Chúng ta đều có khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình nhưng nhiều người quá sợ hãi để làm điều đó. 
Đơn cử như câu chuyện lựa chọn món ăn hàng ngày, khi tôi hỏi nhóm bạn muốn ăn gì thì hầu hết câu trả lời nhận được là “ăn gì cũng được” và “mày hãy quyết định đi”. 
Hội chứng Decidophobia là thuật ngữ dùng để chỉ chứng sợ hãi tột độ khi phải đưa ra quyết định. Đây là một loại ám ảnh thuộc chứng rối loạn lo âu theo cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn Tâm thần. 

Biểu hiện của người mắc hội chứng Decidophobia

Bạn và tôi, ai trong số chúng ta cũng đều đã, đang và sẽ cần đưa ra quyết định cho công việc, cuộc sống. 18 tuổi, chúng ta lựa chọn ngành nghề, trường đại học, một bước ngoặt lớn của cuộc đời. Lựa chọn ở năm tháng mà người ta gọi là “những tấm chiếu mới”, chưa có kinh nghiệm, trải đời hay đánh giá sâu sắc về nghề, cũng chưa tìm được cái bản thân mong muốn, điểm mạnh điểm yếu là gì. Kết quả là rất nhiều sinh viên đại học trải qua những năm tháng sinh viên với bài giảng, môn học mình không thích. Khi ra trường, số người làm trái ngành trái nghề không còn xa lạ nữa.
Thật ra tôi của năm 18 tuổi cũng từng phân vân, lo lắng cho quyết định của bản thân. Hàng tá câu hỏi hiện ra mỗi ngày, xen vào tập đề ôn thi đại học. Tôi có thực sự thích nghề đó không? Học ở đó có khó không? Tôi sẽ theo kịp không? Nghề này ra trường có nhiều việc làm không? Mông lung, áp lực và luôn cảm thấy ngộp thở. 
Người mắc hội chứng Decidophobia thường lo ngại và bắt đầu phân tích nhiều hơn về vấn đề đang cần giải quyết. Bạn cho rằng mình có giác quan thứ 6 mạnh và nhạy cảm, nên không chắc quyết định bản thân đưa ra đúng hay sai? Bạn sợ phải chịu trách nhiệm với điều bản thân làm, nên càng phụ thuộc vào người khác để có sự ủng hộ. Tất cả những điều tôi kể đều là triệu chứng phổ biến của Decidophobia.
Người mắc hội chứng Decidophobia nặng có thể trải qua những cơn hoảng loạn khi phải đưa ra quyết định. Dẫn tới nhịp tim và nhịp thở của bạn tăng nhanh, đổ mồ hôi, tăng huyết áp hoặc tay chân run rẩy. 

Nguyên nhân nào gây ra chứng sợ hãi?

Nếu bạn thường có cảm giác sợ hãi khi phải đưa ra quyết định, có lẽ bạn cũng đang tự hỏi tại sao mình lại mắc chứng này. 
Mặc dù chưa thể xác định nguyên nhân chính xác, nhưng các chuyên gia cho rằng nó có thể xuất phát từ các sự kiện đau buồn trong quá khứ. Trong thời thơ ấu, những quyết định của bạn là sai lầm, nó có thể khiến bạn cảm thấy bất lực, đau đớn, ám ảnh và sợ hãi. Nếu một người phải chịu đựng các tổn thương về tinh thần và có khuynh hướng phát triển bệnh tâm thần, điều này có thể làm tình trạng sợ hãi trầm trọng thêm.
Lo sợ khi phải đưa ra quyết định sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ của bạn. Bạn có thể bỏ lỡ các mối quan hệ công việc, bạn bè, mất cơ hội thăng tiến, thiếu kinh nghiệm và áp lực khi phải đi xa. Vì vậy, bạn cần phải tìm cách vượt qua chứng sợ hãi càng sớm càng tốt.

Mẹo nhỏ giúp bạn đối phó với chứng sợ hãi Decidophobia

Sợ hãi là phản ứng đầu tiên khi ta tiến gần hơn với sự thật - Pema Chodron.
Chúng ta hãy thành thật với bản thân mình rằng chúng ta đang sợ hãi. Để phá vỡ xiềng xích này, chúng ta sẽ đối mặt trực diện với nó bằng cách đưa ra lựa chọn. Hãy giảm số lượng quyết định đưa ra. Ví dụ, bạn muốn lên kế hoạch ăn uống, hãy đưa ra duy nhất 3 lựa chọn của bản thân mà không cần lo ngại những người khác. 

Trao quyền cho bản thân

Hãy trao quyền cho bản thân và tin tưởng chính mình. Bạn có thể phân tích hàng tá trường hợp có thể xảy ra, nhưng hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn hoàn toàn có thể vượt qua nó. Bằng cách thay đổi tư duy tích cực, bạn có thể đối đầu với mọi thách thức.

Xem xét hai mặt của rủi ro

Một lựa chọn có vẻ mạo hiểm, đáng sợ vì những điều tiêu cực luôn hiện hữu trong tâm trí bạn. Nhưng nếu bạn không hành động, điều gì sẽ xảy ra? Rất có thể một điều tiêu cực khác gõ cửa ngay sau đó. Vì vậy, bạn cần phân tích cả hai mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề.

Học từ sai lầm

Bạn mắc lỗi một lần, hai lần… và cảm thấy bản thân luôn làm sai? Nhìn lại bài học sai lầm sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm, khả năng đưa ra quyết định đúng đắn hơn trong tương lai. Hãy thực hành, sai lầm và tiếp tục đứng lên.

Điều chỉnh hơi thở

Khi bạn cảm thấy lo lắng, nhịp tim và nhịp thở tăng cao càng làm bạn thấy sợ hãi hơn. Lúc này, bạn nên tập trung vào hơi thở và điều chỉnh hơi thở hít vào, thở ra đều đặn. Bạn có thể đếm nhịp thở để tăng sự tập trung. Luyện tập hơi thở mỗi ngày sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn. 
Sợ hãi là một cảm xúc không thể thiếu với mỗi người. Bạn có thể huấn luyện tâm trí để chấp nhận cảm giác sợ hãi, chấp nhận rằng không có con đường nào đúng hay sai rõ ràng cả. 

Quy trình đưa ra quyết định

Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo quy trình dưới đây:
Xác định vấn đề 
Liệt kê các lựa chọn có thể của bạn
Viết ra các kết quả có thể xảy ra của mỗi lựa chọn và khả năng xảy ra
Liệt kê ưu, nhược điểm của mỗi kết quả
Tự hỏi lựa chọn nào phù hợp với mục tiêu của bạn nhất
Xác định mức độ cam kết của bạn với lựa chọn
Bạn có thể xin ý kiến từ những người bạn tin tưởng
Vào lúc bạn phân vân giữa lựa chọn “có” hay “không” nhất, những điều tưởng như may rủi như rút thăm hoặc tung đồng xu cũng có thể cứu vớt bạn. Không có quyết định “sai lầm” nào ở đây cả. Chúng ta chấp nhận sai lầm để hoàn thiện bản thân hơn. Hãy luôn tin tưởng vào bản lĩnh của bạn và bạn có thể làm được.