Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 5 (1)

1. Lúc bình minh, nếu ta chẳng thể buộc mình rời khỏi giường, hãy tự nhắc bản thân: "Ta phải dậy và làm việc -  như một con người. Có gì để ta phải phàn nàn, khi ta thực hiện những thứ mà vì chúng mà ta được sinh ra, được đưa đến thế giới này để thực hiện? Hay đây là thứ ta được sinh ra để làm - Nằm rúc trong chăn hưởng ấm áp?"
Nhưng nằm đây trong chăn thật thoải mái.
Vậy ta sinh ra chỉ để cảm nhận sự thoải mái? Thay vì làm việc và trải nghiệm? Không lẽ ta không nhìn thấy cây cối, chim muôn, kiến, nhện, ong, chúng đều thực hiện nghĩa vụ của mình, góp phần tạo nên trật tự tự nhiên của thế giới, một cách tốt nhất chúng có thể hay sao? Còn ta, ta không chịu thực hiện công việc của mình như một con người? Tại sao ta vẫn chưa sốt sắng thực hiện những thứ mà tự nhiên đòi hỏi ở mình?
Nhưng chúng ta cũng cần ngủ.
Đồng ý. Nhưng tự nhiên đã đặt ra một giới hạn cho hoạt động ấy - như cách nó đặt ra giới hạn cho các hoạt động khác của chúng ta như ăn và uống. Và ta đã vượt quá giới hạn. Ta đã ngủ nhiều hơn cần thiết. Nhưng với công việc thì không. Ta vẫn làm ít hơn phần việc dành cho mình.
Ta không yêu quý bản thân mình đúng mức. Hay yêu tự nhiên, và thứ nó đòi hỏi ở ta. Những người yêu công việc họ làm thì quên mình với chúng, họ thậm chí còn quên tắm rửa hay ăn uống. Vậy không lẽ ta không một lòng với công việc của mình như người thợ khắc với việc chạm khắc, hay vũ công với việc nhảy múa, hay những kẻ tham lam với tiền bạc, kẻ đang ngoi lên trong xã hội với địa vị chức quyền? Khi họ thực sự chìm trong công việc, họ thậm chí quên ăn quên ngủ còn hơn rời bỏ làm gián đoạn công việc của mình.
Vậy không lẽ việc giúp đỡ người khác lại ít giá trị hơn với ta? Và không đáng để ta nỗ lực?
2. Giũ sạch mọi thứ bám víu và làm mình sạch sẽ - tất cả những phiền toái và sao nhãng - và đạt đến sự bình thản tuyệt đối.
Tất cả chỉ như trò chơi của trẻ con mà thôi.
3. Nếu một hành động hay lời nói là thích hợp theo tự nhiên, thì nó là thích hợp với ta. Đừng để bị thất vọng vì lời nói hay phê bình của người khác. Nếu nói hay làm theo cách ấy là đúng đắn, thì ta cần phải làm hay nói đúng như thế.
Người khác tuân theo đường hướng/nguyên tắc của riêng họ, hay sự thúc đẩy từ bên trong. Đừng để bị sao nhãng vì chúng. Hãy cứ bước tiếp con đường của mình. Thuận theo bản chất tự nhiên của mình (như một con người), và thuận theo Tự nhiên toàn thể - theo con đường mà cả hai tạo nên cho ta.
4. Ta sẽ làm mọi thứ thuận theo tự nhiên, cho đến khi ta phải nằm xuống và nghỉ ngơi. Giao phó hơi thở cuối cùng của mình cho cùng một nguồn mà từ đó ta có khả năng hít thở mỗi ngày, trở về với nguồn mà từ đó cha ta thu những hạt giống, mẹ ta nhận máu xương, người vú nuôi có sữa, và kết quả là ta có thức ăn, sữa uống mỗi ngày. Đất mẹ, thứ đã nâng đỡ mỗi bước chân ta, và cho ta bao nhiêu thứ trong đời.
5. Sống sao để không ai có thể nói ta là một kẻ nhanh trí (theo nghĩa giỏi ứng đối mà không thực sự tận tâm với công việc).
Được, nhưng cũng có những thứ khác mà ta không thể đoan chắc là: "không có trong mình". Hãy luyện phẩm cách mà ta có thể bộc lộ: lòng trung thực, nghiêm nghị, sức chịu đựng, tính cần kiệm, sự cam chịu, sự tiết chế, sự kiên trì, điều độ, đứng đắn, và một tâm hồn cao thượng. Không lẽ ta không thấy có bao nhiêu thứ ta có thể tiếp tục cống hiến - vượt trên lời thoái thác: "ta không thể"? Vậy mà ta vẫn chấp nhận để mình tầm thường. Hay đó là một thứ bẩm sinh, khiến ta cứ luôn than thở, tham lam, khúm núm xun xoe, hay làm ta than phiền về cơ thể mình, cầu cạnh và phô trương, trong khi bên trong lại vô cùng hỗn loạn rối ren?
Không. Ta có thể phá vỡ chúng và để mình được tự do, từ rất lâu trước đây rồi. Vậy nên, đáng ra phải là ta chậm chạp mới đúng. "Không phải là nhanh trí".
Và ta cũng cần phải cải thiện cái chậm trễ ấy. Nó không phải thứ ta có thể đơn giản là cứ phớt lờ, chứ đừng nói là hài lòng với nó.

6. Một số người, khi họ làm phúc hay giúp đỡ ai đó, luôn tìm cơ hội để nhắc lại việc làm tốt đẹp ấy của họ. Một số khác không như thế, nhưng họ vẫn luôn ghi nhớ trong đầu, và coi nó như một món nợ mà người họ giúp đỡ cần phải trả. Nhưng có những người thậm chí chẳng còn nhớ trong đầu. Họ giống như những cây nho, cứ mỗi năm lại ra từng chùm quả ngọt mà chẳng bận tâm có được đền đáp hay không.

Như con ngựa ở cuối đường đua ...
Như chú chó sau khi cuộc đi săn kết thúc ...
Như chú ong đã hoàn thành việc cất giữ mật ...
Và như con người sau khi giúp đỡ ai khác.
Họ không ồn ào khoe khoang về nó. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản là tiếp tục sống và làm những thứ khác, như cây nho trông đợi đến mùa ra hoa kết trái tiếp theo.
Ta cũng nên như vậy. Hành động đơn giản, hướng đến lợi ích cộng đồng, một cách gần như vô thức.
Đúng. Nhưng hãy ý thức về cái tính cộng đồng ấy. Vì đặc điểm của một giống loài mang tính cộng đồng, và vì vậy cần phải thấy mình thực hiện những hành động vì cộng đồng. Và tin tưởng rằng những người xung quanh cũng thấy như vậy.
Đúng. Nhưng đừng hiểu sai điều ta đã tâm niệm ấy. Vì như thế ta sẽ trở thành đúng những kẻ mà ta nhắc đến trước đó, bị mê muội bởi những lý lẽ có thể chấp nhận được (Lời người dịch: ý ở đây không rõ lắm, theo mình hiểu thì có vẻ Marcus đang nhấn mạnh đến việc chỉ thực hiện hành động vì cộng đồng mà thôi, nó sẽ khác với việc lấy lợi ích cộng đồng làm mục đích cho sự khoa trương khoe mẽ của người thực hiện hành động). Nhưng nếu thực sự nghĩ về những điều ta tâm niệm ấy, sẽ không cần phải lo lắng về việc sao nhãng bỏ bê những nhiệm vụ vì cộng đồng.
7. Những lời cầu nguyện của người Athen:
Hỡi Zeus, xin hãy cho mưa xuống, mưa xuống
Trên đất đai và ruộng đồng của Athen
Hoặc là không cầu nguyện - hoặc là cầu nguyện một cách thẳng thắn rõ ràng như thế.
8. Cũng giống như khi ta tình cờ nghe được người ta nói rằng: "thầy thuốc kê cho anh ta thực hiện thứ này thứ nọ" (như cưỡi ngựa, hay tắm nước lạnh, hay đi chân trần ...) ta cũng phải hiểu tương tự với điều này: "Tự nhiên kê cho anh ta bị ốm". Hay bị mù. Hay mất đi chân tay. Hay bất cứ thứ gì khác. Từ "kê" ở ý trên (bác sĩ kê) mang nghĩa là " ra lệnh, nhằm tốt cho sự hồi phục của anh ta". Và với tự nhiên cũng thế. Thứ xảy đến với mỗi chúng ta đều được sắp đặt. Chúng thúc đẩy số mệnh của tất cả.
Và khi ta mô tả thứ gì là "đang xảy ra”, ta đang nói theo cách của những người thợ xây, khi họ nói rằng phiến đá “chiếm chỗ” trong bức tường hay kim tự tháp, vì nó hỗ trợ cho cấu trúc, và đồng điệu hay phù hợp với những phần khác.
Vì chỉ có một sự kết hợp hài hoà duy nhất. Cũng giống như cả thế giới là một thể duy nhất được tạo nên bởi rất nhiều cơ thể nhỏ, thì số mệnh vũ trụ cũng là một mục đích duy nhất, kết hợp của toàn bộ mục đích của những phần nhỏ hơn. Ngay cả những kẻ vô học cũng trân trọng nó khi họ nói rằng thế lực nào đó mang đến cho họ điều này hay điều khác. Mang đến, đúng. Hay bắt phải tuân theo. Và trong trường hợp đó, hãy chấp nhận nó - như cách ta chấp nhận thứ thầy thuốc kê cho mình. Nó có thể không phải luôn nhẹ nhàng thoải mái, nhưng ta cần phải tuân theo nó, vì ta muốn mình khoẻ mạnh trở lại. Hãy xem xét thành tựu của Tự nhiên theo hướng ấy - theo cách ta xem xét sức khoẻ của mình - và chấp nhận thứ xảy đến (ngay cả khi có vẻ rất khó để chấp nhận được). Chấp nhận nó vì điều nó dẫn đến: sức khoẻ tốt của thế giới, và sự tốt đẹp thịnh vượng của Zeus, vị thần sẽ chẳng mang nó đến cho bất cứ ai nếu không phải vì lợi ích chung của toàn thể vũ trụ. Tự nhiên sẽ không làm như thế - mang thứ gì đó bất hạnh, không có lợi cho thứ nó cai quản.
Vậy nên, có hai lý do để trân trọng thứ xảy đến. Một là nó xảy đến với ta. Nó được kê cho ta, dành cho ta. Sợi tơ đã được xe từ rất lâu rồi, bởi nguồn cội xa xưa nhất.
Lý do thứ hai là thứ xảy đến cho mỗi cá nhân là nguyên nhân đem đến những gì tốt lành cho thế giới - nguyên nhân của phúc lợi, sự toàn vẹn, và thậm chí cả sự tồn tại của nó. Vì cái toàn thể sẽ bị thương tổn nếu ta cắt bỏ thứ gì - bất cứ thứ gì - khỏi tính liên tục và gắn kết của nó. Không chỉ là từng phần, mà cả mục đích. Và đó là thứ ta làm khi ta thất vọng và than phiền: chặt đứt và phá huỷ.
9. Đừng để mình cảm thấy bị chọc tức, thua cuộc, hay ngã lòng vì những ngày tháng có thể không được lấp đầy với những hành động thông thái và đúng đắn. Thay vào đó, hãy đứng dậy, quay lại con đường sau thất bại, và trân trọng bản thân vì đã sống, đã hành động như một con người - dù có không hoàn hảo đến thế nào - và trân trọng con đường mà ta đang cố gắng theo đuổi.
Và đừng nghĩ đến triết như người thầy chỉ dạy ta, mà như chút bọt biển và lòng trắng trứng dùng để chữa bệnh viêm mắt - như thuốc mỡ làm dịu cơn đau, hay như thuốc nước ấm áp. Đừng phô trương sự phục tùng cái lý trí toàn thể - logos, mà chỉ cần bản thân biết và vững tâm là đủ. Hãy nhớ: triết chỉ đòi hỏi ta thứ mà bản chất tự nhiên của ta đã luôn đòi hỏi. Trong khi thứ ta đang theo đuổi trong cuộc đời, một lần nữa, lại là thứ gì đó khác - thứ gì đó không thuận theo tự nhiên.
Nhưng cái gì được ưa chuộng hơn?
Đó chính là cách mà khoái lạc bẫy ta, chẳng phải sao? Không lẽ sự cao thượng không đáng được ưa chuộng hơn? Hay tự do tâm trí? Hay trung thực? Cẩn trọng? Sùng đạo? Và liệu có thứ gì đáng ưa chuộng hơn chính tư duy - hơn logic, hơn sự thấu hiểu? Nghĩ đến sự chắc chắn của chúng. Hay sự bình thản luôn luôn mà chúng có thể tạo ra.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)