Trong lớp học của Beyond Photography, câu hỏi mà các bạn học viên thường gặp nhất đó là “Với bức ảnh này, chúng ta nhìn vào chỗ nào đầu tiên?". Trước khi trả lời một cách cụ thể câu hỏi được nêu ra, hãy xem xét các bức ảnh phía dưới đây và cùng nhau phân tích một cách cẩn thận.
© Achilles at the Court of Lycomedes By Pompeo Batoni
Bài viết này không bàn về cách chụp ảnh, cũng không đi sâu vào kỹ thuật, chỉ bàn một cách cơ bản về việc chúng ta nhìn ảnh như thế nào.
Nguồn ảnh: Magnum Photos

1. Các ví dụ ngẫu nhiên

Có 6 tấm ảnh được chọn ngẫu nhiên, sau đây hãy cùng xem xét qua từng Ví dụ một cách cụ thể nhé! 
  • VD1

© Pedro Meyer
Với tấm ảnh đầu tiên, dễ dàng thấy mắt ta nhìn vào khuôn mặt của em bé trước (i), sau đó mắt tiếp tục nhìn vào hành động cắn xé (ii) của người đàn ông với một đứa bé thuộc bức tranh phía sau. Mắt nhìn theo đường đi của mũi tên trong ảnh (từ i tới ii và cứ thế ngược lại)
  • VD2

© Georgiy Pinkhasov
Ở ví dụ thứ 2, mắt người nhìn vào con Gà trống mào đỏ (i) ở tiền cảnh trước, sau đó tiếp tục nhìn tới hàng người (ii) – bóng đen ở phía sau. Với hàng người phía sau, mắt tiếp tục quét và nhìn từ trái qua phải theo đường đi của mũi tên màu xanh. Sau đó, mắt vẫn quay về con gà ở giữa khung hình.
  • VD3 

© Willy Ronis
Bức ảnh của Willy Ronis không đưa ra khuôn mặt một cách trực diện (như hai ví dụ trên). Trong ví dụ này, mắt ta nhìn vào người đàn ông (i) trước rồi tiếp tục nhìn vào động thái bước đi của người phụ nữ (ii). Đường nhìn của mắt di chuyển từ (i) tới (ii) và (ii) là điểm dừng lại của mắt.
Sau khi nhìn từ (i) đến (ii) một cách tổng thể, mắt tiếp tục phân tiết các chi tiết còn lại của bối cảnh, như chữ “Metro” (iii) rồi tới hai bóng đèn (iv). 
  • VD4

© Georgiy Pinkhasov
Ở ví dụ này, mắt đơn giản là nhìn hai người (i, ii) thuỷ thủ đánh cá, sau đó mắt tiếp tục chú ý đến đàn chim (iii) ở phía xa và nhìn hướng chim bay về đường chân trời.  Tuy nhiên, mắt sẽ không dừng tại (i), (ii) hay (iii) mà dừng lại ở vệt màu xanh như trong ảnh bên trái. Trong ví dụ này, tất cả các yếu tố như người, thuyền (trụ, cột buồm, mái) bao quanh lấy điểm màu xanh (hay còn gọi là tâm cân bằng của ảnh)
  • VD5


Dù mảng đen có lực hút thị giác mạnh nhất nhưng trong ảnh này, mắt hoàn toàn bỏ qua ½ phía trên để tập trung vào hai khung vuông nhỏ phía dưới chứa chủ thể chính. là hai người (i), (ii). Ta nhìn vào cô gái bên trái (i) sau đó nhìn vào người ở khung vuông bên phải (ii) và mắt đảo qua lại giữa (i) và (ii). Trong tấm ảnh này, mắt sẽ giữ lâu hơn ở (ii) vì não bộ sẽ tò mò (ii) là nữ hay nam và người này đang có hành động gì?
  • VD6 này dành cho bạn nhé? 


2.Mắt nhìn như thế nào?  

Qua các ví dụ phía trên, rõ ràng mắt nhìn rất khác nhau nhưng vẫn theo một số quy luật sau:
1. Mắt nhìn vào điểm nào đầu tiên trên bức ảnh, điểm đó có lực hút thị giác mạnh nhất.

2. Khi mắt tiếp tục nhìn những thành phần còn lại trong khung hình, thứ tự nhìn sẽ theo một trình tự nhất định (i), (ii), (iii), ... – gọi là flow. Trình tự đó sẽ dựa vào độ hút mắt của các thành phần, hút mắt nhiều, hút mắt ít, ... các thành này đã được phân cấp thị giác.

3. Mắt ưu tiên nhìn vào khuôn mặt người (1) trong khung hình trước, rồi mới đến các loài vật (2), tiếp tục là các yếu tố động (3), sau đó tới những đồ vật vô tri (4) và cuối cùng là môi trường bất động (5) (chứa các chủ thể).

4. Ngoài ra, việc nhìn còn bị phụ thuộc bởi yếu tố cá nhân (thế giới quan). VD như nếu tôi thích màu đỏ hơn màu đen hoặc thích nữ hơn nam thì khi nhìn vào một bức ảnh có một người đàn bà mặc đầm đỏ sẽ khiến tôi ưu tiên nhìn hơn là người đàn ông mặc đồ đen. 

© Modern Family by Irving Penn, 1947. Phân cấp thị giác: Cô bé > Ông bố > Bà mẹ > Chậu cây > Tượng đầu người đen > ... > Kiến trúc

Phân cấp thị giác của (1.) – khuôn mặt người: mắt > miệng > mũi.
Phân cấp thị giác của (2.) – loài vật: khuôn mặt > cơ thể, ...
VD về (3.): xe chạy, mây bay, nước chảy, ...
VD về (4.): đồ vật, cây cối, ...
VD về (5.): núi non, kiến trúc,  ...

© Instant Light, Andrei Tarkovsky
Khi nhìn 15 tấm ảnh Polaroid phía trên, bạn sẽ nhìn vào tấm nào trước?

Có phải là những tấm có highlight vàng nhẹ ở góc không?

3. Hiểu mắt nhìn ảnh như thế nào để làm gì?

Câu trả lời vô cùng đơn giản: Hiểu được cái được trình bày trong ảnh giúp chúng ta hiểu được nội dung ảnh, hay còn gọi là cái được biểu đạt trong ảnh.
Câu hỏi thứ 2, sau khi nhìn ảnh rồi hãy tiếp tục cho biết tấm ảnh này đang nói với người xem điều gì? 
© Jan Van Eyck's "Ghent Altarpiece" với cấu trúc đối xứng
Về bản năng, con người luôn tìm kiếm sự cân bằng và hài hoà khi nhìn; luôn muốn đủ đầy về cảm xúc, luôn muốn được thoả mãn sự tò mò. Khi quan sát một bức ảnh hay một chuỗi các bức ảnh cũng vậy, con người sẽ tìm kiếm sự cân bằng, hài hoà trong bố cục, sự thoả mãn về cảm xúc hoặc nhu cầu biết chuyện gì đang xảy ra trong bức ảnh. 
“Ảnh bạn chụp là tư tưởng của bạn”. 
Mỗi nhiếp ảnh gia (NAG) đều có một góc nhìn riêng về cuộc sống (theo nghĩa bóng và đen). Hiểu cách “họ nhìn” qua những tấm ảnh (mà họ chụp) giúp người xem hiểu được tư tưởng của họ. Tư tưởng của họ thể hiện qua cả hình thức & nội dung của tấm ảnh. Khoan bàn đến hình thức (ở đây là phong cách cá nhân), hãy cùng xem xét về “nội dung ảnh” với 2 ví dụ sau.
Với tấm ảnh này, mắt chúng ta sẽ chú ý đến đôi mắt của người đàn ông, đặc biệt là hướng nhìn của ông ta về người phụ nữ khoả thân. Vậy thì chủ thể chính của bức ảnh này là người đàn ông (i), với ánh nhìn vào đôi chân (ii) của người phụ nữ.
© Pedro Meyer, Eye Bar (1982)
Sự kì lạ ở cách ông ta nhìn vào điểm nào ở người phụ nữ. Vì chúng ta không hề biết chính xác ông ta đang nhìn cái gì, điều đó gợi nên một sự tò mò cũng với một chút bí ẩn.

Bức ảnh được NAG Pedro Meyer đặt tên là Eye Bar và không khó để hiểu được cái mà bức ảnh muốn biểu đạt: "Đôi khi đàn ông đến nude club để tìm kiếm thứ không đơn giản là tình dục bình thường, 'foot fetish' chăng?"“Nếu như người đàn ông nhìn thẳng vào một nơi khác, “tờ tiền” hoặc “cặp mông” thì câu chuyện có thể đã khác?”. 
Cùng bàn cụ thể hơn về tấm ảnh dưới đây của Robert Doisneau.

Dễ thấy Thứ tự nhìn: Người đàn ông (mắt, khuôn mặt) -> Cô gái trẻ đang hơi cuối mặt -> Những ly rượu trên bàn

Có 4 thứ trong ảnh: (i) Ánh nhìn của người đàn ông, (ii) Khuôn mặt của cô gái trẻ (iii), Hành động của cô gái trẻ với ly rượu (iv), 4 ly rượu trên quầy bar. Mỗi yếu tố này biểu đạt cái gì?

Mỗi thành phần trong tác phẩm nghệ thuật (đường nét, màu sắc, chất liệu trong hội hoạ, nét chữ trong thư pháp; khối, chất cảm trong kiến trúc và điêu khắc, âm thanh trong âm nhạc, động tác trong múa, từ ngữ trong thơ, diễn xuất của diễn viên, mặt nạ trong sân khấu tuồng, ...) là một ký hiệu. Còn bản thân tác phẩm là một hệ thống ký hiệu. Nếu tiếp tục tiếp cận với tấm ảnh của Robert Doisneau theo "Ký hiệu học" thì i, ii, iii, iv đều là những kí hiệu có nghĩa, sự tương tác giữa các kí hiệu này xây dựng cho tấm ảnh một câu chuyện.
Bức ảnh này xuất hiện trong quyển sách Looking at Photographs: 100 Pictures from the Collection of the Museum of Modern Art của John Szarkowski, với một bài viết khá dài, Szarkowski đã diễn giải bức ảnh, nói về “những tội lỗi nhỏ nhặt thầm kín của những người bình thường,” một sự quyến rũ giới tính: Trong lúc người phụ nữ khoanh tay có vẻ như từ chối, bàn tay chạm vào ly rượu một cách khá ngập ngừng thì người đàn ông tỏ vẻ đầy ham muốn, ông ta có lẽ đã dốc hết lời tán tỉnh nhưng không thành. Tệ hơn, ông ta nhận ra mình đã thực sự già và kết cục chắc chắn cũng chẳng ra gì nên ông ta đã cạn ly nhanh hơn mức bình thường”
Bằng việc lý giải những kí hiệu trong bức ảnh, chúng ta hiểu hơn về tổng thể bức ảnh. Đây cũng chính là cái được biểu đạt trong bức ảnh này – đó là với người xem ảnh. Còn với người chụp ảnh, việc hiểu được các quy luật về cách mắt nhìn giúp cho NAG dẫn dắt người xem nhìn theo đúng ý đồ của họ ở trong bức ảnh. Điểm chung duy nhất của NAG và người xem ảnh là họ giao tiếp với nhau bằng bức ảnh, bằng ngôn ngữ thị giác và cái được biểu đạt đơn giản nhất ở trong tấm ảnh.

Như thế, người xem có thể tiếp tục mở ra một chân trời cho việc ngắm ảnh và tìm hiểu những từng nghĩa sâu hơn bên trong tấm ảnh.
© Duane Michals - The dream of flowers

4. Tổng kết

Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là những quy luật rất cơ bản về việc mắt nhìn một khung hình. Nhưng khi nhìn ngắm hình, đôi khi chúng ta cũng nên tự hỏi, chúng ta đang nhìn ngắm cái gì, hình thức và nội dung của nó ra sao?
© Beyond Photography, 2019 giữ bản quyền bài viết. Bài viết được công bố trên internet với mục đích phổ biến kiến thức. Người đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.