Vài thập kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt những câu chuyện và hồi ký cá nhân về ly hôn. Có lẽ thành công nhất là tác phẩm Ăn, Cầu Nguyện và Yêu (2006) của Elizabeth Gilbert, khi đã bán được 12 triệu bản và được chuyển thể thành phim với sự tham gia của Julia Roberts. Trong tác phẩm bán chạy nhất về tan vỡ này của mình, Gilbert đã mô tả về vụ ly hôn kiệt quệ, dài đằng đẵng của cô và hành trình tìm cách chữa lành sau đó. Cuốn sách nổi tiếng không chỉ bởi tài năng viết lách của Gilbert mà còn nhờ khả năng nắm bắt nhận thức mang tính văn hóa về hôn nhân, rằng hôn nhân giống như một thể chế đối kháng với sự trưởng thành và tự phát triển cá nhân. Thêm nữa, cuốn sách chỉ là một trong hàng tá chỉ dẫn tới cùng một lãnh địa: sự tự do và tự khám phá nhờ vào việc thoát khỏi những ngách hẹp của quá khứ và kiến tạo một lối đi mới.
Trong khi cánh đàn ông đã viết kha khá sách về tư vấn hôn nhân thì chính họ lại chỉ viết một số lượng ít ỏi hồi ký về hôn nhân. Điều này gợi ra một thắc mắc: đàn ông không hề vui vẻ khi bước ra khỏi những cuộc hôn nhân tồi tệ, vượt qua cảm giác tội lỗi để cuối cùng tìm được cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn? Và nếu đúng là như vậy, tại sao họ lại không nói gì thêm? Những lời tuyên bố này chỉ được giới nữ suy xét, đàn ông sẽ cảm thấy bản thân quá ủy mị khi biện giải những ý tưởng kiểu này? Liệu khi thuật lại "Những điều tôi học được từ cuộc ly hôn của mình", thì một người đàn ông sẽ trông thật ái kỷ? Hay chỉ đơn giản là các ông không hứng thú với chủ đề này, hoặc chính họ không hề được giải thoát nhờ ly hôn?
Dưới bối cảnh hôn nhân truyền thống và dị tính, có một điều quan trọng cần nhận thức là việc phụ nữ được tự do thỏa thuận mối quan hệ sao cho phù hợp với lý tưởng của họ, hoặc là không cần gì cả chỉ mới xuất hiện gần đây. Và còn một điều quan trọng nữa là sự tự do này vẫn chưa đạt được trên khắp thế giới, hay trên toàn nước Mỹ. Từ góc nhìn này, hành trình của một anh hùng nguyên mẫu, cùng với những khát vọng khác do Gilbert và những người viết hồi ký khác kể lại, có vẻ như được sinh ra từ khát khao đẩy lùi những áp bức trong lịch sử. Giống như sử gia Stephanie Coontz đã bày tỏ ý kiến tranh luận của cô trên Thời báo New York, dưới tiêu đề How to Make Your Marriage Gayer (2020):
"Cho đến những năm 1970, khi một phụ nữ Mỹ kết hôn, chồng cô ta sẽ chịu trách nhiệm về tình dục, tài chính, tài sản, hành vi, vv của cô.Từ những năm 1970 đến 1980, những bà vợ đã giành được quyền bình đẳng với các ông chồng về mặt pháp lý và các tòa án đã xác định lại các trách nhiệm giữa vợ chồng trong các điều khoản trung lập về giới. Tới năm 1994, đa số người Mỹ đã chối bỏ sự cần thiết khi phân định vai trò của một giới cụ thể trong hôn nhân, họ cho rằng cùng chia sẻ trách nhiệm mới là lý tưởng."
Tuy nhiên, sự bình đẳng về mặt pháp lý lại không cần thiết đối với sự bình đẳng của phụ nữ trong hôn nhân. Như Coontz đã nhấn mạnh, khi kiểu mẫu chia sẻ trách nhiệm trở thành một nguyên tắc lý tưởng thì nó vẫn còn xa vời so với thực tế khi đem vào thực hành. Phụ nữ thời nay, ít nhất là những người có hôn nhân dị giới, phải làm nhiều gấp đôi việc chăm sóc con cái và gần như nhiều gấp đôi việc nhà khi so sánh với đàn ông, tính cả những phụ nữ đi làm toàn thời gian. Đàn ông sau khi kết hôn làm việc nhà ít hơn so với khi họ độc thân, trong khi phụ nữ lại làm nhiều hơn, nhất là khi họ làm mẹ.
Phụ nữ khả năng cao còn phải mang những gánh nặng về cảm xúc thuộc về mối quan hệ mở rộng với gia đình và bạn bè, để nhớ được các dịp sinh nhật, chuẩn bị quà tặng, các cột mốc khủng hoảng, và để gửi lại thiệp, gọi điện, kết nối với cộng đồng; một nhiệm vụ mà các nhà xã hội học gọi là "duy trì mối thân tình" (kinkeeping). Trong khi xu hướng này có khả năng tạo ra các mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với gia đình và bạn bè, thì nhà xã hội học Ronald Kessler và Jane Macleod lại quan sát được rằng nỗ lực này gây tổn hại về mặt tinh thần vì nó liên quan tới việc giúp người mình yêu thương xoay xở với các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Trong những trường hợp như vậy, thứ họ gọi là "cái giá của sự quan tâm" (cost of caring) khiến phụ nữ dễ bị trầm cảm, lo lắng và kiệt sức, một thực tế mà cánh đàn ông thường tránh né.
