Copy lại bài viết của TS. Trần Đình Sử. Nguồn: Khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học hiện nay


Thời gian gần đây khái niệm diễn ngôn đã xuất hiện rất nhiều trong các bài nghiên cứu đủ loại, nhiều đến mức không sao có thể định nghĩa thông suốt hết. Đã có rất nhiều định nghĩa về diễn ngôn, theo các góc độ khác nhau, ngôn ngữ, văn hóa, song về lí luận văn hoc thì còn rất ít.… Nhiều định nghĩa được đưa ra trong cuốn sách Diễn ngôn học ở Nga năm 2006, hoàn toàn không thấy vấn đề văn học.[1] Nhiều nhà khoa học xác nhận đó là khái niệm còn bỏ ngỏ, mỗi người nghiên cứu sử dụng theo cách hiểu riêng, nhưng phần nhiều đi theo ngữ học và văn hóa học. Vì thế, mặc dù văn học rất hấp dẫn, trong bài viết này tôi muốn lưu ý đến diễn ngôn trong nghiên cứu văn học. 

1. Diễn ngôn là gì?

Trước hết cần điểm qua đại lược đôi nét về khái niệm diễn ngôn. Theo từ điển New Webster`s Dictionary thì diễn ngôn được định nghĩa gồm hai nghĩa. Một là sự giao tiếp băng tiếng nói (trò chuyện, lời nói, bài phát biểu); hai là sự nghiên cứu tường minh, có hệ thống về một đề tài nào đó (luận án, các sản phẩm của suy luận, ví dụ “Discours de la methode…” của Descarte, vì trong tiếng Latin từ đó đồng nghĩa với từ “Dissertatio de…”). Cả hai nghĩa đó đều chỉ thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ, nhưng chưa nói đến cái nghĩa hiện đại là hình thức của ý thức hệ và quyền lực, cũng chưa đề cập giao tiếp phi ngôn từ, như cử chỉ thân thể, sự mô phỏng động tác, sự thay đổi tư thế của thân thể, trang phục, nghi thức…Đồng thời cả một lĩnh vực rộng lớn là nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, múa nhảy, âm nhạc, thi ca đều nằm ngoài định nghĩa đó.
Trong lí luận hiện nay có ba khuynh hướng nghiên cứu. Một là ngữ học do các nhà ngữ học đề xuất. Hai là lí luận văn học do M. Bakhtin nêu ra và ba là xã hội học, lịch sử tư tưởng mà tiêu biểu là Foucault. Các thuật ngữ như diễn ngôn tính dục, diễn ngôn chính trị, diễn ngôn nữ quyền…đều dùng theo hướng xã hội học, nhìn văn học theo giác độ xã hội học. Trong khi đó khái niệm diễn ngôn văn học hầu như ít được nhắc đến, mà đó là công việc của nhà lí luận văn học.

2.Tại sao nảy sinh vấn đề diễn ngôn?

Một thuật ngữ mới chỉ xuất hiện khi nào phát hiện chỗ khiếm khuyết trong hệ hình tiếp cận cũ. Khái niệm diễn ngôn trở thành thuật ngữ khi người ta phát hiện thấy ngôn ngữ học cấu trúc của F. de Sausure, đem đối lập ngôn ngữ với lời nói, và ngôn ngữ học chỉ nghiên cứu ngôn ngữ, tức là hệ thống các nguyên tắc chi phối việc sử dụng ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, cú pháp. Lời nói thuộc phạm vi cá nhân không thuộc đối tượng nghiên cứu của ngữ học. Một số nhà ngữ học thấy không thể không nghiên cứu văn bản, diễn ngôn (ngôn bản) như là những đơn vi biểu đạt trên câu tồn tại trong thực tiễn đời sống. Và diễn ngôn được đề xuất như là đối tượng mới của ngữ văn học. Ít nhất có ba hướng đề xuất nghiên cứu diễn ngôn trong nghiên cứu ngữ học, văn học, xã hội học. Trong ngữ học cũng có ba hướng. Một là những năm 50 thế kỉ XX Emil Benviniste khi giải quyết lí thuyết phát ngôn đã sử dụng một cách nhất quán thuật ngữ “discours” có tính truyền thống đối với ngữ học Pháp theo ý nghĩa mới  như là “đặc điểm của lời nói do người nói nhận biết”. Cũng thời gian ấy Zeling Harris cho công bố một bài báo năm 1952 Discourse analysis về phương pháp phân bố theo quan hệ với sự thống nhất trên câu. Như thế là hai học giả uy tín  đã xác lập nghĩa đồng nhất của hai khách thể nghiên cứu khác nhau: Benviniste hiểu diễn ngôn như là sự giải thích lập trường của người nói trong phát ngôn, còn Harris hiểu khách thể của phân tích là tính liên tục của phát ngôn, đoạn cắt của văn bản lớn hơn câu. Thêm nửa, cách hiểu diễn ngôn của Harris không trở thành phổ biến, mặc dù nó hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận cấu trúc ngữ nghĩa chiếm vị trí chủ đạo trong ngữ học Liên xô vào những năm đó. Tất cả những điều đó còn tỏ ra lạ lùng hơn khi trong nửa sau thế kỉ XX đã nảy sinh trong ngôn ngữ học Liên Xô khuynh hướng ngữ pháp (ngôn ngữ ) văn bản mà Việt Nam ta một thời rất mặn mà. Xác định các quy luật ngôn ngữ học của tổ chức văn bản (I.R. Galperin, O.I. Moscalskaia, Z. Ja. Turaeva…), các nhà ngữ học tất yếu phải đi đến kết luận về thiếu sót của phương pháp được vận dụng, cũng như sự thiếu chính xác trong thuật ngữ được sử dụng (vấn đề phân biệt câu và phát ngôn, văn bản và các đơn vị của nó…). Hơn nữa cách tiếp cận cấu trúc ngữ nghĩa truyền thống không có sức mạnh giải thích đầy đủ đối với các đặc trưng của văn bản như tính chỉnh thể, tính liên kết. Tính bất khả trong việc giải thích một cách sơ luợc thuần tuý ngôn ngữ học đối với các phạm trù văn bản ấy đã dẫn đến sự phản ứng về các lĩnh vực giao nhau của tri thức làm hình thành giả thiết về vai trò của cấu tứ của người sáng tạo (N. I. Gitkin), hình tượng tác giả (I.I. Kovtunova). Rõ ràng rằng quan điểm như thế phù hơn với quan điểm của Benviniste về diễn ngôn như là “lời nói do người nói  nhận biết”. Nhưng cái định nghĩa ấy một thời gian dài vẫn không được chú ý đúng mức. Một hướng nữa của ngôn ngữ học diễn ngôn là phân tích diễn ngôn, tức là phân tích các cấu trúc biểu nghĩa trong tương tác với ngữ cảnh để hiểu thực chất nội dung của diễn ngôn.
Hướng thứ hai trong nghiên cứu văn học do M. Bakhtin đề xuất. Hướng này xuất hiện khi thấy hạn chế của ngữ học Saussure, đồng thời cũng thấy hạn chế của các nhà lí luận thuộc phái hình thức chủ nghĩa không thừa nhận mối quan hệ văn học với ý thức hệ xã họi. Ông là  người đề xuất hướng nghiên cứu “siêu ngôn ngữ học”, tức là nghiên cứu sự phát ngôn, lời nói, văn bản, đối lập với Saussure, đồng thời ông cũng phản đối lối nghiên cứu ngôn từ tách khỏi đời sống xã hội và ý thức hệ. Trong sách Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ (kí tên Voloshinov) ông khẳng định, “ngôn ngữ với tư cách là sáng tạo ý thức hệ, là một hoạt động vất chất đặc thù, tác dụng của nó vẫn chưa được đánh giá đầy đủ”[2].  Trong tiếng Nga ông chưa dùng từ “diễn ngôn”, mà dùng từ“Slovo”, “tekst”, “Vyskazyvania”, “rech” để chỉ phạm vi hoạt động viết,  nói trong thực tiễn. Đối với khoa học xã hội và nhân văn ông xác định đối tượng nghiên cứu là tekst, còn trong văn học thì ông gọi là slovo như trong công trình Những vấn đề thi pháp Dostoievski, hoặc như trong công trình Mĩ học sáng tạo ngôn từ, ông đề ra vấn đề thể loại lời nói. Trong bài Về vấn đề thể tài của lời nói, ông chủ yếu dùng theo nghĩa ngôn ngữ học. Trong sách Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ có khi hiểu là thuật ngữ, có khi là theo các ý nghĩa khác[3]. Nhưng đọan văn sau ông dùng theo nghĩa diễn ngôn: “Tất cả mọi đặc điểm của diễn ngôn mà tôi biết là  tính kí hiệu thuần tuý, tính thích ứng phổ biến về ý thức hệ, tính tham dự giao tiếp đời sống,  trở thành tính chức năng bên trong của diễn ngôn, và cuối cùng là tính tồn tại tất yếu của các hiện tượng kèm theo của mọi hành vi ý thức hệ. Tất cả các đặc tính đó làm cho diên ngôn trở thành đối tượng nghiên cứu cơ bản của khoa học hình thái ý thức”[4] tức là khoa học xã hội và nhân văn. Nhìn trong tổng thể đối tượng nghiên cứu của ông là văn bản. Ông coi văn bản là đối tượng nghiên cứu của khoa học nhân văn nói chung, bao gồm cả văn học với tư cách là sáng tạo thẩm mĩ. Ông chưa dùng thuật ngữ diễn ngôn nhưng rõ ràng cách nghiên cứu các nguyên tắc nằm ngoài ngôn ngữ chi phối đến cấu tạo hình thức văn bản đa dạng thì khía niệm văn bản của ông trùng hợp với thuật ngữ diễn ngôn. Do đó nhiều bản dịch tiếng nước ngoài đều dịch là “diễn ngôn”. Các nguyên tắc này đều do bản chất  của hoạt động giáo tiếp xã hội quy định, ví dụ như tính đối thoại hay hình thức cacnavan hay cái nhìn của tác giả. Ngay ngôn ngữ thể loại cũng do ngôn ngữ đời sống sáng tạo. Nghiên cứu của Bakhtin có ý nghĩa nhất đối với phát triển khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học. Dưới đây chúng tôi cũng gọi diễn ngôn đối với ông.
