Cảm xúc tràn ngập, mình cảm thấy được cứu rỗi.
Yêu thích chủ đề chiến tranh, đặc biệt những tác phẩm lột tả chân thực sự vô nghĩa lẫn bi tráng của cuộc chiến, tràn ngập tính thú lẫn tình người giữa các chiến hào, bờ đê, góc phố,... , mình không thể bỏ qua một bộ phim như Dunkirk. 
Chúng ta có súng trường gãi mông bà già và nhìn kìa, một chiếc Henkei đang lao tới
Xem trailer, đọc giới thiệu, biết phong cách làm phim không hời hợt của đạo diễn Nolan, nếu không xem phim với góc nhìn rộng và âm thanh tốt như ở rạp thì phí nửa cuộc đời. 
Và đúng vậy, giống như Saving Private Ryan, Flag of our fathers, Letter from Iowa, Schinder's list,... ,Dunkirk tiếp tục cứu rỗi mình. Như một gáo nước lạnh, tát thẳng vào mặt một thằng đang loay hoay tuổi đôi mươi. Loay hoay nữa đi, luôn có người khao khát sống, còn mày thì sao.
Và đây là ba phát đạn găm thẳng vào não mình sau Dunkirk.
1. Dunkirk là gì? 
Tại sao mình biết đến mặt trận phía Đông, phía Tây, Normandy, Stalingrad, Trân Châu Cảng, Okinawa, v.v... mà Dunkirk với quy mô, tính chất và câu chuyện đặc biệt như vậy mà lại không biết?
Tại vì tất cả những gì mình biết về thế chiến II là qua phim ảnh và một số bài báo review các trận đánh nổi tiếng. Dunkirk không phải một trận đánh, nó là một cuộc tẩu thoát. Người Anh gọi nó là một thành công hơn cả một trận đánh, nhưng thế giới gọi đó là sự hèn nhát.
Có mấy ai không biết về D-day, ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy, máu tràn ngập trên từng mét cát. Saving Private Ryan có gần 30 phút đầu phim đánh nhau không ngớt máu, đạn
Tin bên nào tùy bạn. Bởi ngay cả khi bộ phim vừa ra mắt, đã có người mỉa mai cho rằng một thất bại ê chề bây giờ lại được dựng thành phim tôn vinh quá trời quá đất, trong khi đó chỉ nhờ anh Hit lo xa không tấn công vội nên quân Anh mới có thời gian rút về.
Là hậu thế, mình tin không nên phán xét về quá khứ. Người thì đã chết, chiến tranh đã qua, sự đã rồi. Tất cả những gì còn lại là đau thương. Mình tôn trọng họ, tôn trọng mong muốn, niềm tin của họ.
Trong cuốn sách "Phía Tây không có gì lạ" của nhà văn Remarque, bối cảnh Thế chiến I, những người lính Đức hiện ra là những anh thợ máy, thợ nhuộm, sinh viên mới ra trường,... Có anh thợ máy nào muốn cầm súng bắn một anh thợ in bên kia chiến tuyến đâu? 
Tôn trọng lịch sử, tôn trọng những người đã khuất.
2. Việt Nam mình? Mong lắm chứ, một ngày nào đó vỡ òa cảm xúc vì một bộ phim lịch sử đâm sâu vào mấy tầng trái tim như vậy.
Bộ phim chiến tranh Việt Nam chân thực nhất có lẽ xin được gọi tên Mùi Cỏ Cháy. Đau thương, căng thẳng, ứa nước mắt.
Mình tin trong chiến tranh vẫn có niềm vui. Bởi không có tiếng cười, chiến tranh sẽ vùi dập người lính
Và mình cũng tin có những người như Thăng, tấu hài và liều chết xông lên, không cái gì kém
Dunkirk không cần những cảnh chiến tranh bắt nhau toác đầu banh xác, không cần hai quân đội đối đầu xả đạn như tận thế. Chỉ cần cái nhìn đau đáu của hàng ngàn con người qua eo biển hướng về phía nơi ấy là nhà cũng đủ khiến người xem tự vấn: Nếu là mình có lẽ cũng vậy.
Các anh lính chỉ mong chiến tranh kết thúc nhanh để về nhà. Nhưng muốn về nhà thì phải hết chiến tranh, muốn hết chiến tranh thì phải chiến đấu. 
Lịch sử không thiếu những tư liệu tuyệt vời để dựng thành phim. Đoàn tàu không số, trung đội Mai Quốc Ca, trận đánh sân bay Thái Lan, điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn, trận Gạc Ma, Điện Biên Phủ dưới đất, trên không, Xuân 1968,...................................................................................................................., chúng ta cần số giấy bằng với số giây đã trôi qua để liệt kê hết những câu chuyện thời chiến.
Đặc công Việt Nam đánh úp sân bay của Mỹ tại Thái Lan, 1968
Mong lắm, một ngày, điện ảnh Việt đủ khả năng đánh tan "kiểm duyệt", đánh bại "thiếu kinh phí", chinh phục khán giả với "kịch bản tốt", "diễn viên tốt", "kỹ thuật tốt" để không chỉ trong nước mà cả thế giới xem phim đều phải thốt  lên: "Đó là Việt Nam"
Lịch sử cần được biết đến, một cách chân thực và công bằng nhất dù đúng là còn rất nhiều sự kiện gây tranh cãi. Mong lắm một ngày.
3. Quay về Dunkirk, quân Pháp thì sao? 
Đúng là bộ phim nói nhiều đến lính Anh mà bỏ quên lính Pháp, ngay cả nhiều nhà phê bình của Pháp cũng lên tiếng tẩy chay bộ phim vì coi nhẹ sự hy sinh của quân đội Pháp. Họ đã giữ vững phòng tuyến trong khi quân Anh rút đi.
Có thể Dunkirk là thành phố của quê hương họ, họ không ngại phải ở lại chiến đấu, không cam tâm nhìn thấy ngay cả mảnh đất tận cùng cực Đông của quê hương bị quân Đức giẫm đạp, họ đã ở lại.
Trong 340.000 ngàn quân Đông minh được cứu, có 120.000 quân Pháp, còn hàng ngàn người Pháp đã nằm lại.
Henkei của Đức lao đến, bãi biển toàn binh sĩ Anh hỗn loạn. Trong khi đó, ở những đám khói phía sau, quân Pháp vẫn đang chiến đấu bảo vệ từng con phố
Có lẽ một bộ phim với góc nhìn từ mặt trận bảo vệ thành phố Dunkirk sẽ làm dịu lòng người Pháp nói riêng và người hâm mộ điện ảnh nói chung. Bởi những câu chuyện bên bờ chiến hào, lúc nào cũng đáng nghe.
Giống như hai bộ phim Letters from Iwo JimaFlags of our Fathers kể hai câu chuyện từ hai góc nhìn trong cùng một trận chiến, một tác phẩm song hành với Dunkirk kể về trận chiến của quân đội Pháp, giải thích tại sao họ không bỏ tất cả lại để chạy, tại sao quân Đức không tổng lực tấn công, có lẽ sẽ là mảnh ghép hoàn hảo nhất cho sự kiện này.
Cuối cùng, mình nghĩ mọi người nên đi xem phim và xem cả những bộ phim khác về Thế chiến để thi thoảng ngồi mong mỏi với mình, một ngày nào đó sẽ đến lượt Việt Nam.
Tham khảo:
Hogi Spiderum