Một hè tháng 6. Tôi không nhớ chính xác đó là vào thứ mấy, chỉ nhớ chiều đó nắng và gió quyện trong cái tinh khôi của màu lá cây. Tôi và chị, như thường ngày, dành ra vài phút đi bộ trong một cái khuôn viên gần nhà, nhìn trời, đất và nói vẩn vơ. 

Xa xa là một tốp người già đang tập thể dục. Người già cả, tiếng nhạc và động tác lắc lư. Tôi thấy thu hút đến lạ, ít nhất là lạ hơn mọi ngày. Rồi tôi nghĩ vẩn vơ, suy nghĩ đủ thốt thành tiếng cho chị nghe:
- Em thấy lạ. Những người già, nếu chị để ý, từ đầu họ còn chẳng quen nhau đâu, nhưng bằng một cách nào đó, họ tìm đến nhau, cùng nhau tạo thành một hội tập thể dục. Kể cũng vui, mà cũng lạ. Họ đến với nhau một cách chân thật và vô tư. Em không thấy điều đó mấy ở người trẻ bọn mình, bây giờ.
Chị tôi thoáng liếc qua đám người đang lắc lư bên chiếc loa đã sờn cũ. Nghĩ phút chốc, chị quay ra bảo:
- Biết vì sao không? Khi về già, người ta không còn màng đến sự ngại ngùng hay xấu hổ để gia nhập vào hội những người tập thể dục, dù là trước đó không hề quen ai. Vì đến cái độ tuổi này, con người ta coi trọng nhất là sức khoẻ.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc, gật gù, rồi bật ra tiếng hỏi:
- Thế tuổi trẻ, bọn mình coi trọng cái gì nhất?
Không khí nghe chừng im lặng, lúc này cảm tưởng chỉ còn hai người vừa đi bộ lưng đẫm mồ hôi, vừa ngẫm nghĩ coi vẻ rất tập trung, nghiền ngẫm, say mê. Cả tôi và chị đều suy nghĩ. Bỗng trong đầu tôi loé lên một ánh sáng (tôi liên tưởng đến cái cách Tố Hữu cũng được ánh sáng của Đảng giác ngộ). Tôi thốt lên:
- Thể diện! Đúng rồi, là thể diện.
...
Sự tình ngày hôm đó xảy qua thoáng chốc, cũng chẳng to tác, nhưng giác ngộ tôi đôi điều. Tôi thấy người trẻ chúng ta ngày nay thật lạ. Lạ một cách đầy tích cực và cũng không thiếu tiêu cực. Tuổi trẻ chúng ta, cái gì cũng có, và cái tôi hay thể diện thì lại càng có, có nhiều. Cái tôi là tốt, cũng như một cái kim chỉ nan, nó giúp định hình tính cách mỗi con người, mà qua năm tháng, sự định hình đó ngày càng rõ rệt hơn. Nhưng một cái tôi lớn, lớn hơn mức tiêu chuẩn, lại định hình nên sự hạn hẹp và ngoan cố, ngoan cố một cách cứng đầu ở mỗi một cá thể. Lớp trẻ ngày nay, ở nhiều người, họ thà là một con đom đóm chỉ nhập nhàng vài đóm sáng giữa cái tối và đen bao la của vũ trụ. Họ không muốn hoá thân thành một ánh đèn vĩ đại và trường tồn, căn bản là không dám, vì đèn thì to và đẹp thật đấy, nhưng nghe chừng lại thu hút quá nhiều sự chú ý, và giả sử có đang sáng mà vì trục trặc gì đấy mà tắt thì cũng xấu hổ. Họ không dám, vì họ sợ, và vì lòng tự trọng không cho phép họ mạo hiểm.
Lòng tự trọng quá lớn ở giới trẻ, gần như, là xiềng xích chói tay và chân họ khỏi những vọng ước xa vời, giới hạn bản thân họ khỏi những to lớn và vĩ đại của thế giới xung quanh. Điều đó cũng thật dễ hiểu, bởi đâu ai muốn đánh đổi cái tôi để bất chấp mà giành lấy điều gì cho riêng mình. Tôi có gặp một vài người, đồng trang lứa hay hơn vài ba tuổi. Họ có khát vọng và hoài bão không? Có, nhiều. Nhưng họ vẫn mãi quẩn quanh trong những khát vọng đó mà không thể thực hiện nó được. Khi ai đó ôm lấy những giấc mơ đẹp, đẹp tuyệt vời, đẹp đến mãn nhãn mà không thể biến nó thành sự thật, tôi gọi đó là hoang tưởng. Hoang tưởng ở những người tôi đề cập xuất phát từ chính lòng tự trọng của họ. Không phải họ không có tài, nhưng vì họ không dám đánh đổi, đánh đổi cái tôi, đánh đổi thể diện của mình. Có người tôi gặp thì mong ước sau này được làm một nhà kinh doanh giỏi. Nhưng họ sợ "nhỡ sau này đang làm ăn khấm khá nhưng vì một lí do khách quan của thị trường mà dẫn đến thua lỗ rồi phá sản?" hay "nhỡ mình giỏi nhưng ông trời không cho mình cái số làm ăn?"... Cái "nhỡ" khiến giấc mơ họ ngập ngừng rồi vụt tắt hẳn. Tôi chỉ thấy buồn cười, một chút tiếc nuối. Vì nếu không có cái "nhỡ" đó, đâu đấy chỉ mấy năm nữa, khéo họ đã có thể làm nên gì đó cho chính bản thân họ, hay cho niềm kỳ vọng và trông chờ của gia đình.
Cái tôi ở giới trẻ khiến họ bị động và tê liệt. Nhiều người chọn cách an phận, dựa hoàn toàn vào sự đưa đẩy của kiếp người, đến đâu thì đến. Bởi với họ, thế là ổn, ít nhất là cái tôi của họ không bị mất, họ không phải xấu hổ, không phải mất mặt. Tôi cũng không nói vậy là sai, bởi đơn giản, đó là cách sống của mỗi người và không thể áp đặt. Nhưng tôi không chọn cách sống an phận như vậy, an phận quá! Tuổi trẻ mà, chúng ta còn rất nhiều điều, sức khoẻ, thời gian. Chúng ta có đầy đủ điều kiện để sai lầm thêm lần nữa, sai lầm nhiều lần. Làm. Sai lầm. Và làm lại. Nó sẽ là một quá trình lặp lại nhiều lần. Sẽ còn nhiều xấu hổ. Nhưng thế thì đã sao? Và xấu hổ để làm gì? Thay vào đó, hãy tự hào và hãnh diện rằng: "Phải! Tôi phạm sai lầm đấy. Nhưng đã sao nào? Nó chỉ nói lên rằng tôi đang bước một bước gần hơn đến thành công và tôi, hoàn toàn, thực sự, tự hào về điều đó".