Một trong những mục tiêu mỗi năm của mình là xem nhiều phim nhất có thể. Năm nay có thể coi là thành công, vì mình xem được kha khá phim. Con số chính xác thì mình không nhớ, vì không có ghi lại. Mình chỉ ghi lại những phim mình thấy hay mà thôi. Trong số những phim mình xem vào năm nay, có những tuyệt tác, có những phim đáng thời gian xem, có những phim tàm tạm, có những phim dở, và có cả những phim tệ hại kinh hoàng. Nhưng may mắn là số lượng phim hay mình xem vẫn nhiều hơn hẳn.
Tổng cộng có 50 phim mà mình thấy hay khi xem. Trong số đó, mình chọn ra 16 phim mà mình thích nhất, để viết bài này. Danh sách đầy đủ 50 phim các bạn có thể xem ở đây.
Những phim này không nhất thiết là ra trong năm 2022, có nhiều phim cũ, nhưng giờ mình mới xem. Đây tất nhiên không phải bảng xếp hạng phân cao thấp, đơn giản là liệt kê. Mình cũng không nhớ là liệt kê theo tiêu chí gì; hình như là theo thời gian xem, hoặc theo thời gian nhớ để ghi vào danh sách.
Những phim này trải dài từ nhiều thời điểm, nhiều đạo diễn, nhiều phong cách và nhiều quốc gia. Hy vọng có thể giúp các bạn tìm thấy một vài phim thú vị để thưởng thức.

An Elephant Sitting Still (2018) - Đạo diễn: Hồ Ba

"An Elephant Sitting Still" là một trong những phim hay nhất mình từng xem từ trước đến nay, không chỉ riêng năm 2022.
Nhưng nó không hề dễ xem. Bao phủ lên gần 4 tiếng thời lượng phim là một cảm giác bức bối, tuyệt vọng, mệt mỏi và đau đớn. Toàn phim là một màu xám xịt ảm đạm, không sắc màu, không sức sống; cứ như thể chúng đã bị rút cạn khỏi thế giới và con người trong đó vậy. Ngột ngạt, tù túng và bi thảm; đó là cảm giác của mình sau khi xem xong phim.
Con người sinh ra đã là một cái khổ. Có lẽ đó là ý nghĩa chủ đạo của phim. Cả thế gian này đâu đâu cũng tồn tại khổ đau; và 4 nhân vật của phim là minh chứng cho điều đó.
Cả 4 người họ đều khổ, dù ít hay nhiều. Họ tìm một cái cớ để thoát khỏi cuộc sống bế tắc không lối thoát, bằng cách đi đến Mãn Châu Lý, để xem một con voi. Con voi ấy suốt ngày ngồi lỳ một chỗ. Có lẽ người ta liên tục đâm nó bằng dĩa. Hoặc có lẽ nó chỉ thích ngồi đó. Nhiều kẻ tụ tập ở đó, nhìn nó ngồi yên. Họ cho nó ăn. Nhưng nó không để ý.
Con voi ấy có thật hay không? Không ai biết, người ta chỉ đồn thế.
Có lẽ con voi ấy là biểu trưng cho việc chịu đựng cái khổ của thế gian. Vì thế, 4 con người đang ở trong cùng cực của bi ai mới bị câu chuyện về con voi ở Mãn Châu Lý cuốn hút. Thế nhưng việc chạy đến Mãn Châu Lý xem con voi của họ chỉ là một cách chối bỏ sự thực, một sự chống trả yếu ớt; và tất nhiên chẳng phải giải pháp. Sau cùng, họ vẫn sẽ phải đối mặt với sự thực tàn nhẫn. Cho đến cuối cùng, vẫn chẳng có một lối thoát nào cả. Tất cả mọi thứ chỉ dừng lại ở một khoảnh khắc nhẹ nhàng hiếm hoi, khi họ đá cầu ở trạm dừng chân của chuyến xe khách. Xa xăm, có một tiếng rống của con voi dội lại.
4 tuyến truyện được kể song hành, và rồi đều gắn kết lại với nhau. "An Elephant Sitting Still" dù dài đến 4 tiếng, nhưng từng giây đều ý nghĩa, trọn vẹn, không thừa và không thiếu. Đây là phim đầu tay và cuối cùng của Hồ Ba, trước khi anh tự sát. Đã xảy ra vô số tranh cãi giữa Hồ Ba cùng đơn vị phát hành, về việc cắt bỏ thời lượng của phim xuống 2 tiếng. Hồ Ba đấu tranh đến cùng, quyết không từ bỏ, và rốt cuộc anh đã dùng chính mạng sống của mình để bảo vệ cho nó.
Dường như Hồ Ba làm phim này để chết. Có lẽ đến cuối cùng, anh biết chỉ có cái chết mới có thể bảo toàn được cho tác phẩm tâm huyết của mình.
"An Elephant Sitting Still" thực sự là một tuyệt tác.

A Brighter Summer Day (1991) - Đạo diễn: Dương Đức Xương

Một tác phẩm xuất sắc nữa mà mình xem trong năm 2022, mà có lẽ nhiều người cũng đã từng nghe danh. "A Brighter Summer Day" - một tượng đài của nền điện ảnh Hoa ngữ. Đây thực sự là một bộ phim đồ sộ, vì với thời lượng 4 tiếng đồng hồ, nó tái hiện một cách vô cùng chân thật và rõ nét xã hội Đài Loan những năm thập niên 60 của thế kỷ trước.
Những năm đó, Đài Loan bao trùm trong một bầu không khí u ám. Từ bốn phương tám hướng, người Sơn Đông, Thượng Hải, Tô Bắc, Tứ Xuyên… đổ về đây theo chân Quốc Dân Đảng. Thời điểm đó cũng là lúc sự kiện Khủng bố trắng nổi lên, một quãng thời gian thiết quân luật kéo dài tới gần 40 năm.
Lấy bối cảnh từ một vụ án có thật và dựa trên hồi ức niên thiếu của đạo diễn Dương Đức Xương, "A Brighter Summer Day" xoay quanh câu chuyện về một học sinh thông minh, chính trực song không thể tìm thấy lý tưởng chung từ tất cả mọi người xung quanh. Phim không có quá nhiều những tình tiết căng thẳng, mạch truyện lại kéo dài, và quy mô của nó có thể sẽ khiến người xem cảm thấy ngợp và mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu như có thể bắt nhịp được, ta sẽ được chứng kiến một câu chuyện bi kịch thực sự ám ảnh.
Chuyện phim mô tả nhiều đối tượng, nhưng trọng tâm của "A Brighter Summer Day" là những cô cậu thanh thiếu niên vốn còn ngồi trên ghế nhà trường vào thời điểm thập niên 60 và kết thúc bằng một cái chết thương tâm. Với thời lượng đến 4 tiếng, Dương Đức Xương có đủ không gian để đưa vào đó rất nhiều chi tiết và dụng ý, lấp đầy bức tranh hiện thực rộng lớn. Kịch bản mang đến một hệ thống nhân vật đa tầng, đa lớp, với các sinh hoạt riêng sống động. Ta tin rằng họ đang sống thật sự, chứ không chỉ xuất hiện làm nền.
Trong tên phim có chữ "tươi sáng", và ta thấy có chút nên thơ; nhưng tựa đề gốc trong tiếng Trung của phim lại trực tiếp và rõ ràng hơn rất nhiều: "Vụ sát nhân thiếu niên ở phố Lĩnh Nhai". Vụ sát nhân ấy là sự kiện cuối phim; nhưng ngay từ đầu, ta đã thấy thế giới của phim chứa đầy bóng tối. Bóng tối của những buổi học đêm. Bóng tối của trần nhà chỗ phim trường. Bóng tối trong tâm hồn những đứa trẻ mới lớn không biết đi về đâu, không có chỗ dựa.
Cả một thế hệ của Đài Loan đã phải sống và trưởng thành trong bóng tối như vậy, và mơ về "một ngày hè tươi sáng hơn".

Guillermo Del Toro's Pinocchio (2022) - Đạo diễn: Guillermo Del Toro và Mark Gustafson

Câu chuyện về chú bé người gỗ Pinocchio có lẽ đã quá quen thuộc với nhiều khán giả ở đủ mọi lứa tuổi rồi. Vậy làm sao để thổi một làn gió mới vào một câu chuyện đã cũ, để khiến nó vẫn đem lại ý nghĩa mà không nhàm chán? "Guillermo Del Toro's Pinocchio" là câu trả lời. Một bộ phim vừa giữ được tinh thần của câu chuyện gốc, mà lại vừa đan xen và được lồng ghép những tình tiết và ý nghĩa mới.
"Guillermo Del Toro's Pinocchio" là hành trình trưởng thành của cậu bé người gỗ Pinocchio, hẳn nhiên là vậy; nhưng bên cạnh đó, đây cũng là hành trình thay đổi của ông Geppetto. Ông lão tạo ra Pinocchio trong một cơn say và đương lúc đau buồn khi nhớ về cậu con trai quá cố. Với ông, Pinocchio như một sự thay thế tạm bợ, chắp vá; và ông nhanh chóng coi cậu bé là một gánh nặng. Nhưng rõ ràng, con người ta không biết cách trân trọng một thứ, đến khi thứ ấy rời bỏ mình. Geppetto cũng vậy, đến lúc Pinocchio bỏ đi, ông mới hối hận về cách cư xử của mình, và bổ đi tìm cậu bé. Đó là lúc Geppetto học được cách yêu thương một người vì bản thân người đó, không vì ai hay vì điều gì khác. Geppetto yêu thương Pinocchio vì chính bản thân Pinocchio; không phải vì tình thương dành cho cậu bé Carlo quá cố.
Ngoài câu chuyện về cách mà Pinocchio trưởng thành, và cách ông Geppetto học cách yêu thương cậu bé; phim còn lồng ghép một số ý nghĩa khác. Đó là sự đau thương và tàn khốc của bom đạn, chiến tranh, và chủ nghĩa phát xít. Đó là việc lên án sự nam tính độc hại; là việc lên án sự độc tài cùng việc bóc lột người lao động. Tuy nhiên, những ẩn ý đó chỉ đóng vai trò điểm xuyết thêm cho câu chuyện, không hề lấn át mạch truyện chính. Khi phim kết thúc, điều lớn nhất còn đọng lại trong người xem, chắc chắn vẫn sẽ là tình thương giữa ông Geppetto và cậu bé Pinocchio.
Sau cùng, đây vẫn là một bộ phim gia đình, về tình yêu thương.

All Quiet on the Western Front (2022) - Đạo diễn: Edward Berger

Không có quá nhiều phim lấy đề tài Thế chiến thứ nhất. Đó là cuộc Đại chiến quy mô thế giới đầu tiên. Đó là cuộc chiến được mệnh danh là "The war to end all wars" - "Cuộc chiến để kết thúc mọi chiến tranh". Ba năm về trước, chúng ta có "1917" của đạo diễn Sam Mendes, một tác phẩm với phần hình ảnh và quay phim xuất sắc. Cuối năm 2022, chúng ta có một tác phẩm đề tài Đệ nhất thế chiến nữa - "All Quiet on the Western Front".
Đây là một trong số ít phim đề tài chiến tranh mà khắc họa thật sự rõ tư tưởng phản chiến. Với cá nhân mình, đây là tác phẩm xuất sắc bậc nhất về đề tài chiến tranh mà mình từng xem. Không có những cảnh xung phong chiến đấu hào hùng thường thấy của một phim chiến tranh; "All Quiet on the Western Front" chứa đầy những sự kinh hoàng, khốc liệt và mệt mỏi của chiến tranh.
Nhân vật chính của phim là Paul Baumer, một thanh niên Đức nhiệt huyết, bị lôi cuốn và sục sôi bởi những lời tuyên truyền, kêu gọi; anh và mấy người bạn tìm mọi cách để được ra trận. Thế nhưng chiến tranh không phải thứ có thể hiểu được đến khi ta đối mặt với chúng. Giấc mộng của Paul về thứ gọi là vinh quang trên chiến trường lập tức bị vỡ vụn khi anh nhìn thấy tất cả những sự kinh hoàng, đáng sợ của cuộc chiến.
Đứng giữa bùn lầy ngập ngụa, trong những chiến hào ẩm ướt, chật chội; Paul mới nhận ra sự đáng sợ của chiến tranh. Giữa những trận pháo kích liên tục, giữa hơi độc và những đợt tấn công của xe tăng; sự sống và cái chết gần nhau hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc thể hiện được sự tàn bạo và kinh khủng của chiến tranh; "All Quiet on the Western Front" còn làm được điều mà không nhiều tác phẩm điện ảnh thể hiện được: sự mệt mỏi, chán chường của những người lính khi tham chiến quá lâu. Bộ phim nhuốm một màu u tối, ảm đạm; đó đây thi thoảng lóe lên vài khoảnh khắc vui vẻ hiếm có, nhưng rồi nhanh chóng quay lại với sự khốc liệt của cuộc chiến.
Paul Baumer của đầu và cuối phim là hai con người hoàn toàn trái ngược nhau. Sống càng lâu giữa những hầm hào đầy bùn và máu, Paul càng trở nên vô cảm. Ta cảm thấy như sự sống đã bị rút cạn khỏi con người anh vậy. Đó cũng chính là hình ảnh của hàng triệu người lính khác sau khi trải qua những tháng ngày kinh hoàng của chiến tranh.
"All Quiet on the Western Front" là một lời nhắc nhở về bản chất thật sự của mọi cuộc chiến tranh. Một bộ phim phản chiến thật sự sâu sắc.

Decision to Leave (2022) - Đạo diễn: Park Chan-wook

2022 có lẽ là một năm tuyệt vời với Thang Duy, khi cô có vai diễn để đời trong "Decision to Leave". Với cá nhân đạo diễn Park Chan-wook, ông cũng đã ghi dấu việc quay lại bằng một tác phẩm xuất sắc, mặc dù nói thật, có lẽ không phải tất cả đều sẽ thích "Decision to Leave", mình nghĩ thế.
Có thể coi đây là một phim tình cảm pha lẫn với trinh thám. Tuy nhiên thứ còn đọng lại sau khi phim kết thúc, có lẽ không phải những trường đoạn điều tra phá án. Thứ còn lại trong ký ức của mình sau khi phim kết thúc, là ánh mắt ẩn chứa vô vàn cảm xúc và bí mật của Seo Rae, là ánh mắt đau đớn và buồn thảm của Hae Jun. Thứ đáng nhớ nhất trong "Decision to Leave", là mối tình kỳ lạ giữa một thanh tra cảnh sát với một nghi phạm giết người.
Có một câu nói trong phim có thể được dùng để mô tả lại toàn bộ ý nghĩa và hình tượng của hai nhân vật chính trong "Decision to Leave". Đó là một câu trích dẫn từ Luận ngữ mà Seo Rae nói trong lần đầu gặp nhau: "Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn".
"Kẻ thông thái thích biển, kẻ nhân từ thích núi". Seo Rae là "trí giả", và Hae Jun là "nhân giả". Hae Jun là một người tốt, có trách nhiệm, và tràn ngập chính khí. Ở anh, ta thấy được sự khao khát và gần như là ám ảnh trong việc tìm ra chân tướng vụ án, đến mức Hae Jun mất ngủ vì những vụ án chưa thể phá. Seo Rae thì khác, con người cô chứa vô vàn điều bí ẩn; thậm chí những thứ cô để lộ ra, cũng chỉ là một phần nhỏ, như biển sâu vậy. Không thể biết được rốt cuộc thực sự con người của Seo Rae còn ẩn chứa bao nhiêu điều bí ẩn khác. Seo Rae tượng trưng cho "trí giả", cho "kẻ thông thái thích biển". Cô như biển vậy, uyển chuyển và thay đổi không ngừng. Lúc cần dữ dội, có thể dữ dội, lúc cần bình lặng, có thể bình lặng; tất cả đều khiến "nhân giả" như Hae Jun phải bối rối, phải khó hiểu.
Thế nhưng sau cùng, chuyện tình giữa hai con người trái ngược nhau, giữa "trí giả" và "nhân giả" không có một kết thúc vẹn toàn. Từ nghi can, Seo Rae trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình. Người phụ nữ không giấu nổi những vết bầm tím trên cơ thể, thậm chí còn bị chồng xăm lên người để khẳng định quyền sở hữu. Từ một cảnh sát, Hae Jun trở thành kẻ phạm tội. Chẳng những phản bội vợ, anh còn đi ngược luật pháp vì lén lút qua lại với góa phụ bị tình nghi.
Và khi tình yêu của Hae Jun tan biến khi nhận ra sự thật, thì tình yêu của Seo Rae mới bắt đầu. Đến khi cô quyết tâm chia tay, anh lại là người dốc hết công sức tìm kiếm. Và cuối cùng, dẫn đến một kết cục đau lòng. Cái kết của phim đầy bi ai, vừa đẹp đẽ mà cũng vừa tàn bạo; để lại vô vàn day dứt cho người xem, và cho chính cả Hae Jun.
"Khoảnh khắc anh nói lời yêu, cũng là lúc tình yêu của anh kết thúc. Và khi tình yêu của anh kết thúc, thì tình yêu của em mới bắt đầu."
Thang Duy thực sự đã thể hiện được một Seo Rae phức tạp, đầy bí ẩn và u uẩn như vậy. Có lẽ vai diễn này sinh ra để dành cho Thang Duy, và cô cũng đợi cả một đời để có thể gặp được Seo Rae; như chính lời của cô khi nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại lễ trao giải Rồng Xanh. Một màn trình diễn thực sự xuất sắc.

Silence (2016) - Đạo diễn: Martin Scorsese

Cá nhân mình thấy đây là một phim không được quá nhiều người biết tới của Martin Scorsese. Tất nhiên không phải là nó không hay, nhưng so với những cái tên đình đám khác như "Taxi Driver", "Goodfellas" hay "Shutter Island"; thì "Silence" thực sự không nổi tiếng bằng.
Thế nhưng đây vẫn là một phim rất đáng xem của Scorsese.
Chuyện phim xoay quanh hai thầy tu người Bồ Đào Nha trong hành trình mạo hiểm tới Nhật Bản truyền đạo và tìm kiếm người thầy của mình. Ở thế kỷ 17, Nhật Bản là một nơi nguy hiểm với những ai theo Thiên Chúa giáo, và có ý định truyền bá tôn giáo ấy vào đảo quốc này. Chính sách của Mạc Phủ Tokugawa là bế quan tỏa cảng, gần như đóng mọi liên hệ với các nước phương Tây. Thiên Chúa giáo bị cấm truyền bá ở đây, và Mạc Phủ tìm mọi cách để xóa bỏ sự hiện diện của nó, dù là nhỏ nhất.
"Silence" là hành trình mạo hiểm để duy trì Thiên Chúa giáo ở Nhật Bản, lại cũng là hành trình thử thách chính niềm tin về tôn giáo của Cha Rodrigues. Sau tất cả những thống khổ, đau đớn khi chứng kiến cái chết của bao nhiêu con chiên ở Nhật Bản; sau tất cả những tra tấn về cả thể xác lẫn tinh thần, thứ khiến Cha Rodrigues sợ hãi nhất lại chính là "sự im lặng" của Thiên Chúa. Đã nhiều hơn một lần, anh ta kêu khóc hỏi Thiên Chúa ở đâu, khi các con chiên cần Người nhất? Nhưng đáp lại Cha Rodrigues, chỉ là một sự lặng thinh.
"Silence" đáng xem, bởi vì nó khắc họa được khá rõ nét và chân thực về tình cảnh của Nhật Bản thế kỷ 17 trong công cuộc bài trừ Thiên Chúa giáo. Nhưng không vì thế mà phim đẩy Mạc Phủ về phía xấu, hay các thầy tu hiện lên là những thánh nhân cao cả. Không, tất cả cũng chỉ là những con người với niềm tin của bản thân. Bên nào cũng có lý do của mình, và khó có thể phản bác thật sự ai cả. Sự giằng xé tâm can và phát triển nội tâm của nhân vật chính cũng là một điểm cộng, dù mình nghĩ Andrew Garfield trong vai Cha Rodrigues đã có thể làm tốt hơn thế nữa.

CODA (2021) - Đạo diễn: Sian Heder

Tác phẩm đạt giải Oscar cho "Phim hay nhất" trong lễ trao giải Oscar lần thứ 94. CODA là viết tắt của “Child of deaf adults”, dịch thô ra thì nghĩa là “Con cái của người khiếm thính”. Và đúng là như thế, CODA là một câu chuyện xoay quanh Ruby Rossi - một người bình thường trong một gia đình khiếm thính. Khiếm thính, đồng nghĩa với việc cũng không nói được, không giao tiếp với người bình thường được. Và như thế cũng có nghĩa là Ruby trở thành cầu nối gần như duy nhất giữa gia đình mình với những người xung quanh. Ruby là người may mắn hơn trong gia đình, nhưng so với bao người xung quanh, cô bé lại kém may mắn hơn nhiều.
Nhưng không vì thế mà Ruby đánh mất đi sự vui tươi của tuổi trẻ. Cô bé thích ca hát, dù chẳng biết mình hát có hay không. Cái đáng mến của Ruby ở chỗ, dù ở trong cái lứa tuổi ẩm ương, nổi loạn, nhưng hầu như không thấy cô bé than vãn hay tỏ ra chống đối. Ruby biết mình quan trọng với gia đình như thế nào, hiểu được sự vất vả của người khiếm thính khi làm việc ra sao, nên cô bé vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ, dù việc ấy có ảnh hưởng tới cuộc sống riêng tư của mình như thế nào.
Đây thực sự là một bộ phim nhẹ nhàng, và chan chứa tình cảm. Tựa tiếng Việt của phim là “Giai điệu con tim”, mình cho đây là một cách chuyển ngữ thật sự tuyệt vời. Giai điệu cất lên từ giọng hát, người khiếm thính chẳng thể nghe, gia đình Ruby chẳng thể hiểu. Nhưng nếu là giai điệu từ con tim, ai cũng có thể cảm nhận thấy.
Chẳng cần một câu chuyện quá cao trào kịch tính, chẳng cần những xung đột mâu thuẫn quá gay gắt, CODA chỉ cần sự tinh tế, nhẹ nhàng, tình cảm và hài hước để chạm đến trái tim của mình. Thật giản đơn, nhưng giản đơn đầy cảm xúc. Đó chính là giai điệu con tim của CODA.

Everything Everywhere All at Once (2022) - Đạo diễn: Daniel Kwan và Daniel Scheinert

Phim của studio A24 luôn luôn có những cái chất khá riêng biệt, và độc đáo. Cho dù phim có hay, dở, hoặc trung bình; thì ai xem phim cũng sẽ đồng ý rằng có điểm gì đó độc đáo và khác lạ trong những tác phẩm gắn mác A24.
"Everything Everywhere All at Once" là một bộ phim đậm chất A24 nhất mà bạn có thể nghĩ đến. Chắc hẳn nhiều người cũng sẽ đồng ý, rằng đây là một trong những phim xuất sắc nhất của năm 2022. Ở "Vạn vật muôn nơi cùng lúc", có đủ mọi cung bậc cảm xúc; từ điên rồ, hài hước, dị hợm đến xúc động và sầu buồn. Thật dễ dàng để nói rằng "Everything Everywhere All at Once" là một phim hành động khoa học viễn tưởng đa vũ trụ siêu cấp hoành tráng. Thế nhưng thông qua cái vẻ ngoài hào nhoáng và hỗn loạn cực kỳ đó, kỳ thực câu chuyện bộ phim muốn kể, lại đơn giản và gẫn gũi hơn nhiều.
Sau cùng, đây vẫn là một bộ phim về những chủ đề quen thuộc và dễ đồng cảm hơn nhiều. Đó là tình cảm gia đình, là tình yêu, là khoảng cách thế hệ và những đứt gãy, là ý nghĩa sống trên đời; và cuối cùng là câu hỏi "Nếu được lựa chọn khác, thì sao?".
Nói về nhiều chủ đề như vậy, nhưng phim xử lý chúng rất mượt mà, và không hề gượng ép. Tình cảm gia đình ở trong phim được thể hiện rất chân thành, thực tế và đúng với văn hóa Á Đông. Một chủ đề nữa còn khó thể hiện sao cho đúng là về khoảng cách và đứt gãy giữa những thế hệ cũng được phim khéo léo bày tỏ, thông qua nhân vật Evelyn suốt cả phim. Người Á Đông không hay bày tỏ suy nghĩ và cảm nhận quá thẳng thắn. Evelyn cũng vậy, và hầu như suốt cả đời, bà giữ chúng trong lòng; đến một lúc không còn có thể chịu đựng được nữa, trút ra tất thảy. Evelyn bị áp lực từ cha nên luôn luôn cảm thấy bản thân mình đã lựa chọn sai lầm, và cuộc sống của mình là một sự thất bại. Từ sang chấn tâm lý đó, bà đổ nỗi sợ lên cho con gái. Evelyn sợ con gái rồi sẽ trở nên giống mình, sẽ vất vả bôn ba cả đời nếu lựa chọn sai. Thế nhưng sau những sự điên rồ xảy ra trong đa vũ trụ, khi được nhìn thấy mọi ngã rẽ khả dĩ trong cuộc đời, Evelyn ngộ ra được một sự thật đơn giản.
Bà không hề thất bại, cuộc đời bà có thể vất vả, nhưng cũng không có gì đáng xấu hổ hết. Được sống một cuộc đời như ta mong muốn, chính là một hạnh phúc ở đời. Hạnh phúc ấy có thể nhỏ bé, có thể đơn giản, nhưng vậy thì đã sao?
"Thế nên, dù em vừa làm trái tim anh tan vỡ lần nữa, thì anh cũng có thể nói rằng, ở một kiếp sống khác, anh sẽ vẫn muốn hàng ngày làm công việc giặt là và thuế má cùng em."
Câu nói của Waymond ở một vũ trụ khác, có lẽ đủ để tóm gọn lại ý nghĩa của phim. Đó là dù có ra sao đi chăng nữa, thì miễn là còn tình thương, chúng ta vẫn có thể đương đầu với mọi sóng gió trên đời.

The World to Come (2020) - Đạo diễn: Mona Fastvold

"The World to Come" là một bộ phim nhuốm màu sắc buồn rầu và bi ai, đó là những gì mình cảm nhận được ngay từ lúc phim bắt đầu.
Phim kể một câu chuyện tình lãng mạn và mạnh mẽ với bối cảnh ở vùng đông bắc nước Mỹ hồi thế kỷ 19. Đó là câu chuyện của Abigail - vợ một nông dân và Tallie - người hàng xóm mới của cô. Không biết từ khi nào, họ dần cảm thấy bị cuốn hút vào nhau, bị thôi thúc phải tìm đến người kia, để giãi bày tình cảm ngày càng tăng mà không sao kiểm soát nổi. Abigail là một người trầm tính, sống thu mình, kể cả với chồng. Tallie là một người phóng khoáng, và giận dữ trước sự kiểm soát đầy ghen tuông của người chồng. Hai con người ở hai thái cực đối lập, nhưng lại là sự bổ khuyết hoàn hảo cho nhau. "The World to Come" kể một chuyện tình, nhưng xa hơn nữa, phim muốn kể về tình cảm giữa người với người, sự kết nối giữa những tâm hồn đồng điệu có thể mạnh mẽ đến mức nào.
Nhịp phim chậm rãi, thậm chí còn có thể gây buồn ngủ, nếu bạn xem nó vào một buổi tối. Thế nhưng phim không hề tẻ nhạt, mà dần dần, ta sẽ bị cuốn vào mạch câu chuyện dần mạnh mẽ và cuốn hút, như cái cách mà Abigail và Tallie dần dần đến với nhau vậy.
Những sắc màu trong phim gợi cảm giác buồn bã, bi ai và tiếc nuối. Câu chuyện của phim cũng vậy, dù đó là điều có thể đoán được khi xem phim. "The World to Come" đem đến một trải nghiệm nhẹ nhàng, nhưng đủ khiến ta phải suy ngẫm. Một nốt trầm buồn với nỗi niềm bi ai vương vất còn lại sau khi phim kết thúc.

The Worst Person in the World (2021) - Đạo diễn: Joachim Trier

"The Worst Person in the World" có lẽ không phải phim dành cho mọi người, khi dường như đối tượng mà nó hướng đến là những kẻ thuộc lứa U30. Chính xác hơn, thì nó dành cho những người còn đang "lang thang vô định", chưa biết đi về đâu trước vô vàn ngã rẽ của cuộc đời. Họ phải đối mặt với những lựa chọn về sự nghiệp, về những mối quan hệ, bị quá nhiều thứ làm phân tâm, dẫn đến cái sự "lang thang vô định" như những kẻ du mục kia.
Phim chỉ muốn khắc họa những con người như vậy, và cũng không có ý định đưa ra một đáp án hay giải pháp nào. Đó cũng là một điều hợp lý, vì suy cho cùng, tự bản thân mỗi người phải tìm kiếm đáp án đúng nhất, chứ sao có thể trông chờ được chỉ tay dẫn lối?
Đây thực chất có thể coi là một phim black comedy, điểm xuyết chút tình cảm lãng mạn. Chỉ có điều, nếu người xem chưa từng trải qua những cảm xúc, những băn khoăn, những "trải nghiệm" tương tự với nhân vật chính Julie, hẳn sẽ không thấy được điều gì hay ho ở phim cả. Với họ, phim sẽ chỉ là những câu chuyện kéo dài không đầu không cuối, thậm chí còn chẳng có điều chi hài hước. Chỉ là những lát cắt cuộc đời của một cô gái tầm tuổi 30 và vẫn còn lang thang vô định.
Phim chẳng có cao trào, và được chia ra làm 12 chương + 2 phần mở kết. Từng phần của phim được dành ra để nói về một vấn đề, một điều gì đó trong cuộc đời của Julie. Thế nhưng đến cuối cùng, như mình đã nói, phim cũng chẳng đưa ra một kiến giải, một đáp án nào cụ thể hết.
Phải chăng cả bộ phim chỉ là những suy nghĩ mông lung của một cô gái còn đang băn khoăn trước cuộc đời của mình? Có lẽ, điều đó tùy vào cá nhân từng người khi xem phim.
Tựa đề của phim là "The Worst Person in the World" - "Kẻ tồi tệ nhất thế gian". Có lẽ, bộ phim muốn bảo rằng, nếu có cơ hội để hạnh phúc, nhưng lại cố tình bỏ qua vì vài ý nghĩ nhất thời, để rồi chọn bất hạnh, thì bạn là một kẻ tồi tệ. Một kẻ tệ bạc với chính bản thân, thì kẻ đó đích thị là "tồi tệ nhất thế gian".
Có thể bộ phim này không hợp với nhiều người. Nhưng nếu bạn là một người còn đang lang thang vô định trước cuộc đời, có lẽ bạn sẽ tìm được một điều gì đó đáng nhớ ở "The Worst Person in the World".

Quo Vadis, Aida? (2021) - Đạo diễn: Jasmila Zbanic

"Quo Vadis, Aida?" là một bộ phim dựa trên sự kiện có thật. Đó là vụ thảm sát Srebrenica, diễn ra vào tháng 7/1995, khi quân Serbia dưới sự chỉ huy của Tướng Ratko Mladic đã giết hại 8372 nam giới người Hồi giáo từ 12 - 60 tuổi tại thị trấn Srebrenica, thuộc Bosnia & Herzegovina. Điều đáng chú ý là, Srebrenica trước đó đã trở thành một "vùng an toàn" và được Liên Hợp Quốc cử quân trấn giữ. Thế nhưng, bất chấp điều đó, Srebrenica vẫn bị quân Serbia pháo kích ngày đêm, trong khi NATO và Liên Hợp Quốc không có một động thái mạnh mẽ nào.
Câu chuyện của phim được kể dưới góc nhìn của Aida, một thông dịch viên của Srebrenica, và làm việc cho lực lượng Liên Hợp Quốc tại đó. Và xuyên suốt phim, mình cảm nhận được rõ ràng không khí căng thẳng, sự sợ hãi và lắng của người dân Srebrenica. Họ bị đẩy khỏi quê nhà, chen chúc nhau trong căn cứ của Liên Hợp Quốc, chẳng biết số phận mình rồi sẽ ra sao. Không màu mè khoa trương, không nói giảm nói tránh, phim cho ta thấy tận mắt những gì đã xảy ra, và chính sự chân thật đến khủng khiếp ấy đã tạo cho mình một cảm giác khó chịu và ám ảnh đến gai người.
Sau sự kiện khủng khiếp ấy, Aida rời khỏi Srebrenica, như muốn chạy trốn khỏi quá khứ đau đớn đến xé nát tâm can ấy; nhưng rồi cuối cùng bà vẫn quay trở về. Bà quay về vì dù có thế nào, cũng không thể xóa đi những ký ức về gia đình, cho dù nó có đau khổ đến đâu; và cho dù hài cốt của chồng con bà đang vùi lấp nơi đâu chưa được tìm thấy, thì Aida vẫn phải quay về. Bà là một người dân của Srebrenica, là chứng nhân cho một tội ác kinh khủng. Bà không được phép quên những gì đã xảy ra. Người ta có thể không ôm mối hận, nhưng điều ấy không có nghĩa là người ta được phép quên, vì tất cả những gì đã xảy ra, dù đẹp đẽ hay khủng khiếp, đều là một phần của lịch sử. Aida đã trở lại Srebrenica, và đó là sự can đảm mà không mấy ai có thể hiểu được.
Một bộ phim chẳng mang nhãn tài liệu, nhưng chân thật đến đáng sợ, nghiệt ngã đến kinh hoàng, và ám ảnh đến không tưởng.

Inside Llewyn Davis (2013) - Đạo diễn: Joel Coen và Ethan Coen

Một bộ phim thực ra không có một câu chuyện rõ ràng, chỉ là hành trình quẩn quanh của Llewyn Davis - một ca sĩ nhạc folk với sự nghiệp bế tắc, chưa được ghi nhận; cùng một con mèo. Bộ phim kể lại quãng thời gian một tuần của Llewyn Davis. Cũng như vô vàn nghệ sĩ tự do, chưa được công nhận rộng rãi khác, anh phải vật lộn với cuộc sống vừa để nuôi thân vừa nghĩ cách phát triển sự nghiệp. Thậm chí Llewyn Davis chẳng có căn hộ riêng mà phải ở nhờ nhà bạn bè. Trong bảy ngày đó, anh chạy đôn chạy đáo để kiếm từng đồng để trang trải cho bản thân, từ việc trình diễn ở phòng trà, đi tìm hợp đồng thu âm hay hợp tác với các nghệ sỹ khác. Chuyện phim, nếu ta có thể coi là vậy, thực chất chỉ xoay quanh những việc Llewyn làm hàng ngày.
Sự nghiệp bế tắc đã đành, cuộc sống riêng của Llewyn cũng chẳng khá hơn. Chỉ riêng việc chẳng có nơi ăn chốn ở mà phải lần lượt đi ngủ nhờ nhà bạn bè, người quen cũng đủ thấy được Llewyn có một cuộc sống bế tắc và khó khăn đến nhường nào. Đồng hành với Llewyn, ta không thể biết được liệu mình nên thương xót, cảm thông với anh ta và sự long đong lận đận của người nghệ sĩ; hay ta nên giận dữ, trách móc bởi sự vô tâm, thiếu trách nhiệm và đôi lúc thô lỗ đến khó chịu của Llewyn. Nhưng dù có ở khía cạnh nào, thì bao trùm lên cuộc đời của Llewyn cũng là một sắc màu xám xịt, tuyệt vọng và ảm đạm, cũng như bầu trời tàn đông New York với cái lạnh cắt da và tuyết rơi trắng trời. Llewyn chính là đại diện cho vô vàn người nghệ sĩ giống anh ở những năm thập niên 60, vật lộn tìm cách tạo dựng tên tuổi, đặng tìm cách trang trải cuộc sống. Nhưng kể cả thế, việc có thể sống được với đam mê cũng buộc họ phải thỏa hiệp, biến âm nhạc của họ thành một thứ gì đó phục vụ thị trường, mà mất đi bản sắc riêng vậy.
Llewyn là một nghệ sĩ có khả năng, có thực lực; nhưng sự kiêu hãnh, sự cố chấp trong anh khiến anh nhất quyết không chịu thỏa hiệp. Và cho đến cuối phim, ta vẫn không thể biết được sự nghiệp, cuộc đời của Llewyn rồi sẽ ra sao. Anh sẽ từ bỏ nghiệp ca hát, trở lại nghề đi biển, để “sống lay lắt” như cha mình, dù trước đó Llewyn nhất quyết không chấp nhận như thế? Hay sẽ lại tiếp tục bôn ba, vất vả trên con đường âm nhạc chân chính, ngủ nhờ đi văng nhà bạn, chạy theo từng đồng để sống được với đam mê? Llewyn có lẽ cũng không biết, và người xem chắc chắn cũng vậy. Bộ phim chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc đời, sự nghiệp của Llewyn. Và cái cách bộ phim kết thúc bằng chính cảnh mở đầu, cũng là muốn nói đến sự quẩn quanh, bế tắc trong sự nghiệp của Llewyn.
“Có một thứ chẳng bao giờ mới, cũng chẳng bao giờ cũ, ấy chính là nhạc folk”.
Llewyn đã bảo vậy trong một lần diễn tại phòng trà - cái đoạn hiếm hoi mà phim có chút màu sắc. Đó là phân cảnh có lẽ là duy nhất của phim mà khuôn mặt Llewyn được chiếu rọi một phần, như một lời ám chỉ rằng chỉ có ở trên sân khấu, thì Llewyn mới thực sự là một nghệ sĩ, dù chỉ trong đôi lúc.
Chú mèo mà Llewyn bất đắc dĩ phải đem theo rồi để lạc mất, đã tìm được đường về nhà ở cuối phim. Vậy còn Llewyn Davis, liệu có bao giờ anh sẽ tìm được một nơi mà mình gọi là “nhà”, và thấy được con đường trở về nơi đó hay không?

Manchester by the Sea (2016) - Đạo diễn: Kenneth Lonergan

Đây là một bộ phim về nỗi đau, về sự mất mát. Nỗi buồn mà "Manchester by the Sea" đem lại không bùng nổ, không khiến người xem bật khóc hay sững sờ. Nỗi buồn ấy tê dại, bao trùm lên toàn bộ những nhân vật trong phim, gặm nhấm dần tâm trí và khiến họ dằn vặt khôn nguôi.
"Manchester by the Sea" không chỉ tái hiện một lát cắt của cuộc sống, mà còn tái hiện được những nỗi đau của con người. Những nỗi đau ấy sắc bén như dao cạo, và mỗi sáng thức dậy, nó cứa vào tâm trí một nhát; để nhắc nhở rằng nó vẫn ở đó, luôn ở đó, và không còn cách nào khác ngoài chấp nhận nỗi đau, để bước tiếp, để sống tiếp.
Bộ phim là sự kết hợp hài hòa giữa những hồi tưởng của quá khứ và những sự kiện ở hiện tại của Lee. Dù là quá khứ hay hiện tại, thì điểm chung kết nối chúng, đều là một nỗi đau dằng xé. Nỗi đau từ quá khứ đã thay đổi hoàn toàn cả cuộc đời lẫn con người của Lee. Có cảm tưởng như Lee đã chết chìm trong quá khứ của chính mình, không thể thoát ra. Lee của hiện tại là một con người hoàn toàn khác, khác từ cách sống đến cái cách anh đối diện với mất mát.
Bộ phim là một sự dồn nén cảm xúc đến bức bách của các nhân vật. Mỗi một người trong số họ đều tìm cách để chôn giấu nỗi đau sâu thẳm, tìm cách chối bỏ nó, thoát khỏi nó. Nhưng dù có làm gì đi chăng nữa, nỗi đau ấy vẫn hiển hiện. Nó hiện lên từng phút, từng giây, gặm nhấm tinh thần, linh hồn của họ. Bất cứ khi nào, họ cũng có thể bị nỗi đau đánh gục, và vỡ òa trong biển cảm xúc. "Manchester by the Sea" đã khắc họa những điều này rất thật, rất cảm xúc, và dễ đồng cảm.
"Manchester by the Sea" là một phim cực kỳ chân thật về cách mà con người đối diện với nỗi đau, và tìm cách chung sống với nó. Tâm trí con người có thể hồi phục sau chấn thương, nhưng nó mãi mãi không thể lành lặn như xưa. Nỗi đau sẽ luôn để lại một vết sẹo, và điều mà chúng ta có thể làm, là học cách chấp nhận nó. Chỉ có như vậy, ta mới có thể tiếp tục bước đi.

Me and Earl and the Dying Girl (2015) - Đạo diễn: Alfonso Gomez-Rejon

"Me and Earl and the Dying Girl" là câu chuyện về tình bạn giữa một cậu học sinh cuối cấp 3 cùng một "đồng nghiệp"chí cốt với một cô bạn mắc bệnh nan y và chắc chắn không thể qua khỏi. Vậy thôi, phim không việc gì phải giấu giếm điều ấy, thậm chí còn nói thẳng ra luôn ở tiêu đề. Một motip không mới, thể loại phim cũng không mới. Thế nhưng bộ phim vẫn tạo được nét độc đáo và cái hay riêng.
Bộ phim là câu chuyện về tình bạn giữa Greg (Me), Earl và Rachel (the Dying Girl) trong những tháng cuối đời của Rachel. Phim mở đầu bằng những tình tiết quen thuộc đến mức cliché. Một anh chàng không có gì nổi trội ở trường, sống theo triết lý bình thường và tránh thân thiết với bất cứ hội nhóm nào. Anh chàng đó có một người bạn thân gần như duy nhất, hay như ngôn ngữ của họ là "đồng nghiệp", vì họ chung đam mê điện ảnh và hay cùng nhau quay những bộ phim dở hơi hết mức. Vì bất đắc dĩ, anh chàng đó đến thăm một cô bạn mắc bệnh nan y, chỉ còn sống được nhiều nhất 1 năm. Rồi dần dần, họ thân thiết và trở thành bạn bè. Vậy thôi, những chi tiết không mới.
Thế nhưng kể từ lúc Rachel ngưng không tiếp tục điều trị, nhịp phim và mạch truyện thay đổi. Đến lúc đó, mình mới chợt nhận ra tình bạn giữa Greg và Rachel đã sâu đậm đến mức nào. Cái cách mà Greg phản ứng với sự thật rằng Rachel sắp chết, rất chân thật và đau lòng. Cậu không òa khóc, không nức nở ôm lấy cô bạn, hay sụp đổ. Greg nổi giận, Greg cáu gắt, và Greg thu mình lại. Từ khi nào, Rachel đã trở thành một phần không thể thiếu trong thế giới bé nhỏ và khép kín của Greg. Và nhờ Rache, Greg dần thay đổi, dù cậu cũng không nhận ra điều đó. Những sự thay đổi đến dần dần, rất tự nhiên, rất thực tế, không hề gượng ép hay giả tạo.
Có lẽ phân đoạn cuối phim sau đám tang của Rachel là đoạn hay nhất phim, mình nghĩ thế. Greg một lần nữa bước vào căn phòng của Rachel, và cậu chợt nhận ra có quá nhiều thứ mình không để ý thấy. Khi giờ đây không còn Rachel trong căn phòng, thì Greg mới nhận thấy những thứ cậu đã bỏ qua. Greg chưa bao giờ nhìn kỹ "thế giới" của Rachel, tận cho đến khi cô không còn nữa.
Và thậm chí khi rời đi, vẫn còn một điều mà Greg bỏ lỡ, ấy là hình vẽ bậc thang trên cửa sổ, vừa khớp với hướng đi của cậu. Lúc đó, mình mới nhận ra, rằng mỗi lần Greg ra về, Rachel đã đều dõi theo. Greg, cũng đã trở thành một phần quan trọng trong "thế giới" của Rachel.
Một bộ phim nhẹ nhàng, có chút hài hước, và xúc động theo cách rất chân thật. Có lẽ chính điều ấy đã khiến "Me and Earl and the Dying Girl" trở thành một bộ phim đặc biệt, khác hẳn so với nhiều phim khác cùng motip câu chuyện chăng?

What Do We See When We Look At The Sky? (2021) - Đạo diễn: Alexandre Koberidze

Đây có lẽ là một bất ngờ thú vị trong hành trình xem phim năm nay của mình. Nói một cách ngắn gọn thì đây là một phim với chủ đề tình yêu, xưa như Trái Đất, có phải? Câu chuyện của nó cũng không có gì gọi là quá cao trào, drama hay plot twist. Nó rất nhẹ nhàng, nhưng chính sự nhẹ nhàng ấy khiến phim có được một cảm giác cực kỳ dễ chịu và thoải mái khi xem.
Hai nhân vật chính của phim là một cô sinh viên y khoa và một cầu thủ bán chuyên. Họ tình cờ gặp nhau tới hai lần trong cùng một ngày, và như thế là đủ để nảy sinh một tình yêu bất chợt. Họ hẹn nhau sẽ gặp lại và giới thiệu chính thức với đối phương vào ngày hôm sau. Thế nhưng đêm ấy, một lời nguyền đã giáng xuống cả hai. Dáng hình của họ hoàn toàn thay đổi, và họ mất đi tài năng của mình. Không biết tên người kia là gì, sống ở đâu, vẻ ngoài lại thay đổi hoàn toàn; nhưng họ vẫn mong mỏi được gặp lại nhau.
Và tình cờ, cả hai sau khi phải bỏ công việc hiện tại, đã vào làm chung tại một quán cafe nhỏ. Nhưng dù ngày ngày gặp nhau, họ vẫn chẳng thể nhận ra đối phương. Vậy đến cuối cùng, liệu họ có thể tìm được người kia, và tiếp tục cuộc hẹn dang dở?
"What Do We See When We Look At The Sky?" thực sự là một bài thơ về tình yêu đơn thuần. Mình nghĩ mãi mà không biết thực ra nó có điểm gì đặc sắc đến vậy. Thế rồi mình chợt nhận ra, có lẽ chẳng cần điều gì quá cao siêu, một bộ phim về tình yêu thì ta hãy nói về tình yêu thôi, thế là đủ rồi, nhỉ?
Với những khung hình đẹp như tranh vẽ và một câu chuyện êm ái, dịu dàng, nếu có thời gian các bạn hãy xem "What Do We See When We Look At The Sky?". Mình nghĩ nó sẽ khiến một ngày của bạn trở nên đáng yêu và đẹp đẽ hơn.

Ashes of Time Redux (2008) - Đạo diễn: Vương Gia Vệ

"Đông Tà Tây Độc" là một bộ phim võ hiệp, trên danh nghĩa thì như thế, có điều, nó là một phim võ hiệp quá khác biệt. Vương Gia Vệ mượn cái nền võ hiệp để kể một câu chuyện chẳng mới mà cũng chẳng cũ: câu chuyện về ký ức, về tình yêu, về nỗi khắc khoải và tuyệt vọng của đời người.
Câu chuyện của phim kể về thời điểm khi mà Âu Dương Phong còn chưa thành Tây Độc, Hoàng Dược Sư chưa thành Đông Tà, Hồng Thất Công còn đủ mười ngón tay, và Độc Cô Cầu Bại chưa nổi danh trên giang hồ. Bối cảnh của phim là một tửu quán nằm giữa sa mạc, với nhân vật trung tâm là Âu Dương Phong. Chuyện phim xoay quanh những cuộc gặp gỡ của gã môi giới sát thủ với đủ loại người; bằng hữu có, khách hàng có, kẻ địch cũng có.
Mặc dù vẫn có những cảnh giao đấu tỷ thí võ công, nhưng "Đông Tà Tây Độc" chưa bao giờ lấy đó làm trọng tâm. Cho dù là khi ra mắt lần đầu năm 1994, hay hiện tại, thì đây vẫn sẽ luôn là một bộ phim "võ hiệp" khác thường. Đây là một bộ phim nói về xúc cảm. Đó là chuyện tình yêu giữa Đông Tà, Tây Độc và một người phụ nữ trải dài qua nửa đời người. Đó là câu chuyện về ký ức và nỗi niềm khắc khoải, về sự khước từ và nỗi sợ bị từ chối. Các nhân vật sợ hãi lời từ chối, vì thế họ từ chối người khác trước để người khác không có cơ hội từ chối họ, làm tổn thương họ. Và những điều đó trở thành cái vòng luẩn quẩn, trói buộc họ trong đau khổ và nhớ nhung, dằn vặt.
"Phiền não lớn nhất của người đời chính là ký ức. Nếu có thể quên hết chuyện quá khứ, thì mỗi ngày sẽ đều là một khởi đầu mới. Như vậy há chẳng hay hơn sao?"
"Đông Tà Tây Độc", đã và sẽ luôn đứng một mình trong dòng phim võ hiệp. Một trải nghiệm thật khác lạ, nhưng cũng rất độc đáo, và đáng suy ngẫm.

KẾT

Trong số 50 phim hay mà mình đã xem trong năm 2022, thì đây là 16 phim có lẽ mình cảm thấy tâm đắc nhất. Danh sách những phim mình muốn xem còn rất nhiều, hẹn gặp lại mọi người trong bài viết tương tự vào cuối năm 2023 vậy. Còn mọi người thì sao nhỉ, năm vừa rồi có những phim nào các bạn cảm thấy tâm đắc hay chăng?