Trước khi bắt đầu đọc cuốn sách này, liệu có bao giờ chúng ta đặt cho mình câu hỏi “Lẽ sống của chúng ta là gì?” hoặc “Chúng ta có đang sống một cuộc sống ý nghĩa hay không?”
Nếu thực sự chưa bao giờ suy ngẫm một cách nghiêm túc về những câu hỏi này, mong rằng chúng ta hãy dừng lại một phút để trả lời nó trước khi bắt đầu trải nghiệm với câu chuyện của tác giả trong Đi tìm lẽ sống. Cuốn sách này, bản thân nó không phải chỉ cho chúng ta cách chúng ta đi tìm điều gì là quan trọng và thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống mà nó sẽ giúp cho chúng ta hiểu được rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là đang đau khổ nhất hay hạnh phúc nhất thì cũng phải luôn tìm cho mình một “nguồn sống”. Hy vọng đôi khi vẫn tìm thấy trong thời khắc của cái chết.
Không có một cách nào khác hay hơn đó là kể câu chuyện của cuộc đời mình, luôn luôn là vậy, đó vẫn là cách cổ điển nhưng hiệu quả nhất để mang lại những cảm xúc chân thật nhất đối với người đọc, vẫn là một trong những phương pháp mà nhiều nhà văn bắt đầu với tác phẩm của mình. Hoặc không, họ có thể chọn một bối cảnh bất kỳ, thực tại bất kỳ, nhân vật bất kỳ, nhưng mọi chi tiết về cuộc sống và sự trải nghiệm của nhân vật đều mang hình ảnh hay dáng dấp của chính tác giả. Trong trường hợp này, Viktor E. Frankl đã bắt đầu như vậy. Ông đã kể lại câu chuyện của chính ông với một góc độ chân thật và thậm chí ta có thể cảm nhận được cả sự tàn nhẫn trong từng câu chữ nhưng thực sự nó đã trở thành một tác phẩm kinh điển của mọi thời đại. 
Sách và hoa hồng, hình mình tự chụp.
Không bao giờ nói nhiều về nội dung của cuốn sách, tôi luôn lựa chọn như vậy, vì tôi cho rằng mỗi một cuốn sách đều có linh hồn bên trong nó, và do đó, nó cần được cảm nhận theo một cách riêng khác biệt của mỗi người đọc. Nhưng hãy đủ kiên nhẫn và đầy suy ngẫm khi đọc nó, bởi vì có thể nó đôi khi thực sự không hấp dẫn đối với bạn, vì bối cảnh của nó đã quá lâu và thực tại khắc nghiệt trong câu chuyện đã không còn tồn tại vào thời điểm bạn đang cầm trên tay cuốn sách này. Và vì một lý do đơn giản khác, khi nói về lẽ sống nhiều người cho rằng ta đã có nó rồi, nên có khi cuốn sách này sẽ chẳng mang lại điều gì nữa. Trong trường hợp này, tôi mong chúng ta hãy suy nghĩ đơn giản, bằng cách trả lời hai câu hỏi mà tôi đã đề ra ở trên kia để thực sự tìm thấy câu trả lời chính xác cho mình.

Với tôi, một cách đơn giản, tôi cho rằng một cái là “ngắn hạn” và một cái là “dài hạn”, và cuốn sách này chính xác đã hoàn thành nhiệm vụ truyền tải được một cách đầy đủ cả hai thông điệp ấy. Để rồi cuối cùng, khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách, chúng ta đều hiểu được có một lý do để sống và tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của chính mình quan trọng biết nhường nào. Điều mà, trong thế giới hiện đại ngày nay, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ còn đang loay hoay đi tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống. Hoặc là, nếu chúng ta còn cảm thấy hoang mang vơi những vòng xoáy của cuộc sống này, thì cuốn sách này chính là một liệu pháp tinh thần có ý nghĩa nhất với chính chúng ta.

“Tôi dám chắc rằng không có gì trên đời này có thể giúp một người sinh tồn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất một cách hiệu quả bằng việc hiểu rằng cuộc sống của mỗi người luôn có ý nghĩa…” Như tác giả, tôi cũng nhìn thấy trong câu nói này một chân lý rằng, tất cả mọi sự sống trên thế gian này đều có ý nghĩa, dù đó có là những sinh mệnh nhỏ bé nhất. Hiểu về lẽ sống, cuốn sách cũng cho chúng ta biết rằng ý nghĩa cuộc sống luôn thay đổi và nó cũng không bao giờ dừng lại. Phần thứ hai của cuốn sách, tác giả chia sẻ chi tiết về liệu pháp ý nghĩa, không mang tính giáo điều, không phải là lý thuyết, chỉ là những chỉ dẫn để tự mỗi người tìm thấy cho mình ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống theo 3 cách khác nhau: tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó nghĩa là ta phải đạt được thành tựu hoặc thành công trong chính công việc của mình; hai là tìm thấy ý nghĩa cuộc sống bằng tình yêu và ba là học cách tìm thấy ý nghĩa cuộc sống từ đau khổ.
Có một phần nhỏ trong cuốn sách này làm cho tôi cũng phải suy ngẫm khá nhiều, tác giả cho rằng, liệu pháp ý nghĩa không tập trung vào soi xét quá khứ và ít soi xét về nội tâm. Thực tại ngày nay, tôi thấy nhiều người cứ cho rằng họ không tìm thấy hạnh phúc, chính là vì họ không tập trung lắng nghe tiếng nói từ nội tâm của mình, mà cứ mải mê chạy theo những điều hư ảo của thế giới vật chất, của sự tiến bộ từng giờ của công nghệ. Những thứ ấy làm họ dần quên đi bản thân mình, mất đi sự kết nối với mọi thứ quanh mình, chìm vào những thế giới ảo của riêng họ, không còn lắng nghe được tiếng nói của chính mình, rồi than vãn rằng mình không tìm thấy được hạnh phúc.

Quan điểm này, tôi cũng chỉ xin chia sẻ ở đây, để thêm một góc cảm nhận cho mỗi người trước và sau khi cảm nhận được tác phẩm Đi tìm lẽ sống. Và mỗi lần đọc lại cuốn sách này, tôi đều thấy mình có thêm động lực và niềm tin để tìm thấy cho mình ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
HA.