Hướng thứ ba trong lịch sử tư tưởng gắn với tên tuổi của M. Foucault. Trong lịch sử sủ dụng “diễn ngôn”, Foucault là nhân vật quan trọng. ông đẫ sử dụng thuật ngữ một cách sáng taọ, cấp cho nó một ý nghĩa cụ thể, làm cho nó trở thành một khái niệm quan trọng trong lịch sử tư tưởng thế kỉ XX. Ông phát hiện giữa từ ngữ và đồ vật bị gián cách bởi “loại hình tri thức” (episteme) và quyền lực.  “Loại hình tri thưc là cái khung tư tưởng của một thời kì nhất định trong văn hoá phương Tây”, là cái mà từ ngữ dựa vào để đươc tổ chức lại, và quyết định từ ngữ được tồn tại như thế nào, là cái không gian tri thức trong đó đồ vật được xem là cái gì. Có thể coi “đó là cái hệ hình của tư tương tồn tại từ trước trong vô thức như một tất yếu”, hay nói cách khác đó là cái “không gian tri thức mà từ ngữ và đồ vật dựa vào để được tổ chức lại”, nó quyết định từ ngữ đuợc dùng thế nào, vật là cái gì, là “toạ độ quan hệ làm điều kiện tồn tại cho tri thức và khoa học”. Cái loại hình tri thức này hết sức tương đồng với “diễn ngôn” mà Foucault sau này sẽ nói đến. Ba loại hình tri thức Phục hưng, cổ điển và hiện đại mà Foucault nói đến thực chất cũng là ba phuơng thức diễn ngôn. Trong “Khảo cổ học tri thức” Foucault không sử dụng khái niệm “Loại hình tri thức” nữa, mà sử dụng diễn ngôn để biểu đạt, đương nhiên hai khái niệm này khác nhau rất lớn, có thể nói là hai cách biểu đạt khác nhau, nhưng giữa chúng cũng có chỗ giống nhau và cái chung. Cái mà tác giả cần khám phá trong Khảo cổ học tri thức không phải là tư duy, miêu thuật, hình tượng, chủ đề, những cái hé lộ hay chìm sâu trong diễn ngôn, mà là bản thân diễn ngôn. Còn trần thuật hay hồ sơ lại chính là nội dung cơ bản nhất của diễn ngôn.
Đối với Foucault diễn ngôn là gì thì là vấn đề khiến ông rất do dự. Xét qua cách hiểu của ông trong Khảo cổ thì thấy nội hàm của diễn ngôn phong phú, phức tạp hơn nhiều. Có thể nêu ra ba điểm sau.
 Một là, diễn ngôn biểu hiện ra bề ngoài thành hình thức ngôn ngữ, nhưng nó không phải là ngôn ngữ thuần tuý, mà là một phương thức biểu đạt của tư tưởng và lịch sử. Foucault cho bết, “Tôi biết rất rõ, các định nghĩa này phần lớn đều không phù hợp với tập quán dùng từ thông thường, các nhà ngữ học đem lại cho diễn ngôn một ý nghĩa hoàn toàn khác.”[5] Do đó Deleus nói: “Nhiệm vụ của Khảo cổ học tri thức trước hết là phát hiện hình thức biểu đạt đích thực, bất luận đơn vị ngôn ngữ học thế nào, hình thức biểu đạt này đều không thể trộn lẫn với bất cứ đơn vị ngôn ngữ nào như cái biểu đạt, từ ngữ, câu, mệnh đề,”[6] Diễn ngôn của Foucault khác với diễn ngôn ngữ học ở chỗ, trước sau đều gắn với thực tiễn diễn ngôn, có hai sức mạnh nhân văn và sức mạnh thực tiễn. Diễn ngôn cũng khác với ngôn ngữ, bởi nó chủ yếu thuộc về lịch sử, không phải do các thành tố ngôn ngữ tạo thành, mà là do các sự kiện chân thực và liên tục tạo thành, nhưng người ta không thể phân tích ở bên ngoài thời gian triển khai ngôn ngữ. Diễn ngôn của Foucault không phải là một hệ thống khép kín, mà do các sự kiện liên tục tạo thành, do đó mà có tính lịch sử và tính mở. Một mặt diễn ngôn do thực tiễn tạo thành, mặt khác, diễn ngôn lại ảnh hưởng đến thực tế diễn ngôn, thực tiến diễn ngôn cũng làm thay đổi diễn ngôn. Diễn ngôn không phải là công cụ, không phải hình thức ngôn ngữ, mà là bản thân thực tiến được biểu hiện dưới hình thức ngôn ngữ. Foucault nói, “diễn ngôn là một thực tiễn đặc thù”[7]
Hai là, diễn ngôn có tính chất chỉnh thể, “thuật ngữ diến ngôn có thể xác định là một chỉnh thể trần thuật hình thành hệ thống đồng nhất.”[8] Diễn ngôn không phải là sự phơi bày của một chủ thể tư duy, nhận thức và sử dụng diễn ngôn để trình bày một cách trang nghiêm, mà là một tổng thể được xác định do sự khuếch tán của chủ thể và tính không liên tục của nó trong đó. Diễn ngôn là không gian ngoại tại, trong đó triển khai một mạng lưới ở các vị trí khác nhau,” Phạm vi của sự kiện diễn ngôn truớc sau là hữu hạn, hiện thời do các đoạn ngữ nghĩa họp thành chỉnh thể hữu hạn, đoạn ngữ nghĩa có thể vô số, nhưng là chỉnh thể hữu hạn, ví dụ diễn ngôn về bệnh tinh thần, mà quan điểm của Foucault là bệnh tinh thần là do cái chỉnh thể  ấy tạo thành, nó là do toàn bộ những trần thuật đó tiến hành xác định, phân cắt, miêu tả, giải thích, giảng giải về bệnh thần kinh, chỉ ra vô số quan hệ của nó, phán đoán về nó,  và trong điều kiện có thể thì nói hộ cho nó, lấy danh nghĩa nó mà liên kết mọi lời bàn về nó mà làm thành một chỉnh thể.[9] Như vậy diễn ngôn có tính hệ thống, đơn vị của nó có thể lớn hoặc nhỏ, thuộc các đẳng cấp khác nhau, diễn ngôn lớn như “y học lâm sàng”, “chính trị học chính trị”, “bác vật học”, nhỏ như “bệnh tinh thần”.
