Mỗi khi có sản phẩm giải trí như game, phim, truyện sử dụng các yếu tố lịch sử ra đời là cộng đồng lại bắt đầu soi xét xem sản phẩm đó có sát sử hay không. Và yếu tố sát sử được một bộ phận không nhỏ coi là quan trọng nhất, dựa vào đây để quyết định sẽ ủng hộ hoặc tẩy chay, thậm chí là lên án sản phẩm. Theo mình, tiêu chí này thật sự không quan trọng đến mức như vậy. Vì đơn giản, đây không phải là các công trình nghiên cứu lịch sử, do đó, không có mục đích và chức năng khôi phục lại sự thật lịch sử.
Cái nhầm lẫn lớn nhất của mọi người chính là mang tư duy “văn sử bất phân”, hay lẫn lộn chức năng của các loại hình. Mỗi nhân vật hay vấn đề lịch lịch sử đều có những hình tượng khác nhau: vấn đề mà các sử gia, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp tìm về, càng chân thực càng tốt. Câu chuyện dân gian lưu truyền, càng lưu truyền thì càng biến đổi và được thêu dệt. Cuối cùng là câu chuyện được sáng tạo lại vì một mục đích, có thể là chính trị hoặc nghệ thuật, hay truyền đi một thông điệp nào đó.
Tác giả không có lỗi khi hư cấu, lỗi là ở những người coi những sản phẩm giải trí là sử liệu, học sử từ các sản phẩm giải trí. Nhầm lẫn này lớn đến mức đã trở thành một loại lỗi tư duy, và nghiêm trọng hơn, lỗi này gây nguy hại và giết chết sự sáng tạo, hạn chế chức năng của các loại hình khác.
Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc đã trở nên rất quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, trong các nguồn tài liệu gần sát với thời gian diễn ra sự kiện, không có một chữ nào nhắc đến việc Hai Bà cưỡi voi cả. Có thể có cưỡi, có thể không, 50/50. Không rõ hình ảnh Hai Bà cưỡi voi có từ bao giờ, được xây dựng như thế nào, nhưng mọi nguồn tài liệu đều có niên đại rất muộn và nhuốm màu hư cấu.
Hoặc hình ảnh về Trần Quốc Toản, sử liệu không ghi gì về việc thêu cờ. Lá cờ được thêu 6 chữ vàng là một sản phẩm được cụ Nguyễn Huy Tưởng hư cấu. Tất nhiên, vì là một tác phẩm văn học, nên cụ có quyền hư cấu.
Hay một tác phẩm rất nổi tiếng là Tam Quốc. Các hình tượng nhân vật trong đó đều đã được hư cấu, văn học hóa để thực hiện ý đồ của tác giả. Ví dụ như hình tượng Quan Vũ, rất nhiều chiến công của ông là hư cấu, ví dụ như việc chém Hoa Hùng.
Quan Vũ cũng không sử dụng thanh long đao nào cả, hay Lữ Bố cũng chả sử dụng thiên phương họa kích như chân dung của các nhân vật này hiện nay mô tả. Đơn giản là vì những vũ khí đó chưa xuất hiện trong thời gian đó.
Có những hình tượng nhân vật lại được nhìn nhận lại và thay đổi qua các thời kỳ. Ví dụ như hình tượng của Dương hậu. Trước hết phải nói, bà không được các sử liệu ghi lại tên, cái tên Dương Vân Nga, cũng là.. hư cấu.
Mỗi thời lại có một hệ thống giá trị và hệ tư tưởng khác nhau chi phối. Vì vậy, hình ảnh của Dương Vân Nga cũng thay đổi. Sử gia Nho giáo coi bà là một người vi phạm đạo vợ chồng, ảnh hưởng đến nhân luân, là một tấm gương xấu được nêu để đời sau tránh. 
Nhưng quan điểm hiện tại đã khác. Dương Vân Nga giờ là tấm gương của việc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên tình riêng, là một mẫu mực đáng noi theo. Phong tục dân gian thì vẫn coi bà là một người có tội. Đến ngày giỗ vua Đinh thì tượng của bà lại được mang ra đánh cho 10 roi.
Sử dụng chất liệu lịch sử, hư cấu để phù hợp với mục đích, cách nhìn nhận của tác giả, hoặc thay đổi đánh giá về các nhân vật theo từng hệ giá trị tương ứng là một việc phổ biến.
Biết tác phẩm này là thể loại gì, làm ra với mục đích gì rồi đánh giá nó với một hệ tiêu chuẩn phù hợp, đó mới là việc chúng ta nên làm. Coi những tác phẩm giải trí là một công trình nghiên cứu về lịch sử, rồi đánh giá nó dựa trên việc “sát sử”, chẳng khác gì đánh giá một con ngựa bằng khả năng leo cây của nó cả.
Thật ra, ngay cả đối với các công trình nghiên cứu lịch sử, với mục đích chính là khôi phục lại các sự kiện lịch sử, thì kết quả nghiên cứu cũng chỉ tiệm cận với chân lý. 
Lịch sử luôn được nhận thức thông qua nhà sử học. Mà nhà sử học là một phần của xã hội, có hệ giá trị của riêng mình, chịu ảnh hưởng và mang trong mình màu sắc của thời đại, của xã hội, của nhóm nghề nghiệp, giai cấp và cả cá tính cá nhân. Chính vì vậy, bao trùm lên nhận thức sử học là tính chủ quan.
Tất nhiên, các nhà sử học ý thức được điều này hơn ai hết và họ luôn cố gắng để khách quan và khoa học hết mức có thể. Nên bạn cũng không cần phải lo ngại rằng không thể tìm về lịch sử. Bài viết này không phải là một bài viết về phương pháp luận của Sử học, nên mình sẽ không bàn sâu thêm ở đây. Nhưng phải luôn nhớ rằng, ít nhất trong lịch sử, chỉ có thể tiệm cận đến chân lý, và tính chủ quan trong nhận thức lịch sử luôn ở đó.
Bản thân các nghiên cứu lịch sử đã gặp khó khăn như vậy, thì ta không nên đặt yêu cầu quá cao đối với những sản phẩm sử dụng lịch sử với mục đích không phải là khôi phục lại sự kiện lịch sử. 
Rất đáng khen nếu một nhà sản xuất nào đó chịu khó tìm tòi và làm sao cho càng sát với thực tế càng tốt. Tuy nhiên, có một nhược điểm khó tránh khỏi với những sản phẩm như thế này: Người bình thường rất khó tiếp cận, dễ chán. Đối với một sản phẩm giải trí, hay nghệ thuật. Như vậy là một thất bại.
Ví dụ, bạn có thể trải nghiệm những game như: Arma III (bắn súng mô phỏng), dòng Wargame (gồm những bản như European escalation, Airland battle, Red Dragon). Những game này vẫn có một cộng đồng fan base vững chắc và cực kỳ trung thành. Tuy nhiên, sẽ rất khó cho những người mới tiếp cận và cũng cực kỳ khó để mở rộng cộng đồng của mình. Đối với mình, Wargame vẫn chưa đủ chân thực, mình đã tìm đến dòng Combat Mission. Và thật sự, càng chân thực thì sẽ lại càng khó tiếp cận với số đông. Nói thẳng ở một mức độ nào đó là khiến đại chúng “chán”.
Các nhà sản xuất cũng phải tính đến vấn đề là cân bằng game, các thông số sẽ phải được cân đối, chỉnh sửa ít nhiều. Nếu kiên trì với nguyên tắc chân thực, thì game sẽ dễ bị mất cân bằng. 
Phim và truyện cũng tương tự. Để những sản phẩm của mình hấp dẫn hơn, hay đơn giản, để khả thi, thì đôi lúc các sản phẩm cũng nên rời xa thực tế.
Còn với những người phê phán. Đối với mình, rất khó để chấp nhận rằng chính những bình luận phê phán một sản phẩm nào đó không sát sử, cũng đầy lỗi và không hề “sát sử” một tí nào.
Ví dụ như ở đây, khi phê phán hình tượng Hai Bà Trưng trong tựa game Fate/Grand Order:

Về nguồn gốc và nhân chủng học của người Việt vẫn còn rất nhiều điều để bàn. “Tóc xù xì”, da sẫm màu cũng là một giả thuyết về người Việt thời điểm đó. Không hiểu sao những đặc điểm đó ảnh hưởng như thế nào đến hình tượng oai phong lẫm liệt. Nếu nhạy cảm hơn, còn có thể đánh giá đây là những lời thù ghét, kỳ thị về chủng tộc.
Hay những bình luận về Hồ Xuân Hương trong dự án Sử Hộ Vương là hở hang và gây phản cảm, lố bịch, không tôn trọng lịch sử. Nhưng nhìn lại những sáng tác của Hồ Xuân Hương, thì việc xây dựng chân dung như vậy thật ra cũng không phải là đi ngược lại. Mà hình tượng Hồ Xuân Hương trong hội họa đã từng được xây dựng còn bạo dạn hơn vậy vài chục năm trước đây. Tại sao một số cái là phản cảm, một số cái lại không?
Bạn có thể nói rằng, vì tranh của Bùi Xuân Phái có tính nghệ thuật, còn hình minh họa kia thì không? Vậy thế nào là có tính nghệ thuật?
Thế nào là phản cảm, thế nào là lố bịch?
Đây là những câu hỏi rất khó trả lời. Nếu cứ hở hang, tập trung vào các yếu tố dục tính thì là phản cảm, lố bịch. Thì như thế này cũng phản cảm và lố bịch hết thảy:
Vâng, đó chính là tín ngưỡng phồn thực đó ạ. Và phồn thực là một yếu tố không thể thiếu khi nhắc đến văn hóa Việt Nam, vậy làm sao để phân biệt nó với phản cảm và lố bịch?
Trong văn học dân gian, cũng không thiếu những lời đầy dục tính:
Gặp đây anh mới hỏi nàng Cái gì lủng lẳng một gang trong quần
Để xác định một thứ có tính nghệ thuật hay không cũng rất khó và mang đầy tính chủ quan, phụ thuộc vào hệ giá trị của mỗi người. Bạn thấy một thứ là đẹp, không có nghĩa người còn lại cũng thấy vật đó là đẹp. Bạn coi một tác phẩm là nghệ thuật, người khác chưa chắc đã công nhận. Điều này hết sức bình thường, nó làm nên tính đặc sắc cá nhân của mỗi người.
Bi kịch lớn nhất là áp đặt quy chuẩn của mình lên người khác. Muốn người khác cũng yêu, cũng ghét cùng mình. Mình thấy đẹp thì người ta cũng phải thấy đẹp, mình thấy phản cảm, thì mọi người khác cũng phải tẩy chay cùng mình. Có thể nói, đây là dấu hiệu của việc thích áp đặt, một dạng độc tài, chuyên chế.
Các vấn đề như phản cảm, lố bịch,... thì đây là những phạm trù mang tính cá nhân rất cao, đầy cảm tính và rất khó để xác định. Nếu không thể quy chuẩn hóa, giải thích cho hệ thống quy chuẩn của mình, không thể đo lường các sản phẩm xem có hợp quy chuẩn hay không, thì tốt nhất, hãy giữ quy chuẩn đó cho riêng mình. Việc áp đặt quy chuẩn của mình lên người khác là một việc làm của những kẻ độc đoán. Và xin trích dẫn một câu nói thay cho lời kết:
“Tôi ghét những điều bạn nói, nhưng tôi sẽ dùng đời mình để đổi lấy quyền được nói của bạn.”