Trong một dịp tình cờ gần đây, mình tham gia một khóa học "pre-Tâm lý học" - format mở bài và giới thiệu về những gì sắp được học thôi >.<
Trong đó có một phần giải thích về các phần của một con người, nôm na theo kiểu phổ thông là "Thân - tâm - trí" (mà trong slide bài giảng dịch ra là "Xác - Hồn - Linh). Sau đây mình xin đề cập đến phần "Linh" (mình sẽ tạm gọi bằng tiếng Anh là Spirit để dễ hình dung).
Thức ăn của phần Spirit này là những lời động viên, câu nói tích cực, sự công nhận tồn tại, v.v. Để dễ hiểu hơn nữa, theo kiến thức hạn hẹp của mình thì trong Phật giáo định nghĩa phần Spirit này là bản ngã của chúng ta.
Vậy nó sẽ liên quan gì đến việc đánh mất chính mình trong những mối quan hệ? Con người là những sinh vật sống theo bầy đàn, chúng ta không thể sống thiếu cộng đồng, may mắn hơn nữa con người có cảm xúc, có tư duy, tình cảm để trở thành động vật bậc cao thống trị thế giới này.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, nếu "bất cẩn" trong một đám đông bạn sẽ "ngã" liền. Hãy nhớ lại tiến trình khi chúng ta còn bé, đi học, lớn lên, đi làm, có gia đình đều sẽ theo một guồng quay xã hội sắp đặt sẵn. Chúng ta đạt được những thứ đó, chúng ta đạt được thành tựu, chúng ta có được thành công thì chúng ta sẽ nhận được sự công nhận, khen thưởng, đánh giá cao từ xã hôi. Vậy, từ khi nào định nghĩa về sự thành công lại chỉ là một đích đến cần hướng tới của toàn xã hội bao gồm "kiếm tiền - có nhà có xe".
Và có phải mục tiêu của đa số chúng ta hướng đến là tự do tài chính để về hưu sớm (mình cũng đã từng nghĩ vậy đấy ạ >.<). Nhưng chúng ta chỉ nhìn đến mỗi đích đến của sự hưởng thụ và quên mất tận hưởng hạnh phúc trên hành trình. Khi cuộc sống thuận lợi, chúng ta nhận được những lời tán dương, lúc này chúng ta sẽ cảm thấy bản thân cực tài giỏi, mình rất quan trọng và bám chấp vào niềm vui bất định từ bên ngoài.
Lúc này, bản ngã lên ngôi, đặc biệt là trong một cộng đồng tán dương, ca ngợi, luôn support những lời ta nói và đồng thuận với mọi quan điểm của ta. Có ai từng đặt câu hỏi nếu đám đông quay lưng, rút lại tất cả mọi sự đánh giá cao về ta, chuyển sang chỉ trích thì bản ngã mình sẽ thế nào không?
Bản ngã sẽ mất đi thức ăn cố hữu, chúng ta trở nên hụt hẫng, thất vọng, mất tự tin vào bản thân và tự đặt cho mình những câu hỏi hoài nghi về những gì mình đã từng làm trong quá khứ? Lúc này chúng ta mới vội vàng nhận ra để quay vào bên trong, nhìn nhận lại mọi định nghĩa, khái niệm về bản thân mà xã hội đã thêu dệt nên.
Mình có đọc qua một câu "Bạn là trung bình cộng của 5 người xung quanh bạn", theo mình quan sát thì thực chất chính là khi bạn tiếp xúc lâu với một cộng đồng từ 5 người, bạn sẽ dần có xu hướng làm những điều mà cộng đồng ủng hộ mình, thậm chí có những việc nó sẽ hơi "sai sai", nếu không tự phản chiếu lại thì có thể sẽ đánh mất core value mà trước nay mình hướng tới. Đây là một dạng đánh mất bản thân ngấm ngầm, không báo trước, trong một khoảng thời gian dài.
Nếu những mối quan hệ này là mối quan hệ thân thiết, quý trọng thì càng nghiêm trọng hơn khi đánh mất chính mình, vì chúng ta thường hay "hy sinh" bản thân để chiều lòng người khác trước. Do vậy, sẽ không có một định nghĩa rõ ràng nào giữa lằn ranh của "ích kỷ" và "cho đi", mỗi người chúng ta cần phải tự đặt câu hỏi để xác định core value mình hướng tới với việc mình làm có được nhất quán hay không!
Có một câu của Helly Tống mà mình rất tâm đắc "Lúc buồn thì nên để ý, nhưng lúc vui càng phải để ý hơn". Có thể vì đây là lúc bản ngã lên ngôi, tâm mong cầu bám chấp sẽ trỗi dậy.