- Bán nốt hôm nay rồi mai cũng dọn thôi. Dịch lắm. - cô bán bánh cuốn vừa gói hàng thoăn thoắt vừa nói!
- Sao nghỉ ạ? Vẫn cho bán mua về mà cô?
- Bán thì bán nhưng hổng có ai mua cho. Trời đày rồi thôi chịu vậy. Ráng nghỉ mai mốt hết dịch bán tiếp chớ không mai mốt lại phải cách ly. - Nói rồi cô xách hộp bánh để mé đường, ngay cái rào dây cách mình nửa mét. - Bé dô lấy nha, rau dưa đầy đủ rồi, hạn chế tiếp xúc mà không biết có trụ được không nữa.

Dịch dã, cuộc sống nơi nào cũng chậm lại nhưng cuộc sống của những cô chú lao động tự do như vậy nhiều khi không phải chậm lại mà dường như là dừng lại luôn. Mình ở khu du lịch ven biển nhưng nó đìu hiu kinh khủng, có hôm chán cơm, muốn mua ổ bánh mì mà đảo quanh quán nào cũng đóng tiệt. Hồi mới vào cứ hóng những hôm đầu tuần để biển đỡ người đi ra dạo cho thoáng mát, giờ biển chẳng có một ai vì rào chắn nghiêm ngặt, cứ vài gốc dừa lại một chú dân phòng đứng canh, lâu lâu phát hiện người vượt rào là thổi tuýt tuýt. Nghe đâu những người đi chọc dừa rụng cũng thưa dần. Thọc dừa là để nó không rơi xuống đầu khách nhưng giờ khách ra biển không có, thôi khỏi!

Loanh quanh trong nhà chán quá, có hôm mình phóng xe lên Sơn Trà chơi với mấy con vooc con khỉ nhưng đường lên núi cũng rào kín, chỉ biết nhìn mấy bé từ xa, giơ cái mặt ngơ ngác ra kiểu:
- Ủa có dụ gì mà dạo này hong ai cho đồ ăn nữa nhỉ? Bộ thế giới diet cả hổng?
Không những bọn khỉ hoảng hồn mà các anh shipper cũng được một phen lo lắng vài ngày. Sau ca nhiễm của một tài xế Grab, thành phố ngay lập tức cấm giao hàng. Thôi xong, một con nghiện ship như mình nghe tin như sét đánh ngang tai nhưng cũng đành lòng chấp nhận. Vừa thấy Đà Nẵng xử lý nhanh nhưng vừa khóc trong lòng: Bánh mì bà Lan ơi, bánh xèo bà Tình ơi, bánh canh ruộng ơi,... tạm bịtttt

Nhưng may mắn là tình hình ở Đà Nẵng so với các tỉnh thành khác đang diễn biến tích cực lên. Hôm qua mình lượn lượn ngoài đường thấy hàng quán bắt đầu mở lại do có ship rồi. Vẫn là rào chắn, vẫn là tấm biển bán mang về nhưng thấy thành phố như đang hồi sinh, dù thực chất mình cũng chỉ loanh quanh khu Sơn Trà với Ngũ Hành Sơn chứ chẳng dám qua cầu.
Các anh shipper giờ cũng cẩn thận hơn, để đồ ship ở bậu cửa, đứng cách xa mình, bảo:
- Em xem hàng xong bắn tiền dô tài khoản anh ha, anh mới nhắn đó.
Mình mới sống ở Đà Nẵng được 2 tháng thì dịch lại đến. May mắn là đợt này thành phố vẫn đang trong tầm kiểm soát ổn nhưng cũng cho mình vài trải nghiệm lần đầu sống chung với dịch như một người dân Ngũ Hành Sơn thiện lương ngoan ngoãn.
Từ đầu tháng 5 xuất hiện ca dịch, mình phải hoãn chuyến đi Hội An lại, ru rú trong nhà, không dám đi đâu. Cứ 2 tuần 1 lần lại phải cập nhật khai báo y tế online với điền phiếu chị chủ nhà mang đến dưới sảnh. Đến đi chợ mình cũng lần đầu tiên được cầm phiếu đi chợ theo ngày, đến nơi phải đo thân nhiệt mới được tung tăng xách làn lựa rau. Ngày trước ở Hà Nội, sao không thấy các bác làm như thế này nhỉ? Trông rất chi là chuyên nghiệp, nghiêm chỉnh. 

À có một điều thắc mắc nhỏ kiểu: khu mình ở là một trong những khu đầu tiên có xuất hiện ca bệnh nhưng mà má, vẫn không hiểu tại sao rất rất nhiều khách nước ngoài đi lại ở quanh An Thượng. Mình nghĩ là các bạn ấy sống và làm việc ở đây nhưng số lượng nhiều đến mức sáng ngủ dậy cũng nghe tiếng Anh, tối đi ngủ cũng nghe chửi tiếng Anh, cảm tưởng như mình không còn sống trên đất Việt nữa vậy. Không biết là có phải khách nhập cảnh hay không nữa. Con bạn mình trước dịch hí hửng mua được vé bay từ Hàn về đây. Biết phải cách ly 14 ngày nhưng vẫn mừng hi ha hi húm tại được về quê sau chuỗi ngày mắc kẹt. Thế mà sát ngày bay thì dịch bùng, nó xìu xiu khi biết Đà Nẵng không nhận chuyến nhập cảnh nữa. Bao nhiêu dự định thế là bùng nhùng luôn. Haiz, nghĩ thấy ai cũng thương. Mong là sắp tới tình hình tiến triển tốt, không chỉ Đà Nẵng mà tất cả đều vậy.