tranh tớ vẽ.
Thời tiết Hà Nội lúc này là 38 độ. Nếu bạn ở trong phòng ký túc xá với bảy người và số đồ đạc của tám, thì bạn sẽ cảm thấy gốc rễ con người của bạn bỗng bị bật tung. Tại sao cơ chứ? Tại sao cuộc đời có thể gây ra tai ương kinh hoàng như thế với bạn cơ chứ? Bạn đã uống rất nhiều nước, bạn đã đi tắm, bạn mặc áo ba lỗ cùng quần đùi, bạn cố gắng di chuyển càng ít càng tốt. Bạn đã cố gắng cải thiện tình hình của mình, và bạn chắc không thể trụ được lâu trước những cảm xúc tiêu cực sắp làm bạn nổ tung. NÓNG. NÓNG VÃI CHƯỞNG.
tranh tớ vẽ.
Trong trường hợp này, tốt nhất nên có một ông bụt mặc quần áo Hy Lạp đến bên bạn và với gương mặt bình thản (như các ông bụt hay có), ông nói với bạn một vài điều hẳn là mang tính đổi đời bằng thứ tiếng kỳ cục. Nếu bạn biết về Chủ nghĩa khắc kỷ, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra cha đẻ của chủ nghĩa này, ông Zeno thành Cyprus. Bằng một cách thần kỳ nào đó, ông bụt của bạn chính là Zeno, và Zeno đến để dạy bạn cách vượt qua sự nóng kinh khủng bằng sức mạnh tâm trí.
cũng là tớ vẽ luôn.
Zeno, vào khoảng nhiều năm trước, thế kỷ 3 TCN, đã rơi vào một tình huống mà ông bị đắm tàu, lạc ở Athen xa lạ cách quê hương mình cả ngàn dặm mà không có một đồng xu dính túi. Bạn hãy tưởng tượng bạn đứng giữa đường Hà Nội, không có nhà để về, xấp xỉ 40 độ, không có cả tiền để mua nước chanh muối uống đỡ khát. Đấy chính là hoàn cảnh của Zeno. Zeno, hẳn nhiên còn phát điên hơn bạn nhiều, đã gắng gượng và đi vào một tiệm sách để giết thời gian. Từ lúc đó, ông có niềm đam mê với những gì Socrates viết, bắt đầu theo học cùng với những triết gia nổi tiếng trong thành phố. Khi Zeno có vị trí trong giới triết gia, ông bắt đầu giảng dạy cho các học trò của mình và từ đó sáng lập một trường phái triết học gọi là chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism).
Chủ nghĩa Khắc kỷ tập trung chủ yếu vào sự tự chủ của bản thân, và nó quan niệm những cảm xúc tiêu cực đều là sai lầm trong đánh giá. Một nhà Khắc kỷ hiểu được rằng những sự kiện xung quanh mình diễn ra theo một mạng lưới nguyên nhân kết quả mà họ gọi là logos, và dù ta không thể lúc nào cũng kiểm soát được những điều xảy đến với mình, ta hoàn toàn có thể chọn được cách ta phản ứng với nó. Những nhà Khắc kỷ rất coi trọng logic, khoa học và đạo đức. Họ tin tưởng rằng triết học và các môn khoa học chính là chìa khóa để họ có cuộc sống tự chủ, với những suy nghĩ ít bị ảnh hưởng bởi những khó khăn bên ngoài.

👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY:

Vì tập trung vào sự tự chủ bản thân, cái nóng đối với nhà khắc kỷ chỉ là cái đinh gỉ, thậm chí còn lãng xẹt hơn cả thế. Thay vì để cái nóng làm họ cảm thấy nản, khó chịu hay phát điên, một nhà khắc kỷ sẽ giữ được sự bình tĩnh, vì họ ý thức được rằng nóng chỉ là tình trạng của cơ thể, nó chắc chắn sẽ gây ra phản ứng và làm cho ta thấy khó chịu, bực tức và mệt mỏi. Thay vì cảm thấy những cảm xúc tiêu cực và nổi đóa, nhà khắc kỷ bình tĩnh nhìn vào trong tâm trí mình và tìm cách điều hòa cảm xúc. Nghĩ đến đây, mình lại nhớ đến chi tiết trong phim Tây Du Ký, lúc Đường Tăng phải thi ngồi thiền không được suy suyển dù có con bọ đậu trên mặt rất ngứa. Hồi trước mình được nghe một người bạn kể về thiền, và khi thiền cũng thực hành giống khắc kỷ vậy: dù có ngứa ngáy, cũng phải tập trung suy nghĩ. Nếu bạn ngứa, đừng gãi vội. Hãy tự nhủ: ngứa, ngứa, ngứa, ngứa, ngứa, cho tới khi không ngứa nữa hoặc hết thời gian thiền thì thôi. Một cách thật hay để rèn luyện bản thân phải không?
TẠI SAO PHẢI ĐIỀU HÒA CẢM XÚC?

Mình rất thích câu nói trong truyện Gia đình nhà Twits của Roald Dahl: "Nếu một người có những suy nghĩ xấu xí, nó sẽ bắt đầu thể hiện ra trên khuôn mặt. Và khi người đó có những suy nghĩ xấu xí hằng ngày, hằng tuần, hằng năm, khuôn mặt người đó sẽ trở nên càng ngày càng xấu cho đến khi nó xấu đến mức cậu còn không thể nhìn nổi nữa.
Một người có những suy nghĩ tốt sẽ chẳng bao giờ xấu xí. Cậu có thể có cái mũi vặn vẹo và một cái miệng vều và cằm thì hai ngấn và một hàm răng vổ, nhưng nếu cậu có những suy nghĩ tốt, chúng sẽ tỏa sáng ra ngoài trên khuôn mặt cậu như những tia sáng mặt trời ý và cậu lúc nào nhìn cũng đáng yêu hết sảy."
(tạm dịch)
Những suy nghĩ xấu xí và tiêu cực, nếu xuất hiện quá thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới cách ta hành xử. Mùa nóng có thể thực sự khắc nghiệt, những khó khăn cũng vậy, nhưng chủ nghĩa khắc kỷ dặn ta phải biết cân nhắc, biết dùng logic để có thể tránh được tổn hại cho tâm hồn. Điều đó không có nghĩa ta phải bỏ qua hết cảm xúc tiêu cực hay chấp nhận sự bất công, chấp nhận bản thân bị tổn hại và coi đó là hiển nhiên. Khắc kỷ là suy nghĩ và cân nhắc đúng sai, thay đổi cách bản thân phản ứng để tránh được hậu quả xấu cho tâm hồn. Khắc kỷ, là rèn luyện khả năng làm chủ hành vi của chúng ta.
Lần tới khi cái nóng định làm bạn phát điên, hãy đạp lên nó bằng cách của Zeno hay Đường Tăng nhé, vì còn gì punk rock hơn là bình tĩnh một cách đáng sợ khi cuộc đời cố làm bạn nổi cơn cơ chứ?