Một khuyết điểm lớn nhất của hệ thống thuật ngữ VN là không có cơ quan tiêu chuẩn hóa thuật ngữ. Do đó tồn tại những thuật ngữ tiếng Anh nghe rất quen nhưng rốt cuộc chúng ta bế tắc, không biết phải dịch như thế nào. Vẫn có sự sinh ra những bản dịch mới, nhưng "mạnh ai nấy dùng" và hay xảy ra hiện tượng ông nói gà bà nói vịt, để rồi đi một vòng cũng trở lại tiếng Anh. Hôm nay, tôi xin lấy ví dụ những từ accuracy precision, mà mỗi nơi lại dịch mỗi khác, thậm chí cách dịch này còn chồng lên cách kia: độ chụm, độ đúng, độ chuẩn xác, độ chính xác, độ chính xác số liệu, độ nhất quán, v.v. Tôi cũng xin đề xuất và lý giải cách dịch của mình: độ/tính chuẩn xác, tinh xác, còn true value chân trị.
Về định nghĩa của ba từ trên, chắc hẳn ai học rồi cũng biết, và thực tế được giải nghĩa mới biết, nên tôi chỉ xin nhắc lại: độ chuẩn xác (accuracy) là độ "gần" giữa số liệu với chân trị (true value), độ tinh xác (precision) là độ "gần" giữa các số liệu với nhau. Nhìn 4 hình bên dưới (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới), ta thấy rõ hình 1 có độ chuẩn xác lẫn tinh xác đều thấp; hình 2 tuy có độ tinh xác cao nhưng độ chuẩn xác lại thấp, ngược lại với hình 3; còn hình 4 là "giấc mơ hoang" của các nhà nghiên cứu, khi độ chuẩn xác lẫn tinh xác đều cao.
Vậy tại sao lại dịch là độ chuẩn xác tinh xác? Tuy cả hai đều có trong từ điển tiếng Việt, nhưng tôi phải thừa nhận rằng hai cách dùng này được tham khảo từ "anh bạn hàng xóm" của chúng ta. Điều đó không có nghĩa ta đang nệ Nho, phụ dung, mà là mượn từ ngữ, học cách dùng và tư duy của họ để làm giàu ngữ vựng của ta, nhất là khi chúng ta thường chỉ biết đến "chính xác". Cách dịch của họ hợp lý, phù hợp thì tôi cho rằng cứ nên tham khảo. Còn xét tính hợp lý thì tôi xin giải nghĩa như sau:
- Với chuẩn xác, chuẩn (准) có nghĩa gốc là mức nước, mực nước, mở rộng ra là thước đo, khuôn khổ, vậy chuẩn xác là xác đáng dựa trên cái chuẩn. Rất hợp để miêu tả accurate.
- Với tinh xác, câu chuyện lại phức tạp hơn vì có vẻ các từ căn không gợi lên nghĩa, nhưng khi suy xét thì tôi lại phải xuýt xoa. Tinh (精) có nghĩa gốc là hạt gạo đã giã, dân gian hay có cụm từ "gạo trên sàng" là chỉ những cá nhân đã qua sàng lọc và có năng lực ngang nhau, chẳng hạn trong một cuộc thi thì các thí sinh vào vòng trong đều là gạo trên sàng. Vậy từ tinh xác hợp với nghĩa của precise (ngang nhau, cùng một sàng) trong văn cảnh đo lường nói riêng. Áp dụng chung cũng đúng, vì nghe đến từ precise, người ta nghĩ đến mức độ chính xác rất cao, cũng chính là tinh vậy.
Về true value, tôi nghĩ nên làm rõ trước rằng true không phải là đúng, mà cũng không hẳn là thật, dù có thể xem như thế, nhưng tuyệt nhiên không phải thực. Đúng correct, thực real (real numbersố thực, reality thực tại hoặc hiện thực). Còn thật thì có người cho rằng khác với thực, như học giả An Chi cho rằng về mặt chữ Hán, thật là 實 còn thực là 寔, nhưng cũng có ý kiến thật thực chỉ là hai âm đọc khác nhau của 實, phân biệt thế nào thì chủ yếu bằng ... thói quen. Dù sao đi nữa thì true cũng không hẳn là thật, ta có fact sự thật rồi, nên factual thì gần với thật hơn. Sát với true nhất là chân (真), chẳng hạn truth chân lý truth tablebảng chân trị (bảng giá trị chân lý), mở rộng ra còn có true value chân giá trị, true manngười đàn ông chân chính, có yêu chân thành (love me tender, love me true) thì mới có được chân tình (true love). Vậy tôi nghĩ có thể dịch true valuechân trị, nếu ngại dùng thì có thể thay bằng giá trị thật cũng được, đồng thời trueness (liên hệ với accuracy) là độ chân xác.
Chúng ta sẽ không xét tính đúng sai của những cách dịch "12 sứ quân" còn lại, nhưng dựa vào cảm thức ngôn ngữ chúng ta vẫn loại trừ được những phương án không phù hợp. Từ chính xác thường được hiểu là exact, không phải accurate; nếu xét từ căn cũng không đúng, vì chính (正) là đúng hệt, ví dụ như chính ngọ là đúng 12 giờ trưa chứ không phải quanh đó, không sát với accurate. Còn chính xác số liệu thì hơi dài dòng và thừa chữ. Đúng correct, nhất quán consistent (cách dịch cố định) không phải accurate lẫn precise. Chụm cho precise là cách dịch ước lệ dựa trên suy diễn, không đúng nội hàm "xác đáng" của precise, giống như dịch bias nôm na là chệch mà không phải thiên lệch là cách dịch đúng hơn.
Chúng ta nên cởi mở với việc thêm từ mới, nhằm làm giàu ngữ vựng của dân tộc, từ đó nâng tầm tư duy và cải chính cách hiểu các khái niệm hiện đại. Theo G.S. Nguyễn Ái Việt, tiếng Việt đang thiếu danh từ "do chưa phân biệt được các khái niệm có chút giống nhau", còn thiếu tính từ "do chưa nhìn thấy phẩm chất của sự việc", điều đó rất đúng với những cách dịch hai từ accuracy precision này. Tôi thì nghĩ ngôn ngữ không hẳn có lỗi, lỗi là ở chúng ta chưa mạnh dạn phát triển từ vựng mới, thậm chí không rõ ý nghĩa của từ vì dùng quen, từ đó sử dụng từ nôm na, đại khái, đánh đồng, tạo ra một hệ thống thuật ngữ rối rắm, bất nhất và thiếu chính xác. Chuẩn xác tinh xác cho accurate precise là hai cách dịch tham khảo mà tôi thấy tâm đắc, còn chân xác cho trueness, chân trị cho true value là đề xuất riêng, mời độc giả tham khảo.