[Review Sách]- Hiểu Nghèo, Thoát Nghèo
Nguồn: Fahasa.com Lúc tôi vào năm lớp hai, hè năm đó, tôi được mẹ sai đi qua một ngôi miếu trong làng lấy mùng được phát miễn...
Lúc tôi vào năm lớp hai, hè năm đó, tôi được mẹ sai đi qua một ngôi miếu trong làng lấy mùng được phát miễn phí chống muỗi. Âu cũng do cái thời đó muỗi kinh lắm. Cầm chiếc mùng màu xám, bọc vỏ nhựa trên tay, háo hức chạy về nhà kêu mẹ giăng mùng rồi ngủ thử coi muỗi còn đốt không. Dùng được một đêm thì bỏ, vì nóng và ngợp quá. Mẹ kêu tháo ra để mẹ lấy cái mùng thường ngủ cho khỏe, vì của cho thường là của ôi.
Cho đến mãi sau này, khi tôi tình cờ đọc cuốn Poor Economics, tạm dịch Hiểu Nghèo Thoát Nghèo, của hai tác giả vừa đoạt giải Nobel Kinh Tế, là Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo, mới biết được rằng những chiếc mùng miễn phí đó nằm trong chương trình phòng chống sốt rét, xóa đói giảm nghèo, của Liên Hợp Quốc tại các quốc gia đang phát triển.
Cuốn sách Hiểu Nghèo Thoát Nghèo được hai tác giả viết đúng như tên gọi của nó. Qua hơn 400 trang sách, ta cùng hai tác giả trải qua cuộc hành trình hiểu hơn về cái nghèo, về những con người mà ngay lúc bạn đang đọc những dòng này đây, đang phải lặn, ngụp, và vẫy vùng vô vọng dưới đáy của xã hội.
Hai tác giả sẽ cho bạn cách nhìn khác, sâu sắc hơn về “cái nghèo”. Họ không ngồi bàn giấy, áo sơ vin trắng muốt, gọn gàng, và đôi khi bụng phệ, nhìn chằm chằm vào những bảng báo cáo rồi nói cho bạn người nghèo, họ nghèo, vì đơn giản họ không có tiền, hãy cho họ tiền, thế là xong.
Thật may, bạn sẽ không phí thời gian đến như vậy, tôi hứa đấy. Abhijit và Esther đã lần đầu tiên áp dụng phương pháp Thí nghiệm Lâm Sàng Đối chứng Ngẫu nhiên (RCT), một phương pháp được ứng dụng trong y dược để kiểm tra công dụng của thuốc. Nhờ phương pháp này, một cách thú vị và đầy bất ngờ, chúng ta có được những hiểu biết quý giá về cách người nghèo ra quyết định cho các nhu cầu cơ bản của con người như, ăn, uống, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, con cái, học hành, nghề nghiệp và cả bầu cử.
Sách được chia làm 10 chương, ngoại trừ chương 1 là dẫn nhập, 9 chương còn lại sẽ là từng vấn đề, hay từng câu hỏi mà tác giả đặt ra, để người đọc cùng tham gia vào quá trình giải quyết và tìm ra câu trả lời. Tuy nhiên, tất cả 9 câu hỏi ấy đều xoay quanh một câu hỏi lớn và là xương sống của cả cuốn sách này, rằng liệu Chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ trên thế giới như WHO, Liên Hợp Quốc có nên giang tay cứu lấy người nghèo, hay để bàn tay vô hình của thị trường dẫn dắt họ đi là tốt nhất?
Để có một trải nghiệm thú vị khi đọc một cuốn sách có vẻ như “ khô như những đôi môi nứt nẻ mùa đông” này, các bạn hãy liên hệ nó tới chính cuộc sống của mình.
Chẳng hạn như, trong sách có đề cập đến bảo hiểm y tế dành cho người nghèo, giúp họ vượt qua khủng hoảng tài chính khi mắc phải những căn bệnh nặng bất ngờ, cái luôn khiến người nghèo mắc bẫy nghèo. Thế nhưng họ lại cho rằng, việc đóng tiền hằng tháng hay hằng năm cho các bảo hiểm y tế nhưng lại chẳng mấy khi dùng lại là một sự lãng phí.Đọc đến nay, ắt hẳn nhiều người trong chúng ta cũng từng có một hai lần nghĩ đến.
Ngoài ra, hai tác giả còn đưa ra ví dụ về tài chính vi mô là một giải pháp hữu ích giúp những người nghèo có chí hướng kinh doanh, thoát nghèo. Hay nói cách khác, trong người nghèo luôn tồn tại một tinh thần khởi nghiệp dù lớn dù nhỏ nhưng họ gặp vấn đề về vốn, khiến tinh thần đó vụt tắt. Chính vì vậy các tổ chức tín dụng, các ngân hàng với những khoản vay nhỏ, chính là ông bụt trong thế giới ấy. FE Credit, HD Bank, hay Home Credit tất cả chỉ muốn giúp đỡ người nghèo, thoát nghèo thôi, đôi khi họ gặp rủi ro khi người vay quỵt nợ khiến họ phải cử nhân viên đi thu nợ, thế thôi, nếu như đúng theo lý thuyết là như vậy.
Tới đây, nhiều bạn sẽ tự hỏi: “Thế thì có cách nào xóa đói giảm nghèo không?”. Câu trả lời là có, nhưng cần rất nhiều thời gian. Cuối cuốn sách, cả hai tác giả đã đúc kết lại 5 bài học chủ chốt khiến cho người nghèo, nghèo. Đó là vì họ thiếu thông tin. Đó là vì họ gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm. Đó là vì họ chịu bất lợi về tính tự do của thị trường. Đó là vì họ chịu sự lãnh đạo của những tên hám lợi háo danh, bòn rút tiền tài trợ. Và cuối cùng, đó là vì sự không tin tưởng và tính phán xét vô tội vạ đã dẫn đế nhiều thành kiến bất lợi cho chính bản thân người nghèo. Tất cả đều như cùng nhau dẫn con người ta vào một cái bẫy, đó chính là bẫy nghèo.
Tôi xin kết lại bài bằng câu của tác giả như sau:
“ Chúng ta không có đòn bẩy nào đảm bảo loại trừ được đói nghèo, nhưng một khi chúng ta chấp nhận sự thật thì vấn đề chỉ là thời gian. Nghèo đói đã song hành với chúng ta hàng ngàn năm qua; Nếu phải đợi thêm 50 năm hay 100 năm nữa để giải quyết vấn đói nghèo thì cũng vậy thôi. Ít ra chúng ta sẽ không còn giả vờ là có một giải pháp gì đó, mà thay vào đó cùng chung tay với hàng triệu người hảo tâm trên toàn thế giới - những viên chức được dân bầu, giáo viên và các nhân viên phi chính phủ, giới học giả và các doanh nhân - trên hành trình tìm tới vô vàn những ý tưởng lớn nhỏ mà cuối cùng sẽ đưa ta đến một thế giới không còn ai sống dưới mức 99xu/ngày.”
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất