Bắt đầu từ năm 2022, tôi có đặt ra hai mục tiêu điện ảnh. Một là xem nhiều phim nhất có thể (và hy vọng phần lớn trong số đó là phim hay), hai là sau đó viết một bài gì đấy tổng kết lại hành trình điện ảnh năm đó. Như năm ngoái cái danh sách phim hay trong năm 2022 của tôi được 50 phim, và trong bài tổng kết tôi có chọn ra 16 phim mình tâm đắc hơn cả để viết bài. Các bạn có thể đọc bài đó ở đây:
Đến năm 2023 thì lại nghĩ lại, kể ra chọn ra những phim hay nhất từ những phim vốn đã đủ hay với cá nhân để vào danh sách thì cũng khó. Vả chăng, như thế có phải hơi không công bằng lắm với những phim còn lại, vì chúng cũng xứng đáng được nhắc đến cơ mà?
Cho nên là đến năm nay quyết định đổi cách viết một chút. Thay vì phải tốn công lọc ra như năm trước, tôi viết tất về những phim hay đã xem luôn. Cũng không cần vắt óc xem dài bao nhiêu là đủ. Điểm lại hành trình điện ảnh thì cứ viết thôi, dài ngắn đâu quan trọng mấy, nhỉ?
Điểm nhấn đầu tiên chắc là năm 2023 xem nhiều hơn, và số phim hay cũng nhiều hơn hẳn, được tận 61 phim. Đến tận bây giờ bản thân vẫn khá bất ngờ khi danh sách nó nhiều như thế. Những phim này không nhất thiết là ra trong năm 2023, có nhiều phim cũ, nhưng giờ tôi mới xem. Đây tất nhiên không phải bảng xếp hạng phân cao thấp, đơn giản là liệt kê mà thôi. Danh sách đầy đủ mọi người có thể xem ở đây, nếu không muốn ngồi lọc ra một đống tên phim từ bài viết.
Những phim này trải dài từ nhiều thời điểm, nhiều đạo diễn, nhiều phong cách và nhiều quốc gia. Hy vọng có thể giúp các bạn tìm thấy một vài phim thú vị để thưởng thức.

MỘT

Điều đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến trong “Điện ảnh phiêu lưu ký 2023” chắc là “phim Việt”. Cụm đấy được để trong ngoặc kép vì trong danh sách có “Xích lô” của Trần Anh Hùng mà tôi không chắc là có xếp được là phim Việt chính cống hay không. Nói sao về “phim Việt” năm vừa rồi nhỉ? Nói thật là tôi khá vui khi danh sách của mình có bóng dáng phim Việt, dù một phim thì chưa chắc đã được tính và cũng xuất hiện từ lâu rồi (“Xích lô” của Trần Anh Hùng). Tôi cũng không biết nên viết gì về “Xích lô”, ngoài việc câu chuyện của nó thật sự ấn tượng, và dường như bao trùm lên bộ phim là một bức màn của những bi kịch của từng cá nhân. Như một dãy domino, những bi kịch và đau khổ ấy cứ thế dần đổ sụp và cuối cùng đem đến một hồi kết cao trào cùng mất mát. Xuyên suốt phim, đó đây có chút ánh sáng vui tươi, nhưng rồi cũng nhanh chóng biến mất, và cho đến cuối phim thì các nhân vật cũng lại quay về cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. “Xích lô” là một phim tương đối nặng nề, nhưng tôi nghĩ nếu ai chưa xem thì cũng nên thưởng thức một lần.
Còn về những tác phẩm kia, thì tôi mở đầu cuộc phiêu lưu điện ảnh 2023 với “Tro tàn rực rỡ” của Bùi Thạc Chuyên, một nước đi khá can đảm. Can đảm là vì tôi vừa trải qua cú sốc kinh hoàng với điện ảnh Việt hồi giữa năm 2022 bằng “Em và Trịnh” của Phan Gia Nhật Linh. Rất tuyệt, bộ phim đã khiến tôi mất cả một buổi trưa để ngồi than vãn về sự dở tệ và rời rạc của nó với những người đồng nghiệp đáng mến trên văn phòng (xin cảm ơn anh chị em đã kiên nhẫn ngồi nghe tôi than vãn với những ngôn từ rất không chuẩn mực). Nhưng sao nào, hai cái tên Bùi Thạc Chuyên và Phương Anh Đào có sức nặng tương đối lớn, vậy là tôi quyết định lóc cóc mò đi xem trong không khí vắng tanh vắng ngắt của rạp phim (lúc đấy phim cũng ra rạp gần tháng rồi). Là một bản chuyển thể từ các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, tôi nghĩ “Tro tàn rực rỡ” đã làm rất ổn. Các câu chuyện gốc riêng lẻ được gắn kết, các nhân vật có thêm chiều sâu. Tất nhiên như vậy phải nhờ đến diễn xuất rất tuyệt của ba nhân vật nữ chính - Phương Anh Đào, Juliet Bảo Ngọc và Ngô Phạm Hạnh Thúy.
Tôi không nghĩ “Tro tàn rực rỡ” là một tác phẩm xuất chúng, nhưng tôi nghĩ nó là một tác phẩm chỉn chu và đủ tốt. Đây là một câu chuyện về những người phụ nữ ở một thôn làng miền Tây sông nước. Đây là một câu chuyện về tình yêu và mất mát, được thể hiện theo một cách rất mạnh mẽ. “Tro tàn rực rỡ” cho tôi thấy được rằng điện ảnh Việt vẫn còn những tác phẩm chất lượng, những câu chuyện đủ sức nặng để khiến khán giả suy nghĩ. Hoặc nói theo cái cách hơi thô là điện ảnh Việt “vẫn còn hy vọng”.
Niềm tin ấy được củng cố rõ hơn sau khi tôi xem “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm. Không thể nói về cuộc phiêu lưu điện ảnh năm 2023 mà không nhắc đến bộ phim tài liệu này. Tôi không xem quá nhiều phim tài liệu, nhưng tôi vẫn biết rằng dường như có một nghịch lý của thể loại này về độ chân thực. Mục tiêu của phim tài liệu là đưa cho khán giả một góc nhìn chân thực nhất có thể về chủ đề của tác phẩm. Nhưng làm sao ta biết được cái “chân thực” ấy có sự can thiệp của đạo diễn và êkip làm phim - dù là vô tình hay không? Làm sao ta biết rằng cái “chân thực” ấy liệu đã đi qua lớp màng lọc của đạo diễn sau khi biên tập? Đó là một nghịch lý mà có lẽ phim tài liệu nào cũng phải đối mặt, và “Những đứa trẻ trong sương” không phải ngoại lệ. Nhưng tôi thích cái cách tiếp cận câu chuyện của Hà Lệ Diễm, khi chị không cố gắng để đứng ngoài câu chuyện - để khán giả nghĩ rằng mọi thứ hoàn toàn là tự nhiên không có bàn tay can thiệp. Thay vì thế, chị trở thành một phần của câu chuyện, trở thành một nhân vật của bộ phim. Hà Lệ Diễm không cố gắng giấu đi sự hiện diện của mình, mà luôn thể hiện cho khán giả thấy bản thân mình có ở đó.
Có lẽ vì thế mà tác phẩm này có gì đó hơi khác so với nhiều phim tài liệu khác. Nhưng cũng vì thế mà những lát cắt trong cuộc sống của cuộc sống của đồng bào mình một cách tường tận và chân thật đến vậy. Họ không hiện lên như những người “dân tộc thiểu số” theo cái cách mà đa số chúng ta vẫn nghĩ - những người xa lạ với kiểu thời trang cầu kì lạ lẫm và một lối sống khác biệt. Họ không hiện lên qua bất cứ lăng kính định kiến nào, và cũng không được khắc họa để phủ nhận bất cứ một lầm tưởng gì. Họ chỉ đơn giản là những con người bình thường nhất như mọi con người quanh ta, sống một cuộc đời mà họ đã quen và đã biết. Chính vì thế mà câu chuyện của Di mới dễ chạm đến khán giả như thế. Một tác phẩm chỉn chu, có hồn, dịu dàng như sương như gió mà cũng vững vàng như núi như đồi. Thật mừng là phim đã có một hành trình công chiếu tuy không dài, nhưng nhận được những sự đón nhận xứng đáng.
Tác phẩm cuối cùng thuộc mục “phim Việt” mà tôi muốn nói là “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân. Về bộ phim này thì có vẻ khán giả xem phim sẽ phân thành những kiểu tương đối trái ngược. Có người sẽ cảm thấy câu chuyện và chủ đề của phim rất chạm đến mình, mà cũng có người sẽ phải gồng mình vật lộn để không… ngủ gật trong rạp. Chọn một chủ đề còn tương đối xa lạ với khán giả Việt là đi tìm bản ngã và đức tin, có lẽ Phạm Thiên Ân cũng không định biến “Bên trong vỏ kén vàng” thành một tác phẩm dễ xem với toàn bộ mọi người. Mà như anh cũng có nhắc thoáng qua, ấy là bộ phim này trước hết là dành cho chính mình, sau là cho những ai có chung một câu chuyện như nhân vật Tâm. Ấy thế cho nên tôi nghĩ không phải ai cũng cảm được câu chuyện và ý nghĩa mà “Bên trong vỏ kén vàng” muốn truyền tải, và điều đó hoàn toàn ổn. Bản thân tôi cũng không thể đặt mình vào vị trí của nhân vật Tâm để mà cảm được, nhưng có một số người quen của tôi thì lại rất thích. Một tác phẩm không dành cho tất cả, có lẽ, nhưng với điện ảnh Việt thì tôi nghĩ là một cột mốc đáng chú ý.

HAI

Những phim như “Paddington 2”, “Puss in Boots: The Last Wish” là kiểu phim dễ xem, dễ thương và wholesome. Chính ra thì những phim này thích hợp xem với gia đình hoặc người yêu, kiểu vậy. Nhưng với cái tình trạng cô đơn lẻ bóng và cũng chẳng gần gũi thân thiết với gia đình như tôi thì phim có wholesome cỡ nào thì hầu như cũng chỉ xem một mình. Tôi nghĩ là cũng không ảnh hưởng gì mấy, phim vẫn hay, gấu Paddington thì vẫn dễ thương và chú mèo đi hia thì vẫn là chú mèo đi hia mà thôi.
Một phim khác cũng wholesome là “A Man Called Otto” của ông chú già Tom Hanks. Motip phim thì không có gì quá mới mẻ - một ông trung niên tính tình tương đối khó ở, vợ lại vừa qua đời phải học cách sống với một gia đình nhập cư hàng xóm. Tuy là không có gì quá đột phá thật, nhưng tôi nghĩ dạng phim như thế này lúc nào cũng nên có và thi thoảng thì nên xem để thấy đời còn tươi đẹp và người ta vẫn còn tốt bụng với nhau lắm.
2023 tôi cũng có tìm xem cả “My Name is Emily” - một bộ phim độc lập Ireland do Evanna Lynch đóng chính, đơn giản là vì tôi khá thích cái vibe của chị từ hồi đóng Luna Lovegood trong Harry Potter. Lúc phim ra mắt thì Evanna cũng đã tầm 25 tuổi rồi, nhưng chị vào vai cô nữ sinh Emily 16 tuổi vẫn rất mượt, có lẽ cũng là do vẻ ngoài khá đặc trưng mang dáng vẻ mơ mộng. Một bộ phim với những chủ đề khá nặng như trầm cảm, xa lánh xã hội và gia đình tan vỡ; nhưng xem xong thì thứ đọng lại trong tôi lại là sự vui tươi và vẻ rạng rỡ của Emily lúc cuối phim. Phải nói là tôi thấy khá ấn tượng với khả năng biểu cảm của Evanna, bởi vì xem phim dễ dàng thấy được Emily là một cô gái với vô số vấn đề, và nhiều lúc dường như chìm hẳn trong bóng tối của chính mình. Thế nhưng thảng hoặc có những lúc bóng tối ấy tạm qua đi để nhường chỗ cho một Emily tươi tắn nghịch ngợm. Nói không ngoa thì điều làm bộ phim đáng xem chính là Evanna Lynch mà thôi, chứ thực chất câu chuyện của nó cũng không đặc biệt xuất sắc lắm.
“Luân lạc nhân” (Still Human) của Trần Tiểu Quyên cũng là một phim nên xem, nếu tìm kiếm một trải nghiệm wholesome. Câu chuyện về tình bạn kỳ lạ giữa một cô giúp việc người Philippines với một ông chú trung niên bị liệt người Hong Kong tuy chẳng có gì xuất chúng, nhưng tôi nghĩ phim cũng biết thừa nên không cố gắng làm gì đao to búa lớn. Đơn giản chỉ là một câu chuyện về những con người còn đang lạc lối trong rắc rối của chính mình, và họ có nhau để cùng vượt qua, vậy thôi.
Tôi cũng rất thích “Dungeons & Dragons: Honor Among Thieves”, không vì gì khác, chỉ vì nó thỏa mãn được tất cả những gì tôi cần ở một bộ phim chủ đề DnD. Thực ra thì tôi cũng không chơi DnD dạng truyền thống, nhưng tôi có biết về nó, và với cương vị một người khá thích chơi các game RPG thì bộ phim này vượt xa mọi mơ tưởng của tôi. Một câu chuyện tương đối đơn giản và dễ theo dõi, hài hước có mà những phút lắng đọng cũng có. Đặc biệt hơn cả là bộ phim này đã bê được nguyên vẹn cái tinh thần của Dungeons & Dragons lên màn ảnh - một việc không hề dễ chút nào.
Bộ phim là một bản “chuyển thể” chất lượng không phải vì nó trung thành với nguyên tác - thì là vì lore của DnD quá dày đặc để có thể viết ra một câu chuyện hẳn hoi phù hợp với tầm trên dưới 2 tiếng phim. “Honor Among Thieves” chất lượng là vì nó có thể cô động được trải nghiệm chơi một ván DnD và tái tạo cho nó dễ nhận biết để ngay cả những ai mù tịt về DnD cũng không khó hiểu. Có tay bảo phim này là một bức thư tình gửi đến DnD, và tôi nghĩ nói như thế là chính xác nhất rồi.

BA

Đã từ lâu lắm rồi tôi không còn để ý mấy đến phim siêu anh hùng. Tôi thấy cũng không có gì đáng tiếc vì chất lượng của cả hai nhà Marvel với DC dường như chỉ thấy có xu hướng cắm đầu xuống đất. Nhưng mà năm qua có ngoại lệ, và tôi đang muốn nói đến “Guardians of the Galaxy Vol. 3” và “Spider-Man: Across the Spider-Verse”.
“Across the Spider-Verse” thì không bất ngờ vì nó vẫn là một phim tuyệt đỉnh về mọi mặt. Phần hoạt họa siêu khủng với đủ mọi phong cách mà xem xong tôi vừa bái phục đội ngũ thực hiện vừa thấy thương cho cái cột sống của họ. Chẳng trách mà phần cuối của trilogy bị hoãn vô thời hạn, khi mà đội ngũ họa sĩ của phim đi chữa xương sống xương sườn hết cả thì còn lâu mới có phim, nhở? Âm nhạc cũng thế, vẫn hay và dính tai y như phần đầu, và tôi sẽ không giả vờ như mình là một tay chuyên sâu về các thể loại nhạc để viết gì đó. Tôi chỉ có thể nói là nhạc quá hay.
Câu chuyện của phim vừa là một sự tiếp nối lại cũng là sự nâng tầm so với phần đầu tiên. Thực ra chính xác thì “Across the Spider-Verse” mới chỉ là một nửa câu chuyện của Miles Morales-hậu-Into-the-Spider-Verse. Nhưng nếu xét rộng ra, thì đây còn là câu chuyện của Gwen nữa (chẳng phải ngẫu nhiên mà phần mở đầu phim lấy góc nhìn của Gwen). Toàn bộ thời lượng của phim vừa dùng để thiết lập bối cảnh của cái Spider-Verse một cách chi tiết hơn phần đầu; đồng thời xây dựng cao trào trong câu chuyện của Miles. Nhưng bên cạnh đó, nó còn kể và kết thúc câu chuyện của Gwen một cách vừa vặn để mang tới sự phát triển nhất định cho nhân vật này. Cho nên “Across the Spider-Verse” đã làm tốt và đủ vai trò của mình. Kết như thế cũng là hợp lý, vừa vặn chuẩn bị vào phần cao trào của câu chuyện mà nó đã mất cả phim để thiết lập. Đúng là có đôi chút tiếc nuối khi credit chạy đấy, nhưng chính thế mà tôi lại càng mong đợi “Beyond the Spider-Verse” hơn bao giờ hết.
“Guardians of the Galaxy Vol. 3” cũng là một phim tôi rất yêu mến, một hồi kết trọn vẹn cho Đội Bảo kê Ngân Hà mà ông anh James Gunn đã xây dựng suốt mười năm có lẻ. Một trong những điểm mạnh nhất của trilogy Bảo kê Ngân Hà chính là cách nó đánh vào cảm xúc của khán giả, dù là vui tươi hay buồn bã; và trên hết là việc những bộ phim này thoải mái trong việc là chính mình. Các nhân vật toàn một đám dở hơi ngốc nghếch và hay cãi lộn ư? Thì có sao, vì sau chuyến hành trình kéo dài ba phần phim, họ đã trở thành một gia đình đấy thôi. Câu chuyện đơn giản và nhiều lúc hơi vô lý ư? Chẳng sao, mục đích của nó là để giải trí, và đôi khi chỉ cần thế là quá đủ. Với cả, ai bảo phim giải trí hài hước thì không thể khiến khán giả rơi nước mắt chứ? Đâu có mấy ai ngờ được là sẽ khóc khi chứng kiến bốn con vật CGI nói chuyện và ôm nhau trên màn ảnh đâu, vậy mà James Gunn lại làm được.
“Guardians of the Galaxy Vol. 3” dĩ nhiên không phải một bộ phim hoàn hảo. Nó có sạn chứ, nhưng với tôi thì chẳng quan trọng, khi đây là hồi kết xứng đáng những nhân vật chúng ta đã yêu mến. Khi mà các nhân vật cùng nhảy múa trên nền nhạc bài hát “Dog Days Are Over” của Florence + The Machine (một lần nữa, xin cảm ơn James Gunn vì những lựa chọn âm nhạc tuyệt cmn hảo); những ai đã yêu mến Đội Bảo kê Ngân Hà chắc chắn cũng sẽ muốn nhảy vào ôm chầm lấy họ và hô lên: “We are Groot!”.

BỐN

Một trong số những phim bom tấn tôi xem năm vừa rồi là “Top Gun: Maverick”. Thú thực thì ngoài phần hình ảnh - âm thanh đã tai sướng mắt ra thì không có gì đặc biệt. Tất nhiên với một bộ phim gần như chỉ thiếu điều tự nhận là sản phẩm quảng bá cho cỗ máy chiến tranh công nghiệp Mỹ có Tom Cruise tham gia đóng vai chính thì cũng không nên mong đợi gì hơn. Mọi người bảo xem “Top Gun: Maverick” thì sướng mắt sướng tai là được, thì cũng không sai, phim thu về tầm đâu đấy tỷ rưỡi đô thì bảo không thành công bố ai mà tin. Nhưng mà tôi cũng không mặn mà gì mấy với việc xem cánh truyền thông giải trí đại chúng và giới công nghiệp quân sự Mỹ tâng nhau lên mây trên màn ảnh. Thôi thì mấy pha không chiến mãn nhãn cộng với nhạc Lady Gaga nghe hay là cũng đủ để thỏa mãn rồi.
Một phim khác cũng tương tự thế là “John Wick: Chapter 4”. Sau mấy phần liền chứng kiến cảnh Keanu Reeves tả xung hữu đột giữa vô số quân địch thì dù những pha gun-fu có hay đến mấy thì rồi cũng nhàm dần. Câu chuyện của phim thì cũng bình thường, nhân vật cũng bình thường nốt; nhưng được cái là những trường đoạn chiến đấu vẫn khá chỉn chu. Mặc dù thời lượng phần này dài hơi quá đà khiến về cuối phim xem bị mệt óc, nhưng tựu trung thì để giải trí vẫn được, có vậy thôi.
“Oppenheimer” của Christopher Nolan là một phim hay và mãn nhãn. Nói gì về Nolan cũng được, nhưng tôi nghĩ ai cũng phải công nhận phim của ông vẫn là một cái gì đó rất hút khách. Với “Oppenheimer” cũng vậy, khi mọi thứ mà tôi kỳ vọng ở một tác phẩm về cha đẻ bom hạt nhân đều có đủ. Diễn xuất của những tên tuổi nổi tiếng như Cillian Murphy, Florence Pugh, Matt Damon hay Emily Blunt thì không có gì phải bàn rồi; nhưng tôi khá bất ngờ với Robert Downey Jr. Có vẻ như ông đã dần thoát được khỏi vai tỷ phú dân chơi Tony Stark, chẳng trách mà ông không tiếc lời khen ngợi kịch bản của “Oppenheimer” và nhân vật Strauss của mình. Trải nghiệm xem “Oppenheimer” cũng khá là thú vị khi hai nửa của phim mang phong cách khác hẳn nhau. Nửa đầu thì đi theo hướng docu-drama với trọng tâm là Dự án Manhattan và cuộc đời của Oppenheimer, nửa sau thì lại mang phong cách thriller với trọng tâm xoay quanh những vụ điều trần của nhà bác học này. Cillian Murphy rất tuyệt và tôi không hình dung ra ai khác có thể vào vai Oppenheimer mượt như anh.
Tiếp tục chủ đề liên quan đến quân sự và nước Mỹ thì năm 2023 tôi có xem cả “The Covenant” của Guy Ritchie. Biết là so sánh thì hơi khập khiễng do hướng đi khác nhau, nhưng tôi thích “The Covenant” hơn “Top Gun: Maverick”. “The Covenant” vẫn là một phim với hình ảnh và âm thanh chất lượng và có sự tham gia diễn xuất của một cái tên cũng rất nổi tiếng là Jake Gyllenhaal. Thế nhưng khác với “Top Gun: Maverick”, chủ đề của phim này hướng đến một điểm khá nhạy cảm với nước Mỹ: cuộc chiến ở Afghanistan. Tôi nghĩ khía cạnh mà “The Covenant” đã làm được là cho khán giả một góc nhìn (dù nhỏ) về những gì xảy ra trong cuộc chiến ở Afghanistan đã khiến nước Mỹ sa lầy bao nhiêu năm. Dĩ nhiên không thể và cũng không nên đòi hỏi bộ phim phải đi quá sâu vào tất cả những gì kinh hoàng và chết chóc ở Afghanistan, khi đó không phải hướng triển khai câu chuyện của Guy Ritchie. Tuy thế thì xem “The Covenant” vẫn thấy được thoáng chốc những mặt trái và sự thật đáng sợ về chiến tranh, ẩn sau lớp bọc ngoài hào nhoáng mà những bộ phim kiểu như “Top Gun: Maverick” vẽ nên (dù chỉ là vô tình).

NĂM

“Incendies” của Denis Villeneuve là một bộ phim khiến tôi phải suy nghĩ nhiều, có lẽ đến mức ám ảnh - bởi câu chuyện của phim quá bi kịch. Lấy cảm hứng từ cuộc nội chiến Lebanon từ những năm 1975 đến 1990, Villeneuve đã viết ra một câu chuyện xuyên suốt hai thế hệ bao trùm bởi mất mát, đau thương và bi kịch. "Incendies" trong tiếng Pháp nghĩa là "Ngọn lửa". Sở dĩ Villeneuve sử dụng từ này làm tiêu đề của bộ phim, là để ám chỉ đến ngọn lửa chiến tranh. Trong "Incendies", một phần quan trọng không thể thiếu chính là cuộc nội chiến diễn ra ở quê hương của các nhân vật chính. Nó như một ngọn lửa cuồng bạo, thiêu đốt mọi thứ, gây nên mọi bi kịch trong câu chuyện. Chúng ta không biết bên nào đã khơi mào cuộc chiến, và điều đó cũng không quan trọng. Làm sao để vượt qua những sự khủng khiếp của chiến tranh, của xung đột tôn giáo; ấy mới là điều quan trọng.
Tuy ám mùi mất mát và tuyệt vọng trong nhiều trường đoạn, nhưng sau cùng thứ ánh lên trong “Incendies” lại chính là hy vọng và tình yêu. Ngọn lửa chiến tranh đã thiêu đốt nhiều thứ không đếm xuể, và để lại muôn đống tro tàn. Nhưng từ tro tàn, những điều mới mẻ sẽ được sinh ra. Tôi nghĩ rằng “Incendies” là một trong những phim mà bạn càng biết ít về nó trước khi xem thì càng tốt. Nếu bạn đã xem phim rồi thì ắt hẳn sẽ hiểu điều tôi muốn nói.
Sau “Incendies”, tôi tiếp tục xem một phim khác của Denis Villeneuve là “Sicario”. Một bộ phim với chủ đề không quá mới mẻ khi nói về cuộc chiến chống những băng đảng ma túy, nhưng Villeneuve vẫn biết cách khiến nó trở nên cuốn hút. Tôi nhớ là tựa tiếng Việt của “Sicario” được dịch là “Ranh giới”, và phải nói đây là lần hiếm hoi đội ngũ bản địa hóa đã thành công. Chủ đề của “Sicario” là về những ranh giới - cả hữu hình lẫn vô hình, và nó đặt ra câu hỏi cho khán giả rằng: chúng ta sẽ dám đi xa đến đâu để chấm dứt tội ác, và cái giá phải trả có đáng không? Ấy, và cũng xin cảm ơn diễn xuất của Benicio del Toro và nhất là Emily Blunt.
“Causeway” có Jennifer Lawrence đóng vai chính cũng là một phim khá ổn. Lại là một tác phẩm với motip không mới (một cựu binh Mỹ bị thương ở Afghanistan nên buộc phải trở về học cách vượt qua PTSD) nên cũng không có điểm gì gọi là quá nổi bật ở “Causeway”. Thú thật nếu không phải có Jennifer Lawrence đóng chính thì có khi tôi cũng không để ý đến phim này lắm đâu. Mà quả thật điểm sáng nhất của phim hoàn toàn nằm ở diễn xuất của chị.
“Athena” của Romain Gavras là một bất ngờ thú vị, bởi tôi vốn chẳng biết gì về nó cho đến khi được ông anh hói đầu Linh Vetter giới thiệu. Ông anh nhất định bảo tôi xem cho bằng được, và với bản tính thân thiện tuyệt vời, tôi đã gật đầu. Bộ phim này tôi nghĩ ai xem rồi cũng ấn tượng nhất về cách quay của nó - rất nhiều trường đoạn one take chất lượng. Có vẻ đạo diễn muốn thực sự flex tay nghề khi vừa vào phim đã là một trường đoạn one take dài đâu đấy 15-20 phút. Câu chuyện của phim cũng khá đáng chú ý khi nó khai thác một trong những “đặc sản” của Pháp - biểu tình và bạo động. Tuy vậy, có vẻ đạo diễn flex tay nghề hơi quá tay mà quên bẵng đi phần biên kịch, thành ra phim cứ thiếu thiếu. Bảo nó dở thì chắc chắn không nhưng tôi cảm giác phim chưa hoàn toàn đạt được đến đủ tiềm năng thật sự của câu chuyện nó đề ra.
Phim cuối cùng có chủ đề về chiến tranh trong danh sách này là một phim tài liệu - “20 Days in Mariupol”. Bộ phim là một thiên phóng sự xoay quanh thành phố Mariupol trong những ngày đầu của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Xem phim này quả thực khó, vì nó quá trần trụi, chân thật, nặng nề và đau đớn. Câu chuyện của phim xoay quanh một nhóm phóng viên người Ukraine bị kẹt tại Mariupol khi thành phố bị quân đội Nga vây hãm và công kích. “20 Days in Mariupol” cho khán giả thấy một lát cắt rất nhỏ về bản chất khủng khiếp của mọi cuộc chiến - nó gây ra hỗn loạn, mất mát và tang tóc. Chiến tranh là một cơn ác mộng kinh hoàng, một trải nghiệm mà không một ai muốn và nên trải qua.

SÁU

Tôi đã xem và tương đối thích “When You Finish Saving the World” của Jesse Eisenberg. Có lẽ đơn giản là vì tôi muốn xem những câu chuyện về khoảng cách thế hệ và những đứt gãy vô hình giữa cha mẹ với con cái. Julianne Moore và Finn Wolfhard đóng chính, và tôi thấy được tương tác khá đặc biệt giữa họ - vừa xa lạ mà vừa gần gũi, thể hiện đúng mối quan hệ xa cách và gượng gạo giữa hai mẹ con đã không còn hiểu nhau từ lâu.
“A Star is Born” của Bradley Cooper và Lady Gaga cũng là một phim hay với âm nhạc ấn tượng (cũng chẳng lạ, vì có Lady Gaga mà nhạc không hay nghe có vẻ vô lý). Tôi cuối cùng cũng đã xem “Another Round” của Thomas Vinterberg sau bao nhiêu lần lên lịch rồi lại quên béng mất. Cá nhân tôi vốn thích diễn xuất bằng mắt rất nghệ của Mads Mikkelsen, đặc biệt là sau “The Hunt”. “Another Round” lại là một tác phẩm đáng xem khác của ông chú Đan Mạch cùng ngày sinh với tôi, mặc dù tôi phải thú nhận là tôi chưa thể đồng cảm được hoàn toàn với những khủng hoảng tuổi trung niên của các nhân vật trong phim. Nhưng mà kệ, trong phim này bạn được xem Mads Mikkelsen nốc rượu, dạy lịch sử và ca hát nhảy múa chơi bời; thế thì còn cần gì phải hỏi là nên xem hay không?
Một phim tuyệt cmn đỉnh nữa tôi xem trong năm 2023 chắc chắn là “Carol” của Todd Haynes. Tôi nghĩ đời này đã tự nhận là cinephile thì ai cũng nên một lần xem “Carol” để ngắm và cảm nhận tương tác rất tình giữa Rooney Mara và Cate Blanchett. Xem xong “Carol” làm tôi chỉ muốn đứng dậy và tạ ơn trời đất đã sinh ra điện ảnh. Tôi cũng khá thích “We Need to Talk about Kevin” của Lynne Ramsay bởi diễn xuất của Tilda Swinton. Nhưng khổ nỗi cái tôi nhớ nhất sau khi xem xong là comment của bạn tôi bảo đây là cái phim tiểu sử của Ezra Miller hồi xưa. Thế có chán không chứ lại. 2023 tôi cũng xem cả “The Three Musketeers: D’Artagnan” của Pháp. Nhìn chung thì cũng không có nhiều điều để nói, ngoại trừ việc đây là phần đầu trong hai phim chuyển thể truyện “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của Dumas. Vì là một cuốn tiểu thuyết tôi rất mê hồi xưa nên biết có thêm phim chuyển thể là đương nhiên phải xem ngay. Nói ngắn gọn thì phim khá ổn, dễ theo dõi, Eva Green vẫn xinh đẹp chết người, vậy thôi.
2023 vừa rồi tôi xem hai phim có sự tham gia diễn xuất của bác già Anthony Hopkins. Một phim là “The Elephant Man” của David Lynch, nhưng thú thực phim này tôi ấn tượng hơn với diễn xuất của Sir John Hurt cùng câu chuyện cực kỳ cảm động dựa trên các sự kiện và nhân vật có thật. Phim còn lại là “The Father” của Florian Zeller - một tác phẩm mà cái hay của nó hoàn toàn nằm ở diễn xuất của bác già Hopkins. Florian Zeller có bảo rằng kịch bản của “The Father” được viết chỉ dành riêng cho Anthony Hopkins, và tôi nghĩ có lẽ ngoài ông ra chắc không ai có thể diễn được như vậy. Oscar lần thứ 2 cho vai diễn viên nam chính xuất sắc nhất là minh chứng rõ ràng cho tài nghệ siêu hạng của bác già.
“The Night House” của David Bruckner là một phim kinh dị khá sáng tạo trong cách hù dọa khán giả. Thực ra điểm nhấn của phim chủ yếu ở cái đó thôi chứ câu chuyện của nó cũng không có gì mới mẻ cho cam. Tôi cũng đã xem “Lion” của Garth Davis và thực sự đã rơi nước mắt khi chứng kiến câu chuyện và hành trình tìm về quê hương của anh chàng Saroo do Dev Patel thủ vai (phim dựa trên câu chuyện có thật).

BẢY

Với một người ham đọc lịch sử như tôi thì dĩ nhiên mục tiêu bất di bất dịch mỗi năm là xem phim có yếu tố lịch sử. Tính ra năm nay tôi xem cũng kha khá phim như vậy, và may mắn là đa số đều để lại ấn tượng tích cực cả. Tôi ấn tượng với “Huyết yến” của Lục Xuyên, mặc dù đây là một bộ phim không hề dễ xem. Thêm một tác phẩm với bối cảnh Hán Sở tranh hùng cùng nhân vật chính Lưu Bang, nhưng cách tiếp cận của phim lại rất khác thường. Bộ phim là những mảng ký ức gãy vụn của Lưu Bang những ngày hấp hối khi ông ta hồi tưởng lại 14 năm qua, từ những ngày đầu khởi binh đi theo Hạng Vũ, cho đến khi lấy được thiên hạ. Mạch phim liên tục nhảy từ quá khứ đến hiện tại, xen giữa là những lời lẩm bẩm điên khùng của một ông già sắp chết. “Huyết yến” là một phim tăm tối và nặng nề. Hoàn toàn không có vẻ hào nhoáng của cung điện hay vẻ hoành tráng của chiến trận. Toàn bộ phim là một nốt trầm nặng nề, được thể hiện bởi những con người chứa đầy bóng tối. Có lẽ chính vì thế nên nó mới để lại ấn tượng với tôi như thế.
Một phim khác cũng không thực sự quá hay là “The Legend & Butterfly” của Keishi Ohtomo. Gần 3 tiếng thời lượng phim là câu chuyện kéo dài mấy chục năm cuộc đời của một trong những lãnh chúa hùng mạnh nhất thời Chiến quốc Nhật Bản Oda Nobunaga cùng vợ của ông là Nohime. Bộ phim có những điểm sáng nhất định khi nó tập trung xoáy sâu vào con người của Nobunaga và Nohime, cùng mối quan hệ khá khác thường giữa họ. Xen vào giữa câu chuyện của hai người là một câu chuyện khác thấm đẫm máu và tàn tro của những cuộc chiến liên miên không hồi kết. Tuy vậy, cảm giác như phim đã quá tham vọng khi chọn kể lại gần như toàn bộ cuộc đời của hai nhân vật chính. Tiềm năng của phim không hề thiếu, nhưng tham vọng quá lớn của câu chuyện đã khiến cho cái tiềm năng ấy không thể bứt phá, để lại một cảm giác khá nuối tiếc vì phim lẽ ra có thể đã hay hơn nhiều.
Năm vừa rồi tôi xem hai phim cổ trang của Trương Nghệ Mưu và hai phim kiếm hiệp của Hồ Kim Thuyên. Với Trương Nghệ Mưu, tôi chọn xem “Thập diện mai phục” (rất xin lỗi vì nhà quê khi 2023 mới xem trọn vẹn phim này) và “Mãn giang hồng”. Tôi thích cả hai phim, và mặc dù có bối cảnh cũng như phong cách khác hẳn nhau thì chúng vẫn có những nét tương đồng rất Trương Nghệ Mưu. Điều dễ thấy nhất chắc là plot twist chóng cả mặt khiến khán giả không biết đâu mà lường. Cả hai phim đều ăn điểm nhờ diễn xuất và cách kể chuyện; nhưng “Thập diện mai phục” có phần nhỉnh hơn về các cảnh quay và chiến đấu vừa đẹp vừa mãn nhãn, trong khi “Mãn giang hồng” nhỉnh hơn về cách sắp đặt plot twist và nhiều tình tiết hài hước điểm xuyết trong phim. Tựu trung thì tôi thấy nếu đã nghe danh Trương Nghệ Mưu qua “Anh hùng” hay “Hoàng Kim Giáp” thì nên xem cả hai, nhất là “Mãn giang hồng”, đơn giản là vì đời này ngoài tôi ra chắc ai cũng xem “Thập diện mai phục” hết rồi.
Hai phim kiếm hiệp của Hồ Kim Thuyên là “Long Môn khách sạn” và “Hiệp nữ” thì lại có phong cách khác hẳn. Câu chuyện của chúng đơn giản hơn nhiều, nhưng không vì thế mà phim của Hồ Kim Thuyên lép vế hơn. Mang đậm phong cách các phim kiếm hiệp của thập niên 60 - 70, “Long Môn khách sạn” và “Hiệp nữ” cho tôi cảm giác cực kỳ hoài cổ với những trường đoạn chiến đấu rất đặc trưng và thú vị. “Long Môn khách sạn” là một phim được dựng trên nền sự kiện lịch sử có thật, nhưng Hồ Kim Thuyên đã chọn giản lược chúng đi để thể hiện sự đơn thuần trong câu chuyện của ông. “Long Môn khách sạn” thực chất chỉ là câu chuyện của sự đối đầu thiện - ác, trắng - đen; thảy mọi thứ đều phân minh rõ ràng. Các nhân vật của phim cũng rất một màu, bởi vì họ đại diện cho cái thiện hoặc là cái ác. “Long Môn khách sạn” là đại diện của tinh thần võ hiệp thuần túy và giản đơn nhất. Câu chuyện cũng như nhân vật của nó tồn tại chỉ để tôn lên hai chữ “nghĩa hiệp”, chỉ vậy thôi.
“Hiệp nữ” cũng gần như vậy, nhưng khác biệt là nó dựa trên một câu chuyện trong “Liêu Trai chí dị”. Chính vì vậy nên trong phim có rất nhiều đoạn đem lại cảm giác ma quái gai người, nhưng vẫn không làm mờ đi chất kiếm hiệp đặc trưng. Vả lại, cái đặc sắc của “Hiệp nữ” là tuy phim ra mắt trong thời đại mà Trung Quốc vẫn còn chưa hoàn toàn dứt bỏ với tư tưởng trọng nam khinh nữ - nhất là nữ nhân lại là võ hiệp thì càng vô lý. Nhưng trong phim, nhân vật nữ chính luôn xuất hiện ngang hàng với các nhân vật nam. Thậm chí nàng còn có sức mạnh để nắm giữ sinh sát, cũng được tự do tham gia vào quá trình xung đột tư tưởng hay cạnh tranh, đàm phán, bàn chuyện. “Hiệp nữ” theo tôi là một cách thể hiện tư tưởng rất hay của Hồ Kim Thuyên - đối với ông, một anh hùng nghĩa hiệp không quan trọng nam hay nữ, mà chỉ cần người ấy đủ hùng tâm tráng chí và tràn đầy lòng nghĩa hiệp muốn trừ gian diệt ác, vậy là đã đủ rồi.
2023 tôi cũng có xem “Macbeth” của Justin Kurzel, một bản chuyển thể khá chất lượng từ vở bi kịch nổi tiếng của Shakespeare. Phần hình ảnh thì tuyệt vời, cộng thêm diễn xuất của Michael Fassbender cùng Marion Cotillard nữa thì rất đáng xem. Với cá nhân tôi thì đây là một phim khá quan trọng, do nó là tác phẩm đánh dấu lần đầu tiên tôi đi… dịch phim. Lý do đơn giản là vì các bản phụ đề Việt kiếm được trên subscene tệ quá nên tôi quyết định ôm máy và đọc kịch Macbeth rồi dịch lại cho mượt. Vậy là từ một cinephile tự phong chỉ biết xem phim và tán nhảm, tôi đã nâng cấp lên thành một tay dịch phim ngang đường, tuyệt cmn vời.

TÁM

Một tác phẩm tôi cũng rất thích nữa là “The Banshees of Inisherin” - một phim bi hài kịch đen, với bối cảnh là một hòn đảo nhỏ, gần như cô lập ở ngoài khơi Ireland. Trên hòn đảo ấy, mọi người vẫn sống yên bình, mặc cho trong đất liền, cuộc nội chiến ngày càng kéo dài không nghỉ. Thế nhưng bất chợt một ngày, mây đen của bi kịch bắt đầu lượn lờ và trực chờ giáng xuống những con người trên Inisherin. Tất cả bắt đầu, với việc hai người bạn chí cốt đột ngột nghỉ chơi với nhau. Thực ra thì trong phim chẳng ai thật sự sai, ai cũng có cái lý của mình. Việc thành ra như thế là lựa chọn của cá nhân mà thôi. Rốt ráo lại thì, “The Banshees of Inisherin” muốn nói với ta một điều nghe như quá đỗi hiển nhiên: để giải tỏa xung đột, phải có sự thấu cảm. Nghe đơn giản đến lạ kỳ, nhưng đời này nói dễ hơn làm. Đâu phải ai cũng có thể đặt mình vào vị trí người khác để đồng cảm và thấu hiểu chứ? Nếu sự thấu cảm mà có thể đạt được dễ như vậy, thì đã chẳng có bi kịch nào xảy ra. Nhưng cuối cùng, đó đã và vẫn luôn là cách tốt nhất để người với người xóa bỏ mâu thuẫn, nhỉ?
Năm nay tôi xem 4 phim do A24 phát hành, và cả 4 phim tôi đều thích - đương nhiên là mỗi tác phẩm thích một kiểu. “The Whale” là một bộ phim dễ gây xúc động và lấy nước mắt từ khán giả nhờ diễn xuất đầy cảm xúc của Brendan Fraser. Câu chuyện của phim không thực sự quá ấn tượng, nhưng quan trọng gì, khi mà ta có thể chứng kiến một màn hóa thân tuyệt đỉnh của Brendan Fraser sau những khó khăn mà anh gặp phải.
Trong khi đấy thì “Aftersun” của Charlotte Wells cũng khiến tôi khóc lên khóc xuống, nhưng theo một kiểu khác. Tôi thích cái cách mà Paul Mescal thể hiện mọi sự mệt mỏi, chán chường và gắng gượng của Calum chỉ qua một cử chỉ hay ánh mắt hay đôi ba lời thoại. Tôi thích những tương tác tự nhiên và dễ đồng cảm giữa anh và Frankie Corio trong vai Sophie, để cho khán giả thấy đây đúng là một cặp cha con, nhưng không thực sự quá gần gũi do phải sống cách xa nhau. Tôi thích cái cách mà Charlotte Wells để cho hầu hết thời lượng của phim toát lên vẻ vui tươi. Thế nhưng bằng cách nào đó, dự cảm về nỗi buồn và sự u ám vẫn cứ len lỏi vào trong từng khung hình, hoặc thi thoảng là một vài lời thoại. Chúng như một đám mây đen dần kéo đến hòng che đi ánh mặt trời rực rỡ - chưa đủ để trời đổ mưa, nhưng đã thừa khiến lòng người u sầu. Aftersun nghĩa là hoàng hôn, nghĩa là xế bóng, là những ánh nắng cuối cùng của chiều tà. Ánh mặt trời rực rỡ của Calum nằm ở Sophie, và khi cô bé phải rời đi, thì cũng đồng nghĩa với việc ánh nắng bên trong Calum đã lụi tàn. Buổi hoàng hôn đã buông xuống, đêm đen đã ập tới, còn mặt trời của Calum thì đã rời đi, đã lặn rồi. Và xem xong phim, tôi không thể nào ngăn mình tự hỏi rằng liệu Calum có thể chờ đến khi một ngày mới bắt đầu, để đón nhận một mặt trời mới, để không còn Aftersun nữa hay chăng?
“Past Lives” của Celine Song cũng khiến tôi day dứt và để lại trong tôi một nỗi buồn man mác. Tôi nghĩ đây là một bộ phim thật đẹp - đẹp từ hình ảnh, từ ánh mắt cử chỉ và tương tác giữa các nhân vật, cho đến câu chuyện tình yêu đầy nuối tiếc và nghiệt ngã của phim. Celine Song kể một câu chuyện tình dang dở thật đẹp mà không cần tỏ ra nghiệt ngã hay biến ai thành kẻ phản diện cả. Suy cho cùng, có mấy ai chưa từng tan vỡ tình đầu, hay thậm chí là không thể đến được với nhau? Nhưng không vì thế mà họ phải chịu cô đơn - bởi vì chắc chắn sẽ có một ai đó tìm đến bên họ. Nhẹ nhàng mà day dứt, nỗi buồn mà “Past Lives” đem đến thật dịu dàng, nhưng có lẽ cũng đủ khiến những người từng trải qua câu chuyện ấy bật khóc ngon lành như Nora ở đoạn cuối phim vậy.
“Anatomy of a Fall” cũng là một phim hay. Có người đùa bảo đây là “Marriage Story” bản Pháp, thì thực ra tôi thấy cũng có ý đúng. Nhưng “Anatomy of a Fall” có phần nặng nề và kịch tính hơn, và nó để lại trong tôi một cảm giác khá là bứt rứt. Ấy là vì sau cùng thì vẫn không ai biết sự thật rốt cuộc là như thế nào. Nhưng có lẽ cũng không quan trọng đến thế, bởi như chính bộ phim đã nói thẳng vào mặt khán giả: sự thật không quan trọng, quan trọng là người ta tin vào cái gì.
Tôi cũng đã xem “The Fabelmans” của Steven Spielberg và “Cinema Paradiso” của Giuseppe Tornatore. Cả hai phim với cùng chủ đề là khai thác về cuộc đời và đam mê cháy bỏng với điện ảnh của các nhân vật. Về tổng thể thì tôi ấn tượng hơn với “Cinema Paradiso”, nhưng xét về câu chuyện và nhân vật thì tôi thích “The Fabelmans” hơn. Dù sao thì cả hai đều là những tác phẩm tuyệt đẹp.
“Close” của Lukas Dhont là một phim queer khá hay, và câu chuyện tuy nặng nề nhưng cuối cùng ta vẫn thấy được sự ấm áp và tươi sáng. Có thể tôi sẽ thích phim này hơn, nếu “Monster” của Hirokazu Kore-eda không ra mắt trong năm nay (sẽ viết thêm ở dưới).
Tất nhiên không thể không nhắc đến “Killers of the Flower Moon” của ông cụ Martin Scorsese rồi. Phim dài 3 tiếng rưỡi, nhưng tôi thấy không hề lê thê, mà thực sự phải cần một thời lượng như thế mới truyền tải được đủ những gì mà ông cụ muốn khán giả cảm thấy. Ngoài diễn xuất thượng hạng của những tên tuổi lớn như Leonardo DiCarpio hay Robert De Niro thì chắc chắn không thể bỏ qua Lily Gladstone. Kiểu, sao có thể diễn hay và có thần thái đến như vậy nhỉ? Hy vọng năm nay chị thắng Oscar, không thì tôi và anh em fan Lily Gladstone 20 năm sẽ biểu tình và xông vào trụ sở Viện Hàn lâm đòi công lý. Tôi cũng thấy rằng “Killers of the Flower Moon” là một cái tát khá đau vào mặt những tác phẩm dán mác “true crime” vốn đang thịnh hành mấy năm gần đây - chủ yếu drama hóa các tình tiết trong những sự kiện bi thảm để tạo hấp dẫn, kiểu vậy. Đặc biệt phải kể đến cảnh mà ông cụ Scorsese xuất hiện cuối phim để đọc cáo phó cho nhân vật Mollie do Lily Gladstone thủ vai và bảo là nó không hề đề cập đến các vụ án mạng do người da trắng gieo rắc lên gia đình Mollie. Dường như Scorsese muốn thông qua cảnh ấy để khẳng định rằng dù ông có là một người kể chuyện tài ba đến đâu cũng chỉ là một người ngoài cuộc mà thôi. Và sau khi đọc xong cáo phó, phim kết thúc bằng cảnh một nghi lễ của người Osage, như thể chính Scorsese cũng muốn tuyên bố rằng chỉ có người Osage, và nhất là con cháu của những nạn nhân năm xưa mới có quyền nói về các vụ giết người đó mà thôi.
Năm nay tôi cũng đã xem được tận 2 phim của Tarkovsky là “The Mirror” và “Stalker”. Thật lòng mà nói thì tôi phải thừa nhận là xem cả hai xong tôi chả hiểu gì mấy. “The Mirror” thì khó hiểu hơn vì phim mang đậm dấu ấn cá nhân của Tarkovsky, về cuộc đời và mối quan hệ của ông với mẹ mình. Tất nhiên là tôi ấn tượng với phần hình ảnh lắm, nhưng còn nội dung và ý nghĩa của phim thì chắc là cần hiểu hơn về Tarkovsky mới phần nào cảm được. “Stalker” thì cũng khó xem không khác gì, và nó còn dài nữa chứ. Tôi mà nói là hiểu được hết “Stalker” thì chắc chả ai tin (đến tôi còn chả tin cơ mà), thậm chí tôi còn không dám tự tin là mình có hiểu được chủ đề của phim hay không. “Stalker” là một bộ phim nói về bản chất của nhân loại, hay là về linh hồn và bản ngã? Nó muốn nói về những ham muốn sâu thẳm trong mỗi chúng ta à? Hay phải chăng chủ đề của phim là về sự tàn lụi và tuyệt vọng của một thế giới đang chết? Có khi nào “Stalker” muốn nói về hy vọng trong một thế giới đang lụi tàn, hay nó muốn kể câu chuyện về linh hồn và thể xác? Mà, cũng có thể nó muốn kể tất cả những điều vừa rồi ấy chứ? Tôi không dám và cũng không thể bàn sâu hơn về những ẩn dụ trong “Stalker”, nhưng tôi nghĩ có một điều mà ai đã xem phim cũng có thể đồng ý. Ấy là về việc thế giới trong “Stalker” đang tàn lụi, đang chết dần. Nó là một thế giới tăm tối, sầu thảm và đau khổ. Nhưng kể cả như vậy, ta vẫn thấy được một tia hy vọng, dù là mỏng manh nhất.

CHÍN

Cảm giác của tôi khi xem xong “The Boy and the Heron” của Hayao Miyazaki khá là ba chấm. Thật sự mà nói thì "The Boy and the Heron" là một bộ phim khá... lưng chừng. Nó không tệ, mà bảo nó xuất sắc siêu phẩm thì tôi nghĩ cũng không nốt.
Tôi nghĩ dường như Miyazaki quá tham vọng với tác phẩm này. Những tầng ý nghĩa ẩn dụ của phim rất nhiều và đa dạng, xuyên suốt mọi chủ đề. Ấy nhưng mà phim lại bỏ bẵng đi mất những yếu tố như xây dựng nhân vật và nhịp độ câu chuyện. Câu chuyện ở đây cố nhiên là phần nội dung bề nổi của phim, là thứ dẫn dắt và bày ra để khán giả thưởng thức, với xương sống là các nhân vật. Riêng phần này, thực sự ai cũng có thể nhận ra là phim làm rất đuối, rất hời hợt và không đủ hấp dẫn và khó có thể chạm vào cảm xúc của khán giả. Nếu phần bề nổi đã không thể khiến khán giả quan tâm, vậy thì làm sao họ có thể đủ hứng thú để quan tâm đến những ý nghĩa ẩn của phim chứ? Cũng có thể do tôi đã kỳ vọng hơi sai về phim chăng? Có thể lắm, khi mà "The Boy and the Heron" dường như là một bộ phim mà Miyazaki làm cho chính mình.
Có lẽ nói rằng bộ phim mang nhiều dấu ấn cá nhân của đạo diễn thì hơi thừa, vì có phim nào mà không thế? Nhưng với "The Boy and the Heron", tính cá nhân của con người và cuộc đời Miyazaki nhiều hơn cả. Ta thấy được nhiều điểm tương đồng giữa cuộc đời của ông với những chi tiết trong phim. Nhưng sau cùng, tôi lại chợt nghĩ về sự "rời rạc" của phim và nhận ra, chẳng lẽ nào Miyazaki lại không nhận ra nó? Hay phải chăng ông chủ đích muốn bộ phim của mình như vậy? Có lẽ, khi mà dường như toàn bộ cuộc hành trình của nhân vật chính chỉ là một giấc mộng. Đâu là thực, đâu là mơ? Chúng ta rơi vào giấc mộng từ khi nào? Càng cố dùng lý tính để hiểu và phân định thì càng thấy vô lý và bất nhất, nhưng có lẽ làm thế lại đi ngược với chủ đích của Miyazaki chăng?
Mỗi người sẽ có một suy nghĩ riêng với "The Boy and the Heron", hẳn là vậy. Sẽ có người thích và người ghét. Sẽ có người bứt rứt và nuối tiếc khi phim có nhiều "điểm yếu" lớn đến vậy. Và cũng sẽ có người không bận tâm đến chúng mà đi sâu vào giải mã những ẩn dụ trong tác phẩm. Nhưng có lẽ chính Miyazaki cũng không quá quan tâm khán giả nghĩ gì, vì sau cùng, ông làm phim này dành cho chính mình, cho cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Cuối cùng thì sau những lần chỉ chăm chăm xem phim jidaigeki của Akira Kurosawa, tôi cũng đã xem “High and Low” của ông. Tôi thực sự thích phim này vì sự chặt chẽ và thực tế nhưng cũng không mất đi sự hồi hộp căng thẳng cần có của phim trinh thám điều tra. “Mishima: A Life in Four Chapters” cũng là một tác phẩm ấn tượng, nhất là về mặt hình ảnh và cách mà đạo diễn lồng ghép các tác phẩm của Mishima với cuộc đời nhà văn này. Đáng tiếc tôi mới chỉ đọc “Kim các tự” nên chưa hoàn toàn cảm nhận được hết những cái hay và ý nghĩa phim muốn nói thông qua các tác phẩm còn lại được đưa vào.
Tôi cũng không quá ấn tượng với “Shin Kamen Rider”, mặc dù đây là phim tôi rất mong chờ vừa với tư cách một fan siêu nhân 20 năm, vừa với tư cách người thích các bộ phim trước của Hideaki Anno. Dù thế, cảm giác hoài niệm vẫn khiến tôi đưa phim vào danh sách, dù rằng nó chỉ ở mức trung bình khá.
Có một dạo tôi xem liên tiếp nhiều phim từ Nhật và Hàn, và mỗi phim lại đem lại một cảm giác khác nhau. “House of Hummingbird” của Kim Bora thì là một bộ phim tâm lý gia đình thật gần gũi và chân thật, xoay quanh câu chuyện tuổi mới lớn của cô bé Eun-Hee và những đứt gãy trong quan hệ với gia đình và bạn bè. “Our Little Sister” của Hirokazu Kore-eda thì xem dễ thương, ấm áp nhẹ nhàng. “Noroi: The Curse” thì khiến tôi gai người vì sợ do phong cách phim kinh dị found footage và những yếu tố đặc trừng của dân gian Nhật. “I am what I am” của Shinya Tamada đem lại cho tôi góc nhìn khá mới về cuộc sống và suy nghĩ về tình cảm của những người vô tính. “Microhabitat” của Jeon Go-Woon thì đem đến thêm một góc nhìn nữa về cách sống vô tư đúng nghĩa và những khó khăn trắc trở mà cái lối sống… không cần nhà ấy đem lại. “Solanin” của Takahiro Miki thì là một bản live action từ manga cùng tên của Inio Asano. Tôi nghĩ phim đã làm tốt trong việc truyền tải câu chuyện và ý nghĩa của “Solanin” lên màn ảnh, và bài hát “Solanin” của Asian Kung-fu Generations đã khiến tôi nghiện một thời gian tương đối dài.
“Departures” của Yojiro Takita là một tác phẩm thấm đầy triết lý nhân sinh của người Nhật - nhẹ nhàng, sâu sắc, không cần đến những ngôn từ đao to búa lớn. “Departures” có tên gốc tiếng Nhật là “Okuribito”, nghĩa là “Những người tiễn đưa”. Đó là một cách nói văn hoa để chỉ những người làm công việc khâm liệm thi thể để chuẩn bị an táng. Họ tự gọi mình là Người tiễn đưa, bởi vì công việc của họ chính là góp phần chuẩn bị cho người đã khuất đi vào hành trình về thế giới bên kia. Câu chuyện của “Departures” nói về cái chết; nhưng bộ phim lại tràn đầy sức sống. Suy cho cùng, chết chưa phải đã chấm dứt; mà như ông cụ làm việc ở nơi hỏa thiêu đã nói; “chết” thực ra là một cánh cửa, để mỗi người chúng ta đến một lúc nào đó sẽ bước qua, và đi tiếp, đến vô cùng.
“Monster” của Hirokazu Kore-eda thì là một trong những bộ phim ấn tượng nhất của năm 2023 với tôi. Đây là một bộ phim nên xem khi mà biết càng ít về nó trước đó thì càng tốt. Câu chuyện của “Monster” được kể từ ba góc nhìn khác nhau: một của người mẹ đơn thân, một của thầy giáo, và một của những đứa trẻ. Yếu tố queer trong “Monster” thực chất chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể của xã hội mà Kore-eda muốn truyền tải. Đó là xung đột gia đình, tâm lý tuổi mới lớn, bắt nạt học đường, kỳ thị đồng tính, bạo lực mạng, thêu dệt truyền thông, nội tâm phức tạp của cả người lớn lẫn trẻ em, đạo đức nghề nghiệp. Thảy đều được khai thác và diễn giải tỉ mỉ thông qua hiệu ứng Rashomon - một sự kiện được các cá nhân liên quan diễn giải theo nhiều góc nhìn khác biệt. Để rồi đến cuối cùng, khi đã nắm được bức tranh tổng thể, mỗi khán giả có lẽ sẽ phải tự vấn rằng: “Ai mới là quái vậy?”
Trong phim, từ "Monster" được sử dụng nhiều lần bởi các nhân vật; nhưng có đến hai cách dùng từ này. Đó là "Bakemono" - 化け物 và "Kaibutsu" - 怪物; trong đó "Kaibutsu" là từ được dùng làm tiêu đề phim. "Bakemono" và "Kaibutsu" đều có thể được hiểu là "Monster", nhưng hai từ ấy mang sắc thái hoàn toàn khác nhau. "Bakemono" là từ để chỉ một ai đó đã bị thay đổi và trở thành "quái vật". "Kaibutsu" thì lại là từ để chỉ một ai đó bẩm sinh đã là "quái vật". Ai cũng có thể trở thành "Bakemono", nhưng không phải ai cũng là "Kaibutsu".
Người bố của Hoshikawa Yori đã gọi cậu bé là một "Bakemono"; vì anh ta tin rằng con trai mình đã bị thay đổi, không còn bình thường nữa. Anh ta tin rằng Yori "bị bệnh", cho nên mới cố chấp tìm cách "chữa bệnh" cho cậu bé. Đối với anh ta, Yori đã trở thành một "quái vật". Trong khi đó, những đứa trẻ như Hoshikawa Yori và Mugino Minato lại tự xem bản thân mình là "Kaibutsu". Nó vừa để chỉ đến trò chơi đoán vai mang tên "Ai là quái vật nào?" của lũ trẻ, vừa để chỉ việc những đứa trẻ ấy, tự chúng biết bản thân mình sinh ra đã "không bình thường", đã "khác biệt" với những đứa trẻ khác.
Sử dụng từ "Kaibutsu" làm tiêu đề phim, dường như Kore-eda muốn truyền tải đến cho khán giả về tâm tư của những đứa trẻ, mà thậm chí cả những người lớn nữa; những người giống như Yori và Minato. Đó là những người luôn bị mặc cảm rằng bản thân mình "khác biệt", "không bình thường", là những "quái vật". Và có lẽ Kore-eda cũng muốn thông qua lời thoại của Minato nói với Yori để truyền đạt với tất cả những người như vậy rằng:
"Cậu đâu có vấn đề gì? Cậu vẫn luôn bình thường mà!"

KẾT

Hành trình điện ảnh năm 2023 của tôi nói chung khá viên mãn (đến giờ vẫn hơi ngạc nhiên khi mình xem được nhiều phim đến thế). Danh sách những phim tôi muốn xem còn rất nhiều, hẹn gặp lại mọi người trong bài viết tương tự vào cuối năm 2024. Còn mọi người thì sao nhỉ, năm vừa rồi có những phim nào các bạn cảm thấy tâm đắc hay chăng?