Mặc dù cơ thể là tài sản quý báu của mỗi người nhưng dường như chúng ta chưa quan tâm đến nó nhiều. Điều đó được thể hiện qua chế độ ăn uống bừa bãi. Chúng ta chỉ tập trung vào kiếm tiền, làm giàu, nhưng chúng ta quên mất đi ý nghĩa của sự giàu có.
Năng suất công việc của bạn có đạt hiệu quả cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của bạn. Thử để ý xem, nếu một ngày bạn không ăn sáng, hiệu quả công việc có đạt được mức như bạn mong đợi? Chưa kể, nếu bạn không để ý chế độ ăn uống hằng ngày và ăn những loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, đây là cơ hội để tạo tiền đề hình thành những khối u không mong muốn trong cơ thể. Phần lớn mọi người không biết hoặc không để ý những loại thực phẩm nào sẽ là nguyên nhân tạo nên những khối u đó. Nếu bạn đang quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, thật may mắn khi bạn lựa chọn dừng chân vài phút ở bài viết này. Ở đây, mình sẽ liệt kê một vài thực phẩm hàng đầu có nguy cơ gây ung thư bạn nên tránh hoặc hạn chế cho vào thực đơn mỗi ngày.

Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến

Đối với những người theo “đạo thịt” thật khó có thể chấp nhận khi nghe tin thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư. Thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu và dê. Còn thịt đã qua chế biến bao gồm thịt đã qua quá trình tẩm ướp, hun khói, chế biến nhằm mục đích làm tăng hương vị và thời gian bảo quản, như xúc xích, thịt xông khói, giăm bông, thịt hộp.
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, tiêu thụ hơn 3 phần ăn mỗi tuần được xem là vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Một khẩu phần thịt đỏ khoảng 85gram đến 113 gram tương đương một chiếc bánh hamburger nhỏ, bít tết hoặc một miếng thịt lợn cỡ trung bình. Tổng mức tiêu thụ thịt hàng tuần của bạn, theo báo cáo của AICR, nên dưới 350 đến 500 gram mỗi tuần.
Nguy cơ ung thư liên quan đến các sản phẩm thịt chế biến thậm chí còn cao hơn. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, một chi nhánh của Tổ chức Y tế Thế giới, phân loại thịt chế biến là chất gây ung thư Nhóm 1, nghĩa là giống như các chất gây ung thư Nhóm 1 khác - thuốc lá, bức xạ tia cực tím. Theo báo cáo của IARC, chỉ ăn 50 gam thịt chế biến mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên đến 18%. Bốn miếng thịt xông khói hoặc một chiếc xúc xích chứa khoảng 50 gram thịt đã qua chế biến.
Tuy nhiên, Kailey Proctor, một chuyên gia dinh dưỡng về ung thư tại Trung tâm Phòng ngừa và Điều trị Ung thư tại Bệnh viện St. Joseph ở Orange, California, nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa thịt và ung thư là mối liên hệ chứ không phải nguyên nhân, nghĩa là chúng ta không biết chắc liệu việc tiêu thụ thịt đỏ có gây ung thư trực tiếp hay không. Tuy nhiên, cô ấy lưu ý rằng các sản phẩm thịt chế biến nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải, một khẩu phần ăn mỗi tuần hoặc ít hơn.
Lý do những loại thịt này có khả năng làm tăng nguy cơ gây ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng là do thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có chứa chất gây đột biến và chất gây ung thư.
Khi thịt được nấu ở nhiệt độ cao hoặc nướng, các axit amin trong thịt tương tác với nhiệt để tạo thành các hợp chất gây ung thư gọi là amin dị vòng và hydrocacbon thơm đa vòng.
Với thịt chế biến sẵn, nguy cơ ung thư dường như có liên quan đến cách bảo quản và nấu chín thịt. Cụ thể, việc bổ sung chất bảo quản như nitrat và nitrit có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Tương tự, hun khói thịt cũng có thể tạo ra các hợp chất gây ung thư.

Đường

Đường cũng liên quan đến sự phát triển và tiến triển của một số loại ung thư. Vào đầu thế kỷ 20, Otto Warburg - nhà hóa sinh người Đức - đã quan sát thấy rằng các tế bào ung thư thường dựa vào đường để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng. Được gọi là hiệu ứng Warburg, quá trình này cho thấy ngưng cung cấp đường và carbohydrate có thể chuyển hóa thành đường, về mặt lý thuyết có thể làm chết tế bào ung thư.
Do đó, chế độ ăn ketogen làm giảm lượng carbohydrate xuống 10% hoặc ít hơn lượng calo tiêu thụ và tăng mức tiêu thụ chất béo lên 70% trở lên, được xem như một cách làm chậm sự lây lan của bệnh ung thư.
Mặc dù, hiệu quả của chế độ keto làm ngăn cản hoặc làm giảm nguy cơ ung thư chưa được chứng thực hoàn toàn, nhưng mối liên hệ giữa đường và ung thư đã được chứng minh. Vì vậy, bất kỳ loại thực phẩm nào có chỉ số đường huyết cao đều có thể làm tăng nguy cơ ung thư và nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao được định nghĩa bởi mức độ làm tăng hàm lượng đường trong máu sau khi tiêu thụ. Thực phẩm có đường, chẳng hạn như soda và kẹo, có chỉ số đường huyết cao.
Một vài chuyên gia cho rằng nếu bạn quan tâm đến vấn đề ung thư, bạn nên loại bỏ đường trong chế độ ăn uống vì nhiều loại tế bào ung thư sử dụng đường như nguyên liệu chính để phát triển. Một số xét nghiệm chẩn đoán ung thư sử dụng glucose phóng xạ để xác định khối u khi chụp PET vì hầu hết các tế bào ung thư đều có ái lực với đường, nên chúng hấp thụ các phân tử glucose nhanh hơn các tế bào không phải ung thư, do đó chúng sẽ tự hiển thị kết quả trong quá trình chụp.

Rượu bia

Rượu thực chất cũng là một loại đường nên nó cũng nằm trong danh sách những thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Rượu đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ đối với ung thư miệng, hầu họng, thực quản, gan, đại trực tràng, vú và tuyến tụy.
Nguyên nhân ung thư do rượu vẫn chưa được chứng minh rõ ràng nhưng nó liên quan đến tổn thương DNA do các tế bào gây ra sau khi tiếp xúc với rượu.
Ngoài ra, rượu là tác nhân gián tiếp làm tăng cân do hàm lượng calo cao. Các loại đồ uống có cồn cung cấp rất nhiều calo dư thừa nhưng không mang lại lợi ích dinh dưỡng nào vì vậy rượu là một trong những thực phẩm chúng ta cần hạn chế. Nếu bạn không uống rượu, đừng cố gắng tập làm gì. Còn đối với những người uống rượu, bạn nên hạn chế, biết đâu là điểm dừng để tránh hối hận về sau.

Thực phẩm chế biến và đóng gói

Một số loại thực phẩm chế biến sẵn cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Ví dụ như bỏng ngô quay trong lò vi sóng có các hợp chất có liên quan đến ung thư. Tổ chức Environmental Working Group đưa ra cảnh báo về hóa chất có tên PFOA được sử dụng để phủ bên trong túi bỏng ngô có khả năng gây ung thư, FDA cấm sử dụng chất này trong bao bì thực phẩm vào năm 2006.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra sau đó của EWG cho thấy rằng các hóa chất thay thế (cần thiết để ngăn dầu thấm qua giấy) cũng có khả năng gây ung thư và có khả năng chứa hóa chất perflo hóa. Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật, một bộ phận của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention), báo cáo rằng những hóa chất này, được gọi là PFC, có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí British Medical, các loại thực phẩm siêu chế biến khác, chẳng hạn như đồ nướng và đồ ăn nhẹ đóng gói, đồ uống có ga, ngũ cốc có đường, bữa ăn sẵn và các sản phẩm thịt tái chế có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều calo, muối, đường và chất béo bão hòa, tất cả đều có thể góp phần gây béo phì, vốn là một yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Ngay cả những thực phẩm có vẻ tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như cá hồi nuôi, cũng có thể chứa các hóa chất làm tăng nguy cơ ung thư. Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã phân loại biphenyl polychlorin hóa hoặc PCB có thể gây ung thư ở người. Loại hóa chất này được sản xuất từ ​​năm 1929 cho đến khi chúng bị cấm vào năm 1979, nhưng chúng vẫn tồn tại trong môi trường. Liệu hàm lượng các hóa chất này khi xâm nhập vào chuỗi thức ăn từ các khu vực chất thải công nghiệp, khu vực bị ô nhiễm và khu vực tập trung nuôi cá có đủ cao để gây ung thư hay không vẫn đang được tranh luận.
Nếu bạn lo lắng về nguy cơ này, Harvard Health khuyên bạn nên loại bỏ da cá hồi và mỡ bên dưới trước khi nấu, vì đó là nơi tập trung nhiều hóa chất nhất. Để chất béo thoát ra ngoài bằng cách nướng cũng có thể làm giảm nguy cơ. Các nghiên cứu cũng cho rằng cá nuôi ở Chile và tiểu bang Washington chứa hàm lượng các chất này thấp hơn, vì vậy hãy kiểm tra xem cá bạn mua có nguồn gốc từ đâu.
Nguồn: