Cửu đỉnh, quốc bảo vô cùng quan trọng dưới triều đại phong kiến ở các nước Á Đông. Cửu đỉnh là vật mà ai cũng muốn nắm giữ. Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ. Bảo vật này đã trở thành biểu trưng cho uy quyền tối thượng của một triều đại và sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.
Ngày nay, trải qua mưa bom bão đạn và thịnh suy của thời đại, Cửu Đỉnh vẫn đứng sừng sững hiên ngang trước gió mưa như một biểu tượng trường tồn, một thông điệp về nước Nam truyền lại cho con cháu thế hệ sau. 
Photo from Flickr
Photo from Flickr

Thủy chú cửu định dĩ tượng thành công

  Thế Miếu nằm trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng với 143 năm trị vì đất nước. Phía sau Hiền Lâm Các, trước sân Thế Miếu, bộ Cửu Đỉnh nặng tổng cộng hơn 22 tấn đứng đây gần 200 năm. Đây là phiên bản gốc cũng như bản duy nhất từ khi được hình thành, chưa từng được sửa chữa dù chỉ một chi tiết nhỏ. 
Trên vành miệng mỗi đỉnh sẽ hé lộ cho chúng ta biết niên đại mà Cửu Đỉnh được hình thành 明命十六年乙未鑄 (Đúc vào năm ất mùi, Minh Mạng thứ 16). 
Năm 1804, vua Gia Long bắt đầu khởi công xây dựng kinh thành Huế. Tuy nhiên, phải cho tới khi vua Minh Mạng lên ngôi và tiến hành quy hoạch lại thì diện mạo Hoàng cung triều Nguyễn mới thập phần hoàn chỉnh. Sau khi hoàn thành việc xây dựng kinh thành Huế vào năm 1832, vào 3 năm sau đó, vua đã ban lệnh cho đúc Cửu Đỉnh. 
“Mùa đông, tháng 10 năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 Vua dụ cho Nội các rằng: Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở trong nhà Tôn Miếu. Xua các minh vương thời Tam Đại, lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc 9 cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sa. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng muốn phỏng theo đời xưa; đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế Miếu.” 
Như vậy cửu đỉnh được đúc vào khoảng tháng 12-1835 và đến năm sau mới hoàn thành vào tháng 6-1836. Nhưng đây chỉ mới là thời gian để đúc xong đỉnh, theo Đại Nam thực lục kỷ 2 thì vào niên lịch ấy cho biết là đã làm xong việc đúc còn khắc chạm hình tượng sẽ được làm sau. 
Với các hình vẽ trên đỉnh, vua còn dụ cho Công bộ như sau 
“Trên các đỉnh phải khắc các hình núi, sông và động vật. Không phải chỉ khắc cho đủ mà còn phải chạm rõ ràng đúng vị trí để ghi nhớ tài liệu và cho rõ là của ai. Đó là ý kiến của người xưa đã tượng trưng cho các sinh vật” 
“Những thứ người ta thấy trong nước, các sinh vật bay trên không hay lặn dưới nước và các thứ di chuyển trên mặt đất, các loại có rễ, trang bị quân đội, thuyền, cai xã, các vì sao trên trời cho đến các chi tiết có trên mặt đất, tất cả đều đầy đủ, thứ vĩ đại cho đến thứ bé đều có hình vẽ chạm trên đỉnh…”
Ngày Quý Mão tháng giêng năm Đinh Dậu Minh Mạng thứ 18 (tức 1-3-1387), vua tổ chức lễ tế báo cáo tổ tiên tại Thế Miếu và cho đặt Cửu Đỉnh theo hàng lối trong sân. 
  “Trẫm đã nghiên cứu, tìm hiểu cách đúc các đỉnh và cách đặt các sinh vật của thời cổ nhưng các vật cổ hiện nay rất hiếm và các nguyên tác truyền thống đã mất đi nghĩa thực. Người ta đã biết rõ về các đỉnh dùng vào việc nấu ăn, nhưng trong các triều đại gần đây các đỉnh đồ sộ, cao quý và ngay cả thời Tam đại người ta cũng ít biên chép về các đỉnh. Giờ đây để mô phỏng người xưa và tiếp nối ý nguyện có thêm hoặc bớt, ta đã đúc được cửu đỉnh vừa cao vừa lớn không có một chút khiếm khuyết, không một sai sót xứng đáng là vật của các niên hiệu; không những truyền đến con, đến cháy, đến chắt đều giữ được nguyên vẹn. Chiếu chỉ này phải được công bố ở cách tỉnh lỵ của ba mươi mốt tỉnh và tại Tây Đô để mọi người biết đến”
Thông qua tư liệu lịch sử cũng như chiếu chỉ của Minh Mạng thì quả thực Cửu Đỉnh chứa đựng tinh hoa dân tộc cũng như ý niệm về một triều đại phong kiến vững bền. 

Ý nghĩa thật đằng sau những chiếc đỉnh 

Cửu Đỉnh nhà Nguyễn được lấy cảm hứng và mô phỏng lại Cửu Đỉnh của Trung Quốc thời thượng cổ. Nhưng tại sao lại là đỉnh? Để giải thích điều này, chúng ta sẽ quay ngược thời gian, truy nguyên nguồn gốc của chúng. 
Đỉnh hay vạc (鼎), theo ý nghĩa được lấy ra từ Tự điển Thiều Chửu thì đây là một đồ vật được đúc bằng kim loại dùng để nấu ăn. Ý nghĩa biểu tượng của chiếc đỉnh đi cùng với lửa tượng trưng cho sự sống và phồn vinh, no ấm.  
Bên cạnh đó, theo truyền thuyết sau khi Hạ Vũ chia thiên hạ thành chín châu, lấy đồng từ các châu đúc thành Cửu Đỉnh, khắc họa phong cảnh chín châu, mỗi đỉnh tượng trưng cho 1 châu, toàn bộ được cất giữ tại kinh đô nhà Hạ. Không những vậy, nhà Hạ là chế độ quân chủ phong kiến đầu tiên, vậy nên chẳng trách Cửu Đỉnh trở thành biểu tượng quyền uy của chính quyền phong kiến. Từ đó xuất hiện câu nói “Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ”.
Cửu Đỉnh ban đầu được Hạ Vũ đặt tại kinh đô nhà Hạ. Khi Thành Thang diệt Hạ Kiệt, đưa Cửu Đỉnh về kinh đô nhà Chu là Cảo, sau Chu Bình Vương dời đô về Lạc cũng mang theo chín chiếc đỉnh này về Lạc. Đến đời Chu Noãn Vương, vua Tần là Tấn Vũ Vương ỷ lại sức mạnh muốn đòi lại chiếc đỉnh có khắc Ung Châu về Tần nhưng lại bị đỉnh đè chết (có tích thì chép ông bị đỉnh đè gãy xương bánh chè, không chữa trị được mới dẫn đến cái chết). Sau đến đời Tần Chiêu Tương Vương đánh diệt nhà Chu, chiếm lấy Lạc Dương, sai tướng Doanh Cù cho dời Cửu Đỉnh về Hàm Dương. Khi đến sông Tử Thủy thì một cái đỉnh bị rơi xuống sông. Quân Tần xuống tìm thì thấy một con rồng xanh nhe răng đe dọa nên không dám tìm nữa. Tối hôm đó, Doanh Cù nằm mơ thấy Vũ Vương nhà Chu cầm roi đánh mình, mấy hôm sau bị nổi nhọt độc trên lưng mà chết. Vì vậy, Hàm Dương chỉ còn lại 8 đỉnh. Đến đời Tần Thủy Hoàng thì ông cho người nung chảy chiếc đỉnh đó để lấy đồng đúc thành 12 tượng người đặt trong sân triều để ứng với sức mạnh nhà Tần. 
Cửu Đỉnh là sản phẩm của thánh quân trong lịch sử Trung Quốc, người khai mở chế độ quân chủ phong kiến đầu tiên; người sở hữu cuối cùng lại là Tần Thủy Hoàng, ông vua thống nhất thiên hạ, quy vạn vật về một mối. Vậy nên, Cửu Đỉnh đã trở thành biểu tượng cho quyền lực phong kiến, sự thống trị của quốc gia có chủ quyền và thống nhất. 
Chính vì nguyên do như vậy, vua Minh Mạng đã ban chiếu để đúc Cửu Đỉnh nhằm thể hiện uy quyền cũng như chủ quyền đất nước của triều đại Nguyễn trên khắp lãnh thổ nước Nam và được công bố khắp nơi trong cả nước. 
Đỉnh còn là quẻ thứ 50 trong Kinh Dịch. Trước quẻ Đỉnh là quẻ Cách. Quẻ Cách mang dụng ý là cải cách, sự thay đổi. Quẻ Đỉnh nghĩa là định, an ổn, định hình lại, xây dựng cái mới. Nó đúng với ý nghĩa của nhà Nguyễn trong giai đoạn này. Xây dựng đỉnh ngụ ý nhớ ơn các đời vua trước đã đưa giang sơn về một mối, xây dựng nền hòa bình và nhắc nhở việc phát triển đất nước, ổn định quốc gia luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Và vua Minh quả thực đã làm rất tốt việc này trên nhiều phương diện như chính trị, kinh tế, giáo dục và ngoại giao. 
Trong quẻ Đỉnh, dưới là quẻ Tốn là gió, trên là quẻ Ly tức hỏa. Hình tượng này đều phù hợp cho việc nấu chín thức ăn. Cho nên muốn xây dựng một quốc gia vững mạnh việc quan trọng nhất cũng chính là dưỡng hiền. Để làm được điều đó, ông vua phải biết thuận tòng theo đạo trời (quẻ ly), tự sửa mình cho hợp với đạo. Khi hợp với đạo, làm danh được chính, sáng được đức của mình thì không ai là không nghe theo (Quẻ tốn).
“Quân tử đức chi phong, tiểu nhân đức chi thảo. Thảo thượng chi phong tất yển”
Luận Ngữ
Có lẽ chính vì lý do này, vua Minh Mạng mới chọn đúc đỉnh và đặt đỉnh tại sân Thế Miếu nhằm răn dạy hậu thế về bản chất cốt lõi của đạo làm vua. 

Tổng hòa trời đất 

Vua Minh Mạng ban chiếu chỉ cho đúc Cửu Đỉnh mô phỏng lại Cửu Đỉnh thời Hạ. Nhưng chỉ dừng lại ở việc mô phỏng không phải phục dựng. 
Nếu như trên mỗi Cửu Đỉnh Trung Hoa khắc đặc trưng phong cảnh sông núi của mỗi châu. Thì trên mỗi Cửu Đỉnh thời Nguyễn lại được khắc 17 hình ảnh, chia thành 3 tầng riêng biệt: trên - giữa - dưới.
Photo from Flickr
Photo from Flickr
Tầng trên cùng là những sự vật sinh sống trên mặt đất: động vật, cây cỏ, hoa lá, sản vật,...là đất
Tầng giữa là hình ảnh các loại vũ khí, tàu thuyền quân đội,...biểu trưng cho con người. 
Tầng dưới chạm khắc hình tượng sông núi, các vì tinh tú tượng trưng cho thiên văn địa lý, tức trời. 
Tổng hòa ba điều trên tạo nên mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân hay còn gọi là Tam Tài, yếu tố cơ bản cấu tạo nên không gian, hình thành nên vũ trụ vạn vật trong quan niệm Phương Đông. 
  “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí"
Lễ Ký
Trời, đất, người đã có, vậy đâu là chỗ của người đứng đầu thiên hạ? Đâu sẽ là biểu tượng của nhà vua? Vua Minh Mạng thật tinh thế khi chia các hình khối thành 3 phần riêng biệt để thể hiện cho quẻ Càn của Kinh Dịch. Càn là trời, trời sinh ra vạn vật như vua sửa trị muôn dân trong thiên hạ. 

Số chín huyền diệu

Vua Minh Mạng hoàn toàn có thể lựa chọn đúc số lượng đỉnh, một hoặc ba hay một con số nào khác mà vẫn có thể đảm bảo được sự thể hiện của yếu tố tam tài nói trên. Nhà vua vẫn chọn đúc chín đỉnh phải chăng chính nhờ vào ý nghĩa của con số chín này. 
Chúng ta nhầm tưởng con số 10 là biểu trưng của sự hoàn mỹ nhưng sự thật lại trái ngược hoàn toàn. Số chín mới là con số biểu tượng của sự tròn đầy, viên mãn đồng nghĩa với đó là sự sinh sôi nảy nở lên thêm nhiều. Mọi vật phát triển đến 10 sẽ quay lại thành không và tiếp tục chu trình mới của nó, còn số 9 vẫn có thể phát triển lên thêm tiếp tục. Dịch học chia các con số thành hai nhóm, mỗi nhóm bao gồm 5 chữ số lập thành âm và dương. Âm ứng với các con số chẵn: 2,4,6,8,10 và dương ứng với các con số lẻ 1,3,5,7,9. Số 5 theo ngũ hành nằm ở trung ương và được bao xung quanh là các số 1,2,3,4. Do đó, số 5 còn được gọi là số sinh. Số sinh này khi cộng với các nêu trên ra được kết quả 6,7,8,9 - số thành. Và số thành lớn nhất trong đó là số chín. Vậy nên ý nghĩa đầu tiên của số chín chính là thành. 
Cùng với đó, số chín là tổng của 3 số dương vậy nên số chín được gọi là số cực dương, thuần dương. Dương biểu tượng cho người quân tử, âm biểu tượng cho kẻ tiểu nhân. Bởi vậy, con số chín - số cực dương trở thành con số biểu trưng cho sự nhiệm màu và cao siêu. 
Số 1 là trời, số 2 là đất, số 3 chỉ người, 3 nhân 3 thành chín. Rồng có chín đứa con (Long sinh cửu tử), rồng phun nước tắm Phật cũng có chín con, linh vật gắn liền với thần Shiva là con rắn có chín đầu, ngai vàng của hoàng đế lúc nào cũng quay ra hướng Nam thuộc quẻ Ly ứng với số 9,...Quả thực công năng của số chín là vô cùng vô tận. 
Con số 9 cũng kết thúc một vòng lịch đại đầy đủ, tương ứng với cửu tộc. Khởi đầu từ CAO tức thế hệ khai sáng và kết thúc ở HUYỀN là thế hệ sau cùng, khép kín một chu kỳ để đi vào cõi vĩnh hằng. Kết hợp cùng với sức nặng của Cửu Đỉnh để khẳng định vị thế trường tồn của triều Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. 
Để ứng dụng toàn diện số chín huyền diệu này, vua Minh Mạng đã đặt nhiều tâm tư để lựa chọn. Lựa chọn làm sao cho đủ 153 sự vật với tổng các con số bằng 9 (1+3+5=9), 9 loài hoa, 9 loài cây lương thực, 9 loại chim,..... 
Kỳ Nam
Kỳ Nam

Những cái tên bí ẩn và cách sắp đặt đầy ẩn ý

Cửu Đỉnh đặt ở trước Hiển Lâm Các theo một hàng ngang, đối diện với Thế Miếu, phía nam hoàng thành Huế. 
Trên đường thần đạo nối liền Hiền Lâm Các và Thế Miếu, đối diện với khám thờ vua Gia Long chính là Cao Đỉnh. Cao đỉnh kê ở chính giữa trong số Cửu Đỉnh và là đỉnh duy nhất được nhích về phía trước 3 mét. Phải chăng đây là đỉnh đối diện với khám thờ của vị vua khai sinh ra triều Nguyễn nên nó được đặt cao hơn so với các đỉnh khác nhằm tôn vinh vua Gia Long? 
Lấy Cao đỉnh làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh; bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh. Nhân đỉnh đối diện với án thờ vua Minh Mạng, Chương đỉnh dối diện với án thờ vua Thiệu Trị, Anh đỉnh đối diện với án thờ vua Tự Đức, Nghị đỉnh đối diện với án thờ vua Kiến Phúc, Thuần đỉnh đối diện với án thờ vua Đồng Khánh, Tuyên đỉnh đối diện với án thờ vua Khải Định, Dụ đỉnh đối diện với án thờ vua Hàm Nghi, Huyền đỉnh đối diện với án thờ vua Duy Tân.
Cao Đỉnh
Cao Đỉnh
Với cách sắp xếp này, thời kỳ đầu khi mới bắt đầu nghiên cứu Cửu Đỉnh, nhiều học giả đã cho rằng tên mỗi đỉnh ứng với thụy hiệu của mỗi vị vua được thờ trong khám đối diện. 
Nhưng khi nhìn lại vào chính sử, không có một dòng nào trong sử được viết bởi Quốc sử quán triều Nguyễn viết về điều này. Vua Minh Mạng không thể đặt tên Đỉnh theo chủ đích đó vì Minh Mạng là đế hệ thứ hai, sau Gia Long, mà theo bài thơ “Đế hệ thi” ngũ ngôn tứ tuyệt “Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh…”, thì 4 câu thơ phải ứng với 20 đời vua Nguyễn, trong lúc đó Đỉnh chỉ có 9 cái. Hai là, Nhà Nguyễn có 13 vua, chỉ 9 cái đỉnh thì không đủ để gọi tên. Hơn nữa, khi Vua Minh Mạng mất, trong Thế Miếu mới có hai án thờ vua, nhưng Cửu Đỉnh thì đã sừng sững ngoài sân chầu rồi. Khi làm lễ đặt đỉnh trước Thế Tổ Miếu, Vua Minh Mạng cũng không nói việc tên đỉnh ứng với tên Vua nào.
“Nay bắt chước đời xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc ra những cái vạc lớn, là Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, Huyền Đỉnh, chín cái sừng sững đứng cao, to lớn, nặng vững, không vết nứt nẻ chút nào, đáng làm của báu, con con cháu cháu giữ mãi không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và Trấn Tây thành đầu biết” — Đại Nam thực lục chính biên
Có thể việc đặt tên Đỉnh ở đây thông qua các “biểu tượng triều đại” của các vị Vua xưng Đế trị, vì theo quan niệm của Kinh dịch, khởi đầu là sự to lớn, vĩ đại, kết thúc là sự huyền nhiệm diệu kỳ. Vì thế mà Cửu Đỉnh được I.Cadière (linh mục người Pháp, chủ biên tạp chí Những người bạn của Cố đô Huế (B.A.V.H) chiết nghĩa như sau: Cao Đỉnh tượng trưng cho sự Vĩ Đại; Nhân Đỉnh tượng trưng cho Đức Độ; Chương Đỉnh - Ánh Sáng; Anh Đỉnh - Hiển Đạt; Nghị Đỉnh - Cương Nghị; Thuần Đỉnh - Tinh Khiết; Tuyên Đỉnh - Tinh Thông; Dụ Đỉnh: Phong Phú; Huyền Đỉnh - Huyền Kỳ.

Kết

Thông điệp của Cửu Đỉnh không chỉ đến từ những hình khối được khắc họa mà còn đến từ cách bố trí bên ngoài của chúng. Thông qua đó, chúng ta thấy được toàn cảnh trí tuệ của một ông vua tinh thông Nho học và và câu chuyện của ông muốn gửi gắm đến thế hệ ngày sau.