Monta trong dải ngân hà kỳ cục là series phim hoạt hình của Hãng phim Hoạt hình tư nhân VinTaTa, do Tập đoàn Vingroup sản xuất với sự tham gia của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh và các bạn trẻ từ nhóm The Whale Hunters (nhóm chiến thắng cuộc thi Biên kịch tài năng của hãng phim hoạt hình này vào năm 2018). Series kéo dài 40 tập, tuy nhiên khá tiếc là hiện VinTaTa đã tiến hành ẩn kha khá các episode của Monta trong dải ngân hà kỳ cục với giải thích “để chuẩn bị cho một dự án lớn hơn”. Có lẽ, series Monta trong dải ngân hà kỳ cục được công khai cho khán giả là một ‘phép thử’ nhỏ cho hãng phim hoạt hình 3 năm tuổi này. Dù vậy, theo quan điểm cá nhân, VinTaTa nên giữ nguyên các video tập phim của mình thay vì ẩn để những khán giả khác quan tâm tới nền công nghiệp hoạt hình của nước nhà nhưng chưa nghe tới có điều kiện theo dõi.
Dù là đã có kha khá các tập phim của series Monta trong dải ngân hà kỳ cục đã bị ẩn đi, tuy nhiên, mình vẫn muốn làm một đánh giá dưới con mắt của một khán giả bình thường quan tâm tới nền hoạt hình nước nhà như là một lời góp ý nhỏ tới VinTaTa để giúp cho họ và nền hoạt hình Việt được phát triển, sánh vai với nước bạn Malaysia, khu vực và thế giới.
Như một số bài mình đánh giá về hai phim hoạt hình điện ảnh Malaysia mình có cơ hội được xem là Upin & Ipin: Truyền thuyết thần đao (hãng phim Les Copaque, dựa trên series Upin & Ipin, chiếu ở Việt Nam ngày 26/04/2019) và BoBoiBoy Movie 2: Cuộc chiến ngân hà (hãng phim Animonsta Studios/Monsta, dựa trên franchise BoBoiBoy, chiếu ở Việt Nam ngày 28/08/2019) mà mình đã viết trước đây trên Ereka.vn, mình sẽ đánh giá dựa theo các phần: đồ họa và hiệu ứng, bối cảnh, nhạc phim, nội dung và cốt truyện. Chúng ta bắt đầu nhé!

1/ Đồ họa và hiệu ứng

Đây được coi là một điểm sáng trong series. Trước kia, khi nói tới hoạt hình Việt Nam, nhiều người sẽ có một định kiến quy chụp cho rằng hoạt hình nước nhà dở tệ do ảnh hưởng của thực trạng đa số các sản phẩm mà khán giả trong nước tiếp xúc là sản phẩm chất lượng kém, nhất là về chất lượng đồ họa, của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam – là hãng phim hoạt hình nhà nước hoặc như Quà tặng cuộc sống phát hàng đêm trên sóng VTV3. Thế nhưng, khi xem Monta trong dải ngân hà kỳ cục, ắt hẳn nhiều người sẽ có suy nghĩ khác.
Monta trong dải ngân hà kỳ cục có đồ họa 2D tươi sáng, cuốn hút, mượt mà. Không còn hiện tượng khung hình ngượng ngạo, cứng nhắc như thường thấy ở một số sản phẩm hoạt hình Việt Nam kém chất lượng mà nhiều khán giả hay quy chụp cho toàn bộ nền công nghiệp hoạt hình nước nhà.
Đúng với tính chất chủ yếu của phim là hướng tới đối tượng trẻ em, với sứ mệnh ‘mang nụ cười cho trẻ em Việt Nam’, đồ họa bắt mắt và thích hợp cho khán giả nhí.
Thế nhưng xuyên suốt series, có một số cảnh trong phim có chuyển động hoạt họa chưa được khớp với âm thanh bối cảnh hay lời thoại tiếng Việt. Ví dụ như trong tập số 5 – Hành tinh rác, chương I – đoạn Maika hét lên khi thấy lông của mình bị ‘xén mất’ có cử động miệng hét không trùng khớp với audio, có độ trễ khoảng từ 1,5-2 giây. Hay như trong tập số 9 – Hành tinh Giáng sinh có đoạn Wood háo hức mở quà và nói câu ‘Nữa đi’ 3 lần nhưng cử động miệng chỉ có 2 lần.
Tuy với khán giả nhỏ tuổi thì đây không phải là một điều đáng quan tâm, nhưng với các khán giả có yêu cầu cao hơn về chất lượng phim thì đây là một ‘hạt sạn’ khá đáng tiếc.

2/ Bối cảnh

Đúng như tên của series, bối cảnh của phim diễn ra ở nhiều hành tinh mang tính rất kỳ cục trong dải ngân hà rất nỗi kỳ cục giả sử ở Hành tinh Bánh ngọt thì các bánh ngọt với đủ hình thù chẳng khác nào như con người và đi ăn… nến trong bánh sinh nhật; hoặc Hành tinh Điện thoại với cư dân là điện thoại; v.v. Đây là một ý tưởng bối cảnh rất hay khi mang tính ‘phi thực tế’ để lôi cuốn khán giả nhí, giúp nền hoạt hình Việt thoát khỏi cái bóng ‘thiếu tính phi lý’ bủa vây trong khoảng thời gian dài.
Và để giúp bối cảnh được hiện lên trong phim có cơ hội được hiện ra mà không đem lại quá nhiều thắc mắc cho khán giả, phim đã có một đoạn giải thích nhỏ lý giải cho sự xuất hiện của dải ngân hà kỳ cục và đồng thời lý giải vì sao chú khỉ Monta lại xuất hiện: Monta có xuất thân là người hỗ trợ cho vị Đầu bếp tối thượng để tạo nên một vũ trụ cân bằng nhưng Monta lại làm xáo trộn, Đầu bếp tối thượng giao nhiệm vụ cho Monta phải làm dải ngân hà quay trở về như cũ.

3/ Nhạc phim, âm thanh

Monta trong dải ngân hà kỳ cục có bài hát chủ đề chính tên ‘Hey Monta!’ thể hiện bởi ca sĩ Đức Phúc với giai điệu rất dễ thương, nhí nhảnh thu hút được các bạn nhỏ. Còn đối với khán giả lớn hơn, Hey Monta nghe khá hay.
Các nhạc cho bối cảnh của phim (score) gắn khá ổn với bối cảnh của các tập.
Âm thanh cho bối cảnh của phim cũng là một điều mà VinTaTa làm khá tốt. Ví dụ như audio hiệu ứng đập trứng trong tập 11 của series, rất đúng với thực tế. Mình chỉ nói là khá tốt thôi vì còn một số cảnh trong series có âm thanh chưa thật sự đúng so với thực tế hoặc là có độ trễ so với hoạt họa khoảng vài ba giây. Có cảnh thì nhẽ ra nên thêm hiệu ứng âm thanh thì lại không hề có: như tập số 9 của series, đoạn Monta và các bạn của cậu mở quà nên có hiệu ứng âm thanh tiếng xé giấy bọc quà để chân thực hơn. Thậm chí có một phân đoạn trong tập số 9, khi Wood thấy Santa thì tiếng chân của Santa bị lẫn khá nặng vào nhạc nền của phim nên rất khó nghe. Nên phần âm thanh cần được khắc phục thêm.

4/ Nội dung & cốt truyện

Nội dung, diễn biến truyện và lời thoại dần ‘thoát ly’ ra được sự khô khan, cứng nhắc trong nội dung của một số sản phảm hoạt hình Việt Nam trước kia nhưng vẫn giữ được tính giáo dục, và thậm chí còn truyền tải thông điệp nhân văn cho người lớn – điều mà trước kia rất ít khán giả Việt nghĩ tới khi nhắc tới một bộ phim hoạt hình.
Nói về nội dung phim, cốt truyện và diễn biến, phim hướng kha khá vào đối tượng là trẻ em. Nếu xét dưới góc độ khán giả là trẻ nhỏ thì cốt truyện khá vui nhộn nhưng nếu ở góc độ khán giả lớn tuổi thì phim chưa thật sự có điểm gì quá cuốn hút, dù có tính giải trí với các chi tiết gây hài và ‘kỳ cục’ trong series – nhất là dành cho khán giả lớn tuổi nào muốn ‘cho tôi xin một vé đi tuổi thơ’, vì cốt truyện đem đến cho khán giả lớn tuổi cảm giác khá bằng bằng, chưa có những chi tiết cao trào thật sự, cũng như việc giải quyết vấn đề được đề cập trong các tập phim xem chừng còn khá đơn giản.
Chưa kể có một ‘hạt sạn’ ở ngay tập đầu của series về mặt nội dung khi phim chưa làm rõ được nguyên nhân vì sao Monta trở thành thủ lĩnh và vì sao các nhân vật lại gặp nhau trên con tàu Banana, nên với khán giả có yêu cầu cao trong việc xem phim thì đó là một ‘hạt sạn’ khó chịu.
Nên rất đáng tiếc là dù Monta trong dải ngân hà kỳ cục làm được một điều mình thấy tuyệt vời là lồng những bài học nhân sinh và câu chuyện mang tính đời sống cao với người lớn trong một bộ phim mà nội dung hướng đến trẻ em như việc ô nhiễm rác thải (trong tập Hành tinh rác), việc lạm dụng điện thoại và thiết bị điện tử (trong tập Hành tinh điện thoại) hay việc ‘uốn lưỡi bảy lần trước khi nói’ và những lời nói vô tình của các phụ huynh lên con trẻ (trong tập Hành tinh lốp xe – khá tiếc là tập đó bị VinTaTa ‘ẩn’ khỏi YouTube của mình, mình đánh giá cao thông điệp đó) nhưng vì nhược điểm là cốt truyện chưa thật sự cuốn hút được khán giả có yêu cầu cao hơn về chất lượng nên series chưa thật sự thu hút nhiều khán giả như kỳ vọng.
Dù vậy, điều đáng khen cho Monta trong dải ngân hà kỳ cục là lời thoại của phim đã trở nên gần gũi và ‘thật’, ‘đời’ hơn với khán giả. Cũng dễ hiểu thôi khi phim được biên kịch bởi những bạn trẻ có tâm và có tài, cùng với đó là sự hỗ trợ phát triển từ biên kịch kỳ cựu Jeffery Scott, người từng 3 lần đạt giải Emmy Awards cho Chương trình hoạt hình xuất sắc nhất với các thương hiệu như Duck Tales (Disney), các phim hoạt hình của Marvel.
Nhưng dường như cũng chính vì việc có một biên kịch nước ngoài hỗ trợ nên dẫn tới một ‘hạt sạn’ nữa là một số lời thoại nghe khá lủng củng mà theo mình, có vẻ là do lời thoại đó được hỗ trợ biên kịch bằng tiếng Anh rồi biên dịch sang tiếng Việt nên các ‘punch’ trong tiếng Anh không thật sự ăn khớp với người Việt.
Nhân vật cũng là điều mình sẽ nói tới ở đây vì vốn nguyên nhân người Việt có thành kiến với sản phẩm hoạt hình chúng ta sản xuất là do một số sản phẩm hoạt hình có nhân vật không mang đặc trưng tính cách riêng biệt mà rất mờ nhạt, na ná nhau, không có nhiều đặc trưng tính cách mà khán giả cảm thấy có thể liên hệ với bản thân người xem hoặc chí ít là thấy gần gũi.
Monta trong dải ngân hà kỳ cục đã ‘phá’ được bủa vây tư tưởng khi mỗi nhân vật trong series có những tính cách rất riêng biệt mà người xem có thể nhận ra trong quá trình xem phim. Monta dù có tinh nghịch nhưng lại rất quan tâm tới mọi người và luôn cố gắng giải quyết mọi việc với tinh thần trách nhiệm cao. Cô cừu Maika rất chăm chút tới vẻ bề ngoài, và rất nhanh trí. Trong khi Sharkira thì khá là hậu đậu.
Chốt lại
Khác so với hai bài về phim hoạt hình điện ảnh kia, cá nhân mình sẽ không đưa ra bất kỳ một điểm số đánh giá nào cả vì việc so sánh sẽ khá khập khiễng với nội bộ chung của thị trường hoạt hình Việt, thực tế phim hoạt hình Việt còn chưa quá chất lượng và phim hoạt hình quốc tế đã bỏ xa Việt Nam; cũng như hiện tại vẫn còn nhiều điều VinTaTa cần phải cải thiện để có thể giúp cho sản phẩm của mình phát triển, cháy lớn hơn để trở thành một ngọn lửa hy vọng của nền công nghiệp hoạt hình Việt Nam. 
Với một hãng phim hoạt hình mới thành lập 3 năm và cho ra lò sản phẩm đầu tiên, vấp ngã và những ‘hạt sạn’ là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, VinTaTa đã thật sự cố gắng không ngừng nghỉ để làm ra một sản phẩm thật sự mang được cái tâm – cái tầm – cái tài của những nhà làm phim hoạt hình Việt Nam, để có bước đi đầu tiên cho nền công nghiệp hoạt hình Việt Nam vốn tiềm năng nhưng bị bỏ ngỏ này.
Mong rằng Vingroup nói chung, và Nguyễn Phi Phi Anh và các cộng sự của mình nói riêng sẽ gặt hái thành công.