Đây là một câu chuyện dài, về cách một thương hiệu streetwear ra đời
Ai cũng có ước mơ, ai cũng có khát vọng và chính tác giả của cuốn sách này cũng từng như vậy. Chỉ khác là giờ đây, anh ấy đã thực hiện được giấc mơ ấy.
Ai cũng có ước mơ, ai cũng có khát vọng và chính tác giả của
cuốn sách này cũng từng như vậy. Chỉ khác là giờ đây, anh ấy đã thực hiện được giấc mơ ấy.
1/ Giới thiệu về The Hundreds
The Hundreds là một thương hiệu áo phông của Hoa Kỳ, cụ thể
là Los Angeles. Thương hiệu được thành lập vào năm 2003 với định hướng theo đuổi phong cách đường phố đang thịnh hành thời điểm đó. Cái tên The Hundreds mang ý nghĩa vì cộng đồng, “hàng trăm” người ủng hộ và luôn luôn lớn mạnh về số lượng. Họ đi theo châm ngôn “people over product”-“con người quan trọng hơn sản phẩm”.
Họ có một linh vật đại diện, thứ đã là một cột mốc đánh dấu cho bước phát triển của thương hiệu The Hundreds và tạo ra một cú hit về doanh số cho họ tới tận bây giờ. Đó là một quả bom đang hoảng hốt với ngọn lửa cháy trên đầu, mang phong cách hoạt hình và cực kì hoài cổ, tên là Adam bomb.
2/ Trích đoạn ưa thích của tôi
Cuốn sách “không chỉ là chiếc áo phông” là một cuốn hồi ký,
kể lại toàn bộ sự hình thành và phát triển của The Hundreds. Đó là hành trình đưa giấc mơ của các chàng trai ngành luật đầy triển vọng đến với hiện thực, hiện hữu và phục vụ cộng đồng streetwear của họ.
Well, tôi đã cố viết về những bài học, về cách họ đối mặt với
khó khăn hoặc là các cuộc chơi điên rồ của họ. Viết xong rồi lại xoá, lặp đi lặp lại tới phát nản nhưng tôi lại rất muốn mọi người biết đến sự tồn tại của cuốn sách này và sự quan trọng của nó đối với tôi.
Cuốn sách là một cuốn hồi ký, tường thuật lại một phần cuộc đời của tác giả trong thời gian đầu xây dựng The Hundreds. Mỗi chúng ta nhìn vào sẽ có những đánh giá và cảm nhận khác nhau về cuốn sách nên thực sự tôi không biết viết thế nào để truyền tải thật đúng, thật chính xác tinh thần của cuốn sách “dành tặng những người làm nhạc và đặc biệt là những kẻ mộng mơ” này.
Đây là đánh giá cá nhân của tôi, chương quan trọng nhất trong
cuốn sách đối với tôi là chương kể về thầy Abe – vị luật sư hướng dẫn Booby trong kì thực tập.
Ông ấy là một người thầy đáng kính và là một luật sư hướng dẫn
tài giỏi, nhưng mọi người thường tránh xa ông bởi mùi khó chịu của túi đựng nước tiểu do căn bệnh ung thư của ông gây ra. Ông cũng nổi tiếng là một người gắt gỏng và kĩ tính tới mức khó tin; chỉ cần là một lỗi văn thư, một đánh giá sai lầm, một chiêu trò giành quyền lực xấu xa thì khẩu pháo nóng của ông cũng xả hết, không phân biệt bất cứ ai.
Ấy vậy mà người thầy già lại nói với Booby của chúng ta rằng:
“Booby, trong toàn bộ sự nghiệp của tôi, cậu là một trong các thực tập sinh giỏi nhất. Cậu sẽ là một luật sư thành công đó. Cậu sẽ có tất cả xe hơi, các loại nhà cửa, các loại phụ nữ,…”
Booby lúc đấy sướng lắm chứ, mơ tưởng đủ thể loại trên đời
mà anh có thể đạt được khi trở thành luật sư. Như một cái tát vào mặt cậu, thầy nói:
“Nhưng cậu không bao giờ nên làm luật sư đâu.”
Sốc, mọi ảo tưởng về ô tô, biệt thự,.. bỗng chốc tan biến,
trong sự ngỡ ngàng thì thầy Abe cho chàng thanh niên năm ấy biết lí do:
“Cậu không yêu nghề này.”
Booby phản bác “đâu , em có mà. Em làm việc này rất tốt.
Chính thầy vừa mới nói,em…”
“Có năng lực và có đam mê là hai thứ hoàn toàn khác nhau,”
Abe nói. “Xem này, hàng ngày chúng ta nói với nhau về những chuyện gì? Chúng ta có nói về các bản ghi chép và các văn bản pháp luật không?”
Lúc đó, Booby nghĩ thầy mình nói đúng. Mọi cuộc trò chuyện của
họ không phải các vấn đề liên quan tới chuyên ngành luật. Dạo quanh trên những con phố dài, Booby hay kể cho thầy mình nghe về những ý tưởng, những thiết kế nguệch ngoạc trên cuốn sổ của bản thân hay tầm quan trọng của áo phông trắng trơn may hở đầu bằng vải cotton so với vải bông tròn. Lúc đó The Hundreds còn chưa có một chiếc áo phông để trưng bày. Thầy dặn với cậu
“Trái tim của cậu thuộc về The Hundreds”, Abe nhắn nhủ với
chàng trai trước mắt. “Hãy làm việc đó đi. Tôi chẳng tiếc nuối điều gì! Tôi là người giỏi nhất trong nghề của mình, và tôi yêu mọi giây phút làm việc. Và giờ nhìn tôi đi. Cậu sẽ cảm thấy ra sao nếu cậu bốn mươi tuổi, thức dậy và thấy mình đang chết dần vì ung thư? Liệu cậu có thể nói cậu đã sống cuộc sống của mình và làm công việc mà cậu sinh ra để làm?”
Câu nói đó như phá đi bức tường trong Booby, phá đi định kiến của những người xung quanh cậu rằng nghệ thuật và trí tưởng tượng không thể kiếm sống được. Đây là lần đầu tiên, có một người mà cậu tin tưởng và kính trọng cho phép cậu hoàn thành ước mơ. Và giờ cậu đã làm được, Booby đã sống trọn vẹn với ước mơ và viết ra cuốn sách này.
Đến cuối chương, Booby bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với người
thầy của mình. Booby đã viết thế này
“Abe Edelman mất vài ngày sau đó, và đó là khi The Hundreds thực sự bắt đầu. Tinh thần của ông ấy vẫn sống mạnh mẽ và chiến đấu mỗi ngày cùng với thương hiệu này. Nhưng điều lớn lao nhất ông làm cho tôi chính là giúp tôi cầm lấy tay lái của cuộc đời mình. Mỗi năm tôi già đi và tiến đến độ tuổi bốn mươi, câu chuyện này lại nở rộ với nhiều sắc màu mà tôi chưa từng để ý trước đó.
Tôi đã không nói được điều này, vậy nên giờ đây tôi sẽ nói.
Cảm ơn Abe. Tạm biệt nhé!”
3/ lời kết
Cảm ơn bạn vì đã đọc đến đây, thực sự tôi đã ấp ủ để viết
bài này từ một năm trước cơ. Nhưng dù thế nào cũng không tìm được ý tưởng đủ tốt để triển khai, nên cuối cùng đành phải trích đoạn. Tôi thì cảm thấy chưa đủ tốt nhưng vẫn khá vui, vì dù nó tệ hay nó tốt thì nó cũng đã thành hình rồi.
Lời cuối, tôi mong cả bạn và tôi đều sẽ đạt được những ước
mơ và khát vọng của bản thân. Đừng để những lời nói ngoài kia níu giữ chân bạn. Hãy bước đi, hãy chạy đi, hướng tới ước mơ. Và nếu được, hãy kể cho tôi nghe nhé, tôi sẽ ở đây và lắng nghe chúng. Chỉ lắng nghe thôi. Chúc bạn thành công.
HẾT BÀI.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất