Tiếp tục truyền thống mỗi năm tôi tự đặt từ 2022 là xem nhiều phim nhất có thể và viết một bài gì đấy tổng kết lại hành trình điện ảnh năm đó; đương nhiên 2024 không phải ngoại lệ. Mọi người có thể đọc lại hai bài viết của năm 2022 và 2023 dưới đây:
Năm 2024 tôi tiếp tục xem được nhiều phim hơn, và số phim hay cũng nhiều hơn hẳn, kể ra cũng mừng. Những phim này không nhất thiết là ra trong năm 2024, có nhiều phim cũ, nhưng giờ tôi mới xem. Đây tất nhiên không phải bảng xếp hạng phân cao thấp, đơn giản là liệt kê mà thôi. Danh sách đầy đủ mọi người có thể xem ở đây, nếu không muốn ngồi lọc ra một đống tên phim từ bài viết.
Những phim này trải dài từ nhiều thời điểm, nhiều đạo diễn, nhiều phong cách và nhiều quốc gia. Hy vọng có thể giúp các bạn tìm thấy một vài phim thú vị để thưởng thức.
img_0

HỒI I

Tôi bắt đầu hành trình điện ảnh phiêu lưu ký của mình bằng bộ phim “Trapped Balloon” của Hiroyuki Miyagawa. Thực ra trong điện ảnh, motif của một câu chuyện về việc vượt qua nỗi đau và sự xa cách với người khác không phải thứ gì mới mẻ. Cho nên với những tác phẩm lấy motif này làm xương sống, thì thứ quyết định sự khác biệt chính là cách mà đạo diễn thể hiện câu chuyện của mình. “Trapped Balloon” vì thế cũng không cố gắng kể một câu chuyện quá cao siêu, cũng không cố gắng mua nước mắt khán giả bằng những phân cảnh mang tính đánh thẳng vào cảm xúc. Nói một cách dễ hiểu hơn thì tác phẩm không tập trung vào việc cho khán giả xem “mất mát” của nhân vật là gì; mà tập trung khắc họa cách nhân vật đối diện, và vật lộn với nỗi đau ấy ra sao. Một bộ phim nhẹ nhàng với câu chuyện về nỗi buồn và những nốt trầm trong cuộc đời của những con người trên một hòn đảo bình dị, giản đơn. “Trapped Balloon” là một lời nhắn gửi nhẹ nhàng tới những ai cũng đang vật lộn với nỗi buồn của chính mình rằng: Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, vì sẽ luôn có một ai đó chờ đợi bạn, chắc chắn là vậy.
“Next Sohee” cũng là một tác phẩm khá ấn tượng mà tôi xem vào dịp đầu năm 2024. Dựa trên một (và có lẽ là trong số rất nhiều) câu chuyện có thật về thực trạng những thực tập sinh lao động tại Hàn Quốc, “Next Sohee” kể một câu chuyện đau đớn và ám ảnh khôn nguôi. Những dòng giới thiệu về phim dễ gây cảm giác đây là một bộ phim điều tra trinh thám, nhưng nào phải vậy. Việc điều tra có thể đúng với nhân vật cảnh sát do Bae Doo-na thủ vai; nhưng còn với khán giả, chân tướng về những gì xảy ra với Sohee đã rõ từ đầu. Nhưng làm sao để không còn những “Sohee tiếp theo”, ấy mới là câu hỏi thực sự mà bộ phim muốn đưa ra. Lấy chủ đề về những góc tối trong hệ thống guồng quay làm việc gần như vô nhân tính và tác hại nó gây ra tới sức khỏe tinh thần của những người lao động trong bộ máy kinh khủng đó, “Next Sohee” là một tác phẩm không dễ xem, nhưng đáng để trải nghiệm, và suy ngẫm.
img_1
Năm nay tính ra tôi chỉ xem một phim của Martin Scorsese, ấy là “Cape Fear”; cũng là một phim dễ xem và dễ thưởng thức của cụ. Cũng không có gì nhiều để viết về “Cape Fear”, nhưng đúng là cách kể chuyện và quay phim của Scorsese góp phần lớn tạo nên không khí căng thẳng và nghẹt thở của tác phẩm. “The Unknown Country” cũng là một tác phẩm ấn tượng khác, cá nhân tôi nghĩ phần lớn là nhờ diễn xuất rất có hồn của Lily Gladstone. Cũng bởi ấn tượng với chị từ sau khi xem “Killers of the Flower Moon” nên tôi mới mày mò tìm xem lại một số phim chị từng đóng, quả thực đúng là diễn viên phái thực lực. “The Unknown Country” tôi nghĩ cũng là một tác phẩm có tính cá nhân với bản thân Lily Gladstone, khi nó kể câu chuyện về việc tìm lại nguồn cội trong tâm hồn của một người gốc Mỹ bản địa.
“Kakera: A Piece of Our Life” là một tác phẩm khá khó để thực sự cảm nhận và viết. Tất nhiên đây vẫn là một phim ấn tượng từ kịch bản, cách quay phim đến diễn xuất của cặp diễn viên chính. Mặc dù là tác phẩm đầu tay, nhưng Momoko Ando không ngại ngần mà triển khai một kịch bản với rất, rất nhiều chi tiết phức tạp đan xen về các nhân vật của mình. Trên bề mặt, câu chuyện của phim khá đơn giản; nhưng phải xem phim mới có thể thấy các nhân vật đâu có đơn giản và dễ nắm bắt như vậy. Tôi nghĩ âu đó cũng là dụng ý của đạo diễn, bởi nhân vật phức tạp, nên khán giả mới không bao giờ có thể hiểu hết hoàn toàn về họ - đúng như tên phim, chỉ có thể nắm bắt được “một phần của cuộc đời họ” mà thôi.
Vì một lý do rất oái oăm là hồi đấy cái meme con hải ly nói tiếng Trung quá nổi, nên tôi mới mò đi xem tác phẩm gốc có cảnh phim tạo ra cái meme ấy - “A Better Tomorrow” của Ngô Vũ Sâm. Cũng chỉ có thể nói là xem phim băng đảng Hong Kong và gun-fu quá là đỉnh luôn.
"TÔI CÓ NGUYÊN TẮC CỦA CHÍNH TÔI!"
"TÔI CÓ NGUYÊN TẮC CỦA CHÍNH TÔI!"
Năm vừa rồi tính ra không xem nhiều phim cổ trang lắm. Trong đấy có hai tác phẩm đáng chú ý của Hàn Quốc là “Noryang: Deadly Sea” và “The Throne”. Thực ra ngoài thể loại là phim cổ trang ra thì hai phim này chẳng có gì mấy giống nhau. Nhưng chúng đều hay theo cách riêng của mình. "Noryang: Deadly Sea" thì hay nhờ những đại cảnh chiến trận được làm hoành tráng và nhân vật được xây dựng vừa đủ để đẩy cảm xúc của khán giả lên cao. Trong khi đấy "The Throne" hoàn toàn là câu chuyện trong hoàng cung nhà Triều Tiên, nổi bật lên là mối quan hệ cha - con giữa vua và thế tử cùng những tranh chấp và đấu đá phía sau. Nhưng dù đi theo hai hướng khác hẳn nhau, cả hai tác phẩm đều để lại ấn tượng riêng. Nên mới nói là phim cổ trang hay không cứ nhất thiết phải làm về chiến tranh. Chỉ cần một câu chuyện hay, một kịch bản tốt, các nhân vật có chiều sâu là dư sức có một bộ phim cảm xúc. Điều này, mấy nước đồng văn như Hàn, Trung và Nhật đều làm ngon xơi suốt mấy chục năm nay. Còn như trông về phim cổ trang xứ ta thì… à mà thôi.
Sau vô số lần trì hoãn, cuối cùng tôi đã xem hết “All About Lily Chou-Chou” (vâng tôi biết là muộn, rất xin lỗi). Quá tuyệt vời, một bộ phim thanh xuân học đường tuổi trẻ nhẹ nhàng dễ thương chữa lành, thích hợp để thư giãn đầu óc. Đấy là những gì chúng ta không nên dùng để mô tả về “All About Lily Chou-Chou”. Khai thác câu chuyện về mặt tối của những đứa trẻ và sử dụng những bài hát đầy tính siêu thoát của Lily Chou-Chou, bộ phim của Shunji Iwai thực sự là một tác phẩm nặng nề, u ám và bức bối. Tôi nghĩ ai xem xong “All About Lily Chou-Chou” rồi thì cũng khó mà ngừng nghĩ về bộ phim và những nhân vật của nó được; quá đau đớn và ngột ngạt. Nhưng rõ ràng, là một tác phẩm cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp của Shunji Iwai và là một bộ phim cực kỳ đáng xem.
img_2
Nhắc đến Shunji Iwai, thì một lần nữa xin lỗi quý vị nhưng đến năm ngoái tôi mới thực sự gọi là xem từ đầu đến cuối “Love Letter”. Quá đã, điện ảnh thơ trữ tình và day dứt về mối tình đầu đỉnh cao cũng chỉ đến thế chứ hơn làm sao được. Thật đáng buồn là đến cuối năm 2024 nghe tin cô Miho Nakayama (diễn viên chính của “Love Letter”) qua đời, khiến tôi có phần tự trách rằng tại sao không xem tác phẩm này sớm hơn.
Nhân tiện đang xem phim Shunji Iwai thì tôi cũng xem luôn cả hai bản chuyển thể “Last Letter” do ông đạo diễn, một bản Nhật và một bản Trung. Vì đều được đạo diễn và biên kịch bởi Shunji Iwai (cũng là chuyển thể từ tiểu thuyết của ổng), nên cốt truyện hai bản gần như y hệt nhau. Dù vậy, mỗi bản có một không khí riêng do đặc trưng văn hóa của hai nước. Dù vậy, cả hai phim tôi thấy đều chỉ ở mức xem được, không quá xuất sắc. Hoặc có lẽ ấn tượng khi vừa xem xong “Love Letter” quá sâu nên cảm giác “Last Letter” kém hẳn. Dàn diễn viên của cả hai bản thì đều ổn cả, nhưng cá nhân tôi thấy dàn diễn viên bản Trung nhỉnh hơn và biểu cảm tốt hơn chút.
Chuỗi những ngày xem phim “suy” của tôi tiếp tục với bộ phim “Blue” của Hiroshi Ando. “Suy” nhưng không phải theo kiểu đau đớn đến xé lòng, mà là một nỗi buồn nhẹ nhàng và day dứt vì một điều đã tan vỡ không thể hàn gắn lại được. Tôi nghĩ đấy là những từ thích hợp nhất để mô tả về câu chuyện và hai nhân vật chính của “Blue”. Xen kẽ những phim “suy” thì tôi có xem “Booksmart” của Olivia Wilde. Phim romcom (chắc thế?), làm khá duyên và ổn, cũng khá tinh tế trong cách dẫn dắt và xử lý nút thắt. Thế cũng là quá ổn với một phim thiên về giải trí rồi.
“To the ends of the Earth” cũng là một bộ phim khá ấn tượng, phần nhiều nhờ diễn xuất tự nhiên của Maeda Atsuko. Có hơi giật mình khi nhận ra Kiyoshi Kurosawa đạo diễn phim này, nhưng xem rồi mới thấy vẫn có cái “chất” khá đặc trưng của ông khi mô tả về nội tâm của nhân vật trong phim. Phim này slow burn và thực sự để mà nói thì về câu chuyện gần như chả có cao trào gì, nên tôi cho là cũng không phù hợp với nhiều người, nhất là những ai theo trường phái xem phim chỉ vì cốt truyện.
img_3

HỒI II

“Perfect Days” của Wim Wenders là một tác phẩm tôi rất thích trong năm 2024, vì sự nhẹ nhàng và tích cực của nó. Chẳng cần một câu chuyện cao siêu hay nhiều nút thắt, “Perfect Days” chỉ kể về những ngày bình dị chẳng có gì đặc biệt của một công nhân lau chùi nhà vệ sinh công cộng giữa Tokyo phồn hoa đông đúc. Là công nhân vệ sinh, nhưng ông chú lại là người rất biết chơi, biết hưởng: mê đọc sách, chụp máy phim và nghe nhạc bằng những băng cát-xét. “Perfect Days” chính là một lời nhắn gửi với chúng ta rằng: dù có là ai, dù ngày qua ngày có xảy ra chuyện gì đi nữa; thì chỉ cần mỗi sáng chúng ta có thể ngẩng đầu nhìn trời và mỉm cười, sống trọn ngày đó, thì ấy đã là một “ngày hoàn hảo” rồi.
Tôi không xem nhiều phim tài liệu (đang cố gắng xem thêm, vì quả tình đến giờ vẫn cảm thấy bản thân chưa hợp với thể loại phim này); nhưng năm nay vẫn xem được hai phim, một là “State of Dogs” của Mông Cổ. Câu chuyện về một chú chó, nhưng qua đó kể câu chuyện về một đất nước Mông Cổ còn đang ngủ yên và bối rối lạc lõng những năm cuối thế kỷ 20. Nằm ở giữa hai cường quốc ở phía bắc và phía nam, Mông Cổ đang vun vén thu nhặt lại những bản sắc của đất nước mình sau hàng trăm năm, cố gắng tìm cách giữ lại linh hồn trong những xô bồ của cuộc sống vất vả. Loài chó có vai trò quan trọng trong văn hóa Mông Cổ, và họ tin rằng mỗi chú chó sau khi chết đi sẽ hóa thành con người ở kiếp sau. Cho nên dùng câu chuyện về sự sống và cái chết của những chú chó Mông Cổ để kể về con người Mông Cổ và câu chuyện về căn tính của họ, tôi nghĩ là một lựa chọn hoàn hảo. Phim còn lại là “Karf Kasem”, kể về vụ thảm sát làng Kafr Qasim năm 1956 bởi Israel, khiến 49 người dân Palestine thiệt mạng. Một tác phẩm đáng sợ và ám ảnh, khiến tôi phần nào hiểu hơn được rằng con người có thể tàn ác với chính đồng loại mình như thế nào.
“The Zone of Interest” chắc chắn là một trong những phim ấn tượng nhất năm 2024 với tôi. Xét về một mặt nhất định, đây là một phim kinh dị - một tác phẩm đầy ám ảnh. Thoạt nhìn, mọi thứ dường như thật yên bình và hoàn hảo. Này đây là một gia đình hạnh phúc với cha mẹ và các con. Nào là dã ngoại, chèo thuyền, cưỡi ngựa và tiệc tùng. Một khu vườn tươi đẹp với cỏ cây hoa lá. Một căn biệt thự rộng rãi, khang trang, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi. Một cuộc sống trong mơ, có lẽ thế. Cho đến khi ta nhận ra căn biệt thự ấy nằm ngay cạnh Trại tập trung Auschwitz. Nếu đã biết về Holocaust, hẳn không ai lạ gì với Trại này - một địa ngục trần gian thực sự, nơi hơn một triệu người đã bị giết hại. Ngay cạnh địa ngục, là “thiên đường” của Rudolf Höss và gia đình của gã. Và trong khi gia đình Höss vui vẻ cười đùa, ăn uống và chơi bời; thì ta chứng kiến mà thấy kinh hoàng. Làm sao mà họ có thể thoải mái đến vậy khi biết rằng mỗi ngày bên trong Auschwitz kia có hàng ngàn tù nhân bị giết hại? Cột khói từ các lò thiêu xác của Auschwitz chưa bao giờ tắt, và tiếng la hét của những nạn nhân xấu số chưa bao giờ dừng. Và điều đáng sợ nhất của phim chính là dù gia đình của Höss biết rất rõ những gì xảy ra bên trong Auschwitz, nhưng họ không để tâm đến nó dù chỉ một chút.
img_4
Suốt cả phim, ta không được tận mắt chứng kiến những gì xảy ra bên trong Auschwitz. Tuy nhiên, trong mọi cảnh phim xảy ra ở căn biệt thự của gia đình Höss, luôn có âm thanh trong nền - những tiếng ì ầm, vo ve liên tục không ngừng nghỉ, tiếng của những lò đốt xác, tiếng còi hú, tiếng súng, và tiếng la hét. Thi thoảng, ta có thể thấy được cột khói đen bốc lên từ Auschwitz - cả ngày lẫn đêm. Ta không thấy được những gì xảy ra trong Auschwitz, không có nghĩa là nó không tồn tại. Tiếng ồn đó gây cảm giác khó chịu và bứt rứt cho người xem, nhưng gia đình Höss lại hoàn toàn thoải mái. Họ đã bỏ nó ngoài tai, như cái cách họ ném bỏ những điều kinh hoàng xảy ra trong Auschwitz khỏi tâm trí. Nhưng chúng ta thì không thể, và vì thế chúng ta cảm thấy kinh hoàng và ám ảnh. Sau cùng, thứ đáng sợ nhất không phải là vô minh trước tội ác; mà là khi không còn coi nó là tội ác nữa, khi không còn bận tâm đến nó nữa, khi coi nó chỉ là một tiếng ồn để có thể bỏ ngoài tai. Khi ấy, tội ác mới đạt đến tận cùng của sự đáng sợ. Bộ phim càng đáng sợ hơn, nếu ta liên tưởng nó đến với những tội ác diệt chủng đang diễn ra hàng ngày ở dải Gaza - dù giờ đã có thỏa thuận ngừng bắn, nhưng mong manh vô cùng. Nhưng có mấy ai biết và quan tâm tới địa ngục trần gian ở Gaza, bởi thảy đã bị bỏ ngoài tai, như cái cách gia đình Höss ném bỏ những gì xảy ra bên trong Auschwitz ra khỏi đầu.
Vượt qua những ám ảnh đáng sợ mà “The Zone of Interest” đem lại, tôi tạm giải tỏa được tâm trí bằng một trong những tác phẩm hay nhất năm - “Dune: Part Two” của Denis Villeneuve. Nếu đã quen biết hoặc theo dõi tôi đủ lâu, hẳn mọi người biết tôi là một đứa cuồng “Dune” chính hiệu. Kỳ vọng của tôi vào “Dune: Part Two” rất rất cao, tôi dám chắc là cao hơn hẳn khán giả đại chúng - nhất là sau “Dune: Part One” được đánh giá cao về mọi mặt. Kết quả là Denis Villeneuve thực sự đã “nấu” ra một trong những phim khoa học viễn tưởng tuyệt nhất cho đến thời điểm này, không chỉ xét riêng trên khía cạnh chuyển thể “Dune” - tác phẩm siêu khó để làm phim. Vẫn có những tranh cãi nhất định xung quanh các thay đổi so với nguyên tác, nhưng tôi nghĩ nếu xét trên khía cạnh điện ảnh, thay đổi như vậy là cần thiết. “Dune: Part Two” tôi nghĩ nói không ngoa đã vượt xa những kỳ vọng của tôi, và đem đến một tuyệt tác trên màn ảnh. Suy cho cùng thì khi được xem cảnh cưỡi sâu cát và hàng nghìn người Fremen cùng hô lớn “Lisan al-Gaib” trên nền nhạc Hans Zimmer bằng màn hình IMAX thì quá đủ xứng đáng ra rạp xem phim ít nhất 3 lần rồi.
img_5
“The Parades” của Michihito Fujii là một phim mặc dù tôi thấy ổn, nhưng lẽ ra đã có thể hay hơn. Thực ra motif về những linh hồn còn vương vấn với trần gian và ở lại đến khi chấp niệm được gỡ bỏ là một cái nền rất tốt để tạo ra một tác phẩm tuyệt vời. Nhưng mặc dù “The Parades” không hề ngắn (phim dài độ 2 tiếng rưỡi), nhưng do ôm đồm nhiều nhân vật nên thành ra khai thác không đủ sâu, cũng không có điểm gì thực sự nổi trội. Do đó, phim mới chỉ dừng ở mức tạm được, vẫn còn thiếu một chút gì đó để vươn hẳn lên. Trong khi đó thì một phim khác ban đầu tôi không chú ý mấy là “The Holdovers” lại đem lại một trải nghiệm bất ngờ. Là phim lấy bối cảnh Giáng sinh, “The Holdovers” kể một câu chuyện ấm áp và đậm tình người về những nhân vật buộc phải đón ngày lễ tại trường nội trú vì những lý do khác nhau. Ba con người, ba cuộc đời, những vấn đề khác nhau, nhưng họ tìm được sự ấm áp ngày đông tại nơi tưởng chừng chán ngắt và buồn tẻ. Một bộ phim có thể nhìn qua không có gì hấp dẫn, nhưng tôi thấy rất đáng xem.
“Poor Things” là một trong những phim nổi bật trong năm 2024, và màn trình diễn của Emma Stone trong phim đã giúp cô có được tượng vàng Oscar. Một phim rất quái dị, nhưng không lạ với những ai từng theo dõi Yorgos Lanthimos. Dàn diễn viên của phim cũng đều là những tên tuổi chất lượng. Cá nhân tôi thì mặc dù cũng không phải là thấy phim quá khó hiểu hay gì, nhưng cũng chỉ thấy “Poor Things” dừng ở mức tốt, chứ chưa thấy tầm tuyệt đỉnh điện ảnh thơ. Đương nhiên diễn xuất của các diễn viên thì cực kỳ ấn tượng, nhưng vì không thực sự “cảm” được những ý nghĩa mà Yorgos Lanthimos muốn truyền tải, nên tôi không quá thích “Poor Things” là vì vậy.
“Plan 75” của Chie Hayakawa và “Mountain Woman” của Takeshi Fukunaga là hai tác phẩm cùng lấy phụ nữ làm nhân vật chính. Câu chuyện xoay quanh phụ nữ, nhưng là để nói lên những câu chuyện của xã hội. Hai phim có hai bối cảnh khác hẳn nhau: một là Nhật Bản quá khứ, một là Nhật Bản tương lai; tuy vậy, những vấn đề mà cả hai tác phẩm muốn truyền tải đều chưa bao giờ cũ cả. Nếu như “Mountain Woman” kể một câu chuyện về sự xa lánh và ruồng bỏ giữa người với người vì định kiến; thì “Plan 75” kể một câu chuyện nhức nhối về vấn đề già hóa dân số và chủ đề cực kỳ nhạy cảm là an tử. Cả hai tác phẩm đều có điểm thú vị riêng, tôi thấy đều đáng xem, và cá nhân tôi đánh giá “Plan 75” cao hơn một chút về chủ đề gai góc và cách xây dựng cũng như truyền tải câu chuyện.
img_6
“Sometimes I Think About Dying” là một phim tôi khá thích trong năm 2024, có lẽ một phần vì bản thân tôi có thể thấu cảm phần nào với nhân vật và câu chuyện trong phim. “Sometimes I Think About Dying” là một bộ phim với câu chuyện chủ đề về trầm cảm, về chốn công sở tẻ nhạt, những cuộc tán gẫu vô vị mệt mỏi chán chường - đến mức nhân vật chính của phim là Fran, thà nghĩ về cái chết còn hơn là chịu đựng chúng. Một điều khá thông minh trong cái cách bộ phim khắc họa hình ảnh một người hướng nội như Fran, chính là lý do của sự hướng nội ấy. Fran hướng nội không phải vì cô không thích và từ chối tham gia những hoạt động bên lề của mọi người - cô hướng nội bởi vì cô gặp khó khăn trong việc tham gia, dù thâm tâm cô rất muốn được hòa đồng. Một trong những điểm cốt yếu trong câu chuyện của phim là việc nó thể hiện sự cố gắng của Fran trong việc cởi mở hơn, bớt khép mình hơn. Và trong một chừng mực nào đó, Fran đã có thay đổi, dù chỉ một chút. Thế nhưng nhiều lúc, thay đổi đến quá đột ngột và quá nhanh lại dẫn đến phản ứng phụ. Có lẽ nhiều người sẽ thấy một phần của chính mình trong Fran, sẽ hiểu được Fran, vì như thế cũng là hiểu chính mình. Và vì vậy, có lẽ cũng tùy người mà mới có thể thấu cảm được với bộ phim và câu chuyện của nó. “Sometimes I Think About Dying” không phải là một bộ phim làm ra cho mọi người. Nó là một bộ phim dành cho Fran, và cho những người như cô. Nhẹ nhàng mà nặng nề, chân thực và u uẩn, thật đậm tính cá nhân.
Tôi cũng có xem và tương đối thích “Only the River Flows” của Ngụy Thư Quân, dù cá nhân tôi thấy phim tương đối mơ hồ về cuối. Một phim trinh thám neo-noir, mượn những vụ án giết người để kể về những góc khuất, những điều bị che giấu trong một thị trấn nhỏ u ám những năm 1990. Bảo là khó hiểu thì cũng không đúng, nhưng sự mơ hồ (có lẽ là có chủ đích) trong các tình tiết và cách kể chuyện khiến tổng thể trải nghiệm xem phim, nói sao nhỉ, khá đau đầu, nhất là ở đoạn kết. Có lẽ không phải phim thích hợp với nhiều người, và thực ra phim cũng còn nhiều thiếu sót. Tôi cũng có xem “The Taste of Things” của Trần Anh Hùng, và thú thực thì cũng không quá thích. Tất nhiên cách quay phim rất ấn tượng, nhưng với cá nhân tôi thì chỉ thế là chưa đủ. Đương nhiên phim dạng như vậy không cần một câu chuyện cao siêu hay nhiều nút thắt làm gì; nhưng vấn đề là bản thân cách kể chuyện của phim cũng khá mờ nhạt, dù biết chủ đích muốn tôn lên nét văn hóa ẩm thực Pháp làm chủ. Tựu trung, có lẽ do tôi không hợp với phim, chứ thấy nhiều người khen ngợi tới tấp.
Năm vừa rồi tôi cũng có xem “12 Years A Slave”, một phim tôi từng định xem từ mấy năm trước nhưng không hiểu sao toàn quên béng mất. Cá nhân tôi chưa đọc cuốn hồi ký là nguyên tác của phim, nên không đánh giá được phim chuyển thể sát đến đâu. Nhưng về mặt tôn trọng lịch sử và xây dựng nhân vật cũng như câu chuyện, tôi thấy phim đã làm tốt. Đương nhiên điều tôi đánh giá cao về “12 Years A Slave” chính là việc phim không ngại ngần cho thấy thực trạng kinh khủng và đáng sợ của những người nô lệ da màu bị tước đoạt tự do. Dù có câu chuyện u ám và đau đớn như vậy, đó đây vẫn có những tia hy vọng. Nhưng cái hy vọng đó được tạo nên (và dẫn đến một cái kết đẹp) là để gợi cho khán giả đặt ra một câu hỏi: Nhân vật Solomon Northup đã được cứu thoát và trở về với gia đình, nhưng còn bao nhiêu người da màu khác vẫn phải chịu đau đớn khổ sở thì sao? Ai sẽ giải cứu họ đây? Và còn hàng triệu triệu những người khác sau này, ai có thể đảm bảo họ không bị phân biệt và đối xử tàn tệ vì màu da? Câu chuyện của “12 Years A Slave” có một cái kết đẹp, nhưng câu chuyện về sự phân biệt chủng tộc, vẫn chưa có hồi kết.
img_7
“Civil War” của Alex Garland là một tác phẩm gây chia rẽ khá lớn trong cộng đồng yêu điện ảnh. Tất nhiên đây là một phim làm rất tốt yếu tố hình - âm. Cũng có thể coi “Civil War” là một phim có yếu tố kinh dị. Nó không đem nỗi sợ len lỏi vào trong tiềm thức của khán giả theo cách kín kẽ, đầy ẩn dụ và chiêm nghiệm. Không, Alex Garland dùng những phương thức trực quan và sinh động hơn nhiều - tác phẩm của ông khiến khán giả sợ hãi vì âm thanh và hình ảnh. Tôi nghĩ rằng đó là cách phù hợp và hiệu quả hơn khi xét đến cái nền câu chuyện của “Civil War”. Phim khá tài tình trong việc việc sử dụng hình - âm để truyền tải những sự căng thẳng đến nghẹt thở và sợ hãi khôn nguôi.
Dù vậy, câu chuyện và thông điệp của phim lại gây ra tranh cãi lớn; cụ thể là về hướng đi cố gắng tỏ ra trung lập hoàn toàn trong một cuộc nội chiến. Tôi thì nghĩ Alex Garland làm thế để tôn trọng góc nhìn của những phóng viên chiến trường (ít nhất theo cách ông hiểu thì họ tỏ ra trung lập trong việc đưa tin). “Civil War” thực ra là một bộ phim tốt, nếu chúng ta đồng ý rằng có sự trung lập trên chiến trường. Nhưng cốt tủy những tranh cãi nằm ở việc liệu có hay không một sự trung lập tuyệt đối không bị ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì, dù là với các phóng viên chiến trường? Để tranh luận vấn đề này thì còn lắm nhiêu khê, tôi sẽ không sa đà vào làm gì. Nhưng nói vậy để hiểu là phim gây tranh cãi và chia rẽ lớn: ai thích thì sẽ rất thích phim ở nhiều yếu tố; ai vốn đã không đồng ý với góc nhìn của Alex Garland thì sẽ thấy phim này nói thẳng ra là vô nghĩa. Cố nhiên là phim không hoàn hảo, nhưng tôi thì nghĩ ít nhất cũng nên trải nghiệm để đưa ra đánh giá đúng nhất của từng cá nhân.
img_8

HỒI III

Khoảng tầm giữa năm là giai đoạn tôi xem hàng loạt phim châu Á (chủ yếu vẫn là Nhật và Trung), có xen kẽ đâu đó vài ba tác phẩm của các nền điện ảnh khác. “Evil Does not Exist” lại là một tác phẩm ấn tượng khác nữa của Ryusuke Hamaguchi, sau “Drive My Car” hồi 2021. Phong cách điện ảnh chậm đặc trưng của Hamaguchi vẫn được tái hiện trong “Evil Does not Exist”, và có phần toàn diện hơn hẳn. Một trải nghiệm đáng nhớ, mặc dù phải thừa nhận rằng lúc xem lần đầu tôi khá bối rối với đoạn kết. Sau này có xem lại 1-2 lần thì đã hiểu hơn, đặc biệt nếu có thể kết nối nó với thông điệp ẩn giấu trong cả phim về thiên nhiên và con người. Và khi nhìn lại tiêu đề phim - “Cái ác không tồn tại”, tôi nghĩ mình đã mơ hồ hiểu được dụng ý của Hamaguchi. Phim lấy thiên nhiên làm chủ thể, và vì thế, mọi thứ sau cùng đều quay về thiên nhiên. Về cái ác, thì trong tự nhiên không có cái ác. Động vật không “ác” vì chúng là động vật. Hươu tấn công khi phòng vệ, sư tử vờn mồi và ăn thịt,... chúng hầu như chưa bao giờ bị bó buộc trong vấn đề thiện - ác như con người. Chúng hành động theo bản năng, vì thế không thể gọi đấy là “ác” được. Nhưng con người thì khác; con người có định nghĩa “đúng” và “sai”, từ đấy dẫn đến những quy chuẩn về “thiện” và “ác”. Nhân vật Takumi sống cùng thiên nhiên, gần như trở thành một phần của nó; nhưng bên trong anh, vẫn còn tính người. Chỉ khi chứng kiến một nỗi đau xé tâm can, Takumi mới như mất đi nhân tính, lao vào tấn công nhân vật Takahashi như cách con hươu kia làm. Cũng tức là khi ấy anh để bản thân xuôi theo bản năng của thú vật. Khi ấy, cái ác không tồn tại. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ mỗi người xem xong sẽ có một kiến giải riêng về đoạn kết, âu cũng là nét độc đáo của “Evil Does not Exist” vậy.
img_9
Tôi khá thích “18x2: Beyond Youthful Days”. Đương nhiên một phần vì visual của diễn viên, nhất là nam chính của Hứa Quang Hán và nữ chính của Kaya Kiyohara (mỗi ngày tôi thức dậy và cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội để simp thêm một người em nữa). Thế nhưng bản thân phim cũng là một câu chuyện đủ hay để khiến khán giả nhớ về sau khi credit hiện lên. Đây là một phim với câu chuyện buồn và u uẩn, và tông màu của phim thể hiện rõ điều đó. Đương nhiên có những phân cảnh tươi vui, nhưng cũng chính là để mượn đó làm nổi bật lên nỗi buồn của nhân vật. Những chi tiết tri ân đến “Love Letter” cũng là một điểm cộng với cá nhân tôi. Không đến tầm tuyệt tác, nhưng tôi nghĩ sẽ là một tác phẩm dễ xem và dễ thấu cảm.
Nhờ “18x2: Beyond Youthful Days” mà tôi có thêm một người em để simp là Kaya Kiyohara. Thực ra hồi trước khi xem live action của “March comes in like a Lion” với cả “Chihayafuru” thì cũng có nhận ra Kaya rồi, nhưng hồi đấy em tôi đóng vai phụ nên chưa thực sự ấn tượng (dù em tôi diễn hay). Nên đến năm vừa rồi xem phim do em tôi đóng chính thì lập tức simp ngay. Thế là tôi tìm xem một loạt các phim có Kaya Kiyohara đóng, từ vai chính đến vai phụ. Kể ra em tôi cũng biết chọn phim, vì những phim tôi xem được đều ổn cả. Tôi xem những phim như “The Brightest Roof in the Universe”, “Ai Uta: My Promise to Nakuhito”, “Hope”, “The Lines that Define Me”, “In the Wake” và “You’re not Normal, Either!”.
Mỗi phim có cái hay riêng, nhưng trong số này tôi ấn tượng hơn cả với “Hope”, “The Lines that Define Me” và “In the Wake” (buồn cười là cả ba phim em tôi đều chỉ đóng vai phụ). “Hope” là một câu chuyện về bi kịch của gia đình, tạo nên từ đứt gãy thế hệ và sự xa cách giữa cha mẹ - con cái. “In the Wake” lại là câu chuyện về bi kịch trong xã hội của Nhật Bản - một quốc gia phúc lợi cao, nhưng không phải không có góc tối, và tác phẩm này chọn góc tối ấy để kể câu chuyện của mình. Mặc dù có câu chuyện khác nhau, nhưng điểm chung giữa cả hai phim là dù lấy bi kịch làm nền, nhưng không để mọi thứ hoàn toàn chìm vào đen tối u ám, mà vẫn ánh lên tia sáng đến từ hy vọng và tình người. “The Lines that Define Me” nhẹ nhàng hơn, tuy cũng có nền là bi kịch của nhân vật, nhưng phim không lựa chọn nó là yếu tố chủ đạo. Lấy chủ đề đậm chất văn hóa truyền thống là nghệ thuật vẽ thủy mặc Nhật Bản, “The Lines that Define Me” là câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng về việc vượt qua dằn vặt và nỗi đau bằng nghệ thuật, dùng những nét cọ để vẽ nên sự sống, thay vì đắm chìm vào cái chết và mất mát.
img_10
Tầm giữa năm 2024 thì một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất tôi xem được là “Godzilla: Minus One” của Takashi Yamazaki. Với cá nhân tôi thì sau khi xem xong, “Godzilla: Minus One” đã nhảy một mạch lên top 2 những tác phẩm xuất sắc nhất về Godzilla, vượt qua cả phim tôi rất thích trước đấy là “Shin Godzilla” và chỉ đứng sau tượng đài không thể xô đổ là “Godzilla” năm 1954. Câu chuyện của “Godzilla: Minus One” là câu chuyện về việc thế hệ người Nhật Bản hậu Thế Chiến ấy đã vượt qua bóng ma của quá khứ như thế nào. Chủ nghĩa quân phiệt Đế quốc và tinh thần võ sĩ đạo cực đoan đã ám ảnh Nhật Bản, đến mức họ luôn bị dằng xé tâm can vì đã sống sót, luôn mắc kẹt với cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng. Mọi thứ với thế hệ hậu chiến, với Nhật Bản lúc ấy là một con số 0. Không lý do để thực sự sống, không nhìn thấy hy vọng, không trông thấy tương lai. Và như để thử thách những người vốn đã ở tận cùng của tuyệt vọng; từ đáy biển Thái Bình Dương sâu thẳm, một cơn ác mộng mới đem tới nỗi kinh hoàng gấp bội. Mối đe dọa ấy là lời cảnh báo từ thiên nhiên tới những hành động của con người. Nó là sự đe dọa từ nguy cơ hạt nhân được vật chất hóa. Nó là cơn ác mộng khủng khiếp nhất vượt ngoài sự tưởng tượng của bất kỳ ai. Nó là hiện thân cho sự trừng phạt của Thánh Thần. Nó là Gojira.
Gojira là hiện thân cho sức mạnh của tự nhiên - một thế lực vượt xa con người. Nó là hiện thân cho cái “ác” của tự nhiên, là sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn, là một con quái vật tối thượng. Nó còn là hiện thân cho lỗi lầm và sự ngạo mạn của con người. Sự đáng sợ của Gojira chính là sự đáng sợ của hiện thực, của những gì mà con người phải đối mặt. Nó đã đẩy Nhật Bản xuống một đáy sâu kinh hoàng hơn nữa, từ 0 xuống -1, xuống đến tuyệt vọng của tuyệt vọng. Nhưng chính trong tột cùng tuyệt vọng ấy, ta lại thấy le lói hy vọng. Thế hệ ấy của Nhật Bản đã dần rũ bỏ quá khứ tối tăm đằng sau để gượng dậy mà chống lại cơn ác mộng mang tên Gojira, để nắm lấy tương lai trong lòng bàn tay mình. Một tác phẩm tham vọng vừa đủ, tuy còn thiếu sót, nhưng đã làm rất tốt những gì nó xác định là chủ thể trong câu chuyện của mình.
img_11
Tôi thấy có người chê cái kết của “Godzilla: Minus One” và bảo là tươi đẹp quá mức. Nhưng nói thế tức là các bạn chưa hiểu về phim, và hoàn toàn chưa hiểu về Godzilla. Quả đúng là kết phim ban đầu dường như thật tươi đẹp với tương lai ngập tràn hy vọng. Thế nhưng đằng sau ánh sáng ấy, vẫn tồn tại bóng tối. Gojira đã bị tiêu diệt, nhưng nó không hề biến mất, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Gojira là một cơn ác mộng có thật, và nó vốn đã để lại di chứng không thể xóa bỏ với con người rồi. Gojira không thể chết, bởi vì nó sinh ra từ hành động của con người; và chừng nào con người còn tồn tại, Gojira sẽ bất diệt. Dưới đáy biển sâu thẳm, Gojira sẽ luôn có mặt ở đó, và chờ đợi. Một cái kết hoàn hảo với một tác phẩm tái định nghĩa lại hình tượng vua quái thú với điện ảnh hiện đại.
“Goodbye, Dragon Inn” của Thái Minh Lượng và “Tokyo Story” của Yasujiro Ozu là hai tác phẩm tuyệt vời nữa mà tôi trải nghiệm tầm giữa năm vừa rồi. “Goodbye, Dragon Inn” là những trăn trở và tự vấn của Thái Minh Lượng về tương lai của điện ảnh. Tôi nghĩ phim này sẽ đặc biệt dễ đồng cảm với những ai yêu mến môn nghệ thuật này, đặc biệt là những anh chị em trong nghề. Trong khi đó thì “Tokyo Story” mang đến một trải nghiệm khác hẳn, và là một phim hiếm hoi tôi cho là hoàn hảo về mặt kể chuyện và sắp đặt diễn biến. Thật xấu hổ khi phải thừa nhận rằng đây cũng là phim đầu tiên mà tôi xem của Ozu, và có xem rồi mới phần nào hiểu được vì sao ông lại là một trong những đạo diễn có ảnh hưởng lớn nhất với nền điện ảnh Nhật Bản và thế giới. Tôi đã lên kế hoạch xem thêm phim của Ozu, năm nay sẽ cố gắng thực hiện bằng được.
img_12
Năm vừa rồi tôi có xem “Godzilla x Kong: The New Empire”, “Kingdom of the Planet of the Apes” và “Alien: Romulus”. “Godzilla x Kong” thì thực sự xem chỉ vì mấy cảnh đánh đấm giữa đám quái vật chứ câu chuyện nó nhạt toẹt. “Kingdom of the Planet of the Apes” không thực sự xuất sắc, nhưng cũng là một phần mở đầu đủ ổn cho saga mới của thương hiệu “Hành tinh Khỉ”. “Alien: Romulus” là một phim làm tôi khá băn khoăn. Một mặt tôi thấy trải nghiệm xem phim khá chất lượng nhờ chỉ đạo hình - âm xuất sắc tạo cảm giác căng thẳng nghẹt thở đúng chất sinh tồn trong vũ trụ (chứ không dở hơi như cái hồi “Alien: Covenant” nữa). Nhưng xét kỹ ra thì “Alien: Romulus” là một phim không thực sự có bản sắc của riêng nó. Đúng là phim xem ổn và không dở, nhưng thực sự chẳng có điều gì đặc biệt để khán giả ấn tượng và nhớ về nó dài lâu. Romulus không có sự đột phá mới mẻ của ALIEN bản gốc, nó cũng không có sự đổi mới mạnh bạo như Aliens 1986. Thậm chí hai tác phẩm trước đó là Prometheus và ALIEN Covenant mặc dù chất lượng khá kém, nhưng chúng vẫn chứa những ý tưởng táo bạo của Ridley Scott (dù cách ông ấy triển khai thì chán). Còn Romulus không có những yếu tố mới mẻ đó.
Tất nhiên tôi biết Fede Álvarez làm Romulus cũng với mục đích tri ân franchise ALIEN; thế nhưng vô hình trung điều này gây hại đến phim ở một mức độ nào đó. Bộ phim chứa nhiều chi tiết gợi nhớ về các phim cũ - cả nhân vật lẫn lời thoại. Thậm chí cả opening/ending của Romulus cũng là một dạng remake của opening/ending các phim cũ. Nhưng chính việc chứa quá nhiều tình tiết tri ân các phim cũ lại phần nào khiến khán giả... chỉ nhớ về các phim cũ, hoặc nếu là tệp khán giả mới, thì hoàn toàn chẳng quan tâm. Chính vì lẽ đó, Romulus không có danh tính của riêng nó. Romulus là một bản remix kết hợp giữa nhiều tác phẩm trong franchise. Nó là một tác phẩm nằm lưng chừng ở giữa, không xuất sắc, không tệ, và cũng không thực sự đem lại điều gì đặc biệt hay mới mẻ.
Tôi cũng tranh thủ xem live action của “Golden Kamuy”, thấy cũng được, có thể nói là chuyển thể khá trung thành với nguyên tác manga. Nó ở tầm ổn, xem được với cả khán giả mới, như kiểu các phần live action của “Rurouni Kenshin” vậy. Một phim live action nữa tôi xem trong năm là “Teasing Master Takagi-san”, nhìn chung cũng là dạng phim romcom nhẹ nhàng dễ thương xem thư giãn thôi. Mấy phim kiểu “Golden Kamuy” với “Teasing Master Takagi-san” thì đúng là có thời gian rảnh muốn thả lỏng đầu óc thì xem là hợp lý. “8 1/2” của Federico Fellini là một tác phẩm tôi thấy hay trong cách quay phim và kể chuyện. Nhưng mà phim kiểu này vì là một kiểu bán tự truyện và đậm tính cá nhân của đạo diễn nên phải có hiểu biết nhất định mới thấy được những chi tiết ẩn dụ. Vì tôi hầu như chưa xem phim của Federico Fellini nên trải nghiệm xem “8 1/2” cũng chỉ dừng ở mức thú vị mà thôi.
Tôi khá thích “Ainu Mosir”, một tác phẩm nhẹ nhàng lấy chủ đề về văn hóa người Ainu và những đứt gãy thế hệ. “Ainu Mosir” không có một câu chuyện kịch tính, không nêu lên diễn ngôn nào to lớn. Mọi thứ của phim rất bình lặng, giản dị, như chính cách sống hòa mình với thiên nhiên của người Ainu vậy. Takeshi Fukunaga không dùng quá nhiều thoại, mà tập trung thể hiện tinh thần của phim qua những cảnh quay thiên nhiên tuyệt đẹp của Hokkaido qua bốn mùa, qua âm nhạc nhẹ nhàng mà sâu lắng. Dịu dàng như làn gió mùa hè, trong trẻo như tuyết mùa đông, “Ainu Mosir” có thể không quá xuất sắc hay đột phá, nhưng là một khúc ca khiến khán giả chiêm nghiệm được một vài điều khi credit hiện lên. Có lẽ như thế cũng đã đủ rồi.
img_13
Năm 2024 tôi cũng xem cả “Woman in the Dunes” của Hiroshi Teshigahara. Thực sự là một trải nghiệm đẹp và tinh tế, trước hết là về mặt thị giác. Câu chuyện của nó thực ra không có gì nhiều, nhưng chính sự “đơn giản” ấy là nền để đạo diễn đưa vào hàng mấy tầng ý nghĩa về nhân sinh, về số phận và bế tắc, về lựa chọn của mỗi người, về sự chịu đựng cái khổ trên đời,... và về nhiều thứ nữa. “Woman in the Dunes” là một tác phẩm mang đậm tính chiêm nghiệm và có phần siêu thực, ẩn chứa đầy nghịch lý - cũng như chính cuộc đời vậy. Rất khó để mô tả cảm giác có được khi xem “Woman in the Dunes”, nhưng tôi nghĩ sẽ là một trải nghiệm độc đáo có một không hai. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nó vẫn vững vàng ở vị trí một trong những tác phẩm điện ảnh Nhật Bản xuất sắc nhất mọi thời đại.
Sau nhiều lần hạ quyết tâm, cuối cùng tôi đã xem “Cure” của Kiyoshi Kurosawa một cách trọn vẹn. Nói thật là tôi không thực sự hiểu được toàn bộ phim, mặc dù cái sự ma quái và ghê rợn trong bối cảnh phim và các nhân vật khiến đây là một trải nghiệm thực sự quái dị. Nỗi sợ của “Cure” đến từ từ, chậm rãi và len lỏi chứ không vồ vập trực tiếp. Nó chơi đùa với tâm trí của khán giả như cái cách kẻ sát nhân trong phim chơi đùa với những nạn nhân của y. Nó bắt chúng ta tự hỏi đâu là thực, đâu là mơ, đâu là tưởng tượng của nhân vật, đâu là những gì đã diễn ra. Đến cuối cùng, “Cure” không cho ta một cái kết được giải thích rõ ràng, đầy tính gợi mở và để khán giả tự suy đoán. Một tác phẩm không hề dễ xem, và xem cũng không hề dễ chịu, nhưng rất đáng để dành thời gian trải nghiệm.
img_14
Một phim nữa tôi cũng dành được thời gian ra để xem sau nhiều lần lên kế hoạch là “Come and See” của Elem Klimov. Có lẽ là một trong số ít những phim thực sự chạm đến cái gọi là “tinh thần phản chiến trong điện ảnh”. Thiết kế âm thanh đỉnh cao khiến trải nghiệm xem “Come and See” thực sự đáng sợ và kinh hoàng, và là một trong vài phim tôi nghĩ khó có thể xem lại lần 2. Một lần trải nghiệm sự khủng khiếp ấy là đủ, cũng như đa số người có thể sống sót mà trở về từ chiến tranh sẽ nói: “Thế là quá đủ rồi!”. Kể ra tôi nghĩ cần có nhiều tác phẩm như thế này hơn để cân bằng lại hằng hà sa số các phim thiếu điều chỉ nói thẳng ra là muốn tôn vinh chiến tranh. Mấy phim đấy xem thì thích mắt nhưng thế là coi như vứt ráo đi mọi cái kinh hoàng và ám ảnh mà chiến tranh đem lại. Làm được một phim như “Come and See” không dễ, thật sự là thế, nhưng hy vọng nhiều đạo diễn có thể cố gắng hơn, thay vì spam 100 phim bắn nhau ì xèo xong không đọng lại gì.

HỒI IV

Năm 2024 thì tầm quý 3 tôi trở nên bận rộn hơn, nhiều thứ lu bu hết cả từ công việc đến cá nhân, thành ra chả có nhiều thời gian xem phim, dù rất muốn để giải tỏa đầu óc một chút. Nhưng cũng phải đến cuối quý 3 đầu quý 4 mới tạm thảnh thơi hơn để quay trở lại với điện ảnh.
Tầm thời gian đấy tôi xem liền tù tì một số phim nhẹ nhàng để cân bằng đầu óc một chút. Có hai phần live action của “Little Forest” (bản Nhật, đương nhiên) đúng nghĩa xem để thư giãn đầu óc và trôi theo phim không cần suy nghĩ gì. “The Water Flowing to the Sea” cũng đại khái như vậy, không cao siêu gì nhưng thích hợp để tôi thả lỏng, nhiều khi cũng chỉ cần những phim kiểu vậy là đủ. “Drawing Closer” cũng là một phim không quá xuất sắc hay mới lạ nhưng mà nhẹ nhàng dễ thương, buồn nhưng không ảm đạm. Rất thích hợp xem cuối tuần để buồn một chút. “Young Woman and the Sea” là một phim khá điển hình của thể loại dựa trên chuyện có thật và truyền cảm hứng, nên là nhìn chung xem cũng ổn. Sau đó thì tôi có đổi gió với “Landscape in the Mist”, một tác phẩm theo kiểu road movie, khá siêu thực và mơ hồ. Khá thích cách quay phim, kể chuyện cũng như đoạn kết mang tính gợi mở cao.
img_15
Tôi khá là thích thú với “Longlegs”, trừ cái kết cảm giác vừa gấp gáp vừa hụt hơi, kéo tụt tổng thể trải nghiệm cả phim xuống; nhưng nhìn chung cũng không quá tệ đâu. Có xem thêm được “A Bride for Rip Van Winkle” đúng hôm bão đổ bộ, tuyệt đối điện ảnh thơ chứ chẳng đùa. Một câu chuyện được kể khéo léo và đậm chất thơ về tình yêu, hạnh phúc và nỗi cô đơn của con người giữa đô thị. Đúng là Shunji Iwai, vẫn có khả năng chạm đến và khơi gợi phần sâu kín nhất trong tâm hồn và cảm xúc của khán giả. “Missing” của Keisuke Yoshida thì nói thật phần kịch bản không quá ấn tượng, nhưng phim vẫn đáng nhớ, ấy là nhờ màn trình diễn thượng hạng của chị tôi Ishihara Satomi. Một phim khác tôi cũng khá thích là “Worlds Apart” của chị tôi Aragaki Yui, dù câu chuyện không mới gì cho cam.
Một trong những phim tôi thích nhất tầm cuối năm là “All the Long Nights” của Sho Miyake. Cái tông màu tối và lạnh trong phần lớn thời lượng phim dễ tạo ra cảm giác trầm buồn và u uất. Và quả thực chủ đề của phim cũng nặng nề như thế. Khai thác một chủ đề không còn quá xa lạ - đó là cách mà những nhân vật trong phim vật lộn, chống chọi với căn bệnh tâm lý; nhưng "All the Long Nights" vẫn cho tôi một cảm giác rất khác. Vẫn là một câu chuyện đào sâu vào ngóc ngách tâm hồn, về những chống chọi thầm lặng, về từng bước chân mịt mù về tương lai của hai nhân vật chính; nhưng thay vì chỉ phơi bày những thiếu sót của xã hội, phim chọn bộc lộ nét đẹp và sự nhân văn giữa con người với nhau. Chủ đề của phim nặng nề, thực sự là vậy. Hai nhân vật chính đều luôn phải vật lộn, chống chọi từng ngày với căn bệnh của mình; mà trong khi đó, nhận thức của xã hội vẫn còn thiếu sót, vẫn thiếu cảm thông. Họ cảm thấy lạc lõng trong chính cái xã hội đó, đến mức nhiều lúc, chỉ muốn dừng lại, và từ bỏ.
Chủ đề nặng nề là thế, nhưng thông điệp của phim, lại là về hy vọng. "All the Long Nights" là một lời cổ vũ, một lời động viên, một cái ôm mà Sho Miyake muốn gửi đến tất cả những người đang chống chọi và vật lộn trong màn đêm. Hy vọng rằng họ sẽ tìm được một ai đó để chia sẻ, để giúp đỡ, như cách hai nhân vật chính tìm được nhau. Họ chẳng phải người yêu, thậm chí cũng không phải bạn bè. Họ chỉ đơn giản là hai con người tuy lướt qua nhau, nhưng đủ nhân duyên để níu lại, và cùng nắm tay nhau bước từng bước ra khỏi hố sâu u uất và tăm tối. Tuyệt đối nhân văn.
img_16
Có một loạt phim Trung Quốc đại lục và Đài Loan mà tôi xem năm vừa rồi như “My Best Summer” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Điều tuyệt vời nhất của chúng ta” của Bát Nguyệt Trường An, “Soulmate” (tức là phim “Thất Nguyệt và An Sinh” có Châu Đông Vũ đóng chính), rồi “Man in love” và “A Place called Silence”. “My Best Summer” thì thực ra cũng là phim dạng thanh xuân học đường nhẹ nhàng (cái này là thật chứ không như “All About Lily Chou-Chou”), tôi thì chưa đọc tiểu thuyết gốc hay xem bản series chuyển thể, nên xét riêng bản điện ảnh thì thấy cũng ổn, dù cái kết có vẻ hơi gượng. “Soulmate” hồi mới chiếu thấy rất nổi, được khen tới tấp. Cá nhân tôi thấy phim ổn, mọi thứ đều trọn vẹn, nổi bật hơn thì có diễn xuất của Châu Đông Vũ. Cũng để lại khá nhiều suy nghĩ và day dứt. “Man in love” cũng là kiểu phim tương tự với cái kết buồn, chất lượng cũng tốt, không hề tệ đâu, tôi nghĩ thích hợp để xem lúc cần suy. “A Place called Silence” chọn chủ đề khá gai góc là nạn bạo lực học đường và cách thể hiện khá mạnh bạo về mặt hình ảnh (đến mức nhiều người thấy khó hiểu khi phim vẫn được Trung Quốc duyệt chiếu). Nhưng phim có phần tham vọng quá thành ra mọi thứ đều làm chưa tới, tổng thể bảo tệ thì không quá tệ nhưng tôi hơi thất vọng.
Mấy phim hoạt hình tôi xem năm 2024 có “Look Back”, “The Wild Robot” và “Transformers One”. “Transformers One” khá thú vị và sâu sắc hơn tôi nghĩ, đáng tiếc là cái kiểu quảng bá dở hơi làm phim chìm nghỉm và lỗ dập mặt. Chắc là không có phần 2 đâu, nhưng thật sự thì nó cũng chỉ dừng ở mức khá chứ bảo lên đến tầm hay thì không hẳn. Trong khi đó thì “The Wild Robot” và “Look Back” đúng là hai phát tuyệt đối điện ảnh khiến tôi phải sững sờ. “The Wild Robot” dễ xem và dễ cảm nhận hơn, nói thật là như vậy. Câu chuyện của nó cũng dễ đánh động vào cảm xúc hơn khi kể câu chuyện về tình mẫu tử, về tình bạn và về cái gọi là “linh hồn con người”. “Look Back” khó cảm hơn, bởi vốn nguyên tác oneshot của nó mang đậm chất “kỳ quái” của Tatsuki Fujimoto (nếu mọi người có đọc “Fire Punch” hay “Chainsaw Man” chắc cũng hiểu phong cách độc lạ của mangaka này rồi). Nhưng với những ai có thể bước chân vào thế giới nội tâm mà Fujimoto xây dựng trong “Look Back” (và được nâng tầm nhờ chất lượng hoạt họa tuyệt đỉnh), thì đây là một câu chuyện thực sự cảm động và đáng suy nghĩ về việc theo đuổi đam mê và những thứ ta phải đánh đổi. Không có lựa chọn nào đúng và sai hoàn toàn, ta phải biết cách chấp nhận và sống với nó, dù lựa chọn ấy đưa ta đến đâu, có thể khiến ta mất đi những gì. Để rồi đến khi “nhìn lại”, ta có thể tự tin mà nói rằng, nếu được chọn lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn như vậy.
img_17
Năm nay tôi cũng có xem được “One Second” của Trương Nghệ Mưu. Tác phẩm này gợi nhiều đến “Cinema Paradiso” Giuseppe Tornatore, nhưng câu chuyện của nó mang tính mỉa mai và nhạy cảm hơn hẳn, khi đề cập đến giai đoạn “Đại cách mạng văn hóa vô sản” - một thời kỳ đen tối và ảm đạm trong lịch sử Trung Quốc. Với “One Second”, Trương Nghệ Mưu cho thấy một thực tế đáng buồn về việc điện ảnh bị sử dụng làm công cụ tuyên truyền, chứ không còn đơn thuần là một môn nghệ thuật truyền tải cảm xúc. Nhưng bằng chính sự oái oăm ấy, Trương Nghệ Mưu khéo léo lồng vào đó thông điệp đầy nhân văn của mình: sức mạnh của điện ảnh chân thực với mỗi cá nhân là điều không thể bị kiểm soát, dù đó có là thế lực hùng mạnh và độc đoán đến thế nào. Tuy không phải một tuyệt phẩm, hay có thể sánh ngang với nhiều tuyệt tác khác trong quá khứ của Trương Nghệ Mưu, “One Second” vẫn là một trải nghiệm có giá trị, ít nhất thì tôi cho là như thế.
Tầm mấy tháng cuối năm tôi không xem được quá nhiều phim. Có tranh thủ xem được “Exhuma”, mặc dù hồi chiếu rạp cũng rầm rộ nhưng tôi không đi xem vì… lười (và vì tôi không quá thích phim kinh dị). Kể ra thì phim cũng được, lồng ghép cũng khá nhiều ý nghĩa về nỗi đau chia cắt 2 miền bán đảo Triều Tiên (thực ra lồng ghép khá hay chứ không thô mấy), mấy phân cảnh hù dọa và làm lễ trừ tà khá rợn người, chị tôi Kim Go-eun vẫn xinh, tóm lại là xem không phí thời gian. Thêm một tác phẩm nữa kể câu chuyện về tình yêu và nỗi cô đơn là “On the beach at night alone”, tông màu lạnh và nhịp phim chậm đem lại một trải nghiệm nhẹ nhàng nhưng vương vấn đầy nỗi buồn. Có lẽ cũng tùy người mới có thể đồng cảm để trải nghiệm trọn vẹn được. Cũng có tranh thủ xem thêm được cả “Nosferatu” bản phim câm năm 1922 của Murnau, dù phim đã rất rất cũ rồi, nhưng tôi khá thích và thấy phong cách quay hồi đó thú vị.
img_18
Năm vừa rồi tính ra tôi xem đúng một phim Việt là “Cu Li không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân. Lại là một trải nghiệm độc đáo nữa, một tác phẩm đầy những ám ảnh của tàn dư quá khứ, những vọng tưởng về một tương lai bất định. “Cu Li không bao giờ khóc” là một bộ phim về ký ức, và cách chúng xói mòn, hình thành, và đôi khi giam cầm chúng ta. Phim thực ra không khó xem như tôi nghĩ, nhưng để thực sự cảm được phim thì tôi nghĩ phải là những người có cùng hoàn cảnh và tâm trạng như các nhân vật của phim - những người đang mơ hồ tìm kiếm một điều gì đó giữa cuộc đời đang dần xa lạ với họ. Thật vui vì điện ảnh Việt ngày càng có thêm nhiều tác phẩm mới mẻ và độc đáo như vậy, vì khán giả đã có nhiều lựa chọn mang tính chiêm nghiệm và sâu sắc hơn thay vì cứ phải ra rạp là thấy 1 tỷ suất chiếu bành trướng lãnh địa của phim Trấn Thành hay những phim dạng “cúng cụ” mà chất lượng thì đúng trò cười như kiểu “Đào, phở và Piano”.
2024 tôi mới chỉ xem thêm được một phim của Hồ Kim Thuyên là “Raining in the Mountain” (dù đã muốn xem nhiều hơn). Vẫn là phong cách đặc trưng trong những phim của ông, đan xen giữa võ hiệp và chất Thiền của Phật giáo. Thông qua câu chuyện về việc lựa chọn vị trụ trì tiếp theo của ngôi chùa, “Raining in the Mountain” đưa ra những kiến giải của Hồ Kim Thuyên về tham - sân - si và như thế nào mới là đạt đạo. Đậm tính triết lý nhưng không khô khan, những cảnh quay tuyệt đẹp như tranh và chỉ đạo võ thuật rất Hồ Kim Thuyên, thực là một trải nghiệm đáng giá từng giây.
img_19
Độ chục ngày cuối năm thì tôi xem thêm vài phim như “A Normal Family” của Hur Jin-ho, “The Outrun” của Nora Fingscheidt, “Demons” của Toshio Matsumoto và “The Ratcatcher” của Lynne Ramsay. Khá thích “A Normal Family” về cách đặt vấn đề và dẫn dắt câu chuyện, đưa khán giả đến đủ loại cung bậc cảm xúc và sử dụng plot twist khá mượt, nhưng cái kết có phần diễn ra quá nhanh và hơi gượng nên trải nghiệm không trọn vẹn lắm. “Demons” thì xem mà rợn hết cả người dù chỉ là phim đen trắng. “The Outrun” tôi xem chủ yếu vì chị tôi Saoirse Ronan (chị vẫn diễn hay như mọi khi). Trong khi đó, “The Ratcatcher” khiến tôi ấn tượng (đặc biệt hơn khi đây là phim dài đầu tay của Lynne Ramsay). Một lát cắt bình dị của cuộc sống ở Glasgow, Scotland vào những năm 70; nhưng câu chuyện của phim vẫn chọn những chủ đề khá nặng nề và mang một vẻ vừa siêu thực lại vừa xã hội. Có ý kiến bảo rằng “The Ratcatcher” là một bài thơ, thể hiện trí tưởng tượng của nhân vật chính trẻ tuổi, nơi chứa cả những điều kỳ diệu và nỗi kinh hoàng của tuổi thơ. Tôi cho rằng không có mô tả nào có thể chính xác hơn được.

PHỤ LỤC

Về hành trình điện ảnh phiêu lưu ký năm 2024 thì ngoài việc viết mấy dòng về các phim đã xem, cũng muốn nói vài câu về một khía cạnh khác, ấy là việc dịch phim. Thực ra 2024 mới là năm thứ 2 tôi nhảy vào con đường dịch phim. Gọi là 2 năm cho oai chứ thực ra tôi dịch cũng mới được mười mấy phim thôi, không nhiều nhặn gì.
Năm vừa rồi tôi dịch được 7 phim như trong hình (thực ra còn 2-3 tập phim ngắn của series nữa nhưng thôi, chưa xong còn đang bỏ dở). Tự hào và có lẽ bỏ công sức nhiều nhất trong số mấy phim đã dịch năm 2024 chắc chắn là 3 phim của Akira Kurosawa. Dịch 3 phim này của cụ thì tôi tốn cực kỳ nhiều thời gian và cả công sức, bởi phim nào mình cũng dùng 3 bản phụ đề Anh - Trung - Nhật đối chiếu qua lại. Trong đó có lẽ Seven Samurai là ngâm lâu nhất (tính đúng ra thì mới hoàn thành tuần trước, phải tính vào năm 2025... nhưng thôi, ăn gian chút). Tốn cũng nhiều công sức là Godzilla Minus One, nhưng nhìn chung dịch vẫn dễ hơn. Dịch nhanh và ít tốn công nhất thì là 2 phần Dune và The Hobbit phần 1.
img_20
Nói chung bảo là hài lòng với ngần này sản phẩm hay không thì đương nhiên có hài lòng; nhưng vẫn có điểm chưa vừa ý. Ấy là vì đầu năm ngoái định dịch luôn 3 phần The Hobbit (vì năm 2023 tôi đã dịch trọn bộ trilogy The Lord of the Rings bản Extended rồi), nhưng cuối cùng mới chỉ dịch xong phần 1. Năm nay có lẽ sẽ quay lại phần 2 và 3, nhưng chưa chắc vì tôi không thích The Hobbit lắm. Cũng định dịch cả mini series Children of Dune gồm 3 tập, nhưng kết quả là mới xong 2 tập đầu còn tập 3 ngâm dấm. Lại để năm nay hoàn thành vậy.
2025 cũng chưa dám đặt mục tiêu là dịch bao nhiêu phim, vì nói thật hoàn toàn làm vì sở thích và phi lợi nhuận nên ai mà biết trước được. Nhưng chắc sẽ cố gắng dịch thêm 1-2 phim của Kurosawa. Nếu hứng thú muốn kiểm nghiệm xem chất lượng dịch các sản phẩm của tôi ra sao, mọi người có thể check VAR ở đây. Hy vọng nhận được sự đóng góp và mong là chất lượng bản dịch của tôi đủ tốt như tôi nghĩ.

KẾT

Hành trình điện ảnh năm 2024 vẫn tiếp tục là một thành công. Thực ra với tôi, năm nào cũng có thể dành thời gian xem phim và được thưởng thức những tác phẩm hay là thành công rồi. Năm vừa qua ngoài những phim đã kể ở trên thì còn hơn chục phim nữa, nhưng tôi không tính vào vì tôi không thấy chúng có điểm gì thú vị hay đáng nhớ, thành ra cũng lười viết. Danh sách những phim tôi muốn xem còn rất nhiều, hẹn gặp lại mọi người trong bài viết tương tự của năm 2025. Còn mọi người thì sao nhỉ, năm vừa rồi có những phim nào các bạn cảm thấy tâm đắc hay chăng?
img_21