Nhưng diễn ngôn lại không phải là chủ đề, đề tài, lí luận, văn bản, không phải bộ môn chuyên ngành hay phạm vị môn học. Nhà văn, tác phẩm, thư tịch, chủ đề dều là đối tượng của diễn ngôn, nhưng không cấu thành bản thân diễn ngôn. Cũng đều là mĩ học, nhưng mĩ học Trung Quốc và phương Tây tạo thành hai diễn ngôn hoàn toàn khác biệt, về lí luận văn học cũng thế, diễn ngôn có tính hệ thống, tính lịch sử, tính liên tục, tính thống nhất, do đó diễn ngôn căn bản là một sự tụ họp, kiến tạo. Foucault nói, diễn ngôn không phải là cái hình thành một cách tự nhiên, mà trước sau là kết quả của một sự kiến tạo. [10] Rõ ràng, chủ đề, trần thuật , lí luận… thuộc về diễn ngôn, nhưng bản thân chúng không phải là diễn ngôn. Foucault nói: Chúng tôi gọi một diễn ngôn hình thành, thay thế một diễn ngôn khác không có nghĩa là một chỉnh thể lựa chọn lí luận hoàn toàn mới mẻ về đối tượng, trần thuật, khái niệm, đột nhiên được trang bị hoàn thiện, tổ chức tốt đẹp, xuất hiện trong một văn bản, văn bản đó làm một sự sắp xếp ngon lành… mà có nghĩa là một sự thay đổi về quan hệ sẽ nảy sinh, nhưng sự thay đổi đó không có nghĩa là thay đổi toàn bộ mọi thành phần. cũng tức là nói, trần thuật phục tùng một số quy luật hình thành mới, không có nghĩa là tất cả đối tượng hoặc khái niệm tất cả trần thuật hoặc tất cả lí luận đều biến mất, [11] Diễn ngôn là một loại tổ chức, cơ chế, cấu trúc, có tính chỉnh thể và tính chức nằng, các hệ thống diễn ngôn khác nhau có thể sử dụng các khái niệm giống nhau, đối tượng nói đến cũng có thể tương đồng. Đối với Foucault thì diễn ngôn và văn bản có quan hệ rất khác với ngữ học và khác với Bakhtin. Theo ông, văn bản có độ dài, có tác giả, có cấu trúc, có thể loại, còn diễn ngôn thì không, nó chỉ là cái cơ chế, cấu trúc vô thức chi phối mọi hoạt động lời nói của xã hội. Diễn ngôn thuần tuý là sự kiện tư tưởng, ý thức hệ. Mục đích nghiên cứu diễn ngôn là phơi bày cơ chế quyền lực, xuyên qua các cuộc vật lộn chữ nghĩa của đủ các thứ chủ nghĩa, tổ chức, văn bản. Nhiệm vụ nghiên cứu như thế thực tế đã vượt qua nghiên cứu  lịch sử văn học, mà bước vào lĩnh vực phê phán văn hóa.
Tóm lại Foucault không  nói diễn ngôn về mặt ngôn ngữ học, nghệ thuật, mà nói trên ý nghĩa triết học, tư tưởng hệ và văn hóa học. Nói cách khác diễn ngôn của ông là một phạm trù của lịch sử tư tưởng hay phương pháp, nhưng không phải là khái niệm ngôn ngữ học hay văn hộc sử. Ông đã vứt bỏ quan niệm thô thiển xem ngôn ngữ chỉ là công cụ trong suốt mà người ta có thể tự do tuỳ ý sử dụng. Đó là nguyên nhân để sau này người ta đem nó liên hệ với bá quyền, quyền lực. Về mặt này Foucault đã có cống hiến to lớn đối với phương pháp luận nghiên cứu lịch sử tư tưởng của nhân loại. Culler giải thích ý nghĩa lí luận của Foucault qua lí luận diễn ngôn tính dục của ông như sau: Trong Lịch sử về tính dục ông phân tích cái gọi là giả thiết về sự ức chế. Thông thường người ta cho rằng trong thời kì tương đối sớm, nhất là vào thế kỉ XIX, tính dục luôn được hiểu là bị áp chế, do đó người hiện dại  ra sức giải phóng nó. Foucault cho rằng “tính dục” căn bản không phải là cái gì tự nhiên bị người ta áp chế, mà là một ý niệm pha trộn nhiều thứ, la do một chuỗi các thứ thực tiễn xã hội, điều tra, ngôn luận và văn tự viết – cũng tức là “diễn ngôn”, hoặc là “thực tiễn diễn ngôn” chế tạo ra tất cả các thứ mà thế kỉ XIX gọi là “tính dục”. Sự đàm luận của đủ loại người – người ngành y, các vị chức sắc thầy tu, các nhà tiểu thuyết, nhà tâm lí học, nhà luân lí học, xã hội học, nhà chính trị, v.v…Chúng ta liên hệ các thứ luận bàn của họ cùng với ý niệm về “áp chế”và thấy trên thực tế, chính là các thứ luận bàn đó đã tạo ra cái gọi là “tính dục”. Foucault viết: “Về khái niệm về tính dục, người ta đem một sự thống nhất giả tạo đem các bộ phận khác nhau của giải phẩu học, chức năng sinh lí, hành vi, tình cảm, sự thoả mãn thèm muốn..tập hợp lại với nhau, khiến chúng ta đem sự thống nhất hư cấu ấy xem là một thứ nguyên nhân căn bản của một thứ bí mật, một thứ ý nghĩa tồn tại ở khắp nơi, đâu đâu cũng có, chờ đợi ta đến giải mã.”[12] 
Ông mở ra một lối nghiên cứu lịch sử tư tuởng, văn hóa mới. Foucault cũng vứt bỏ quan niệm xem diễn ngôn chỉ là phương tiện phản ánh hiện thực. ông không phủ nhận sự tồn tại của hành vi tính dục cụ thể, cũng không phủ nhận con người có sự phân biệt giới tính về sinh lí, con người có khí quan tính dục. Điều ông muốn khăng định là cái gọi là “tính dục” là kết quả của các loại diễn ngôn phân tích, miêu tả, và nhằm mục đích  quy phạm nó, chứ không phải là nguyên nhân. Nó chẳng phải là bí mật bản chất của cá nhân hay của nhân loại. Cái gọi là sự áp chế là do quyền lực xã hội, nhưng không phải là do ai thao túng, mà là quyền lực và tri thức, quyền lực dưới hình thức tri thức, tức là dưới các hình thức diễn ngôn đó tạo ra cỏi gọi là tính dục. Như thế muốn hiểu các hiện tượng trong đời sống xã hội còn cần phải khảo cổ học tri thức trong diễn ngôn để giải mã chúng.

3. Diễn ngôn như một phạm trù tu từ học và thi pháp học

Mối quan hệ giữa slovo của Bakhtin và Discourse của Foucault như thế nào? Giới học thuật còn ít nghiên cứu. Hai người , một sinh năm 1926, một sinh năm 1895 về cơ bản là cùng thời đại và có thể chịu ảnh hưởng nhau. Chúng ta không nhận ra việc ảnh hưởng từ Foucault đến Bakhtin, nhưng quan niệm Diễn ngôn của Foucault và của Bakhtin có sự giống nhau đến lạ lùng, đặc biệt là ở chỗ nhấn mạnh tính thực tiễn của diễn ngôn. Đối với Bakhtin đó là nội hàm cơ bản nhất của diễn ngôn. “Bất kì từ ngữ nào đó đuợc nói ra (hoặc viết ra có ý thức) một cách hiện thực, chứ không phải là từ ngữ ngủ quên trong từ điển, đều là biểu hiện và sản phẩm của sự tác động qua lại của ba yếu tố xã hội là người nói (tác giả), người nghe ( người đọc) và cái được bàn luận hoặc là sự kiện (nhân vật).  Diễn ngôn là một sự kiện xã hội, nó không thoả mãn với việc làm một yếu tố của ngôn ngữ trừu tượng, cũng không thể chỉ hiểu một cách cô lập là xuất phát từ ý thức chủ quan của người nói để rút ra các yếu tố tâm lí.[13] Nghĩa là diễn ngôn không phải là thuần tuy hình thức ngôn ngữ, nó tồn tại bằng phương thức ngôn ngữ, nhưng đề cập đến nội dung đời sống rộng lớn, cho nên trở thành sự kiện. Như vậy theo Bakhtin, ngôn ngữ khác với diễn ngôn, trong từ điển, ngôn ngữ là thuần tuý công cụ, không có tác giả, không có người đọc, tự thân cũng không có ý nghĩa. còn diễn ngôn thì khác , nó gần với khái niệm tekst, vừa có tác giả, có ý nghĩa, có người đọc.
Trong thiên Diễn ngôn của tiểu thuyết, mở đầu Bakhtin viết, ý chính của tôi là khắc phục quan niệm trừu tượng về ngôn ngữ của phái hình thức chủ nghĩa tách rời ngôn ngữ khỏi tư tưởng, hình thức và nội dung thống nhất trong ngôn ngữ, mà ngôn ngữ này vì cần được hiểu là một hiện tượng xã hội, mà mọi hoạt động của nó, mọi thành tố của nó, từ thanh âm đến ý nghĩa trừu tượng, đều mang tính xã hội, [14] Cái ngôn ngữ có sự thống nhất nội dung và hình thức ấy thực chất là diễn ngôn. Đối Bakhtin diễn ngôn không phải là ngôn ngữ, cả hai có thể chỉ là một đối tượng, nhưng nội hàm khác nhau, nền tảng tư tưởng khác nhau. Ngôn ngữ là đối tượng của ngôn ngữ học truyền thống, còn diễn ngôn là đối tượng của khoa học xã hội nhân văn, trong ngôn ngữ học truyền thống, ngôn ngữ là hình thức, công cụ, tư tưởng là nội dung, có thể độc lập với hình thưc, còn diễn ngôn thì khác, nó là ngôn ngữ có tư tuởng, có tính hoạt động xã hội, tức tính thực tiến. Trong lí luận diễn ngôn nội dung và hình thức cùng quan hệ của chúng  như cách hiểu truyền thống không còn có ý nghĩa nữa, cũng tức là nói chúng ta không thể nào phân biệt nội dung và hình thức của diễn ngôn , nội dung của diễn ngôn, tức là hình thức, hình thức tức là nội dung, từ đây chúng ta không chỉ nhìn thấy quan điểm cơ bản của Bakhtin về diễn ngôn, mà còn nhìn thấy con đường cơ bản để nghiên cứu diễn ngôn nửa.
