Tập Pokemon hôm đó để lại ấn tượng trong lòng tôi sâu sắc hơn hẳn so với các tập khác. Chú Cửu Vỹ Hồ, được xem là nhân vật phản diện của tập, mê hoặc Takeshi vì có ngoại hình giống người chủ cũ đã mất của mình. 
Nó mong muốn dùng phép thuật của mình để khiến anh trường sinh và sống mãi với nó, không bao giờ lìa xa. 
Có lẽ nó vẫn nhận ra việc làm của mình là xấu đấy, nhưng những ý nghĩ chia xa đã làm lu mờ tâm trí nó, nó không chấp nhận việc…
 Sẽ mãi mãi không nhìn thấy người chủ của mình. 
Hồi đó tôi lớp ba. Tôi đã dần lờ mờ nhận thức được sự hữu hạn của mình trên thế giới, và thầm ước mình gặp được Cửu Vỹ Hồ.
Hồi đó tôi vẫn còn ngây ngô lắm, chưa biết rõ sức nặng của cái chết, có lẽ đến bây giờ vẫn vậy. Thuở đó sợ chết chỉ vì sợ không được ăn ngon, mặc đẹp, không được làm nũng mẹ nữa. 
Người ta thường ví cái chết như một giấc ngủ vĩnh hằng, nhưng ta đâu thể ngủ mãi được, cũng phải dậy mà cảm nhận, mà tận hưởng hưởng cuộc sống nữa chứ.
Trí tò mò về sự chết cứ lớn dần trong tôi theo năm tháng. Còn quá trẻ để tìm hiểu về cái chết qua trải nghiệm thật sự, tôi tìm đến sách vở. 
Tôi đọc về cõi âm, các quan niệm về cái chết của các nền văn hóa khác nhau, trong đầu thầm mong sẽ đọc được thông tin về “sự bất tử”. Những càng đọc tôi càng nhận ra rằng bất tử gần như chỉ tồn tại trong những bộ hoạt hình thời thơ ấu. 
“Mãi mãi” có lẽ cũng chỉ là từ ngữ mà diễn viên trong phim ngôn tình thường hay nói mà thôi.
Nhận ra rất khó để né tránh cái chết, tôi dặn lòng mình phải học cách đối mặt với nó, nhìn thẳng vào mắt nó, mổ xẻ nó ra mà làm quen với cái hình thù của nó. 
Đó cũng là lúc tôi tìm đọc cuốn “Điểm Đến của cuộc đời” của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Cuốn sách kể về hành trình đồng hành của Bác Giang với những người cận tử trong những ngày cuối đời của họ. Cuốn sách chủ yếu xoay quanh bốn nhân vật: Hai mẹ con Nam và Hà, Liên, Vân (Tên một số nhân vật đã được đổi). 
Từng câu chữ, lời nói của họ đã chạm được đến tận đáy của trái tim tôi, khiến tôi phải thật sự suy ngẫm.
Tình mẫu tử thiêng liêng trong câu chuyện hai mẹ con  Hà và Nam
Nam là đứa trẻ chỉ độ sáu tới chín tuổi. Ở độ tuổi đó, theo bác Giang…
 “Trẻ em đã hiểu rằng cái chết là vĩnh cửu, chứ không phải là một trạng thái tạm thời. Nhưng phần lớn vẫn không nắm được tính phổ quát của nó. Chúng cho rằng cái chết không xảy ra với tất cả mọi người, nhất là không xảy ra với thầy cô giáo chúng, với bố mẹ chúng, hay với bản thân chúng.”
 Nam hồn nhiên, căn bệnh ung thư xương dường như không thể hủy hoại được phần hồn thơ ngây của một đứa trẻ. Tôi vẫn không thể ngừng xúc động sau khi đọc những lời của em.
“Mẹ ơi, có phải sau này ngày nào mẹ cũng cho con ăn hoa quả không?”
“Con nói thế nghĩa là thế nào?” Hà hỏi lại.
“Tức là sau này ngày nào mẹ cũng thắp hương cho con ấy, cúng hoa quả trên bàn thờ ấy.”
Tôi nghĩ về mẹ của mình, nước mắt chỉ trực trào ra. Còn thứ tình cảm gì thiêng liêng hơn tình mẫu tử, có nỗi đau nào lớn hơn mẹ mất con? 
“Con không cần nói như thế, vì con bị bệnh là nặng nhất rồi. Và đây là bệnh con không mong muốn. Do vậy, con là người đang chịu khổ, bất hạnh nhất chứ không phải là mẹ.” 
Tôi có thể hình dung ra được khi nói câu này, trái tim của chị đã đau như thế nào, chỉ chực vỡ tan thành trăm mảnh. 
“Khi vợ hay chồng bạn chết, bạn là người góa. Khi bố mẹ bạn chết, bạn trở thành mồ côi. Nhưng không có từ nào cho bạn khi con bạn chết.” Ann G. Smolen quan sát. “Nó không tồn tại trong từ vựng cảu chúng ta. Nó quá khủng khiếp để có thể gọi tên.
Đọc xong, tôi liền gấp cuốn sách lại, chạy ào ra ngoài gặp mẹ, và nói con yêu mẹ nhiều lắm.
Tính đúng đắn của cái chết nhân đạo
Chúng ta sinh ra có nhiều quyền hạn khác nhau, ta có quyền được giáo dục, quyền bầu cử, quyền được sống. Nhưng ở Việt Nam, con người vẫn chưa có quyền được chết.
 Nhiều người vẫn cho rằng hỗ trợ cho người khác chết không khác gì hành vi giết người, nó là phi đạo đức, là vô nhân tính. Nhưng thử hỏi giữ người bệnh sống không bằng chết thì liệu có được gọi là có đạo đức? 
“Hiện tại mọi thứ em đang làm là để sao cho cái chết của em nhẹ nhàng nhất. Em nghiêm túc mà mọi người vẫn không hiểu.”
“Nhà nước thật quá đáng, để bệnh nhân đau như này mà không có tiêm chết não.”
“Đây không phải tiếng rên bình thường nữa, nó là tiếng gầm gừ của một con thú kiệt sức. “ÔI MẸEEEE ƠIII...” Tôi cầm chai bia lạnh áp lên trán, lầm bầm. “Mẹ kiếp, mẹ kiếp, mẹ kiếp...”
Nỗi đau của Liên, Hùng và Vân có lẽ không một người khỏe mạnh nào có thể tưởng tượng nổi. Nó không phải nỗi đau mà những câu từ như “Gắng lên”, “Cố lên nào” sẽ xoa dịu được. 
Có lẽ cái chết sẽ là sự giải thoát tốt hơn cho họ chăng?
Ngọn lửa yêu thương trong những ngày tăm tối
Những người cận tử trong câu chuyện quan tâm tới người thân vô bờ bến, có lẽ còn hơn chính bản thân mình. 
“Nhưng Vân muốn ra đi để giải thoát cho mọi người, cô không muốn họ phải chứng kiến cô đau đớn.
“Nam cũng đã từng xin lỗi mẹ vì cậu làm mẹ vất vả. Liên khao khát một cái chết nhẹ nhàng để không gây chấn thương tâm lý cho người thân. Khi những người sắp chết nghĩ tới người xung quanh, họ tuyệt đẹp” 
Trước khi ra đi, Liên đợi chờ đến phát khóc ngày mà cháu của mình ra đời. Vân dành những phút giây cuối đời để nói lên những tâm sự của mình cho hai đứa con bé bỏng, Nam chào tạm biệt mẹ lần cuối trước khi cậu về với cõi niết bàn. 
Tình yêu lớn lao mà người cận tử dành cho những người xung quanh thật sự làm cho chúng ta, những người đang sống khỏe mạnh, phải thực sự suy ngẫm về bản thân mình. 
Trên tất cả, tình yêu vẫn luôn là kim chỉ nam để dẫn lối con người ra khỏi hố đen của tuyệt vọng. Thế nhưng, đôi khi con người ta vì mải mê chạy theo những phù hoa của cuộc đời mà bỏ quên tình yêu thầm lặng quanh ta. 
Đã bao lần chúng ta để ý đến những lần bố mẹ chờ cơm muộn? Đã bao lần chúng ta dừng lại và ngẫm nghĩ về những lần bố mẹ to tiếng, để thấy đằng sau là biển trời yêu thương? Đã bao lần, ta bỏ qua những bộn bề của cuộc sống, để nằm trọn trong vòng tay của bố mẹ, nói ra lời yêu như thưở còn bé thơ…
 Hãy trân trọng bố mẹ và những người thân quanh ta, đừng để mất đi họ rồi mới thấy hối hận,...
Lúc đó đã quá muộn rồi.
Cái chết giúp ta trân trọng cuộc sống hơn.
“Khi cuối cùng chúng ta biết là chúng ta sẽ chết, và mọi sinh linh khác cũng sẽ chết cùng ta, ta bắt đầu có một cảm giác cháy bỏng, gần như khiến trái tim thổn thức, rằng  mọi khoảnh khắc mới mong manh và quý báu làm sao.” – Thiền sư Sogyal Rinpoche.
Liên đã nhận ra sứ mệnh của cuộc đời mình: “Em sống là để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn, và qua đó cho họ động lực để sống tốt hơn.”
Từ khi con trai mình mắc bệnh, Hà làm từ thiện nhiều hơn, chị muốn sống thay cho phần con của chị nữa. Dường như khi tới gần với cái chết, con người ta nhận ra được những phút giây ta được cười nói, được hít thở, được ở bên người thân quý giá đến nhường nào.
 Từng giờ từng phút trôi qua đồng nghĩa với việc thời hạn của ta trên thế giới này đang ngắn lại, biết được cái chết đang đến gần khiến con người ta trân trọng cái quỹ thời gian vô hạn của mình hơn, làm điều ý nghĩa hơn cho cuộc đời.
 “Bông lau sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa... Lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp”
Kết
Đọc xong cuốn sách, tôi đã hết sợ cái chết chưa? Vẫn chưa. 
Tôi vẫn thấy khó chịu, vẫn thắt tim khi nghĩ tới việc mình không còn cảm nhận được thế giới. Tuy nhiên, giờ đây tôi đã sẵn sàng hơn để đối mặt với nó, tôi đã dám nhìn trực diện nó. 
Ngay cả cô gái mang trong mình căn bệnh ung thư vẫn cố gắng hết mình để đóng góp cho cuộc đời, vậy cớ sao tôi lại phải ngồi một chỗ than khóc về cái chết? 
Thực ra, cái chết không đáng sợ như ta thường nghĩ. Cái chết nuôi dưỡng sự sống, vì biết thời gian là hữu hạn nên ta mới trân trọng nó hơn. 
Mọi người thường hay hỏi vì sao mà tôi có thể thay đổi từ một đứa ham chơi thành một người chăm học. Chỉ đơn giản là vì tôi ý thức được sự ngắn ngủi của thời gian mà thôi.
Nguồn ảnh : internet
Nguồn ảnh : internet