
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, Sđd, tr.83.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, Sđd, tr.177.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, Sđd, tr.576.
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất