Bụi mịn tưởng chừng như vô hình lại có tác hại khôn lường rõ như ban ngày. Mình dịch bài này cốt vì muốn tự bảo vệ bản thân và chia sẻ cùng những người xung quanh chứ không mang tính dọa dẫm hay làm quá vấn đề vì bài viết này:
  • Giải thích khái niệm cơ bản về bụi mịn và tác hại lên cơ thể con người.
  • Có giả thuyết rất mới về tác động của bụi mịn lên não và các bệnh lão hóa.
  • Đáng tin cậy vì tác giả rút ra kết luận từ kết quả nghiên cứu ước lượng, dài hạn, và giả thuyết từ các trường danh tiếng.
Tuy nhiên, bài viết có điểm trừ vì:
  • Mạch lạc nhưng có phần chưa súc tích. 
  • Không đề cập đến các nghiên cứu trái chiều. Công ty thực phẩm chức năng xuất bản bài báo này, Elymsium Health, tập trung vào lĩnh vực chống lão hóa nên đã có thể hơi thiên vị trong việc lựa chọn các kết quả nghiên cứu.

Trước khi bạn đọc

PM10: Chất dạng hạt nhỏ hơn 10 micromet, bằng một phần chiều rộng của sợi tóc. Thường do đốt nhiên liệu hóa thạch. 
PM2.5: Chất dạng hạt nhỏ hơn 2,5 micromet (bụi mịn). Thường do đốt nhiên liệu hóa thạch, bụi, và má phanh mòn (má phanh: một bộ phận trong hầu hết các loại xe giúp giảm tốc độ của đĩa phanh). Kích thước càng nhỏ, càng nguy hiểm vì chúng có thể đi vào phế nang trong phổi, sau đó là máu và não.  
AQI: Chỉ số chất lượng không khí, đo nồng độ của 5 chất gây ô nhiễm: Ozone ở tầng thấp, chất dạng hạt (PM), carbon monoxit (CO), lưu huỳnh dioxit (SO2), và nitơ dioxit (NO2). Thang đo từ 0 đến 500. Chỉ số càng thấp, chất lượng không khí càng tốt. 
Image result for bảng AQI(Bảng chỉ số AQI từ “Chỉ số chất lượng không khí (AQI)—TECOTEC Group,”)
Đường hô hấp trên: miệng, mũi, xoang, cổ họng, thanh quản và khí quản.

EPA: Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh Hoa Kỳ.

Beta-amyloid: protein tích tụ thành tảng, xuất hiện ở bệnh Alzheimer (một dạng phổ biến của hội chứng suy giảm trí nhớ) làm cản trở giao tiếp giữa nơron. 

Bệnh sa sút trí tuệ (Dementia): ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày vì bệnh nhân mắc các triệu chứng về trí nhớ, suy nghĩ, và khả năng tương tác xã hội.

7 triệu: Số người chết hằng năm do ô nhiễm không khí trong và ngoài trời (theo WHO).

BỤI MỊN ĐANG LÀM GÌ VỚI NÃO CỦA BẠN?


Ai cũng biết không khí ô nhiễm không tốt cho bạn. Các nhà nghiên cứu đã biết tác hại của không khí ô nhiễm lên con người từ nhiều thập kỷ trước. Các hạt nhỏ, từ khói thải công nghiệp và xe cộ, chui vào phổi và làm tăng khả năng ung thư. Những phân tử cực nhỏ như carbon và kim loại nặng còn chui vào máu gây hại và dẫn đến bệnh tim. Những nghiên cứu về tác động tiêu cực của không khí ô nhiễm lên con người góp phần lớn trong việc thúc đẩy đạo luật về Không Khí Sạch (The Clean Air Act) năm 1963 ở Mỹ, cùng với sự ra đời của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh Hoa Kỳ (EPA) năm 1970, tạo những bước tiến lớn trong việc lọc chất ô nhiễm và giảm tác động của chúng lên con người. 

Nhưng tất nhiên, ô nhiễm không khí vẫn còn đó. Số xe hơi trên thế giới tăng gấp bốn kể từ những năm 70. Dù năng lượng sạch có được dùng, than vẫn chiếm 40% tổng năng lượng đầu ra. Bệnh tật đi kèm ô nhiễm sẽ còn dai dẳng. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) ước tính không khí ô nhiễm (trong và ngoài trời) lấy đi 7 triệu mạng người trên thế giới mỗi năm - hơn cả HIV/AIDS, tai nạn xe, và tiểu đường cộng lại. 

Đau đầu hơn là khi nghiên cứu trong mười năm gần đây cho thấy không khí ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng tim và phổi mà còn cả não!

Các nghiên cứu về suy giảm trí não do ô nhiễm không khí ngày một nhiều. Năm 2016, nhà dịch tễ học Đại Học Boston, Jennifer Weuve, phân tích 18 bài nghiên cứu trên khắp thế giới để trả lời câu hỏi: Liệu không khí ô nhiễm có khiến trí nhớ kém hơn? Một kết luận xuất hiện nhiều lần là nguời lớn tuổi có nguy cơ chịu tác động cao nhất. Nghiên cứu đánh giá sức khỏe của 19,000 y tá ở Mỹ (71 đến 80 tuổi) cho thấy người đã từng tiếp xúc với bụi mịn “bị suy giảm nhận thức nhanh hơn đáng kể”. 
Tiến sĩ Xi Chen, giáo sư về sức khỏe cộng đồng và kinh tế tại Yale, tiến hành nghiên cứu dài năm với 25,000 công dân Trung quốc (từ 10 đến 90 tuổi) và thấy rằng ô nhiễm không khí ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kiểm tra trí não. Nhóm có nguy cơ cao nhất là đàn ông lớn tuổi, đặc biệt là những người nhận được ít giáo dục.


“Không khí ô nhiễm góp phần dẫn đến bệnh sa sút trí tuệ” 

Caleb Finch, giáo sư sinh học thần kinh chuyên môn về lão hóa ở trường Đại học Nam California (USC) nói. “Chúng ta đã biết cơ chế phân tử dẫn đến bệnh Alzheimer nhờ tế bào nghiệm và mô hình chuột. Và bây giờ chúng ta mổ xẻ cơ chế này dưới sự tác động của không khí ô nhiễm.”

Nhưng điều ta biết được không lạc quan tí nào, đặc biệt là khi dân số đang già đi. 

Chúng ta đang nói về loại ô nhiễm không khí nào?

Con người gây ô nhiễm không khí với quy mô toàn cầu đã hàng trăm năm nay kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Đa phần do đốt nhiên liệu hóa thạch, xe ô tô, xe tải, các nhà máy điện, lửa nấu ăn và khói thuốc lá. Các quá trình tự nhiên như rừng cháy và bụi cũng góp phần gây ô nhiễm không khí. Mặc dù ô nhiễm không khí ở Mỹ trong những thập kỷ gần đây đã cải thiện, 91% thế giới đang sống trong tình trạng không khí kém chất lượng (theo WHO).
 
Image result for industrial revolution illustration
(Khói thải công nghiệp. Nguồn: “To What Extent Did the Industrial Revolution Change American Social, Economic & Political Life?,”)

Hầu hết các nhà khoa học nghiên cứu suy giảm trí não xem các chất dạng hạt (PM) là mối đe dọa với sức khỏe con người. Chúng là các hạt chất rắn và chất lỏng cực bé lơ lửng trong không khí và được phân loại theo kích thước (micromet). PM10 là các hạt thô, do quá trình công nghiệp như xây dựng, khai thác mỏ, và nông nghiệp. PM2.5 là hạt “mịn”, do quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, bụi, và má phanh mòn. Còn các hạt nhỏ hơn nữa là hạt siêu mịn, do đốt nhiên liệu hóa thạch, lốp và phanh mòn.

Hạt PM10 tuy nguy hiểm nhưng thường bị nuốt hoặc kẹt ở đường hô hấp trên trước khi chúng có thể vào phổi. Nhiều nhà khoa học tin rằng các hạt mịn PM2.5 mới là mối đe dọa cho sức khỏe. Họ cho rằng lượng chất dạng hạt được EPA đề xuất là an toàn không đủ thấp và máy đo AQI không bắt được hạt siêu mịn PM0.1 có thể gây tổn hại lớn đến sức khỏe. Tiến sĩ Chen, nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe trí não của 25,000 công dân Trung Quốc, nói rằng không khí ô nhiễm trên bản đồ thế giới đang bị hiểu lầm. “Người ta thường nghĩ Trung Quốc ô nhiễm nhiều hơn Mỹ. Nhưng trong trường hợp chúng tôi nghiên cứu, điều đó không đúng. Phần lớn nghiên cứu được tiến hành lúc Trung Quốc đang vào mùa ít ô nhiễm. Lượng ô nhiễm vẫn đỡ hơn so với nhiều khu vực ở Mỹ như Los Angeles. Nghiên cứu này đo được tác động tiêu cực lên sức khỏe trí não với nhiều mức độ ô nhiễm khác nhau, bao gồm cả mức độ ô nhiễm trung bình của Mỹ.”
(Kích cỡ của bụi mịn. US EPA, 2016) 
Tiến sĩ Chen cũng lưu ý thêm “Nhiều người cũng nghĩ rằng không khí ở Ấn cực kì ô nhiễm nhưng phần lớn không khí ở đó chứa hạt PM10 trong khi Bắc Kinh chủ yếu là hạt mịn PM2.5. So ra về mặt sức khỏe, Bắc Kinh nguy hiểm hơn.”
 

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến trí não như thế nào?

Các nhà khoa học đã biết từ những năm 70 và 80 rằng chúng ta càng ngày càng phải tiếp xúc nhiều hơn với bụi mịn và bụi siêu mịn, dẫn đến nguy cơ cao ở các bệnh tim mạch và ung thư. Trong mười năm qua, họ phát hiện các yếu tố gây hại trong không khí ô nhiễm, đặc biệt là các chất siêu nhỏ như carbon, kim loại, có thể xâm nhập sâu hơn trong cơ thể, từ phổi vào máu và sau đó là não. 
Quá trình chính xác vẫn đang nằm trong “hộp đen”. Các nhà khoa học chắc chắn điều này đang xảy ra, chỉ không chắc chắn là như thế nào. Ở đường hô hấp, các hạt lớn hơn thường mắc kẹt vì các tế bào biểu mô xếp khít nhau và sau đó chúng bị tế bào “nuốt chửng”. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy quá trình nuốt chửng này có thể tác động lên não. Hạt mịn và siêu mịn có thể luồn qua đường hô hấp, vào phổi, xâm nhập vào phế nang, nơi chúng bị nuốt chửng. Finch cho rằng chỉ một phần nhỏ bụi có thể vào não trực tiếp thông qua dây thần kinh khứu giác ở mũi.


Vậy chuyện gì xảy ra khi bụi mịn đi vào não? Mặc dù câu hỏi “như thế nào” vẫn chưa được trả lời, các chứng cứ đang hướng đến phản ứng viêm, một trong những thuyết “viêm tuổi già” - một dạng viêm mãn tính, cấp thấp, kích thích các quá trình lão hóa. 
Một giả thuyết khác liên quan trực tiếp đến bệnh Alzheimer cho rằng không khí ô nhiễm có thể làm nhiễu màng tế bào, kích động các enzym sản xuất thêm beta-amyloid, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.  

Ô nhiễm có thể khiến ta “đần”

Nhiều nghiên cứu cho thấy dân số già có nguy cơ cao bị giảm sức khỏe trí não do ô nhiễm không khí. Nghiên cứu của Xi Chen với 25,000 công dân Trung Quốc tìm ra ba tác nhân quan trọng: tuổi, giới tính, và trình độ học thức. Đàn ông lớn tuổi nhận được ít giáo dục dễ bị tác động bởi không khí ô nhiễm nhất. Kết quả kiểm tra sức khỏe trí não của họ rất thấp trong những ngày không khí tệ - mất điểm tương đương với 1 năm học. Chen nói “những người đi học 6 năm, họ bị mất đi 1 năm học đó.”
Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn tại sao trình độ giáo dục lại ảnh hưởng tới mức độ suy giảm trí não trong điều kiện không khí ô nhiễm. Giáo sư lão khoa và xã hội học ở USC, Jennifer Ailshire, cho rằng hoạt động giáo dục thường xuyên sẽ kích thích trí não làm việc nhiều hơn. Hoặc, những người có giáo dục nhiều hơn thường có nguồn lực lớn hơn nên tránh được việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm. 


Nghiên cứu của Ailshire cũng cho thấy trình độ học thức kém và tuổi tác là các nguy cơ cao dẫn đến suy giảm trí não trong điều kiện không khí ô nhiễm. Những người lớn tuổi ở các khu nhiều bệnh và mục nát càng có nguy cơ cao bị tác động bởi không khí ô nhiễm hơn. Mặc dù mối liên kết giữa dân số già, ô nhiễm không khí, và suy giảm trí não là một chủ đề mới nhưng lại rất cấp bách. “Dân số đang già đi rất nhanh, cả 65+ và 85+. Đặc biệt tuổi 80 có nguy cơ suy giảm trí não rất cao khi họ sống tập trung ở thành phố và ngoại ô bị ô nhiễm”.
Giáo sư Finch đang nghiên cứu gen APOE4, tác nhân có khả năng gây hại cho sức khỏe trí não trong điều kiện không khí xấu. APOE là một loại lipoprotein vận chuyển cholestorol trong máu và lipid cần cho sự phát triển của nơron.  Nghiên cứu này tìm thấy biến thể của APOE là APOE4, “tăng cholesterol trong máu và nguy cơ mắc Alzheimer” trong điều kiện không khí ô nhiễm. Finch nói rằng “Gen này là tác nhân đầu tiên giống nhau trong quần thể người.” 

Chúng ta có thể làm gì?

Ngoài việc đeo khẩu trang và ủng hộ các nhà khoa học, chúng ta có thể làm gì? “Cái gì tốt cho tim thì tốt cho não”, Finch nói - nghĩa là giảm các nguy cơ gây bệnh tim sẽ giảm nguy cơ hại trí não.
“Thế giới phải hợp tác với nhau”, Chen nói. “Y như biến đổi khí hậu. Không khí ô nhiễm không có biên giới.” 
Ailshire tin rằng EPA cần giảm tiêu chuẩn an toàn xuống. “Điều quan trọng cần lưu ý là dân số già đang bị tác động nhiều hơn ở mức độ chúng ta cho là an toàn.”

 Nguồn bài dịch: Health, E. (2019, September 27). What’s All That Bad Air Doing to Your Brain? Retrieved October 12, 2019, from Medium website: https://endpoints.elysiumhealth.com/the-connection-between-aging-and-pollution-1aacd67c9df6