Trong Những vấn đề thi pháp Dostoievski ông có một chương chuyên nghiên cứu ngôn ngữ của Dostoievski gọi là “Slovo trong tiểu thuyết của Đostoievski” mà chúng tôi dịch là “Lời văn trong tiểu thuyết của Dostoievski”. Sách Trung Quốc dịch tên chương này là Diễn ngôn trong tiểu thuyết của Dostoievski. Mở đầu chương ông đã tuyên bố, “Ngôn ngữ của Dostoievski chỉ cái chỉnh thể ngôn ngữ sống động, cụ thể, chứ không phải cái ngôn ngữ như đối tượng nghiên cứu chuyên biệt của ngôn ngữ học[15], cái gọi là chỉnh thể ngôn ngữ mà Bakhtin hay dùng, thực chất là diễn ngôn. Trong bài Ngôn ngữ của tiểu thuyết ông đã dùng ngoặc đơn để chua thêm nội dung của nó.[16] 
Vậy, Bakhtin đã nghiên cứu diễn ngôn tiểu thuyết của Dostoievski như thế nào? Trong lời nói đầu Bakhtin viết “Cuốn sách này chỉ xem xét sáng tác nhà văn dưới góc độ thi pháp.”, như vậy, diễn ngôn theo ông nằm trong thi pháp học. Diễn ngôn đây là “hình thức nghệ thuật”, là “hình thức tư duy”, “kiểu tư duy”, mầy từ đó có nghĩa như là chiến lược phát ngôn của nhà văn, một phương điện, theo Bakhtin là “hoàn toàn chưa được khám phá”. Trong công trình này Bakhtin không nghiên cứu riêng lẻ từng tác phẩm của Dostoievski, tức là không nghiên cứu từng văn bản. Diễn ngôn thể hiện trong văn bản nhưng là siêu văn bản. Vì thế ông lưu ý đến tính chất chỉnh thể của thể loại, chỉnh thể của nhà văn như là một chủ thể phát ngôn. Ngoại trừ chương I có nội dung phê phán các công trình nghiên cứ của người đi trước, bắt đầu từ chương II trở đi, ông nghiên cứu một diễn ngôn mới trong tiểu thuyết của Dostoievski là diễn ngôn phức điệu (đa thanh, có người dịch là đa âm). Chương “Nhân vật và lập trường tác giả đối với nhân vật trong sang tác của Dostoievski” Nhan đề của chương gợi nhớ đến nha đề công trình Tác giả và nhân vật trong hoạt động thẩm mĩ, trong đó tác giả là một kiểu chủ thể tư duy thẩm mĩ. Khái niệm “lập trường tác giả” là một khái niệm mới nhằm chỉ một phương châm, chiến lược phát ngôn để làm mới tiểu thuyết. Một là xây dựng tiểu thuyết phức điệu, đối lập lại tiểu thuyết độc thoại; Tác giả không còn là chua tể quy định tư tưởng tác phẩm mà nhân vật chỉ hoạt động theo ý đồ tác giả. Ba là nhân vật là các ý thức độc lập, luôn giữ cho mình tiếng nói cuối cùng. Ngôn ngữ tiểu thuyết là đa ngữ và đối thoại, mà tác giả đã mô tả thành nhiều hình thức đối thoại đa giọng, từ vi đối thoại, nửa trực tiếp đến giễu nhại, nghiêm túc buồn cười, các navan, nghịch dị. Xét ra, các nguyên tắc thi pháp của Dostoievski chính là các quy tắc diễn ngôn để ông thoát ra khỏi hình thức độc thoại ngự trị lâu dài trong tiểu thuyết cổ điển. Diễn ngôn mới của Dostoievski tiềm ẩn trong tiểu thuyết của ông, giới phâ bình văn học do chưa có ý thức về diễn ngôn, chưa có quan niệm về tính đối thoại, cho nên không phát hiện ra được nguyên tắc đối thoại đó. Khái niệm diễn ngôn giúp ta hiểu đúng thực chất cách nghiên cứu thi pháp của Bakhtin. Đó không phải là hình thức thông thường, không phải lối tư duy nghệ thuật thông thường, mà là hình thức vượt lên hình thức đã có, vượt qua kiểu tư duy đã có. Có thể nói đó là ý nghĩa đích thực của nghiên cứu thi pháp và phong cách học, tu từ học.
Từ những phân tích trên chúng ta có thể phân biệt khái niệm diễn ngôn trong ngữ học, trong văn hóa học và trong nghiên cứu thi pháp học. Đối với nhà ngữ học diễn ngôn là khái niệm chỉ cấu trúc, liên kết của đơn vị ngôn ngữ trên câu, cần phân tích mạch lạc, liên kết và ngữ cảnh để hiểu được ý nghĩa, lí do của nó. Đối với nghiên cứu văn hóa là tìm hiểu các cơ chế tiềm ẩn , những hạn chế lời nói trong thực tiễn giao tiếp, còn trong nghiên cứu văn học, diễn ngôn là chỉ chiến lược phát ngôn nghệ thuật, thể hiện trong các nguyên tắc cấu tứ, xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ để vượt thoát khỏi các hạn chế nhằm phát ra được tiếng nói mới, thể hiện tư tưởng mới trong chỉnh thể sáng tác. Khái niệm diễn ngôn vận dụng vào nghiên cứu văn học cho phép ta hiểu mới, hiểu lại các khái niệm đã quen, mà chưa hiểu sâu, như khái niệm phong cách, phong cách thời đại, phong cách cá nhân…mà V. I. Tiupa đã nói về các hình thái diễn ngôn văn học.[17]  
 _______________________________________________________________________

Chú thích:

[1] Xin nêu một số định nghĩa mà tập sách Lí thuyết hiện đại về diễn ngôn (2006, Ekaterenburg) đã dẫn ra ngoài bìa:
-“Diễn ngôn là sự kiện giao tiếp giữa người nói và người nghe (người quan sát..), trong quá trình hành động giao tiếp trong ngữ cảnh không gian thời gian nhất định. –  Teun A Van Dijk
-“ Tôi cho rằng, nói một cái gì về cái gì đố là thuộc tính của diễn ngôn và đó cũng là thuộc tính của văn bản với tư cách là chuỗi câu”.- P. Riceau.
-“Tôi cho rằng, trong bất cứ xã hội nào, việc sản xuất ra diễn ngôn đều phải kinh qua kiểm soát, lựa chọn, tổ chức, và phải được cân nhắc qua trình tự nhiều lần nhằm trung lập hóa sự toàn trị của quyền lực và các mối nguy hiểm gắn liền với nó, thức tỉnh những điều chưa dự kiến trước về sự kiện phát ngôn, nhằm tránh tính vật chất của quyền lực ấy và sự uy hiếp ấy.” – M. Foucault.
-“Diễn ngôn là một cuộc sống, nó có thời gian khác so với thời gian của ta, trong đó người ta không chấp nhận cái chết. Có thể là các người sẽ chôn vùi Chúa dưới sức nặng của những gì mà các người nói, nhưng chớ nghĩ rằng, bằng những gì người nói, con người có thể tạo nên được một con người có thể sống lâu hơn Chúa.” – M. Foucault.
-“Diễn ngôn, nói toẹt ra, cần phải hiểu như một sự cưỡng bức mà chúng ta thực hiện đối với sự vật, trong mọi trường hợp, nó là một thực tiễn mà chúng ta ép buộc cho chúng.” – M. Foucault.
-“Diễn ngôn là kết quả của thao tác có tính chất quyền năng, nhằm xác lập địa vị đứng đầu về chính trị, đạo đức trí tuệ trong xã hội.” – Jakob Torfing.
-“Diễn ngôn là hình thức tồn tại của một cái tưởng tượng, gắn liền với sức mạnh của cái tưởng tượng, mà tên của nó là quyền lực.” – Louis Maren.
-“Như mọi diễn ngôn có tham vọng trở thành chủ nghĩa hiện thực, diễn ngôn lịch sử trong tưởng tượng của nó chỉ làm chủ được cái công thức ngữ nghĩa có hai thành phần là đối tượng và sự biểu nghĩa.” – R. Barthes.
-“Diễn ngôn có hình thức cấu trúc của sự giải thích. Mỗi câu mà tự nó đã có bản chất giải thich đều có thể được giải thích bằng câu khác.” – J. Derrida.
-“Tính đối thoại được sinh ra từ bản chất bề sâu của cấu trúc diễn ngôn. Tính đối thoại là nguyên tắc của bất cứ phát ngôn nào.” – Ju. Kristeva.
– “Phương thức tốt nhất để xác định sự cho phép có được diễn ngôn là ở chỗ, nghiên cứu bộ máy thuật ngữ của nó. Bộ công cụ ngữ nghĩa khi cần thiết phải xác định ranh giới giữa cái gì có thể nói được và những gì không thể nói được, costheer thảo luận hay nghiên cứu trong phạm vi của nó.” – Franklin Rudolf Ankersmit.
-“Diễn ngôn là cái ngôn ngữ được dùng trong quá trình biểu đạt thực tiễn xã hội khác với quan điểm cá nhân.” – Norman Fairklough.
– “ Phương pháp tạo thành của diễn ngôn ý chí vốn thuộc về thế giới dược phân hóa về cấu trúc có chức năng kiến tạo sự cộng tác xã hội giữa các nhóm xã hội với các chủ thể cụ thể, tính đến lợi ích của các cá nhân.. Trong khi tham gia vào diễn ngôn cá nhân vowissuwj tán thành hay phản đối không có tính chất thực thể chỉ được cấp cho trong điều kiên là cá nhân thông qua cuộc cùng tìm tòi chân lí vẫn phải đưa vào cộng đồng phổ quát. – Jurgen Haberrms
-“Diễn ngôn cần phải được đọc trong ngữ pháp của giai cấp mình, trong các điểm nhấn giaicaaps, trong các mâu thuẫn xuất hiện giữa cá nhân và địa vị xã hội của nó, hay giữa các nhóm và địa vị xã hội của nhóm, trong các mâu thuẫn được nói ra trong diễn ngôn về sự vật.” – J. Bodriard.
– “Công đồng diễn ngôn có thể xuất hiện ở chỗ ấy và nơi ây, nơi nào và khi nào mà mọi người xuất hiện bằng hành động, sung sướng, hào hứng và đồng nhất với nhau.” – Seila Belkhabib.
-“Đối với mỗi người chúng ta toàn bộ cuộc sống chẳng gì khác hơn là một tấm chăn khâu bằng các mụn vải tư tưởng, ngôn từ, đối tượng, sự kiện, hành động và tác động qua lại trong các Diễn ngôn.” – Jams Paul Gee.
-“Diễn ngôn là một quá trình cực kì phức hợp, tạo thành từ vô vàn các thành tố phụ thuộc lẫn nhau. Nó xuất hiện giữa các quá trình của trí tuệ, đan cắt lẫn nhau, ví dụ như tâm lí, xã hội, văn hóa và các bình diện khác.” –  Muara Chimumbo và Robert L. Rozberri.
-“Bất kì văn bản hay lời nói đều mang một nội dung, đồng thời cũng mang một hành động. Nói bao giờ cũng có nghĩa là thực hiện. Nhà tư tưởng nói một điều gì, đông thời cũng thực hiện một hành động gì. Diễn ngôn hay hành động diễn ngôn có thể phù hợp nhau hay không… Khi tôi nói bằng ám thị hay là điều gì bằng ám thị thì không phù hợp với lời nói: ý nghĩa có dụng ý được che giấu trong diễn ngôn, hành đông diễn ngôn cho thấy điều đó.” –Phillipp Beneton.
-“Diễn ngôn là hiện tượng thuộc khâu giữa một mặt là lời nói, giao tiếp, hành vi ngôn ngữ, và mặt khác, là văn bản đã cố định, “chút cặn khô xác” của cuộc giao tiếp.” – Vladimir Karacik .
-“Diễn ngôn là hành vi xã hội phục vụ cho việc biểu trưng thế giới xã hội ( bao gồm tri thức, con người và quan hệ xã hội.)” – Louise J. Phillips và Marianna V Jorgensen.
-“Thuật ngữ diễn ngôn có nhiều cách vận dụng. Trong một số trường hợp, nó có nghĩa là:
1.Đẳng trị với khái niệm “lời nói” theo nghĩa của Saussure, tức là bất cứ phát ngôn cụ thể nào;
2.Đơn vị có quy mô lớn hơn câu, nói thành tiếng; những gì là đối tượng nghiên cứu của “ngữ pháp văn bản”, bộ môn nghiên cứu tính liên tục của các phát ngôn tách rơi;
3.Trong phạm vi các lí thuyết phát ngôn hay dụng học diễn ngôn là tác động của người nói đến người nhận và việcđưa nó vào tình huống phát ngôn, (cái mà chủ thể phát ngôn, người nhận hiểu, thời điểm và địa điểm phát ngôn);
4. Khi chuyên biệt hóa trương hợp 3 diễn ngôn được hiểu là cuộc trò chuyện, với nghĩa là kiểu phát ngôn cơ bản;
5. Benviniste gọi lời nói là “diễn ngôn”, đem quy cho người nói, là đối lập với “trần thuật”là cái được mở ra không do sự can thiệp chặt chẽ của chủ thể phát ngôn; Jams 
6.Đôi khi người ta đối lập ngôn ngữ với diễn ngôn (langue/discourse) như là, một mặt , hệ thống biểu nghĩa tiềm tàng, ít được phân hóa, và mặt khác như là sự vận dụng đa dạng trên cấp độ bề mặt gắn liền với tính đa dạng của cách sử dụng vốn có của các đơn vị ngôn ngữ. Như vậy là có sự phân biệt giữa nghiên cứu một yếu tố trong “ngôn ngữ” và trong “lời nói” túc là “diễn ngôn”.
7. Thuật ngữ diễn ngôn cũng thường được dùng để chỉ hệ thống các hạn chế đối với số lượng phát ngôn không hạn chế vì một lập trường xã hội hay ý thức hệ nhất định; Chẳng hạn như khi nói về “diễn ngôn nữ quyền”hay nói về “diễn ngôn hành chính”thì người ta không xem xét các phạm vi riêng lẻ, mà xem xét một kiểu phát ngôn nhất định vốn có của người theo nữ quyền luận hay lĩnh vực hành chính.
8. Theo truyền thống phân tích diễn ngôn người ta xác định đối tượng nghieencuwus của mình là phát ngôn và diễn ngôn. Phát ngôn là chuỗi liên tục các câu được đưa vào giữa hai vấn đề ngữ nghĩa, còn diễn ngôn là phát ngôn được xem xét theo quan điểm cơ chế suy luận điều khiển phát ngôn ấy.  – Patric Serio.
– “Bị buộc phải tìm sự thừa nhận cho tồn tại của mình qua các phạm trù, thuật ngữ và tên gọi mà tự nó không sáng tạo ra, chủ thể tìm kí hiệu tồn tại của mình bên ngoài mình trong diễn ngôn, là cái đồng thời có vai trò chủ đạo và không phân biệt. – Judid Butler.
– “Chúng ta xác định diễn ngôn như một hệ thống giao tiếp kí hiệu có cấu trúc phức tạp với 6 bình diện cơ bản: tính ý hương (ý hướng quyền lực, chiến lược, ý đồ), tính bức thiết (thể hiện ý hướng quyền lực trong hoạt động có tính chất kí hiệu-biểu tượng), tính tiềm tàng (sự nhận ra và hiểu các ý nghĩa, các giá trị, tính đồng nhất), tính chất ngữ cảnh (sự mở rộng trường nghĩa trên cơ sở các ngữ cảnh xã hội văn hóa, lịch sử, và ngữ cảnh khác.), tính tâm lí (sự tích tụ cảm xúc, năng lượng, chứa đựng trong diễn ngôn làm cho nó có sức ám ảnh), tính lắng đọng (để lại dấu ấn trên tất cả mọi bình diện kể trên, trong ý thức và kinh nghiệm xã hội, trong môi trường do xã hội kiểm soát và vật chất hóa, mà hình thức của nó chính là sự phnr ánh văn hóa.” – Olga Rusakova.
[2] Bakhtin Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, Bakhtin toàn tập, tập 2, nxb. Giáo dục Hà Bắc, 1996, tr. 345.
[3] Lăng Kiến Hậu, Thử bàn về chủ nghĩa đối thoại và khaớ niệm hạt nhõn của Bakhtin diễn ngụn Slovo. Dạy học tiếng Nga ở Trung Quốc, 1999, số 1.
[4] Bakhtin toàn tập, tập 2, Hà bắc, 1998, 357.
[5] Foucault M. Khảo cổ học tri thức, nxb Tam liờn, Thượng Hải, 1998, tr. 136,
[6] Deleus  Tập tử, nxb Văn nghệ Hồ Nam, 2001, tr. 57.
[7] Khảo cổ học tri thức, tr. 93
[8] Khảo cổ, tr.136.
[9] Khảo cổ học   tr. 38, 39.
[10] Khảo cổ học  tr. 30.
[11] Khảo cổ học  223.
[12] J. Culler Dẫn luận rất ngắn về lý luận văn học, nxb Đại học Liời Ninh và đại học Oxford xuất bản,  1998, tr. 6.
[13] Bakhtin. Ngụn ngữ đời sống và ngụn ngữ nghệ thuật,  Toàn tập tập 2, tr. 92.
[14] Bakhtin. Toàn tập, tập 3, tr. 37.
[15] Bakhtin. Toàn tập, tập 5, tr. 239.
[16] Bakhtin Toàn tập, tập 3, tr. 42.
[17] Lã Nguyên dịch và giới thiệu. Tiupa viết về diễn ngôn văn học. Xem thêm: V.I. Tiupa.Các hình thái diễn ngôn,  Nxb. Các ngôn ngữ thuộc văn hóa Slavo, M., 2010.