Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 11 (3)
20. Linh hồn và ngọn lửa trong ta có xu hướng vươn lên cao vì bản chất tự nhiên của chúng. Nhưng chúng thuận theo sự an bài của thế giới và chấp nhận hoà trộn với mọi thứ ở đây. Còn những thành tố của đất và nước trong ta, chúng có xu hướng bị kéo xuống, cũng là bởi bản chất tự nhiên của chúng. Nhưng chúng bị bắt hướng lên, và nằm ở những vị trí không phải đúng cho chúng. Vậy đấy, ta có thể thấy ngay cả những thành tố cũng thuận theo sự an bài ấy - khi được sắp đặt và có phần nào ép buộc - và giữ vững vị trí ấy cho đến khi có dấu hiệu cho thấy chúng có thể từ bỏ và trở về với trạng thái đúng với bản chất của mình.
Vậy thì tại sao trí tuệ của ta lại là kẻ duy nhất chống đối - kẻ duy nhất phàn nàn về vị trí của mình? Đâu có gì ép buộc được nó. Chỉ toàn là những yêu cầu đến từ bản chất tự nhiên của chính nó. Vậy mà nó từ chối tuân theo, và cố chống đối bằng cách hành động ngược lại. Vì việc để bị cuốn theo những thứ sai trái và khoái lạc, hay cơn giận, nỗi sợ, sự đau đớn, là chống đối bản chất tự nhiên. Và để tâm trí phàn nàn về bất cứ thứ gì xảy đến thì cũng là từ bỏ vị trí mà nó cần phải chấp nhận. Nó được tạo ra để thể hiện sự sùng kính - tôn thờ đấng thiêng liêng – cũng nhiều như việc phải hành động theo công lý. Đó cũng là một phần của sự cùng tồn tại và nguồn gốc của sự công bình.
21. "Nếu ta không có một mục đích nhất quán trong cuộc đời, ta sẽ chẳng thể sống một cách kiên định trước sau như một"
Tức là vô dụng, cho đến khi ta xác định cho mình một mục đích.
Không có một chuẩn mực chung cho tất cả những thứ mà mọi người nghĩ là tốt đẹp - trừ một số rất ít, những thứ ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Vậy nên mục đích của ta cũng nên là thứ hướng đến tất cả - một mục đích của công dân nói chung. Nếu ta có thể hướng toàn bộ trí lực của mình vào đó, thì những hành động của ta sẽ có được sự nhất quán. Và bản thân ta cũng vậy.
22. Chuột nơi thành thị và chuột ngoài đồng quê. Sự khốn cùng và hoảng loạn của chuột nơi thành thị.
(Lời người dịch: Câu này chỉ có thể đoán ý mà thôi. Mình nghĩ Marcus đang so sánh hai hình ảnh này để nhắc bản thân về sự bức bách của chốn thành thị có thể ảnh hưởng thế nào đến tâm lý)
23. Socrates từng nói những ý kiến của đám đông chẳng khác nào: "con quái vật ở dưới gầm giường" - chỉ dùng để doạ trẻ con mà thôi.
24. Vào những ngày lễ hội, người Sparta đặt ghế của khách trong bóng râm, nhưng chính họ lại ngồi bất cứ chỗ nào cũng được.
25. Socrates từ chối lời mời của Perdiccas "để tránh chết hàng ngàn cái chết" (vì chấp nhận một ân huệ mà ông chẳng thể đáp lại)
26. Đây là lời khuyên được truyền lại qua những ghi chép còn được lưu của Epicurean: luôn nghĩ đến một trong những người thời xưa, người đã có thể sống một cuộc đời đạo hạnh.
27. Những người theo phái Pythagorean khuyên chúng ta hãy nhìn những vì sao lúc rạng đông. Để nhắc ta nhớ chúng cứ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao cho chúng - luôn luôn gắn với nhiệm vụ ấy, theo một cách kiên định. Và trật tự của chúng, tính thuần khiết, trần trụi. Những vì sao chẳng có bất cứ thứ gì để phải che giấu.
28. Socrates quấn mỗi chiếc khăn tắm, lần mà Xanthippe đã lấy chiếc áo choàng của ông và bỏ đi mất. Những người bạn cảm thấy xấu hổ và tránh khi thấy Socrates trong tình cảnh đó, và Socrates đã nói gì với họ.
(Lời người dịch: mình đã cố tìm nhưng giai thoại này không được lưu truyền lại đời sau. Nhưng theo style mình đọc từ Plato thì chắc có lẽ Socrates sẽ nói: Khi nhìn những con ngựa, chúng cũng trần truồng, nhưng các ông có quan tâm chym chúng dài ngắn thế nào hay không? Hay điều duy nhất các ông quan tâm là chúng phi nhanh như thế nào. Hay đối với chó săn cũng vậy, điều các ông quan tâm đâu phải là những bộ phận của chúng, mà là cái khả năng đi săn của chúng, quyết định chúng là chó săn tốt hay tồi? Vậy tại sao các ông không thể chỉ quan tâm đến tôi như một con người, mà phải ngượng ngùng vì cách ăn mặc trong tình cảnh này?)
29. Trong các kỹ năng đọc và viết, để có thể chỉ cho người khác những quy tắc, ta trước nhất cần chính mình học được và tuân thủ những quy tắc ấy. Và điều ấy còn quan trọng hơn rất nhiều nếu "kỹ năng" ta xét đến là cách sống cuộc đời mình.
30. Vì ta chỉ là một nô lệ, một kẻ tuân lệnh, và chẳng thể đòi hỏi gì ở cái lý trí toàn thể - logos - ấy cả (trích từ một vở bi kịch cổ)
31. Nhưng trái tim ta hoan hỉ (trích Odyssey - Homer)
32. "Và chế nhạo phẩm cách bằng những lời trêu chọc và nụ cười khinh bỉ của chúng" (trích Works and Days - Hesiod)
33. Khờ khạo, điên rồ là chờ đợi quả vả vào mùa đông, hay mong tìm lại đứa con bé bỏng của mình khi nó đã quá tuổi trưởng thành.
34. “Khi anh hôn con trai mình trước khi nó đi ngủ”, Epictetus nói, “hãy tự nhủ thầm với chính mình: Nó hoàn toàn có thể chết vào sáng mai"
Nhưng đó là những lời nói xui rủi.
Việc nói về những sự kiện tự nhiên ư? Liệu có gì thay đổi được số phận không, khi ta nói rằng bông lúa đang được gặt?
35. Những trái nho.
Còn xanh ... chín mọng ... rồi khô lại
Luôn trong quá trình chuyển hoá
Không phải là "không", mà là "chưa".
36. "Không ai có thể lấy trộm tự do ý chí của ta" - Epictetus
37. Epictetus cũng nói rằng: "Chúng ta cần nắm vững được nghệ thuật của sự đồng ý. Chúng ta cần chú tâm vào những khích động bên trong mình, đảm bảo rằng chúng không trở nên quá mãnh liệt, rằng chúng thuận theo lợi ích chung của cộng đồng, và rằng chúng tương xứng với giá trị thực sự của những thứ chúng hướng ta nhắm tới. Ta cần gạt bỏ dục vọng dưới mọi hình thức và không cố tránh những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân mình".
38. "Đây không phải là cuộc tranh biện về bất cứ thứ gì", ông ấy nói, "mà là về chính sự minh mẫn sáng suốt"
39. Socrates: "Liệu anh muốn gì, đầu óc lý trí hay không lý trí?"
Chắc chắn là đầu óc lý trí rồi.
"Lành mạnh hay bệnh hoạn?"
Lành mạnh.
"Vậy thì hãy cố gắng để có được chúng".
Chúng tôi đã có rồi.
"Vậy tại sao vẫn còn tranh cãi?"
Bản tiếng Anh
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)

Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Andy Luong

2 cái noti nho nhỏ:
_ Mai mình sẽ post Quyển 12 phần 1, vì tuần sau đi công tác. Nhưng khuyến khích ace đặt lịch t7 tuần sau hẵng đọc nhé, Meditations không đọc vội được đâu :v
_ TIN MỪNG (mà k phải cưới :|)
Spiderum đã trả lời mình rằng đang lên kế hoạch và hy vọng bản dịch full cuốn Meditations sẽ được xuất bản vào thời gian vô cùng sớm sắp tới (hứa hẹn trong năm nay). Ace nhớ tích thóc mua ủng hộ mình nhé <3
- Báo cáo