Khi đàn ông được cho là yêu thương vợ họ nhiều bằng vợ họ yêu thương họ (và trong vài trường hợp còn nhiều hơn), thì danh tính của họ lại ít được định hướng xoay quanh các công việc chăm sóc mà thường nghiêng về các thành tựu, tính tự định hướng và địa vị, theo một khảo sát về đàn ông và phụ nữ tại 68 quốc gia đã được xác nhận vào năm 2009. Tuy nhiên, định kiến về việc phái nam tự coi mình là trung tâm và thiếu hiểu biết đã phác ra một bức họa mờ nhạt về những trải nghiệm của đàn ông thời nay. Nó còn phớt lờ cái giá mà đàn ông phải trả khi chịu áp lực để đạt được địa vị và khả năng chịu đựng trong các mối quan hệ. Lấy ví dụ, nam giới chiếm gần ba trong số bốn 'cái chết vì tuyệt vọng' (deaths of despair), như cách gọi của các nhà kinh tế học Anne Case và Angus Deaton, do tự tử hoặc dùng thuốc quá liều, đặc biệt là những người ở cuối bậc thang kinh tế. Nhiều người đàn ông ngày nay cảm thấy mất bánh đà vì vai trò người cung cấp và người bảo hộ không còn là phương tiện để xây dựng danh tính nữa. Những người đàn ông thiếu khả năng cung cấp, bảo vệ hay có những đóng góp đáng kể cho gia đình là những người có ít khả năng hỗ trợ về mặt tâm lý cho người bạn đời của mình nhất. Những hỗ trợ cho trạng thái dễ tổn thương, hỗ trợ về cảm xúc và mang tính hợp tác sẽ dự báo một cuộc hôn nhân bền vững thời nay. Họ nhiều khả năng sẽ lui về cùng với cơn tức giận, sự nghiện ngập và lạm dụng internet - bộ ba đen tối khi người ta muốn được tự lo thân mình. Không may là thừa nhận sự mong manh của bản thân, nói ra cảm giác của mình và hỏi han bạn đời về cảm giác của cô ấy lại là điều cuối cùng mà cánh mày râu muốn làm khi họ cảm thấy lép vế hay khiếm khuyết. Và họ chắc chắn không hề muốn viết về nó.
Ảnh của <a href="https://create.vista.com/portfolio-photos/13193658/">AndrewLozovyi</a>
Ảnh của AndrewLozovyi
Quá ít sự thấu hiểu về đàn ông trong lĩnh vực chính trị cũng không giúp ích được gì. Như nhà kinh tế học Richard Reeves viết trong Of Boys and Men (2022), những người cấp tiến rất nhanh nhảu dán nhãn những hành vi có vấn đề của nam giới trong hôn nhân là bằng chứng của nam tính độc hại và đề xuất là nam giới cần khôi phục cách học hỏi để truyền đạt cảm xúc và nhu cầu của mình bằng các phương thức thích nghi hơn về mặt xã hội. Mặt khác, cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy lại vũ khí hóa sự mất trật tự của nam giới và đưa ra những lời hứa hão huyền như loại bỏ phụ nữ khỏi lực lượng lao động hay thiết lập lại vị trí ngồi đầu chiếc bàn kinh tế gia đình của nam giới – đồng thời lại không tán thành các chính sách về gia đình và nghề nghiệp hỗ trợ cho những lao động là nam giới và phụ nữ cùng gia đình của họ.
Một câu hỏi quan trọng là: Ai bỏ rơi ai? Có lẽ cánh đàn ông sẽ không viết về chuyện ly hôn của họ vì nỗi xấu hổ khi nhìn người bạn đời bỏ mình mà đi, bởi vì, đơn cử như ở Mỹ, trong hầu hết trường hợp, đàn ông thường là người bị bỏ lại. Lí do là đàn ông phải đấu tranh hơn để thể hiện sự yếu đuối và tính dễ tổn thương. Không có gì khó hiểu khi họ chẳng chờ mong gì việc bộc lộ chính mình theo cách này, hay là tìm kiếm một câu chuyện về trưởng thành và sự chuyển hóa. Thêm vào đó, đàn ông có thể đối diện với các ảnh hưởng xấu hơn về sức khỏe sau khi ly hôn hay góa bụa so với phụ nữ. Khả năng lớn hơn là họ sẽ chết hay đau ốm nếu họ không tái hôn hay có bạn tình mới. Khi người chồng là đối tượng thụ hưởng chính cho các công việc của người vợ, như lên lịch hẹn bác sĩ, gặp nhà trị liệu hay các hoạt động xã hội - sự thiếu vắng của những hành vi chăm sóc này có thể khiến nam giới trở nên độc lập nhưng theo một lộ trình kiểu tự bỏ mặc hay tự hủy hoại mình.
Một lý do nữa khiến những người đàn ông, ít nhất là những người kết hôn dị giới trở nên tồi tệ hơn sau ly hôn là một tỉ lệ đáng kể nam giới coi vợ là người bạn thân thiết nhất, nếu không phải là người bạn duy nhất. Phụ nữ nhìn chung nhiều hơn những mạng lưới xã hội mở rộng, điều này giải thích lý do họ phục hồi tốt hơn sau ly hôn, thậm chí khi thực tế là họ có những rủi ro tài chính lớn hơn. Tình bạn rất quan trọng và mang lại những lợi ích về tâm lý và sức khỏe. Vợ tôi gọi những người bạn thân nhất của mình là "các bồ tèo" (sister wives) của cô ấy. Tôi thích ý nghĩa kép của từ này, họ giống như chị em mà cũng giống như bạn đời. Mối gắn kết giữa họ là tình yêu thuần khiết chứ không phải tình yêu lãng mạn. Cô ấy thường xuyên chuyện trò với họ, có khi là mỗi ngày. Tôi cũng thích tỉ tê với vợ mình nhưng không phải lúc nào cũng muốn và đôi khi không muốn nói chuyện nhiều như cô ấy muốn. Cô ấy chấp nhận rằng chúng tôi có những khuynh hướng khác biệt bất thường trong việc đối thoại. Và việc chấp nhận sự khác biệt đó cho phép tôi cảm thấy thoải mái bày tỏ sự mong manh dễ vỡ của mình theo những cách mà tôi có thể sẽ né tránh trong những điều kiện hôn nhân kém thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, nhiều người đàn ông ngày nay lại bị mắc kẹt  giữa việc biết như nào là đủ mong manh với vợ họ và như nào là quá nhiều. Nhiều năm về trước, tôi đã thấy một bức tranh có hai người phụ nữ nói chuyện với nhau; tiêu đề ghi là: "Tớ muốn một người đàn ông rưng rưng nước mắt chứ không cần một người khóc tutu." Mặc dù điều đó có thể đúng hoặc không với đa số phụ nữ, nhưng chắc chắn đúng với một số người, ít nhất dựa trên thực tế của chính tôi. Điều đó có nghĩa là nam giới không phải là đối tượng duy nhất thực hiện việc kiểm soát giới tính xoay quanh những cảm xúc của đàn ông.
Một vài khác biệt này bắt đầu từ tuổi ấu thơ. Ở tuổi trưởng thành, đàn ông đôi khi kém linh hoạt hơn về mặt cảm xúc, một phần do bởi cha mẹ, thậm chí là cha mẹ thời nay cũng dùng lời lẽ tình cảm với con gái nhiều hơn là với con trai. Lý do cho điều này là vì con gái học nói sớm hơn con trai và nói nhiều hơn con trai trong suốt cuộc đời. Giáo sư tâm lý học Thomas Joiner đã khám phá ra rằng, nhìn chung, con trai thì có nhiều bí mật với cha mẹ hơn con gái, và cũng ít tương tác và ít cởi mở hơn với mẹ mình. Thực tế là khi gộp các giới tính vào cùng một nhóm, giới tính vươn lên đứng đầu như một yếu tố dự đoán cho tần suất phát ngôn, thậm chí vượt qua cả các đặc trưng tính cách như biểu cảm, cho thấy tầm quan trọng căn bản của nó. Joiner đã viết trong:  Lonely at the Top: The High Cost of Men’s Success (2011), rằng: "Tần suất phát ngôn hiển nhiên là quan trọng trong việc trao đổi giữa các cá nhân; thực sự nó có thể được xem như tiền tệ của nó... Trò chuyện có thể được coi như những mắt lưới nhỏ của tấm lưới xã hội; càng nhiều mắt lưới thì tấm lưới càng đa dạng và bền chắc." Đàn ông có ít bạn hơn, ít nguồn hỗ trợ hơn và càng ít khả năng đưa tay nhờ giúp đỡ. Điều này có nghĩa là, khi họ vấp ngã, thường sẽ chẳng có ai ở đó đỡ họ cả. Tệ hơn thì họ thường không cho ai biết là họ đang ngã xuống.
Xã hội của chúng ta và trong giới chúng tôi - những nhà trị liệu, lại lý tưởng hóa sự giao tiếp, tính mong manh và sự bày tỏ cảm xúc, nhìn chung vì lý do chính đáng. Nhưng đôi khi việc không bộc lộ bản thân - thường là cánh đàn ông - lại có giá trị của riêng nó. Nó giống như sự khác biệt trong việc làm cha mẹ quan sát được giữa nam giới và nữ giới. Các bà mẹ thường hay giao thiệp, đồng cảm hơn với con cái, và cũng dễ cảm thấy có lỗi và lo lắng về chúng hơn. Các ông bố thì có xu hướng ít bị đấu tranh trong việc đặt ra giới hạn, ít bận tâm đến đời sống nội tâm của các con, và hướng sự chú ý nhiều hơn đến các kích thích và sự phấn khích. Một cái mà nhiều quá thì sẽ hủy hoại đứa trẻ. Những cái khác nhiều quá sẽ làm giảm khả năng tự kiểm và nhận thức. Nhu cầu của mỗi người là khác nhau, cũng có thể nói điều tương tự về một cuộc hôn nhân lành mạnh: 
“Sẽ tốt thôi nếu có thể nói về cảm xúc của bạn nhưng cũng cần biết khi nào thì nên cất chúng đi.”
Bởi các nhà trị liệu vẫn hay khuyên rằng: "Trước khi bạn cho là không ai thèm nghe mình, hãy xem liệu bạn đã biết cách lắng nghe hay chưa."
Có lẽ đó là lý do mà những nhận định của diễn viên hài Chris Rock lại nhận được một tràng cười lớn, rằng đàn ông chỉ quan tâm tới ba điều sau: tình dục, thức ăn và sự im lặng. Nó cũng đúng phần nào. Nhưng tôi nghĩ thật ra không phải là sự im lặng mà đúng hơn là sự vắng mặt của xung đột. Phụ nữ thì vẫn không hề thích xung đột nhưng nhiều người kể rằng, giống như một sự khẳng định, khi mà chồng họ phàn nàn bởi vì ít nhất nó chứng tỏ anh ấy có quan tâm đến mối quan hệ. Trong khi đó, đàn ông thì lại coi những lời phàn nàn của vợ mình như thể họ đã làm sai gì đó trong vai trò một người đàn ông.
Bởi vì đàn ông trong hôn nhân dị giới hay đồng giới thường bận tâm về chuyện tình dục hơn phụ nữ, nên họ phải chịu đựng một cái giá lớn hơn khi thiếu đi tình dục. Hơn nữa, tình dục thường là cách để đàn ông tiếp cận với sự mong manh và biểu cảm của họ, điều mà phụ nữ coi trọng. Tôi thường thấy các cặp đôi ở trong một vòng xoáy đi xuống khi người vợ nói rằng cô ấy sẽ không còn muốn tình dục nữa, trừ khi người chồng bộc lộ nhiều hơn sự mềm yếu và cởi mở. Còn các ông chồng thì bộc bạch rằng họ thấy khó khăn hơn khi tiếp cận với tình trạng mong manh và cảm xúc lãng mạn nếu không có tình dục. Tôi thỉnh thoảng vẫn nghe các bà vợ phàn nàn rằng họ cảm thấy bị lợi dụng bởi mối bận tâm của chồng mình trong khi làm tình. Tôi nghĩ có sự hiểu lầm về tình dục trong hôn nhân là bởi vì: đối với hầu hết đàn ông, đó không chỉ là chuyện chăn gối. Mà là sự kết nối. Đúng thế, chính nó và tình dục.
Bốn mươi năm kinh nghiệm tư vấn cho nam giới và các cặp đôi đã giúp tôi nhận ra đàn ông cũng mong mỏi có những mối quan hệ gần gũi và thân mật. Nhiều khi họ bỏ mặc vợ mình để theo đuổi những mối quan hệ như thế khi họ cảm thấy bị phớt lờ hay ghẻ lạnh. Ấy vậy mà một người đàn ông rời bỏ hôn nhân vì tình yêu lại bị lên án và khinh miệt nhiều hơn một người phụ nữ. Về mặt văn hóa, điều này có thể ít được cho phép hơn và có thể lí giải vì sao nam giới không kể lại câu chuyện của chính họ. Có vẻ chúng ta vẫn thừa nhận rằng việc một người đàn ông từ bỏ hôn nhân là một hành động ích kỷ bởi chúng ta cho rằng người phụ nữ chịu đau khổ nhiều hơn trước những ảnh hưởng lên con cái họ. Thêm vào đó, những quan niệm lỗi thời của chúng ta về đàn ông đối với hôn nhân, cùng với xu hướng tự chủ hơn của nam giới có thể là nguyên nhân khiến chúng ta tin rằng đàn ông ít bận tâm hơn và vì thế họ không đáng có được nhiều sự cảm thông. Những niềm tin đó cũng có thể được thúc đẩy bởi thực tế là, theo truyền thống, đàn ông có khả năng tự lập tài chính tốt hơn phụ nữ và có cơ hội nối lại tình cảm sau ly hôn cao hơn.
Tuy nhiên, các ông bố trong thực tế lại lo lắng rất nhiều trước và sau khi ly hôn. Cụ thể là họ lo lắng về việc ly hôn sẽ ảnh hưởng tới con cái và mối quan hệ với chúng.  Với lý do chính đáng thì hóa ra đúng là như thế. Nghiên cứu gần đây của nhà xã hội học Rin Reczek tại đại học bang Ohio cùng các đồng nghiệp đã cho kết quả rằng, trong số những người được báo cáo có khoảng 6% trải qua giai đoạn ghẻ lạnh với mẹ và tới 26% cho biết trải qua giai đoạn ghẻ lạnh với bố, đặc biệt là các cô con gái. Mặc dù không phải tất cả các ông bố này đều ly hôn, nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng khoảng 70% các bậc cha mẹ bị ghẻ lạnh sẽ trở nên như vậy sau khi ly hôn.
Thật là bi kịch, mặc dù không có gì đáng ngạc nhiên, rằng các ông bố có nhiều khả năng bị con gái ghẻ lạnh hơn là con trai. Các cô con gái thường có nhiều khả năng nói cùng một ngôn ngữ với mẹ hơn, nên xu hướng đồng cảm của chúng cho phép chúng cảm nhận được những gì mẹ đang cảm thấy hoặc suy nghĩ ở mức độ gần như tâm linh. Như nhà báo Ruth Whippman đã nhận định trên Thời báo New York năm 2018:
Ở cả thời điểm tốt nhất và tồi tệ nhất, mối quan hệ giữa mẹ và con gái đôi khi có thể gần gũi như hai người có thần giao cách cảm. Với hai người, cả hai đều có mối quan hệ xã hội sâu sắc để có thể đoán trước và đáp ứng nhu cầu tình cảm của người khác, sự linh hoạt có thể trở thành một loại đồng cảm cảnh giác cao độ, mỗi người liên tục cố gắng giải mã những suy nghĩ của người kia, siêu nhạy bén với bất kỳ thay đổi nào về cao độ hoặc âm sắc, giống như một cặp ngựa đua nước đại.
Mặc dù khuynh hướng đó có thể tạo nên một mối quan hệ thân thiết, nhưng nó vẫn tạo ra gánh nặng. Mẹ và con gái là cặp đôi phổ biến nhất tìm đến dịch vụ của tôi sau khi con gái cắt đứt liên lạc. Đây là một ví dụ khác về cách thức vấn đề được tạo ra trong các công việc chăm sóc hay một doanh nghiệp mà nữ giới chiếm số đông. Sự ghẻ lạnh đôi khi xảy ra vì  con gái không còn cách nào khác để rũ bỏ bản thân trước sức lôi kéo cảm xúc của mẹ, đặc biệt là những cảm xúc đau đớn. Giống như Deborah Levy đã viết về một người mẹ giả tưởng trong tiểu thuyết Hot Milk (2016): "Tôi không bao giờ coi thất bại của bà ấy với tất cả những gì tôi biết, bởi vì tôi sẽ biến nó thành đá với sự khinh bỉ và nỗi buồn của mình."
Những cuộc hôn nhân phi dị giới lại chịu ít hơn sự chi phối bởi những kỳ vọng về vai trò giới tính, mặc dù đàn ông trong hôn nhân đồng giới vẫn cư xử khác biệt so với phụ nữ trong hôn nhân đồng giới. Giống như trai thẳng, những người đàn ông đồng tính cũng ít có sự gắn kết với những công việc chăm sóc thường thấy hơn ở phụ nữ trong hôn nhân dị giới và đồng tính nữ, nhưng họ lại có nhiều khả năng quan tâm một cách bình đẳng đến nhau khi cần thiết. Đồng tính nam làm tốt hơn trong cả hôn nhân và giao tiếp, và có tỉ lệ ly hôn thấp nhất nếu so sánh với trai thẳng và đồng tính nữ. Họ có khả năng cao hơn đối với việc thảo luận một cách cởi mở về hứng thú tình dục và biết cam kết về hoàn cảnh và loại hình tiếp xúc tình dục được cho phép bên ngoài phạm vi hôn nhân. Trong cuốn sách The Case Against the Sexual Revolution (2022), Louise Perry đã viết:
Sự khác biệt bình quân về tình dục nam giới và nữ giới sẽ biểu hiện rõ ràng hơn khi ta quan sát cộng đồng đồng tính nam và đồng tính nữ. Mặc dù chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa hai kiểu văn hóa tình dục này sẽ dẫn đến tranh cãi, vẫn có nhiều dữ liệu thực tế mà nếu bỏ qua thì sẽ là thiếu trung thực. Đồng tính nữ đặc biệt quan tâm đến chế độ một vợ một chồng: phụ nữ đồng tính tầm trung ở Anh báo cáo chỉ có một bạn tình hồi năm ngoái, và phần lớn báo cáo rằng trước khi quan hệ lần đầu tiên thì đã quen biết bạn tình trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Phụ nữ đồng tính cũng có nhiều khả năng kết hôn hoặc tham gia vào quan hệ đối tác dân sự hơn đáng kể so với nam giới đồng tính.
Tuy nhiên, so với các cặp đồng tính nam hay dị tính trong hôn nhân, hôn nhân đồng tính nữ cũng dễ đi đến hồi kết nhất. Như quan điểm của Coontz vào năm 2020:
Phụ nữ dành nhiều năng lượng hơn để duy trì và đi sâu vào sự thân mật hơn hầu hết đàn ông và có nhiều hơn các kỳ vọng lớn lao về sự đồng cảm và hỗ trợ cảm xúc. Họ còn kiểm soát chất lượng mối quan hệ sát sao hơn và đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho nó. Những đặc điểm này sẽ sản sinh ra những mối quan hệ cực kì thân mật và có tính hỗ trợ cao, nhưng họ lại tiêu tốn nhiều năng lượng hơn và có thể gây ra căng thẳng hay thất vọng. Điều này có thể giúp giải thích vì sao các mối quan hệ đồng tính nữ, dù có chất lượng bình quân cao nhưng tỉ lệ chia tay lại cao hơn các cặp đôi đồng tính nam hay dị tính.
Sử gia người Đức Ute Frevert đã nhận định rằng: "Cảm xúc không chỉ được tạo ra bởi lịch sử, nó còn tạo ra lịch sử". Có lẽ không có gì chân thực hơn ở cách mà các cảm xúc, hơn cả yếu tố kinh tế, đẳng cấp hay địa vị xã hội, lại trở nên thiết yếu trong việc xác định người mà ta sẽ yêu hay bỏ. Các nhà xã hội học hiện đại như Anthony Gidden tại Anh, Ulrich Beck tại Đức, và Pierre Bourdieu tại Pháp đã chỉ ra rằng, khi cuộc sống của chúng ta bắt đầu ít bị chi phối bởi tôn giáo, nơi ở hoặc giới tính, cảm xúc của chúng ra trở nên quan trọng hơn rất nhiều trong việc giúp chúng ta quyết định nên thân thiết với ai và tránh xa khỏi ai. Nó nhấn mạnh rằng, nếu việc phụ nữ hướng tới những công việc chăm sóc và đàn ông đặt nặng việc tự lực cánh sinh có thể đã được định trước, thì điều đó mới chỉ xuất hiện gần đây xuôi dòng lịch sử theo một số cách thức.
"Trong xã hội cục bộ và phân thứ bậc của thời kỳ tiền hiện đại, không có sự tương tác nào là không khách quan. Đàn ông cần phải đánh giá tâm trạng để xoa dịu cảm xúc những người có thứ bậc xã hội cao hơn họ; còn phụ nữ thì cảm thấy không có nghĩa vụ phải quan tâm đến những người có địa vị xã hội thấp kém hơn họ"
Sử gia Coontz giải thích như trên trong một thư điện tử trích dẫn từ cuốn sách sắp xuất bản của bà về lịch sử và tương lai của tình yêu và hôn nhân. Nhưng khi công việc tách rời khỏi gia đình và chính trị trở nên cạnh tranh hơn, đàn ông phải xa rời cảm xúc cá nhân và tập trung vào “điểm mấu chốt” (the bottom line). Vợ của họ phải chịu trách nhiệm cung cấp cho chồng mình một nơi ẩn náu khỏi những đòi hỏi của công việc và thị trường, dự đoán được những nhu cầu của họ và cung cấp nơi phục hồi cảm xúc. Trong suốt thế kỷ 18 và 19, học thuyết về các lĩnh vực tách biệt khiến nam giới không phù hợp với việc đọc vị và phản ứng với cảm xúc của mọi người, và cũng không phù hợp, đúng hơn là không thể chấp nhận nếu phụ nữ không làm như vậy.
Mở rộng vai trò của cảm xúc, nhà xã hội học người Israel Eva Illouz đã mô tả ba câu chuyện liên quan đến những chiêm nghiệm về việc ly hôn thời nay – phát giác, tích tụ và tổn thương. Trong quá trình này, các cá nhân giải thích lại mong muốn hay quyết định tách khỏi người mà họ từng có mối quan hệ tình cảm bằng cách dán nhãn hoặc sử dụng cảm xúc như nền tảng đạo đức để ủng hộ cho quyết định ở lại hay rời đi. 
"Tôi không cần lúc nào cũng cảm thấy bị bỏ rơi." 
"Tôi xứng đáng có được người công nhận con người thật của tôi." 
"Cơn tức giận của anh ta là một hình thức lạm dụng cảm xúc và tôi không tội gì phải chịu đựng nó."
Illouz lưu ý rằng, trong suốt thế kỷ 20, những lý do dẫn tới ly hôn đã trở nên cảm tính và trừu tượng hơn. Trong những năm 1940, nghiện rượu và bỏ bê là những lý do ly hôn phổ biến nhất; từ những năm 1970, thay thế cho hai lý do trên là "không chung chí hướng", "ngày càng xa cách" và "cảm thấy không được yêu thương". Khảo sát các mối quan hệ ở Mỹ (Relationships in America Survey) năm 2014 được tài trợ bởi Viện nghiên cứu gia đình và văn hóa Austin đã tổng hợp các lý do ly hôn: ngoại tình (37%), nửa kia không đáp ứng nhu cầu (32%), mệt mỏi do không có tiếng nói chung (30%), bạn đời còn nông nổi (30%), lạm dụng cảm xúc (29%), ưu tiên tài chính khác biệt nhau (24%) và lạm dụng cồn và/hoặc ma túy (23%).
Sự thân mật cảm xúc đã trở thành một tác động mang tính phi thể chế hóa, khiến cho hôn nhân sẽ phục tùng yếu tố tâm lý hơn là xã hội, tính cách cá nhân hơn là các vai trò và quy tắc, theo như Illouz trình bày trong The End of Love: A Sociology of Negative Emotions (2021). Và trong Why Love Hurts: A Sociological Explanation (2011), bà đã viết:
"Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tình yêu có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với phụ nữ trong suốt tiến trình lịch sử; nó hứa hẹn cho họ một nền tảng đạo đức và phẩm giá mà nếu không có thì họ sẽ bị xã hội phủ nhận và nó vinh danh vận mệnh mang tính xã hội của họ: chăm sóc và yêu thương người khác, làm mẹ, làm vợ, làm tình nhân... Nhờ vậy mà sự thấp kém về mặt xã hội của phụ nữ có thể được đánh đổi để có được sự tận tâm tuyệt đối của đàn ông trong tình yêu, theo đó đây lại thành nơi thể hiện và phô bày bản lĩnh, sức mạnh và danh dự đàn ông."
Ấy vậy mà lịch sử lại tiếp tục. Cơ hội để đàn ông thể hiện bản lĩnh phái mạnh và danh dự của họ đã bị xói mòn phần lớn, và khả năng phụ nữ vùng lên chống lại quan điểm coi họ là yếu thế đã được củng cố bằng nhiều cách thức để phụ nữ bắt kịp và vượt qua đàn ông.
Hãy xem xét các số liệu được trích dẫn bởi Reeves trong Of Boys and Men dưới đây:
- Nữ sinh vượt trước nam sinh khoảng 1 năm về khả năng đọc ở các quốc gia OECD, còn lợi thế trong môn toán của nam sinh đang ngày càng thu hẹp.
- Nam sinh có nguy cơ trượt các môn toán, đọc hiểu và khoa học cao hơn 50% so với nữ sinh.
- Nữ sinh có khả năng tốt nghiệp trung học phổ thông cao hơn.
- Trong khi các trường đại học Ivy League ở Mỹ từng luôn có nam sinh chiếm ưu thế, thì ngày nay, tất cả các trường này đều có đa số là nữ sinh.
- Phụ nữ chiếm khoảng một nửa các vị trí quản lý trong nền kinh tế Mỹ.
- Nhiều ngành nghề trước đây do nam giới thống trị, gồm y tế và quản lý tài chính đang nhanh chóng chuyển hướng sang nữ giới, đặc biệt là nhóm chuyên gia trẻ tuổi.
- Tỉ lệ nữ luật sư đã tăng 10 lần, từ 4% năm 1980 lên 43% năm 2020.
- Năm 1968, chỉ có 33% phụ nữ trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên và đầu độ tuổi 20 cho biết họ mong muốn được làm công việc được trả lương ở tuổi 35. Đến năm 1980, tỷ lệ này là 80%.
Điều này không có nghĩa là đã đạt được mặt bằng chung trên diện rộng. Chỉ một trong năm giám đốc điều hành công ty là phụ nữ và trong số 500 công ty do Fortune bình chọn chỉ có 44 công ty có CEO là nữ. Tỷ lệ tiền đầu tư mạo hiểm dành cho các nhà sáng lập nữ là dưới 3%. Vì vậy, ở tầng trên của nền kinh tế, phụ nữ vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, càng đi xuống bậc thang kinh tế, nam giới càng gặp khó khăn nhiều hơn phụ nữ.
Tóm lại, tại sao nam giới không chịu viết gì về trải nghiệm của họ?
Joyce Maynard, một tác giả bán chạy với 18 cuốn sách, bao gồm 2 cuốn hồi ký đã tổ chức các khóa viết trong hơn 20 năm. Dù các khóa viết hồi ký có cả dành cho nam giới nhưng bà thấy rằng họ hiếm khi tham gia. "Phụ nữ luôn kể cho nhau nghe những câu chuyện cuộc đời họ, và điều này không có gì là lạ. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, để một người đàn ông có thể tới một môi trường mở để phơi bày nỗi đau hoặc sự đấu tranh về cảm xúc, thì một trải nghiệm nào đó của anh ta phải khiến anh ta quỳ gối." Maynard bổ sung thêm, là một người từng hai lần theo học trong các cơ sở giáo dục từng chỉ dành cho nam giới của Ivy League, bà đã quan sát từ lâu về những khó khăn của nam giới, nhất là những người có thành tích cao, trong việc thừa nhận nỗi mất mát hay tính mong manh. Bà còn kể lại chuyện họp lớp với lớp học gần như toàn con trai hồi gần 50 năm trước tại học viện Phillips Exeter ở New Hampshire.
“Sau nhiều thập kỷ cảm thấy cần phải thể hiện mình là người thành công, khi ở tuổi gần 70, các bạn cùng lớp của tôi không còn cố gắng làm ra những thứ đao to búa lớn nữa. Họ đã sống sót sau những cuộc hôn nhân thất bại, vấn đề với con cái trưởng thành và các vấn đề sức khỏe. Nhiều ông còn cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng cùng có thể trút bỏ lớp áo mà nền văn hóa đã dẫn dắt họ mang sau bao năm. Họ đã có thể bộc lộ cái tôi thực chất bằng cách thức hoàn toàn mới. Và tất nhiên đó là những yêu cầu khi viết hồi ký: sẵn lòng nhìn vào thất bại cũng như chiến thắng và hiểu được ý nghĩa của chúng.”
Rõ ràng là có nhiều tác giả nam đang viết hồi ký về chủ đề này, như:
The Marriage Lesson That I Learned Too Late tạm dịch Những bài học quá muộn màng của tôi về hôn nhân (2022) của Matthew Fray; 
The Marriage Advice I Wish I Would've Had tạm dịch Những lời khuyên về hôn nhân tôi ước mình từng có (2014) của Gerald Rogers; 
Falling Forward: A Man's Memoir of Divorce tạm dịch Đổ về phía trước: Hồi ký về ly hôn của một mày râu (2014) của Chris Easterly;
A Man's Guide to Surviving Divorce: How to Cope and Move On with Life tạm dịch Hướng dẫn vượt qua ly hôn dành cho nam giới: Cách để đối diện và bước tiếp cuộc đời (2011) của R L Blackwood; 
Men on Divorce: The Other Side of the Story tạm dịch Đàn ông và Ly hôn: Mặt kia của câu chuyện (1997), một tuyển tập của các biên tập viên của Women on Divorce tạm dịch Phụ nữ ly hôn (1995) - cả hai đều là nữ.
Nhưng các tác phẩm này lại mờ nhạt so với những tác phẩm của các tác giả nữ.
Những thách thức còn tồn tại trong các cuộc hôn nhân ngày nay đang bị trầm trọng hóa bởi nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân cao độ tại Mỹ, nơi mà các bài thuyết giáo vừa kết nối tâm hồn con người lại vừa đề cao bản sắc và sự độc lập, khi cả hai thứ đó rõ ràng đều có tính khả thi. Tuy nhiên, việc dung hòa những lực lượng thường xuyên mâu thuẫn này đòi hỏi nguồn tài sản vật chất và tinh thần to lớn. Chính ý tưởng về lối sống "tự chủ" và sắp đặt cuộc sống giống như một dự án tự định nghĩa, lấy mục tiêu làm động lực và định hướng tương lai dường như yêu cầu các nguồn lực, không gian riêng tư và sự độc lập từ những người khác. Mà những ai sở hữu được nó lại chỉ có thể là người giàu hay giới thượng lưu, theo nhà xã hội học Joseph E Davis trình bày trong cuốn Chemically Imbalanced: Everyday Suffering, Medication, and Our Troubled Quest for Self-Mastery (2020). 
Và không phải là một điều đáng tiếc, dù hành trình thoát ra một cuộc hôn nhân tệ hại của một anh hùng có thể viết nên những hồi ký hấp dẫn và cảm động thì tại Mỹ, 67% các cuộc tái hôn kết thúc bằng ly hôn, 73% cuộc hôn nhân lần ba cũng không tiến được bao xa. Như Joni Mitchell đã hát trong bài hát Help Me (1974): "Chúng ta yêu tình yêu của mình. Nhưng không giống như ta yêu sự tự do của mình." Tự do ở lại. Tự do ra đi. Tự do lựa chọn. Ca từ phù hợp hơn có lẽ đến từ Sheryl Crow: "Nếu điều đó làm bạn hạnh phúc, nó không thể nào tệ đến thế. Nếu điều đó làm bạn hạnh phúc, thì thế quái nào bạn lại buồn phiền như vậy?"
Vậy thì, có thể, giống như nhiều sự việc trên đời, đàn ông muốn được tự do để khỏi bàn về nó, muốn được ở một mình để viết ra. Hoặc họ muốn được tự do giấu nhẹm đi nỗi buồn, cô đơn hay tổn thương do mất mát trong hôn nhân và sự sụp đổ trong mối quan hệ với con cái. Có thể họ lo mình trông sẽ yếu nhớt hay kém cỏi trong mắt chị em phụ nữ, hãy để mặc họ, nếu họ bộc lộ cảm giác lạc lối và cô đơn.
Và cũng có thể họ không hề sai.
Về tác giả
Joshua Coleman là một chuyên gia tâm lý hành nghề tư nhân và là thành viên cấp cao của Hội đồng Gia đình Đương đại (Council on Contemporary Families). Các cuốn sách của ông bao gồm The Marriage Makeover (2004), The Lazy Husband (2005), When Parents Hurt (2007) và Rules of Estrangement (2021). Ông hiện sống ở khu vực vịnh San Francisco.
Nguồn:  https://aeon.co/essays/women-write-about-their-divorce-experience-why-dont-more-men