Từ "Đào, phở và piano" nhìn về Chủ nghĩa Lãng mạn thời chiến
Bài viết này không phải review phim, mà nhằm thảo luận một chủ đề ít khi được nhắc tới: Tinh thần lãng mạn chủ nghĩa trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô.
Bài viết này không phải review phim, mà nhằm thảo luận một chủ đề ít khi được nhắc tới mà phim khơi mở: Tinh thần lãng mạn chủ nghĩa trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô.
"Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa..." (Chính Hữu, Ngày về, 1947)
Tôi không đánh giá phim "Đào, phở và piano" là hay, chỉ kha khá thôi. Tôi không ấn tượng lắm trước những hình ảnh biểu tượng về sự hy sinh, hào hùng, bi tráng liên tiếp xuất hiện. Tôi nghĩ phim đã đi quá đà trong vấn đề này, như kiểu cố nhồi nhét để khiến người xem phải cảm động. Nhưng mà cái tinh thần lãng mạn chủ nghĩa thời chiến thì tôi thích.
Đương nhiên, yếu tố lãng mạn vẫn luôn xuất hiện trên phim chiến tranh của Việt Nam. Nhưng bối cảnh lịch sử của phim này đặc biệt hơn rất nhiều. Phim lãng mạn bởi quả thực thời đó lãng mạn.
DƯ ÂM CỦA TRÀO LƯU LÃNG MẠN
Trào lưu lãng mạn (Romanticism) bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ 20 và thoái trào vào giữa những năm 40. Phong trào Thơ Mới, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, tình ca Tân nhạc..., tất cả thâm nhập sâu sắc vào đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung và người dân Hà thành nói riêng.
Trong thời kỳ này, người ta viết thơ, viết nhạc ca ngợi chủ nghĩa cá nhân, thế giới tâm hồn, đề cao cái "tôi", vốn gần như không có chỗ đứng trong văn chương cổ điển (chỉ có cái "ta"). Không chỉ vậy, chủ nghĩa lãng mạn còn thúc đẩy cách sống theo tình cảm, trọng cảm xúc thay vì lý trí.
Tình yêu thiên nhiên, hoài niệm cái cũ, tình yêu đôi lứa tự do, cái buồn lãng mạn, khát vọng tự do, chặt bỏ mọi lề thói xưa cũ xiềng xích, thậm chí những cái kì bí, kinh dị, đáng sợ... cũng trở thành đề tài được yêu thích.
Cuối năm 46, đầu năm 47, thời điểm diễn ra trận 60 ngày đêm bảo vệ thành Hoàng Diệu, trào lưu lãng mạn đã tắt nhưng hơi ấm của nó vẫn còn.
Cùng với đó, sự nảy nở của phong trào Hướng đạo và những bài ca lãng mạn đượm lòng yêu nước, đã tiếp thêm sức sống của tinh thần lãng mạn trong trái tim người Hà Nội, đặc biệt là lớp thanh niên và trí thức. Ta có thể cảm nhận phần nào tinh thần ấy trong phim "Đào, phở và piano".
HOA TRÊN CHIẾN LŨY
Trong phim "Đào, phở và piano" có cảnh nhà tư sản (Tuấn Hưng đóng), nhìn ngắm bức tranh "Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân", do Eugène Delacroix sáng tác năng 1830. (Và cũng chính nhân vật này đã thốt lên "Chủ nghĩa lãng mạn muôn năm" trong một phân cảnh nào đó).
Đây là kiệt tác lừng danh bậc nhất của thời kỳ chủ nghĩa lãng mạn ở châu Âu (cuối TK 18 - nửa đầu TK 19) và bản thân Eugène Delacroix cũng là thủ lĩnh của phái Lãng mạn Pháp. Như tên gọi, bức tranh là biểu tượng cho khát vọng tự do của con người.
Trong tranh, toàn thể nhân dân Pháp, từ giới tư sản cho tới công nhân, sinh viên, đều tiến bước theo chân nữ thần Tự Do làm cách mạng. Tôi nghĩ trận chiến 60 ngày đêm này cũng mang tinh thần ấy. Người dân Hà Nội, bất chấp giai tầng, cùng đứng lên bảo vệ Hà Nội theo tinh thần lãng mạn ái quốc:
"Người ta sẵn sàng từ bỏ gia đình, từ bỏ quê hương, ruộng vườn để ra đi và ra đi mà không ai trách cứ. Nhiều thanh niên đã hăng hái xung phong gia nhập Vệ Quốc Đoàn, nhiều người không được nhận vì thiếu sức khỏe đã khóc khi phải trở về nhà. Người ta đã ra đi để cứu quốc một cách ngây thơ, tự nhiên, đơn giản, không cần biết ai là người lãnh đạo, nói như Phạm Duy ở một chỗ nào đó trong hồi ký của ông". [1]
Nhiều cảnh trong phim mang tinh thần lãng mạn chủ nghĩa.
Những người lính Vệ quốc đoàn cùng nhau kéo đàn xếp tình ca lãng mạn "Suối mơ" của Văn Cao, chứ không phải bài cách mạng nào cả. Cảnh mọi người cùng lắng nghe cô gái đàn piano trong căn nhà đổ nát. Cảnh chàng lính mang cây đào về chiến lũy. Hay cảnh ông họa sĩ chọn thể hiện đề tài tình yêu chứ không phải người lính...
