Chưa bao giờ người ta đi lễ chùa và giao giảng đạo đức nhiều như hiện nay. Có lẽ cũng chưa bao giờ xã hội lại vi phạm đạo đức nhiều như hiện nay. Sau khi tình cờ đọc đoạn giảng pháp của 1 vị được phong là "đại sư", tôi có thể hiểu vì sao lại xuất hiện nghịch lý này.

Vị sư nói rằng làm điều ác sẽ bị trừng phạt. Rồi nhắc đến một loạt các hình phạt trong kinh sách ra để răn đe chúng sinh. Điều này khiến tôi phì cười. Rốt cuộc thì ông ấy là đệ tử của Đức Phật bên Nepal hay đệ tử của Hàn Phi bên Trung Hoa đây nhỉ? Những điều ông ta giao giảng giống với tư tưởng pháp trị do Hàn Phi khởi xướng hơn là tư tưởng của Phật giáo.
Hàn Phi chủ trương đưa con người vào khuôn khổ bằng luật lệ, sự răn đe, và những hình phạt đối với bất cứ kẻ nào vi phạm. Nói cách khác, ông ta dùng nỗi sợ hãi để cai trị đám đông. Vì sợ bị trừng phạt mà không dám làm điều ác. Mục đích của ông ta không phải là làm cho mỗi cá nhân trong xã hội hạnh phúc, mà là làm cho xã hội biết phục tùng để từ đó dễ dàng cai trị trong sự yên ổn.
Đức Phật thì ngược lại, chủ trương giải thoát từng cá nhân trong xã hội bằng cách giải phóng tâm trí họ. Hướng dẫn họ thoát khỏi tham sân si, thoát khỏi nỗi sợ hãi để từ đó học cách sống hạnh phúc. Một xã hội hoàn hảo theo tư tưởng Phật giáo là một xã hội vô chính phủ, không cần người cai trị. Bởi khi con người ta hạnh phúc, thoát khỏi tham sân si, thì họ sẽ chẳng bao giờ làm điều ác hoặc tranh quyền đoạt lợi với ai. Xã hội khi đó chỉ có sự yên bình nên chẳng cần đến chính quyền.

Các vị sư đang giao giảng tư tưởng của Hàn Phi, không phải của Đức Phật
Rõ ràng lời giao giảng của không ít người tự xưng là "Phật tử" thật ra lại đi ngược lại "Phật tâm". Những người này khuyến khích con người làm việc tốt bằng cách kích hoạt lòng tham. Họ chìa ra những món lợi trong tương lai để dẫn dụ đám đông, như là được lên thiên đường, được báo đáp, được vũ trụ trả ơn... (tìm hiểu thêm tại đây). Và họ dùng nỗi sợ hãi để ngăn con người làm việc xấu. Đây không phải đạo, mà là phản đạo.
Điểm chung trong tư tưởng của Đức Phật và Lão Tử, là mọi thứ tồn tại đều có ý nghĩa, bao gồm cả điều ác. Khi chưa phạm điều ác, con người chưa thể hướng thiện. Không cần phải ghê sợ hoặc xem thường bản thân chỉ vì một lỗi lầm nào đó. Chúng là cầu nối để con người vươn tới trí tuệ.
Chưa trải qua sai lầm, chưa bị nhấn chìm trong lòng tham, sự đố kỵ, nỗi hận thù, thì thứ trí tuệ đạt được thông qua kinh sách chỉ là trí tuệ giả tạo. Bạn tin ai nói về sự vô nghĩa của quyền lực và tiền bạc hơn? Một gã admin trên kênh youtube HAM HỌC chưa từng được sống trong xa hoa, hay một Trần Nhân Tông từng làm vua thiên hạ rồi cuối đời quyết định từ bỏ tất cả để đi tu? Cho nên, tôi không biết khi còn sống Đức Phật nói gì, nhưng tôi chắc chắn ngài không đe dọa con người bằng những hình phạt để ngăn cản họ làm việc xấu.

Thứ trí tuệ chỉ dựa vào kinh sách mà không có trải nghiệm là thứ trí tuệ giả tạo
Nói đi cũng phải nói lại. Tư tưởng pháp trị của Hàn Phi rõ ràng có hiệu quả trong việc mang lại trật tự xã hội. Nó đánh bại hoàn toàn tư tưởng của Đức Phật, Lão Tử, hay Khổng Tử khi xét về mức độ hiệu quả. Cho nên tôi ủng hộ việc sử dụng hình phạt để răn đe con người, ngăn cản họ làm việc xấu. Tôi chỉ cảm thấy phi lý khi các Phật tử không hiểu Phật tâm, bóp méo nó, xuyên tạc nó, rồi đi giao giảng khắp nơi. Bản thân họ là những kẻ vô minh đang lan tỏa sự vô minh đến mọi người. Và như tôi từng nhấn mạnh với mọi người, vô minh là tội lỗi lớn nhất trong mọi tội lỗi.
LỜI KẾT
Tôi thường bảo mọi người xung quanh rằng "cách bạn nhìn thế giới không phản ánh bản chất của thế giới, mà phản ánh bản chất của chính bạn". Kẻ nông cạn sẽ hiểu lời nói của bậc vĩ nhân theo lối nông cạn. Họ bóp méo nó, xuyên tạc nó. Và vì thế, thứ họ nói không phải là đạo, mà là phản đạo.
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất