SỰ BÙNG NỔ CỦA TRI THỨC VỀ KHOA HỌC NÃO BỘ 

Học về não bộ là một hành trình cực kỳ nghiêm túc và vất vả!
Học về não bộ là một hành trình cực kỳ nghiêm túc và vất vả!
Với một phép tìm kiếm đơn giản trên Google với từ khóa “cải thiện não bộ”, ta sẽ nhận được 11,000,000 kết quả trong 0.48 giây. Từ những quảng cáo về sữa bột trẻ em cho tới các quảng cáo về khóa học cho người lớn, đâu đâu ta cũng thấy những thông tin “khoa học" về não bộ được gài gắm một cách khéo léo.
Bản thân các khóa đào tạo cải thiện não bộ cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn, mục tiêu đối tượng học viên cũng đa dạng hơn bao giờ hết.
Các khóa học cải thiện não bộ cho trẻ em tại Việt Nam thường chú trọng vào việc phát triển đồng đều hai bán cầu não hay gia tăng sự kết nối giữa các phần của não để giúp trẻ học tốt hơn hay phát triển đồng đều hơn. Trong khi đó, các khóa học hướng đến người lớn cũng sẽ sử dụng các lý thuyết tương tự với mục đích tối ưu hóa hiệu quả công việc và tìm kiếm hạnh phúc.
Vậy bao nhiêu phần trăm trong các thông tin hay lý thuyết phổ biến đằng sau những lời khuyên hay những khóa học giúp cải thiện não bộ là thực sự khoa học? Liệu việc ứng dụng khoa học não bộ vào đời sống có thực sự dễ dàng như vậy hay đây cũng chỉ là một chiêu trò khác của truyền thông?

KHÔNG CHỈ Ở VIỆT NAM, TRI THỨC VỀ KHOA HỌC NÃO BỘ BỊ HIỂU LẦM Ở KHẮP MỌI NƠI

Các nghiên cứu về não bộ bắt đầu được chú ý nhiều hơn từ những năm 1990. Tại Hoa Kỳ, thập kỷ 1990-2000 còn được mệnh danh là “Thập kỷ của Não bộ” bởi những đột phá trong việc phát triển các công cụ nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu để tìm hiểu mọi ngóc ngách của não bộ. Song, theo tiến sĩ Sanne Dekker tại Đại học Amsterdam, các nhà khoa học vẫn thường xuyên nhắc nhở về sự phức tạp và những khó khăn trong việc ứng dụng một cách chính xác kết quả của các nghiên cứu trên vào trong đời sống. 
Dự án “Não bộ và Học tập" của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OECD vào năm 2002 đã cho biết, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục còn đang có rất nhiều hiểu lầm về não bộ. Tuy những hiểu lầm này phần nào xuất phát từ những kết quả khoa học thực sự, chúng vẫn có thể có ảnh hưởng tiêu cực lên người học.
Một khảo sát của Dekker và công sự trên 242 giáo viên tại Anh Quốc và Hà Lan, đăng tải trên chuyên san Tâm lý Giáo dục cho thấy trung bình, các giáo viên cho rằng khoảng 49% những hiểu lầm này là đúng, đặc biệt là những hiểu lầm xuất phát từ các chương trình giáo dục được thương mại hóa dành cho số đông.

MỘT SỐ HIỂU LẦM PHỐ BIẾN

Nguồn ảnh: Teacher Magazine
Nguồn ảnh: Teacher Magazine
Sau đây là những hiểu lầm phổ biến được tin vào nhiều nhất theo khảo sát của tiến sĩ Sanne Dekker và cộng sự. 

Hiểu lầm 1: Ta chỉ dùng 10% công suất não bộ 

Ta dùng nhiều hơn 10% công suất não bộ rất nhiều. Các nghiên cứu công hưởng từ chức năng cho thấy, trong các nhiệm vụ tư duy tưởng chừng như rất đơn giản, gần như tất cả các bộ phận của não đều kích hoạt. Thậm chí, kể cả khi ngủ, não bộ vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. 

Hiểu lầm 2: Người não trái thiên về logic và lý luận, người não phải thiên về tưởng tượng và cảm xúc

Đây là một hiểu lầm đã bám rễ vào nhận thức của quần chúng trong hàng chục năm nay. Trên thực tế. Các bộ phận đảm nhiệm chức năng tư duy logic hay cảm xúc đều có mặt ở cả hai bán cầu não. 

Hiểu lầm 3. Quá một độ tuổi nào đó, ta sẽ không thể tiếp thu kiến thức tốt như trước

Càng lớn tuổi, tuy tốc độ xử lý thông tin của ta có chậm đi nhưng ta lại có nhiều kiến thức nền tảng hơn. Sự đa dạng của những kiến thức này cho phép ta tiếp nhận thông tin mới một cách sâu sắc hơn.  Từ đó, các nơ-ron thần kinh lưu trữ các thông tin mới này có cơ hội được móc nối với một mạng lưới dày đặc những nơ-ron cũ, khiến chúng khó lòng bị mất đi hoặc yếu đi. 
Và sau đây là một loạt hiểu lầm khác cũng được đề cập tới trong nghiên cứu của tiến sĩ Marta Torrijos Muelas và cộng sự:
- Những hoạt động phối hợp các bộ phận khác nhau của cơ thể có thể gia tăng sự kết nối giữa hai bán cầu não. - Mỗi người sẽ có một số dạng trí thông minh khác nhau. - Môi trường giàu kích thích làm gia tăng não bộ của trẻ mẫu giáo.
Ngoài ra, đây là hai hiểu lầm phổ biến thường xuyên được ứng dụng trong lớp học. Spiderum sẽ bàn luận về hai hiểu lầm này trong bài viết tiếp theo.
- Ta chỉ có một phong cách học hay phong cách tiếp thu kiến thức - Ta sẽ học tốt hơn nếu được tiếp thu kiến thức theo cách mình thích

AI SẼ DỄ BỊ ĐÁNH LỪA BỞI NHỮNG hiểu lầm NÀY?

1. Những người đang thèm khát kiến thức

Khảo sát của Sanne Dekker đăng trên chuyên san Tâm lý Giáo dục và cộng sự cho thấy, những giáo viên thường xuyên đọc các sách khoa học đại chúng sẽ có kiến thức tổng quát tốt hơn. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ thông thường, những giáo viên có kiến thức tổng quát tốt hơn lại dễ tin vào những hiểu lầm này hơn. Những giáo viên quá háo hức với việc ứng dụng khoa học não bộ vào lớp học cũng gặp nhiều khó khăn khi phân biệt những thông tin ngụy khoa học với thông tin khoa học chân chính. Vì vậy, ta không nên chủ quan rằng, sự hiểu biết thông thường có thể bảo vệ ta khỏi việc bị lợi dụng bởi những thông tin “khoa học" cực kỳ hấp dẫn này.

2. Những người không chú tâm tới việc tư duy phản biện khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội 

Nghiên cứu thực nghiệm của David McCabe và Alan Castel vào năm 2008 cho thấy, ta dễ tin vào các quả của các nghiên cứu khoa học hơn khi những kết quả này được trình bày kèm với một vài tấm ảnh về não bộ hay giải thích dựa trên khoa học não bộ, mặc dù những tấm ảnh hay lời giải thích này có thể không chính xác.
Một nghiên cứu khác của giáo sư Deena Weisberg và cộng sự trên chuyên san Thần kinh học Nhận thức cũng cho thấy ta sẽ đặt nhiều niềm tin hơn vào một lời giải thích không có nghĩa lý gì nếu như chúng có chứa được một số thông tin về não bộ, cho dù những thông tin về não bộ này không hề liên quan tới những gì tác giả đang trình bày. 
Mặt khác, các nghiên cứu về hành vi thuyết phục thông qua các phương tiện truyền thông đã cho thấy, nếu như không thực sự để tâm tới những gì đang nghe hay đang đọc, ta rất dễ bị đánh lừa bởi những yếu tố không hề liên quan tới chủ đề đang được đề cập tới. Dòng chữ “các nghiên cứu đã cho thấy" hoàn toàn không có bất kỳ ý nghĩa nào nếu như bạn không có khả năng đánh giá tính xác thực của nghiên cứu ấy. Nắm bắt được tâm lý này, không ít cá nhân đã nhân danh khoa học để đánh lừa bạn đọc. Nghiên cứu của Priester & Petty vào năm 2003 cho thấy, ta dễ dàng tin vào những người mà ta cho là “chuyên gia" trong lĩnh vực của họ, bất kể những gì họ nói là đúng hay sai. Có phải, đã đến lúc, ta cần thận trọng hơn với những gì “chuyên gia" nói?
Hơn thế nữa, những thông tin trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội thường được đơn giản hóa để số đông có thể hiểu được hoặc bị phân tích quá xa so với ý nghĩa ban đầu của nó. Ví dụ như, một nghiên cứu nọ đã chỉ ra rằng khi ta sử dụng điện thoại, vùng não có tên Thùy đảo sẽ sáng lên. Trong một nghiên cứu khác, thùy đảo cũng được kích hoạt khi ta nhìn thấy ảnh người yêu của mình. Bộ phận truyền thông cho chiếc điện thoại này kết luận rằng, việc dùng điện thoại sẽ đem lại sự thỏa mãn không kém gì khi được gặp người ta yêu. Trong khi đó, vùng thùy đảo này được kích hoạt kể cả khi ta khó chịu hay tức giận nhưng vì mục đích truyền thông, sự thật đã bị cắt đi một nửa. 
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho bài viết này, tôi đã tìm thấy không ít thông tin trên các trang tiếng Việt được dịch một sách sơ sài với mục đích bán các khóa thiền định, nói rằng tác giả A hay nhà khoa học B đã tìm ra, hoạt động thiền định làm thay đổi cách vận hành của vùng não A hay B, dẫn đến việc ta có những cảm nhận như thể ta đang hòa làm một với vũ trụ. Cảm nhận này thực tế không phải là hiếm gặp, tuy nhiên, với những gì tôi đã học về các phương pháp nghiên cứu não bộ từ năm ba đại học, lời giải thích được đưa ra có vẻ không có lý cho lắm. Khi quyết định tìm lại những gì tác giả A hay nhà khoa học B đó nói thì tôi thậm chí còn không thể tìm thấy tên tác giả đó. Nếu có tìm được thì họ cũng không phải nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này…

3. Những người không được đào tạo bài bản về thần kinh học

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Weisberg cho thấy, những người có một chút kiến thức về khoa học thần kinh thông qua các khóa học ngắn hạn về thần kinh học bị lừa bởi những lý giải sai lầm về não bộ không thua kém gì những người không có chút hiểu biết nào về thần kinh học. Nghiên cứu này cũng cho thấy, chỉ những chuyên gia thực sự, có bằng cấp, đã và đang tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực này mới có thể nhận diện chính xác đâu là thông tin thật và đâu là thông tin giả. 
Trong một ví dụ khác, tôi thực sự ngỡ ngàng với sự lạm dụng thông tin về não bộ trong việc thần thánh hóa “thiền định" tại Việt Nam. Nếu như không có chút kiến thức nào về Tâm lý học hay Thần kinh học, có lẽ, tôi cũng sẽ cảm thấy vô cùng hứng thú và không ngại bỏ tiền để đăng ký ngay khóa học này trước khi nó hết chỗ:
“Thiền định phát triển một số vùng của não, chẳng hạn như những vùng chịu trách nhiệm về trí nhớ, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm. Trong khi đó, các phần của não liên quan đến sợ hãi, căng thẳng và lo lắng (chẳng hạn như hạch hạnh nhân) bắt đầu co lại."
Trên thực tế, thiền định là một trong rất nhiều hoạt động có khả năng làm giảm hoạt động của hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, việc “giảm hoạt động" và việc “co lại” là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau. Cụm từ “co lại” cho ta cảm giác khi thiền đến một mức độ nào đó, vùng não này sẽ teo lại và chết đi, khiến ta không còn thấy sợ hãi, căng thẳng và lo lắng?!. Theo tổ chức não bộ và hành vi, việc phải ra chiến trường và tiếp xúc với căng thẳng cực độ có thể khiến Hạch hạnh nhân thực sự co lại. Hiện tượng này có liên quan tới việc gia tăng sự lo âu chứ không hề làm ta cảm thấy bớt căng thẳng hơn. 
So với những chủ đề khoa học khác thì Thần Kinh học vẫn còn là một chủ đề tương đối mới mẻ. Các nghiên cứu khoa học đôi khi chỉ mang tính chất khám phá và gợi mở chứ không hề có bất kỳ ứng dụng nào ngay lập tức. Việc suy diễn quá xa các nghiên cứu này có thể đem lại hại nhiều hơn là lợi cho số đông. Bản thân các nhà khoa học sẽ rất dè chừng khi khuyên bạn làm một điều gì đó bởi đơn giản, không có gì rõ ràng như trắng và đen. Mối quan hệ tương quan của não bộ và một hành vi nào đó khác hẳn mối quan hệ nhân quả. Một lời khuyên hay hoạt động có lợi cho người ngày chưa chắc đã có lợi cho người kia. Chỉ có những người nghiên cứu đủ sâu mới có thể nắm được phần nào bức tranh toàn cảnh để biết cách biến thông tin khoa học thành những tri thức dễ đọc và dễ hiểu nhưng đồng thời hạn chế làm sai lệch nội hàm của chúng.

NHỮNG NGƯỜI SÁNG TẠO NỘI DUNG HAY NHÀ GIÁO DỤC CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Nguồn ảnh: Futurelearn
Nguồn ảnh: Futurelearn
Tôi biết rằng, việc cắt bỏ hoàn toàn các thông tin về não bộ khỏi những chiến dịch truyền thông hay các khóa học là không thực tế. Tuy nhiên, với vai trò là người cung cấp thông tin có đạo đức. Mỗi cá nhân nên thực sự tìm hiểu kỹ về các thông tin mình đang sử dụng trước khi dịch hay diễn giải nó theo một cách khác. Tìm hiểu kỹ ở đây nghĩa là tìm kiếm sự cố vấn của những chuyên gia đang thực hành và nghiên cứu trong lĩnh vực này. 
Nếu không thể làm vậy, ta cần trích dẫn nguồn một cách cẩn thận để người đọc có thể chủ động tìm đến nguồn thông tin gốc bằng tiếng Anh. Đôi khi, đối với những bạn đọc sử dụng thành thạo tiếng Anh, những câu hỏi cực kỳ đơn giản như “is this true" sẽ dẫn ta đến những trao đổi cực kỳ thú vị của những học giả nước ngoài, giúp ta quay trở lại và đánh giá chính xác thông tin đang có trong tay.
Dù sao thì, có lẽ, cách làm truyền thông hay làm đào tạo như thế nào cho “sạch” sẽ cần một thảo luận khác với những người đang ngày đêm kẹt giữa “KPI" và “sự chính xác của thông tin”.

NHỮNG HỌC VIÊN HAY NGƯỜI TIÊU THỤ TRI THỨC CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Có lẽ, đã đến lúc người Việt Nam cần để tâm nhiều hơn tới việc đánh giá nguồn thông tin bằng tiếng Anh trước khi tin vào những gì mình đang có trong tay. Tôi biết rằng, đây là một yêu cầu cực kỳ xa vời đối với những người không thông thạo tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Một cách làm khác đó là đánh giá cẩn thận về nơi đào tạo và kinh nghiệm của chuyên gia mà bạn đang định đặt niềm tin vào. Thật khó để đánh giá xem ai hại hơn ai, việc “không biết” hay việc “biết một thông tin sai lệch mà lại tin rằng đó là đúng, để rồi cất công thay đổi cuộc sống chỉ vì niềm tin sai lầm đó”?
Tác giả: Keira Ngo
Tham khảo: 
Beck, D. M. (2010). The appeal of the brain in the popular press. Perspectives on Psychological Science, 5(6), 762–766. https://doi.org/10.1177/1745691610388779
Dekker, S., Lee, N. C., Howard-Jones, P., & Jolles, J. (2012). Neuromyths in education: Prevalence and predictors of misconceptions among teachers. Frontiers in Psychology, 3. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2012.00429
McCabe, D. P., & Castel, A. D. (2008). Seeing is believing: The effect of brain images on judgments of scientific reasoning. Cognition, 107(1), 343–352. https://doi.org/10.1016/j.cognition.2007.07.017
Neuromyth 3. OECD. (n.d.). Retrieved August 24, 2022, from https://www.oecd.org/education/ceri/neuromyth3.htm
Scott O. Lilienfeld and Hal Arkowitz. (2008, February 1). Uncovering "brainscams". Scientific American. Retrieved August 24, 2022, from https://www.scientificamerican.com/article/uncovering-brainscams/
Shrinkage in brain structure linked to severe PTSD symptoms, combat exposure. Brain & Behavior Research Foundation. (2017, February 14). Retrieved August 24, 2022, from https://www.bbrfoundation.org/content/shrinkage-brain-structure-linked-severe-ptsd-symptoms-combat-exposure
Torrijos-Muelas, M., González-Víllora, S., & Bodoque-Osma, A. R. (2021). The persistence of Neuromyths in the educational settings: A systematic review. Frontiers in Psychology, 11. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2020.591923
Weisberg, D. S. (2008). The seductive allure of neuroscience explanations. SSRN Electronic Journal. https://doi.org/10.2139/ssrn.2388897