Cũng đã phải hơn tháng nay mình không viết thêm bài mới. Thời gian đầu là vì phải bận rộn lo thu xếp mọi việc ở bên Úc để chuẩn bị về VN, và 1 tháng trở lại đây là thời gian về VN và chăm bố mình ở viện K.
Nếu như ai theo dõi mình thường xuyên, nhất là ở mấy bài gần đây thì chắc cũng biết bố mình bị ung thư. Ngay ngày hôm sau khi mình về tới VN thì hôm sau phải cùng người nhà đưa bố lên viện K Tân Triều và nhập viện luôn. Ông duy trì thêm được khoảng 2 tuần thì ông mất.
Hôm nay, hơn 1 tuần sau ngày ông mất, ngồi nhìn lại về sự ra đi của ông, và nhận ra, đôi khi, Death can be beautiful.

Khi ở nhà

Như đã từng kể trong một vài bài viết, bố mình và anh mình khắc nhau rất nhiều, cũng bởi tính cách quá giống nhau. Trước khi phát hiện ông bị K lần hai, hai người hầu như không nói với nhau một lời nào, luôn tránh gặp mặt nhau. Dù mẹ và mình đã cố gắng nói chuyện và hàn gắn hai người suốt mấy năm nay, nhưng mâu thuẫn càng ngày càng được hằn sâu, nhất là khi tính khí bố mình càng ngày càng trở nên toxic khi chứng nghiện rượu của ông ngày một nặng. Cũng phải nói thêm, sự khắc nhau này đã xuất hiện từ khi anh tôi còn bé, tức là hiềm khích đã được bồi đắp dần những mấy chục năm.
Tới khi ông bị K và sức khỏe yếu đuối tới mức cần có người chăm (ông vốn là người rất tự lập, luôn tự mình làm hết mọi việc cho tới khi không thể), thì anh mình đã gác lại mọi hiềm khích để chăm sóc ông từ những ngày ông còn đủ khỏe để điều trị tại gia. Tới khi ông nhập viện, anh cũng là người nhận những ngày chăm ông đầu tiên.
Cũng từ đây, những mâu thuẫn trước đây không còn ý nghĩa gì nữa. Cũng không biết hai người có xin lỗi nhau gì không (với tính cách hai người ấy, có lẽ là không ^^), chỉ biết rằng khi mình đứng ngoài nhìn vào khi anh mình chăm ông, mình biết anh đang chăm ông bằng sự yêu thương chứ không chỉ vì trách nhiệm, và ông cũng đang rất thích sự chăm sóc đó từ con mình. Có lần ông kể với mấy người xung quanh là "sáng nay có thằng nào cao to lắm tự dưng dựng tôi dậy rồi lau người cho tôi, thay quần áo cho tôi, thay ga giường cho tôi, trông giống thằng con tôi mà không phải". Mọi người cứ cười cười rồi hỏi vui "Thế ông có thích không?". Ông nói "Thích!". Thằng cao to đó chính là anh tôi. Khi bác sĩ gọi người nhà vào thông báo bệnh tình của ông, rằng tình hình của ông đã rất nặng và có thể ra đi bất cứ lúc nào, anh tôi là người khóc đầu tiên.
Tới cuối cùng, bố mẹ dù có khó chịu với con cái tới đâu, tới cuối đời cũng chỉ muốn được gần con gần cháu. Tới cuối cùng, cái chết cận kề lại là lúc hai người vốn dĩ ghét nhau tới cùng cực lại yêu thương nhau tới cùng cực. Dù muộn, nhưng còn hơn không. Death can be beautiful.

Khi ở viện

Sau khi nhập viện, ông được chuyển thẳng xuống khoa hồi sức cấp cứu. Chỗ ông nằm là một phòng cũng rộng, khoảng 5 giường cho 5 bệnh nhân, đủ khoảng trống xung quanh để bác sĩ đi lại và người nhà có thể trải giường gấp ra nằm vào buổi đêm. Phần vì không gian có hạn, phần vì là khoa dành cho những người vốn dĩ có hệ miễn dịch bị hủy hoại nhiều, nên quy định của khoa là mỗi bệnh nhân chỉ được có 1 người chăm, mỗi người chăm 2 ngày, muốn đổi người thì phải báo trước với bác sĩ và test covid, để hạn chế nhiều người ra vào mang nhiều mầm bệnh vào phòng.
Vì lý do đó, ngoài bệnh nhân và bác sĩ ra thì những người tới chăm trong căn phòng đó sau vài ngày hầu như đều biết nhau. Trong căn phòng đó, những người lạ mặt tới từ nhiều nơi trên đất nước - Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc v...v...- cùng chia sẻ một nỗi buồn, nỗi khổ khi có người nhà đang cận kề cái chết (Bệnh viện K Tân Triều chủ yếu dành cho những người ung thư nặng). Vậy nên bọn mình gần như ngay lập tức có ngay một sự đồng cảm, một kết nối vô hình mà những người ngoài cuộc khó có thể đồng cảm được hết. Có lẽ vì vậy mà những người trong căn phòng đó giúp đỡ lẫn nhau như thể đó là một đại gia đình vậy.
Mỗi người bệnh chỉ được có một người chăm, vì vậy khi người chăm cần đi mua gì đó (đi ăn cơm chẳng hạn) thì trừ phi là có người nhà khác ở bên ngoài nhờ chạy đi mua, còn không thì đành phải nhờ những người chăm khác trông chừng người nhà của mình trong lúc mình chạy ra ngoài ăn cơm. Đó là chưa kể, bác sĩ hay khóa cửa vào khoa lại vì nhiều người nhà cứ cố tình phá luật và lũ lượt vào thăm người bệnh. Đến lúc người chăm chính thức quay lại từ quán cơm thì bị tắc ở ngoài, và người bệnh của mình thì cứ được những người lạ mặt chăm sóc có khi tới cả tiếng đồng hồ.
Và nó không chỉ là trông chừng theo kiểu có gì thì gọi bác sĩ. Ngay cả những việc như giúp người bệnh đi vệ sinh, tức là giúp họ vạch quần ra, cầm ống bô đặt vào vị trí cần đặt, lau rửa, rồi đem ống bô đi rửa, những người chăm ở đây cũng sẵn sàng giúp một người bệnh lạ mặt nếu người chăm chính chưa kịp quay lại. Rồi tới đêm, người nào thức thì nhắc người đang ngủ dậy để chăm người bệnh khi người bệnh cần thứ gì đó.
Có người đặt cháo do bệnh viện nấu vào buổi sáng và tối nhưng người bệnh ăn vào lại bị sốt. Đang tính bảo viện hủy đơn cháo thì thấy cụ giường bên có hoàn cảnh khó khăn, quyết định không hủy đơn cháo. Cả tuần liền, cứ cháo giao tới thì lại mang qua cho cụ, bảo cụ ăn cho đỡ phí. Cụ đương nhiên cảm động lắm lắm. Sang tuần, người bệnh ấy chuyển sang khoa khác. Một người chăm khác trong phòng đó quyết định nối tiếp cử chỉ tốt đẹp đó và tiếp tục dành cho cụ những nồi cháo miễn phí.
Nói về cụ bên trên. Gọi là cụ nhưng gọi là bà cũng hợp lí, vì bà mới 72 tuổi, nhưng yếu lắm (ai vào đây cũng yếu sẵn rồi). Bà có người chăm là anh con trai gần 40 tuổi, ở tận Vĩnh Phúc. Anh cứ tối thứ 6 thì bắt xe lên viện, tới chiều muộn CN mới bắt xe về, những ngày còn lại thì chị gái anh chăm. Lớn tuổi là vậy nhưng bà lúc nào cũng lo lắng cho con trai. Cứ hễ không thấy anh con trai đâu là lại hỏi mình "Chú ơi, chú có thấy con trai tôi đâu không?", rồi không biết anh ấy đã kịp đi ăn gì chưa. Tới đêm, chỗ cạnh giường bà bị thiếu khoảng trống nên anh con trai không mở giường gấp ra được, phải ra hẳn sảnh bên ngoài để ngủ. Trước khi ngủ thiếp đi, bà vẫn kiểm tra lại với mình là "Anh ơi, con tôi ngủ ngoài kia rồi hả? Nó có chỗ nằm không?".
Cũng là anh Vĩnh Phúc ấy. Giường mới chuyển vào cũng có một anh Vĩnh Phúc khác, cũng lên viện vào tối t6 và về vào tối CN như anh. Thế là sau vài câu nói chuyện, hai anh lại lập được kèo cùng chở nhau đi đi về về vào mỗi cuối tuần.
Anh em mình cứ luôn phiên thay nhau vào chăm bố. Bác sĩ cũng nhớ mặt nên cho phép mỗi ngày thay 1 người. Có bữa hẹn nhờ ông chú lên chăm để thay ca cho mình. Lúc đầu ông chú đồng ý, nên anh mình mới về HP, xong vì trục trặc về thông tin thì ông chú lại không lên nữa. Thế là mình phải chăm ông 2 đêm liên tiếp, tức là coi như không ngủ 48 tiếng. Ông anh mình hôm sau tức tốc lên vào sáng sớm. Mình bảo "Sao anh không vào buổi trưa như mọi khi ấy, lên gấp thế làm gì?". Anh bảo "Anh lo em mệt. Chăm liền hai đêm thế thì phê lắm". Anh mình và chị dâu thì thương vì thằng em vừa về VN đã phải bu lu đi chăm bố với chạy đôn chạy đáo đi tìm nhà để thuê cho đợt công tác ở HN sắp tới. Mình thì thương anh chị vì bận bao công việc vẫn chu đáo chăm sóc ông từ lúc ông còn nghiện rượu. Dù rất ít khi nói thẳng ra những lời yêu thương với nhau, nhưng những lúc khó khăn thế này, chả hiểu sao nó lại được nói ra dễ thế.
Hôm bố mình qua đời, đêm đó tới lượt mình chăm ông. Ông nói sảng cả đêm, mà nói to, vang. Cả phòng không ai ngủ được, nhưng cũng không ai than trách một lời, chỉ cố ngủ được tí nào hay tí đấy thôi. Tới 5.30 sáng, máy báo các chỉ số của ông không ổn, bác sĩ bảo mình đưa ông về ngay thì kịp. Vì chỉ có một mình trong viện nên mình cũng chỉ kịp gọi đặt xe đưa bố về, gọi cho người nhà chuẩn bị, rồi vội vàng gói ghém đồ đạc rồi quẳng tạm vào tủ đồ. Vào 6h kém sáng, những người chăm trong căn phòng đó - những người lạ mình mới quen chưa được 2 tuần - đã cùng giúp mình trấn tĩnh lại, kiểm tra lại đồ đạc, nhắc nhở giấy tờ, giúp mình và bác sĩ đưa bố mình lên giường vận chuyển, và nhắc mình phải giữ lại đồ nào để trả lại cho bệnh viện. Tới khi mình bước lên xe cấp cứu để về HP, vài người còn tiễn ra tận xe, vỗ vai rồi chia sẻ lời chia buồn.
Có quá nhiều điều tốt đẹp đã được sinh ra trong cái căn phòng vốn dĩ đầy sự chết chóc ấy. Ranh giới giữa lạ và quen giờ đây chỉ còn là người cần giúp và người giúp được. Death can be beautiful.

Sau khi từ viện về

Mặc dù mất bố là một nỗi buồn khó có thể tả được bằng lời, nhưng phận là con, phải chứng kiến bố mình sức khỏe đi xuống hàng ngày mà không hề khá lên, việc bố qua đời trong lúc ngủ một cách êm ái như vậy, mình cũng mừng cho ông. Ông không phải đau đớn, ông chỉ đơn giản là đi thôi. Ông mất cũng đúng giờ đẹp (theo như lời thầy nói), và mấy ngày tang ông thời tiết cũng rất đẹp. Ông qua đời dù đột ngột nhưng cũng được cảnh báo trước của bác sĩ, nên có thể nói sự ra đi của ông là mãn nguyện, cả cho người chết lẫn người sống.
Nghĩ lại thì ông rất thương con cháu. Ông qua đời vào trước Tết. Như vậy thì sau mùng 3 tết thì con cháu vẫn có thể đi chơi hay đi đám cưới được, chứ nếu ông qua đời sau Tết, tức đầu năm thì theo tục thì như vậy cả năm không được đi đâu. Ông cũng qua đời vào trước khi mình bắt đầu công tác ở HN. Mình đã rất lo là nếu mình bắt đầu công tác thì mình sẽ chỉ có thể ghé qua viện vào cuối tuần, như vậy thì áy náy vì không chăm ông được nhiều. Ông ra đi sớm như vậy có lẽ là để mình kịp xong xuôi hết các thủ tục đám tang và vẫn có đủ thời gian để kịp ổn định cuộc sống ở HN trước khi bắt đầu công việc.
Sau đám tang ông, một hôm, lúc đang ngồi nghỉ ở ghế sofa, thằng cháu mình bỗng nói "Mẹ ơi, sao con cứ cảm giác là có ai đang ngồi cạnh con ấy". Lúc đầu mẹ nó gạt đi, nhưng nó bảo tiếp "Đúng mà. Cứ như là ông đang ngồi cạnh con ấy. Con ngửi thấy cả mùi của ông cơ". Có lẽ đúng như mọi người vẫn nói, chưa 49 ngày thì linh hồn người mất vẫn còn ở nhà. Người khác nghe thì có vẻ rùng rợn, chứ người nhà thì biết rằng đấy là người nhà mình, là bố mình, là ông mình, ông có ở đây thì cũng là để chơi với con với cháu, là để phù hộ, bảo vệ cho con cháu, chứ chẳng có gì xấu xa, đáng sợ ở đây cả. Death can be beautiful.

Kết

Death CAN be beautiful, chứ không phải IS. Có những mất mát mà mỗi khi nhắc tới, con tim như muốn trùng hẳn xuống, và không thể có bất cứ góc nhìn nào khiến nó trở nên đẹp hơn. Nhưng cũng có những mất mát mà sự ra đi lại là một sự giải thoát, lại là cơ hội để những hiềm khích nhường chỗ cho sự yêu thương, và là dịp để những người sống được kết nối thêm chặt chẽ hơn.
Mong rằng những điều đó xảy ra thường xuyên hơn mà không cần phải nhờ tới sự mất mát.