1. Bối cảnh
Sau khi nhà Hồ bại vong trước đội quân đông đảo của nhà Minh do Trương Phụ chỉ huy năm 1407, nước ta rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 4 với tên gọi là quận Giao Chỉ sau 469 năm độc lập. Con dân Đại Việt một lần nữa phải chịu hành hạ và bốc lột hết sức nặng nề vì từ lúc bình định được Đại Ngu, giặc Minh đã ra sức vơ vét của cải, bao gồm thạch thóc, voi ngựa, gia súc và quân khí. Ngoài ra, chúng bắt hàng nghìn người tài đưa về kinh đô nước Minh để phục vụ cho chúng. Trong “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến thế kỉ XIX”, nhà sử học Đào Duy Anh chép: “Trước sau Trương Phụ nộp về Kim Lăng 7700 người thợ các nghề, 9000 người gọi là “hoài tài, bảo đức, minh kinh năng văn, bác học hữu tài, thông minh chính trực, hiếu đễ lực điền, hiền lương phương chính, luyện đạt lại sự, minh tập binh pháp…”. 
Nhưng có lẽ hủy hoại nền văn hóa nhằm xóa sổ nước ta mới là tội ác tày trời nhất mà Minh Thành Tổ Chu Đệ đã gây ra khi y lệnh cho các tướng phải đập phá hết tất cả bia tượng, lẫn đốt sạch tất cả sách vở, đến một mảnh giấy, một con chữ cũng không được để sót. Kế sách này của Chu Đệ đưa ra nhằm cắt đứt mạch liên kết văn hóa của các thế hệ người Việt, từ đó dễ dàng đồng hóa nhân dân ta.
Minh Thành Tổ Chu Đệ
Minh Thành Tổ Chu Đệ
Trong hai mươi năm tiếp theo (cho đến khi khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo quét sạch bóng giặc ngoại xâm ra khỏi lãnh thổ vào năm 1428), đất nước và nhân dân ta phải trải qua nhiều cơn binh lửa, với những mất mát về người lẫn của cải và cả những giá trị văn hóa có từ những triều đại Lý, Trần. 

Giản Định Đế khởi binh

Trong vô số các cuộc khởi nghĩa chống lại sự cai trị hà khắc của nhà Minh như khởi nghĩa Thất Nguyên, khởi nghĩa Đông Triều (đều bị giặc đàn áp và dập tắt ít lâu sau đó), một thổ hào ở phủ Thiên Trường là Trần Triệu Cơ đã tôn phò tôn thất Trần Ngỗi (con của Nghệ Tông) lên ngôi hoàng đế lập nên nhà Hậu Trần, sử gọi là Giản Định Đế. Đây là vị vua danh chính ngôn thuận, với sự phò tá đắc lực của hai vị tướng mưu lược là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, đã làm cho quân Minh bao phen khốn đốn và phải xin viện binh từ thiên triều.
Thời gian đầu phần do chưa quen với chiến trường khốc liệt, phần vì lực lượng tinh nhuệ của giặc vẫn còn đó, nhà Hậu Trần bị tướng giặc là Trương Phụ bón hành và phải rút vào Nghệ An rồi tiến hành chiêu dụ và chiếm thành trì gần đó. Trương Phụ kéo quân truy đuổi và hãm thành Nghệ An nhưng ta đã phá được vòng vây rồi tiếp tục rút lui về vùng Hóa Châu (nay là Thừa Thiên Huế). Giữa lúc thế trận giằng co thì Phụ được triệu về kinh để chuẩn bị đối phó với các bộ tộc Bắc Nguyên đang nổi dậy ở phía Bắc Trung Hoa. Nắm bắt thời cơ, Giản Định Đế lập tức tiến quân tái chiếm thành Nghệ An và lần lượt khôi phục chủ quyền vùng đất từ Nghệ An đến Hóa Châu. Trong thời gian này, hào kiệt khắp nơi đều hưởng ứng đi dưới ngọn cờ phục quốc của Giản Định Đế. Khoảng tháng 9 năm 1408, vua Minh cử Kiềm quốc công Mộc Thạnh chỉ huy 4 vạn quân tiếp viện tiến sang hội quân với 2 vạn thủy quân của Đô đốc Lữ Nghị để đối phó với quân Hậu Trần. 
2. Lực lượng hai bên
+ Quân Minh: Như đã kể trên, tổng lực lượng của giặc là 6 vạn (Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng quân giặc có khoảng 10 vạn (tính cả số quân cũ đóng tại nước ta trước đó).
+ Quân ta: Sử sách Việt Nam không ghi rõ số quân ta, chỉ ghi khi quân Hậu Trần gồm 5 trấn từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa và khi ra đến Tràng An thì số người theo rất đông. Quân chủ lực theo Đặng Tất tiến ra Bắc tham chiến vào khoảng 5-6 vạn. (theo Wikipedia)
3. Diễn biến trận chiến
Quân Hậu Trần do Đặng Tất chỉ huy đắp chiến lũy phòng thủ quy mô lớn dọc hai bên bờ Bắc – Nam và đóng cọc dưới sông tại bến Bô Cô thuộc sông Đáy (nay thuộc Nam Định). Xung quanh bến này cây cỏ mọc um tùm nên rất thích hợp cho việc đặt phục binh quy mô lớn. Thấy được điểm mạnh này, Quốc công Đặng Tất đã cử con mình là Đặng Dung chỉ huy thủy quân mai phục cùng kết hợp với nhiều thuyền nhỏ cơ động chờ địch tới.
Sáng ngày 30 tháng 12 năm 1408, quân giặc hành quân tới chiến lũy của ta với hy vọng đánh nhanh thắng nhanh bằng quân số áp đảo. Mộc Thạnh ra lệnh tiền quân của tướng Lữ nghị đánh gấp vào chiến lũy để chọc thủng tuyến phòng ngự, còn trung quân của y theo sau và cho thủy quân bộc hậu ở bờ Nam để một lần quét sạch quân Hậu Trần. Pháo của quân giặc liên tục nã rát, kết hợp với bộ binh dùng thang leo qua chiến lũy. Trận chiến diễn ra ác liệt kéo dài hàng giờ đồng hồ, một bên đổ quân cố gắng xuyên thủng lớp phòng thủ, bên còn lại thì kiên trì chống trả quyết liệt dù chịu rất nhiều tổn thất. 
Trên sông, thủy quân của giặc cũng đã tiến vào chiến trường để bộc hậu theo kế sách đã vạch ra, nhưng bị chặn lại bởi thủy quân ta do Đặng Dung chỉ huy. Quân ta cầm cự tới trưa rồi giả thua, dụ giặc vào bãi cọc khiến thuyền chúng mắc kẹt và bị đắm (nghe quen nhỉ :D). Thấy tình hình diễn ra đúng như dự đoán, Đặng Dung lập tức quay xe cực mạnh và phản công dữ dội. Đồng thời, các thuyền mai phục trong các kênh rạch đổ ra vây kín hạm đội của giặc. Đến chiều, toàn bộ thủy binh của nhà Minh phải bỏ mạng nơi đáy sông.
Quay lại chiến trận trên bộ, do địa hình rất hẹp nên khi trung quân của Mộc Thạnh kéo tới không thể dàn trận mà dồn ứ lại dọc đường đi. Chính lúc này Đặng Tất phất cờ ra hiệu cho phục binh tứ hướng đổ ra đánh tạt sườn, quyết một trận sống mái với quân thù. Đội hình địch dần bị cắt đứt thành từng cụm không thể liên lạc với nhau, còn quân ta với tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh lăn xả chém giết, thế như chẻ tre.
Đến chiều, trận chiến vẫn chưa đến hồi kết, và cả hai bên đều chịu tổn thất rất lớn. Đúng lúc đó hậu quân của giặc do Lưu Tuấn kéo đến cố gắng giải nguy và lật ngược thế trận. Trong lúc quân ta đang núng thế do đã quá mỏi mệt mà lại gặp thêm viện binh, Đặng Tất tung nước đi cuối: mở cửa chiến lũy cho quân từ phía trong tràn ra ứng chiến. Trên cao, Giản Định Đế đích thân đánh trống để thúc đẩy sĩ khí. Quân Hậu Trần ba mặt giáp công,được quân trù bị ém sau núi tràn ra yểm trợ, đã lấy lại tinh thần và hăng máu tàn sát địch. Cầm cự thêm được một lúc, đội hình quân Minh bắt đầu tan vỡ, rồi chúng thay nhau bỏ chạy thục mạng. Quân ta truy kích tới cùng, chém được rất nhiều tên địch nhưng không bắt được Mộc Thạnh vì y đã phá được vòng vây, lợi dụng lúc trời nhá nhem mở đường máu chạy về thành Cổ Lộng.
4. Kết quả
Gần như toàn số quân Minh tham chiến trong trận này đều bỏ mạng, trong đó có các tướng như Binh bộ Thượng Thư Lưu Tuấn, Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị… đều phơi thây tại trận địa. 
Tất nhiên quân Hậu Trần cũng không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Tiếc là không có sử sách nào chép lại con số cụ thể, nhưng các tướng chủ chốt vẫn còn sống.
5. Ý nghĩa
Đây là một trong những chiến thắng lẫy lừng và đẫm máu nhất của dân tộc ta, chỉ trong vòng một ngày, 10 vạn quân giặc đã bị tiêu diệt hoàn toàn nhờ tài thao lược của Đặng Tất và tinh thần hy sinh anh dũng của quân dân Đại Việt. Điều này chứng tỏ Hậu Trần có một đội quân rất kỷ luật và trên dưới một lòng, sẵn sàng khô máu với đội quân thiện chiến của nhà Minh, điều mà nhà Hồ trước đó không làm được.
Sau trận này, nhà Hậu Trần đang trên bước đà khôi phục lại cơ đồ nhà Trần và khẳng định chủ quyền nước ta. Nhưng Giản Định Đế đã có một nước đi dẫn cả triều đại mới lập vào lòng đất không lâu sau đó…
-------------------------------
Nguồn tham khảo:
Đại Việt sử ký toàn thư
Đại Việt sử ký tiền biên
Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX
Wikipedia và một số bài viết liên quan