Những cảnh ấy khiến tôi nhớ tới tiểu thuyết "Lũy hoa" của Nguyễn Huy Tưởng, cũng viết về trận chiến bảo vệ Hà Nội năm 46-47. Trong "Lũy hoa" ta cũng chứng kiến tình yêu nước nồng nhiệt từ tận đáy lòng, bắt gặp được khao khát được thấy cành đào Tết nở trên chiến hào, cũng nghe thấy tiếng đàn vang lên giữa nơi tử địa...
"Trời ơi! Chỉ có mấy bông hoa mà Hà Nội kháng chiến tươi thắm hẳn lên. [...] Trong tàn phá, trong khói lửa, ta vẫn thấy thắm tươi mấy bông hoa lay ơn, hoa mai cắm trên chiến lũy." "Mặc cho tiếng súng nổ gần, Thu Phong vẫn ngồi đánh dương cầm, trong bóng tối. Anh đeo khẩu súng trường trên vai, thắt lưng giắt lựu đạn, một vai đeo một bao đựng gạo. Vai anh cũng ngả nghiêng. Mắt mơ màng..." (Nguyễn Huy Tưởng, Lũy hoa, tiểu thuyết/truyện phim, 1960 )
Quan trọng hơn, chính bản thân của các nhân vật trong phim cũng sống theo tinh thần lãng mạn chủ nghĩa, cho dù họ có ý thức về thứ chủ nghĩa này hay không. Từ đôi nam nữ chính cho đến bác hàng phở, từ ông họa sĩ cho đến mục sư, họ đều sống theo tình cảm, sẵn sàng nghe theo tiếng gọi tâm hồn, chứ không nhất nhất tuân theo lý trí.
Chính vì không sống thuần lý trí, nên họ dễ có những suy nghĩ và hành động phi lô gic, trái với lẽ thường, có thể gây khó chịu đối với người xem và bị coi là "sạn". Nhưng nhìn một cách khác, các nhân vật ấy đã được xây dựng rất "đời", rất "thực".
Chính vì không sống thuần lý trí, nên họ dễ có những suy nghĩ và hành động phi lô gic, trái với lẽ thường, có thể gây khó chịu đối với người xem và bị coi là "sạn". Nhưng nhìn một cách khác, các nhân vật ấy đã được xây dựng rất "đời", rất "thực".
Tại sao tất cả những điều nói ở trên thuộc về lãng mạn chủ nghĩa? Bởi vì chúng phản ánh chân thực thế giới nội tâm con người. Một tâm hồn luôn khát khao tự do và cái đẹp. Một tâm hồn luôn khiến người ta có những hành vi khó hiểu và phi lý.
Bạn có thể tự hỏi: Nhưng đang chiến tranh mà, tại sao tinh thần tự do, phóng khoáng, phi lý trí như vậy lại có thể tồn tại?
Thời đó còn chưa có sự quản lý của Đảng và nhà nước về mặt văn nghệ. Anh thích hát cái gì, thích đàn cái gì, thích vẽ cái gì cũng được, miễn là anh cùng chung mục tiêu cứu quốc. Anh bộc bạch nỗi nhớ nhung gia đình, nhớ vợ con, nhớ người yêu..., cũng không sao cả.
Tóm lại, nội tâm anh rung động trước điều gì, anh hoàn toàn có thể bộc lộ ra bên ngoài, chẳng sợ kỉ luật, kiểm điểm. Một tinh thần tự do cực kỳ lãng mạn, hoặc lãng mạn hoàn toàn tự do.
Tinh thần ấy sẽ tiếp tục tồn tại trong khoảng 3 năm nữa. Nhờ có tinh thần lãng mạn thời chiến, chúng ta có "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm, có "Tây Tiến", "Mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng, có "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan... (Hy vọng có thể viết được một bài về thời kỳ này)
"Vầng trán em mang trời quê hương Mắt em dìu dịu buồn Tây phương Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm Em có bao giờ em nhớ thương." (Quang Dũng, Mắt người Sơn Tây, 1948)
Sau năm 1949, khi Đảng bắt đầu siết chặt kiểm soát về mặt tư tưởng và văn nghệ, tinh thần lãng mạn tự do phóng khoáng kiểu này không còn được phép tồn tại vì bị coi là gắn liền với tư sản.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] "Đặc Tính Lãng Mạn Trong Những Năm Đầu Của Cuộc Kháng Chiến Chống Pháp (1946-1954) và Thi Ca Việt Nam Thời Chiến". Link: http://amvc.free.fr/.../DocTre.../DacTinhLangMan-PCDuong.htm
[2] "Trào lưu lãng mạn ở phương Tây và Việt Nam". Link: http://chimviet.free.fr/.../ngphuyen_traoluulangman.pdf
[3] "Trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945". Link: https://taodan.com.vn/trao-luu-lang-man-trong-van-hoc...
[4] "Lũy hoa", tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng, viết về trận 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội.
[5] Bài review phim "Đào, phở và piano" của nhà văn Hà Thủy Nguyên. Link: https://www.facebook.com/photo/?fbid=827007786120632&set=a.490102643144483
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất