Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương
img_0

Quyển 11 (2)

12. Linh hồn là một khối cầu trong trạng thái cân bằng: không cố nắm lấy những thứ bên ngoài nó, hay thu lại vào trong. Không vỡ tung ra bên ngoài, không chìm sâu vào trong, nó rực rỡ dưới ánh sáng mà qua đó nó nhìn thẳng vào chân lý – bản chất của mọi thứ bên ngoài và của chính nó.
13. Ai đó khinh thường ta.
Đó là vấn đề của họ.
Vấn đề của ta: không làm hay nói thứ gì để có thể bị khinh thường.
Ai đó ghét ta. Đó là vấn đề của họ.
Vấn đề của ta: có thể luôn nhẫn nại và vui vẻ với mọi người, bao gồm cả những người đó. Sẵn sàng chỉ cho họ lỗi lầm của họ. Không hằn học, hay phô trương khả năng tự kiểm soát của bản thân mình, mà theo một cách thực lòng, ngay thẳng. Như Phocion (nếu không phải ông ta chỉ giả vờ mà thôi). Đó là cách chúng ta nên giữ trạng thái bên trong mình, và không bao giờ để thần linh thấy ta trong tình trạng giận dữ hay căm hận.
Bao lâu ta còn có thể làm những điều đúng với bản chất của mình, và chấp nhận thứ mà tự nhiên toàn thể của thế giới ban cho ta - bao lâu ta còn có thể làm việc vì lợi ích của những người khác, bằng bất cứ phương tiện, cách thức nào mà ta có – thì liệu có gì có thể thực sự hại ta hay không?

14. Họ nịnh nọt nhau khi thực ra rất khinh nhau, và cái khát vọng thống trị nhau, chính nó lại khiến họ trở nên cúi đầu khom lưng và lúng túng.

15. Vẻ giả dối đáng khinh của những người mở lời: "nghe này, tôi sẽ sòng phẳng và công bằng với bạn". Lời ấy có ý nghĩa gì? Nó thậm chí còn chẳng cần phải được nói ra. Điều đó nên là hiển nhiên - được viết bằng chữ in hoa ngay trên trán ta. Nó cần được nghe thấy qua giọng ta, được nhìn thấy qua mắt ta, như một người nhìn vào mặt tình nhân và có thể nắm được toàn bộ câu chuyện qua một ánh nhìn. Một con người thẳng thắn, chân thật nên giống một người nặng mùi, chỉ ở trong cùng phòng với anh ta là ngay lập tức biết điều đó (Lời người dịch: thực sự là một hình ảnh so sánh độc nhất vô nhị). Nhưng sự giả vờ chân thật thì giống như con dao ở sau lưng vậy.
Tình bạn giả dối là điều tệ nhất. Tránh xa nó bằng mọi giá. Nếu ta chân thật, ngay thẳng, và có ý định tốt, nó cần được thể hiện qua đôi mắt ta. Sẽ không thể nhầm lẫn được.
16. Sống một cuộc đời tốt đẹp:
Ta có khả năng làm điều đó. Nếu ta học được cách để có một thái độ không khác biệt (indifferent) với những thứ không tạo ra sự khác biệt nào mà ta xem là quan trọng. Đây là thứ ta cần học: bằng cách xem xét mọi thứ, từng phần lẫn toàn thể. Ghi nhớ trong đầu rằng không một thứ gì bên ngoài có thể điều khiển cách ta nhận thức về nó. Chúng không thể áp đặt bản thân lên ta. Chúng lảng vảng trước mắt ta, nhưng không thể tác động đến nhận thức của ta. Chính ta mới là người tạo ra những đánh giá - rồi, nếu ta có thể nói, là ghi/áp chúng lên chính mình. Nhưng ta không nhất thiết phải làm vậy. Ta có thể giữ trang giấy trắng - và nếu một vết nào đó quệt lên đó, ta có thể ngay lập tức tẩy nó đi.
Đồng thời hãy nhớ rằng ta chỉ cần phải chú tâm như thế trong khoảng thời gian ngắn ngủi thế nào. Vì sớm thôi cuộc đời sẽ kết thúc.
Và tại sao điều đó lại là quá khó khi mọi thứ dường như đều chống lại ta? Nếu hiện trạng ấy được sắp đặt bởi tự nhiên, chấp nhận nó một cách bình thản và dừng việc chống trả. Còn nếu không phải, thì hãy nắm chắc thứ bản chất tự nhiên của ta đòi hỏi, và hướng đến mục tiêu ấy, ngay cả khi nó không mang lại cho ta chút vinh quang nào hết.

Không ai bị ngăn cấm trong việc cố đạt đến sự tốt đẹp thực thụ như một con người.

17. Nguồn gốc và thực chất của mọi thứ. Chúng biến đổi thành cái gì, và dạng mới mà chúng sẽ trở thành sau quá trình biến đổi, và rằng việc biến đổi ấy thực ra chẳng mang lại chút hại nào cho chúng. 
18. (10 suy nghĩ cần nhớ khi thấy mình bị chi phối bởi cơn giận)
i. Quan hệ của ta với họ. Rằng chúng ta xuất hiện trên thế giới này là vì nhau (cộng hưởng tồn tại). Hay từ một góc nhìn khác, ta đến với thế giới này để đóng vai trò người cai quản họ - như con đầu đàn trong bầy.
Bắt đầu từ điểm này: nếu không phải là các nguyên tử, thì là Tạo hoá - điều vận mọi thứ. Trong trường hợp này, những thứ thấp kém hơn phải vì những thứ cao hơn, và những thứ cao hơn vì nhau.
ii. Họ hành xử thế nào khi ăn uống, trên giường ngủ, vv. Tín ngưỡng của họ định hướng họ thế nào. Họ tự hào thế nào về những thứ họ làm.
iii. Rằng nếu họ đúng khi làm thế, thì ta chẳng có quyền gì mà phàn nàn. Nhưng nếu họ làm thế là không đúng, thì họ đã làm thế một cách không cố ý, mà vì ngờ nghệch, vô minh. Vì cũng như mọi linh hồn đều không cố ý đi ngược lại với chân lý, thì mọi linh hồn đều không cố ý khi đối xử không đúng mực với linh hồn khác. Đây chính là lý do tại sao họ tức giận khi bị gọi là bất công, hay kiêu ngạo, hay tham lam - bất cứ sự bóng gió nào về việc họ không phải người tốt.
iv. Rằng bản thân ta cũng đã mắc đủ thứ sai lầm. Ta cũng chỉ như họ mà thôi.
Ngay cả nếu có những sai lầm đến giờ ta đã giữ cho mình tránh được, ta vẫn có khả năng mắc chúng trong tương lai.
Hay nếu sự nhút nhát đã giữ ta xa chúng. Hoặc nỗi sợ mọi người sẽ nói gì nếu thấy ta phạm phải chúng. Hay những lý do khác cũng tệ như thế.

v. Rằng ta chẳng thể biết chắc điều họ làm là sai lầm. Rất nhiều thứ là bước nối, phương tiện cho những mục đích khác. Ta cần phải biết, phải trải nghiệm rất rất nhiều trước khi ta có thể phán xét hành động của người khác bằng sự hiểu biết thật sự.

vi. Khi ta mất bình tĩnh, hay thậm chí cảm thấy tức giận: hãy tự nhắc mình rằng đời người thực ra ngắn ngủi lắm. Chẳng bao lâu nữa tất cả chúng ta sẽ nằm dưới đất bên cạnh nhau mà thôi.
vii. Rằng không phải những thứ họ làm khiến ta phiền lòng: vì vấn đề đó là của tâm trí họ, không phải tâm trí ta. Đó là ngộ nhận của ta. Loại bỏ nó. Hãy sẵn sàng để có thể từ bỏ suy nghĩ rằng đó là một thảm hoạ ... và cơn giận của ta sẽ qua đi. Ta có thể làm điều đó như thế nào? Bằng cách nhận ra rằng không một hành động sai lầm nào của người khác lại có thể khiến ta phải hổ thẹn. Vì nếu không phải sự nhục nhã, hổ thẹn (vì không thể sống như một con người tốt đẹp) là điều xấu xa duy nhất, ta đã tự bắt mình phải chịu bao nhiêu tội - trở thành một tên trộm, hay những thứ có Chúa mới biết.

viii. Tức giận và đau buồn còn gây hại nhiều hơn thế nào so với những thứ khơi gợi chúng.

ix. Rằng lòng tốt là tối thượng, miễn là nó chân thành - chứ không phải mỉa mai hay giả vờ. Có gì mà một người xấu xa nhất có thể làm nếu ta tiếp tục đối xử với anh ta bằng lòng tốt và nhẹ nhàng uốn nắn anh ta - nếu ta có cơ hội - sửa đổi anh ta một cách thân thiện tại chính thời điểm mà anh ta định hại ta. "Không, không, bạn của ta. Đó không phải điều chúng ta ở đây, trên thế gian này, để làm. Vì không phải ta sẽ bị hại bởi nó. Mà là chính anh". Và chỉ cho anh ta, nhẹ nhàng thôi, và đừng chỉ tay, rằng như thế đấy. Rằng những con ong không hành động như thế - hay bất cứ loài vật nào mang bản chất cộng đồng. Đừng làm việc đó một cách nhạo báng hay lên mặt chê trách, mà bằng sự quan tâm chân thành - với không chút căm ghét, hận thù nào trong tim. Và cũng đừng lên mặt giảng đạo hay cố gây ấn tượng với bên thứ ba, mà hãy nói trực tiếp với anh ta. Ngay cả khi có những người khác ở xung quanh.

Hãy ghi nhớ 9 điểm ấy trong tâm trí, như món quà của 9 nữ thần, và bắt đầu trở thành một con người chân chính. Từ giờ cho đến cuối cuộc đời.
Và bên cạnh việc không để mình tức giận với người khác, cũng đừng cố làm hài lòng ai. Cả hai đều là những dạng ích kỷ; cả hai đều sẽ làm hại chính ta. Khi ta bắt đầu để mình mất bình tĩnh, hãy nhớ: Chẳng có gì mang tính người trong cơn thịnh nộ hết. Vì chỉ có sự nhã nhặn và lòng tốt mới định nghĩa con người - một người trưởng thành. Đó là người sở hữu sức mạnh, và khí phách, lòng can đảm, chứ không phải một kẻ rên rỉ ưa giận dữ. Vì một tâm trí tự do khỏi những cảm xúc mạnh mẽ bao nhiêu, thì nó cũng gần với sức mạnh toàn vẹn của nó bấy nhiêu: và vì, cũng giống như cảm giác đau đớn là biểu hiện của sự yếu đuối, thì giận dữ cũng vậy. Bởi việc để mình bị đau đớn chi phối hay bị cơn giận làm chủ, thì đều ở trong tình trạng chịu đựng, và đầu hàng.
... và một suy nghĩ nữa, từ Apollo:
x. Rằng việc mong đợi những kẻ xấu xa không làm hại người khác là điên rồ. Đó là đòi hỏi cái không thể. Và biết rằng họ (những kẻ xấu) hành xử như thế với người khác mà lại hy vọng họ sẽ không làm thế với mình là ngạo mạn - cách suy nghĩ của một bạo chúa.
19. Bốn thói quen của trí óc cần phải cảnh giác, và xoá bỏ chúng khỏi tâm trí ngay khi ta nhận ra chúng. Nói với bản thân mình:
Ý nghĩ này là không cần thiết.
Ý nghĩ này là không mang tính xây dựng, hay có hại cho những người xung quanh ta
Đây có lẽ không phải là điều ta thực sự nghĩ (việc nói những gì mình không thực sự nghĩ - chẳng phải đó là định nghĩa của sự ngớ ngẩn, lố bịch hay sao)
Và lý do thứ tư để tự trách mình: rằng phần thiêng liêng hơn trong ta đã bị đánh bại và phải phục tùng phần thấp kém hơn - xác thịt và những khích động khoái lạc hưởng thụ của nó.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)