“Dead Poets Society” lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1959. Câu chuyện kể về một nhóm bạn học trường nam sinh Welton – ngôi trường nội trú danh giá với 75% học sinh trở thành sinh viên của Ivy League. Họ hầu hết là những chàng trai đầy khát vọng, với tương lai xán lạn đang chờ phía trước. Nhưng đồng thời, họ cũng là những chàng trai mới lớn với những băn khoăn và trăn trở về cuộc đời, về ước mơ, về tình yêu, tình bạn và tình cảm gia đình. Có người là thiên tài với giấc mơ về nước Mỹ tự do; có người nghe theo cha mẹ đi trên con đường định sẵn; có người chống đối lại nhà trường chỉ mong một lần được sống tự do; có người chật vật cân bằng giữa trách nhiệm phải gánh trên vai và đam mê sâu thẳm trong tâm hồn; có người sợ hãi vì những kỳ vọng từ cha mẹ và cái bóng quá lớn từ người anh trai. Những chàng trai trẻ sống những cuộc đời khác nhau, nhưng đồng thời, họ cũng chia sẻ chung một cuộc đời mòn mỏi như những con chim bị cầm tù tại ngôi trường mà những chàng trai ấy gọi với nhau là "Hell-ton".
Mọi thứ dần thay đổi kể từ khi John Keating - cựu học sinh trường Welton - được bổ nhiệm làm giáo viên dạy văn tại trường. John là một thầy giáo với cách giảng bài vô cùng khác biệt. Mỗi tiết học của thầy đều thú vị và mới lạ. Không chỉ giảng bài trong lớp, thầy còn đưa học sinh ra sân bóng, ra khuôn viên trường để tiết học thêm thú vị. Thầy bảo học trò hãy gọi thầy theo cách trong bài thơ "O Captain! My Captain!" của Walt Whitman. Thầy cũng truyền đến các chàng trai này một thông điệp quý giá, cũng là thông điệp được nhắc xuyên suốt bộ phim - Carpe Diem. "Carpe Diem" là một thành ngữ Latin có nghĩa là "Nắm bắt khoảnh khắc", rằng cuộc đời của con người có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, bởi thế hãy cố gắng tận hưởng mỗi ngày như là ngày cuối cùng để đến khi nhắm mắt ta có thể nói rằng mình đã sống một cuộc đời không uổng phí. Từ cách giảng dạy đặc biệt của thầy, cách truyền đạt kiến thức không theo lối mòn, cùng với những thông điệp ý nghĩa, tất cả đều dần dần ảnh hưởng lên các chàng trai và khiến họ bắt đầu thay đổi.
Cuộc đời của những cậu trai này lái sang hướng khác khi họ tìm thấy một cuốn sách cũ của thầy giáo, với tấm ảnh thầy lúc trẻ cùng với vài dòng ghi chú về "Hội cố thi nhân" mà thầy đã tham gia khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các chàng trai đến hỏi thầy, và được tiết lộ về chiếc hang đá nơi thầy và những người bạn trong hội ngày xưa thường trốn tới đó để ngâm thơ và trò chuyện.
Các cậu học sinh quyết định sống theo lẽ sống của thầy giáo, tìm đường tới hang đá và khôi phục lại Hội cố thi nhân năm nào. Sau một thời gian, Todd đã thoát được nỗi sợ phải nói trước đám đông. Neil lần đầu tiên trong đời biết mình muốn trở thành diễn viên kịch và tìm mọi cách để vượt qua những cản trở từ gia đình để tham gia một vở kịch ở địa phương. Knox không ngại khó khăn theo đuổi cô gái mà cậu vừa gặp đã say mê. Charlie sẵn sàng phản kháng lại những quy tắc vô lý và cứng nhắc của nhà trường mặc dù điều đó có thể khiến cậu bị đuổi học hay bị đòn roi từ thầy hiệu trưởng. Tuy những hành động ấy còn bồng bột và có phần ngốc nghếch, bảy chàng trai trong nhóm của Neil đã lần đầu tiên dám dũng cảm phá bỏ những luật lệ hà khắc để tự do được sống theo mong muốn của bản thân mà không phải chịu những áp lực to lớn từ trách nhiệm và nghĩa vụ mà cha mẹ và nhà trường luôn ép họ phải tuân theo.
Thầy Keating cũng nói rằng, văn học và thơ ca thường được xem như những thứ vô bổ, yếu đuối và không quan trọng bằng những ngành nghề khác trong xã hội. Nhưng thơ ca chính là vẻ đẹp, là tình yêu, là lãng mạn, là những thứ mà con người luôn đi tìm để thỏa mãn hạnh phúc của bản thân.
“Chúng ta không đọc thơ vì nó dễ thương. Chúng ta đọc và viết thơ bởi chúng ta là một phần của nhân loại và nhân loại thì tràn đầy khát vọng. Y học, luật, kinh doanh, kỹ thuật là những nhu cầu cao cả và cần thiết cho cuộc sống. Nhưng thơ ca, vẻ đẹp, lãng mạn, tình yêu… đó mới là mục đích sống của chúng ta.”
Xuyên suốt các tiết học của thầy Keating, bộ phim cũng đã lồng ghép các trích dẫn từ những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ. Những áng thơ sống mãi với thời gian. Cùng với "Carpe Diem", thông điệp của bộ phim đã được nêu ra ngay từ đầu:
"Vì chúng ta đều là thức ăn cho giun, các cậu trai ạ. Bởi vì, dù tin hay không, thì tất cả mỗi người đang có mặt ở đây, một ngày nào đó đều sẽ trút hơi thở cuối cùng, lạnh dần rồi chết"
Không ai trong số những chàng trai này theo đuổi sự nghiệp văn chương. Họ mang trong mình những ước mơ và hoài bão khác. Thậm chí có cả một sự nghiệp đã được cha mẹ chọn sẵn như luật sư, bác sĩ,... Nhưng trong cái hang nhỏ hẹp, các chàng trai ấy đã ngồi lại với nhau, ngâm thơ, trò chuyện, đọc những bài thơ bất hủ, tự sáng tác để bày tỏ nỗi lòng. Lần đầu tiên họ được bộc bạch nỗi lòng theo một cách đầy chân thành và đẹp đẽ như thế mà không sợ bị chê bai hay cười nhạo. Hay đó chính là vẻ đẹp của văn chương, của thơ ca mà thầy Keating đã nói, "đó mới chính là mục đích sống của chúng ta." Hay đó cũng chính là điều mà thầy Keating mong muốn ở giáo dục: “Giáo dục là tự tìm tòi, khám phá”.
Tuy vậy, chống lại áp bức và khuôn khổ chưa bao giờ là điều dễ dàng và luôn phải trả một cái giá đắt. Cái kết của phim quá buồn và khiến mình day dứt khá lâu về kết cục của những nhân vật chính. Vì theo đuổi lý tưởng sống khác hoàn toàn với những gì cha cậu kỳ vọng mà Neil đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Có người sẽ cho đó là hành động dại dột, nhưng có người cũng sẽ coi đó như sự giải thoát cho chàng trai 16, 17t nhưng phải mang quá nhiều áp lực và kỳ vọng trên vai. Hội tan rã, Charlie bị đuổi học, người giáo viên yêu nghề thì lại bị đình chỉ công tác, mang danh là “xúi dục học sinh làm loạn”. Cha của Neil cho đến cuối cùng vẫn không chịu nhận ra chính sự ép buộc của ông mới là lý do dẫn đến cái chết của Neil, chứ không phải do ai xúi bẩy cậu ấy cả. Tất cả lại trở về như ban đầu, quay lại với những quy tắc ngột ngạt, hà khắc và kìm kẹp.
Khát vọng của tuổi trẻ không chiến thắng, trái tim nhiệt huyết cũng không chiến thắng. Nhưng sâu thẳm bên trong tâm hồn những chàng trai trẻ ấy, một luồng gió mới đã thổi vào, họ đã thực sự thay đổi. Vào khoảnh khắc cuối cùng, một vài chàng trai đã đứng lên bàn, tái diễn lại bài học trước kia của thầy giáo, đứng lên vì lý tưởng mà bản thân theo đuổi, dù đó chỉ là lời tri ân cuối cùng dành cho người thầy yêu quý. Điều bất ngờ là Todd, chàng trai nhút nhát không dám phát biểu trước đông người nay lại là người đầu tiên dám đứng lên làm hành động này.
Để tổng kết lại thì “Dead Poets Society” là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, mang lý tưởng thời đại và nhân văn. Bộ phim đã thu về nhiều giải thưởng danh giá trong đó có tượng vàng Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất (1990), giải BAFTA cho phim hay nhất (1990). Câu nói nổi tiếng của bộ phim “CARPE DIEM” cũng trở thành kim chỉ nam cho rất nhiều người, trong đó có mình, những người đang lênh đênh trên con thuyền tuổi trẻ. Trên con thuyền này, giá như mỗi chúng ta đều tìm được một "Captain" như thầy Keating, thì có lẽ tuổi trẻ của chúng ta sẽ còn tuyệt vời hơn rất nhiều, phải không nhỉ?!
___________________________________________________________________
Dead Poets Society - Hội cố thi nhân Đạo diễn: Peter Weir Năm phát hành: 1989 Diễn viên: Robin Williams, Robert Sean Leonard, Ethan Hawke,... Thời lượng: 129'