Cựu binh, biên giới phía bắc, 198x
Lịch sử là khách quan, sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau.
Ông ấy là anh hùng chiến đấu tại biên giới quốc gia những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.
Tên ông là Trung.
Ông Trung không thích nói chuyện quá khứ, lúc tỉnh rượu nếu có ai tình cờ nhắc tới chuyện về sự nghiệp quân ngũ trong quá khứ với ông, ông sẽ làm mặt lạnh hoặc tức giận, cho dù đối phương tỏ ý tôn trọng hay khen ngợi thì ông cũng không để lại chút thể diện nào cho họ.
Quen biết lâu năm nên tôi hiểu tính khí của ông, dù uống say đến mấy cũng không quên rào trước đón sau trước khi bắt đầu câu chuyện. Ông nghe tôi ba hoa đôi câu liền khịt mũi rồi phẩy tay nói: Cậu thì biết cái cứt trâu.
Ông Trung tham chiến lần đầu năm 1984 trong cuộc Chiến tranh biên giới Trung - Việt. Khi viết thư máu trước lúc tham chiến, ông cắt đầu ngón tay, vừa viết được một chữ thì vết cắt đã đông lại, đồng đội bên cạnh trêu ông: Chế độ đông máu của cậu mạnh thế này thì khó chết lắm. Đúng như lời nói, mật độ tiểu cầu của ông Trung đã giữ lại mạng sống cho ông.
Ông Trung làm đại đội phó đại đội trinh sát. Đại đội trinh sát dẫn đường và là mũi nhọn trong chủ lực toàn quân. Vì nhu cầu trinh sát nên mặc quân phục của địch, lúc đối mặt gần nhất với quân địch là cách 2-3 mét, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng để giết người và bị giết. Chạm trán nhau trong rừng là chuyện như cơm bữa.
Ngày 3 tháng 6 năm 1984, ông Trung đã trải qua một lần cận chiến khó quên nhất. Hai bên đều dùng dao quân đội kiểu 56, bắp chân phải của ông Trung bị đâm xuyên, còn đối phương bị ông cắt họng. Trong trận này, phía địch chủ yếu là nhân viên trinh sát đặc công, năng lực tác chiến một mình tinh nhuệ, nhưng lại bị đại đội trinh sát của ông Trung tiêu diệt toàn bộ.
Trong một chiến dịch, ông dẫn một trung đội ngụy trang thành một tiểu đoàn canh gác cao điểm một ngày đêm. Đội tiếp viện bị chặn lại ngang đường, ông Trung đã dẫn mấy chục lính đẩy lùi các đợt tấn công liên tiếp của tiểu đoàn địch hết lần này đến lần khác. Trong những năm tham gia chiến đấu, ông Trung đã đi qua 74 cao điểm.
Làm trinh sát rất gian nan, không có vật tư, không có quân dự phòng, lần đầu đi rừng không có kinh nghiệm, mỗi lính chỉ được cấp không quá năm miếng lương khô, hai hộp đồ hộp quân dụng, mấy ngày đã ăn hết rồi, sau đó họ ăn rắn, ăn tươi nuốt sống chúng cùng đủ thứ côn trùng. Lúc ăn sâu bướm thì lấy vải mưa quân dụng bọc lại, đốt nến mỡ cừu để đốt lông cứng đi, nhét cả vào miệng mà nhai, miệng đầy nước xốt đặc sệt ngon như nước xốt mê hoặc của các món ăn đặc sản.
Thức ăn phổ biến nhất là giun đất, trong rừng mưa nhiệt đới có vô số loại giun đất màu đỏ, vàng, hồng, ăn không xuể. Khi bàn tay mặn chát của một người chạm vào da của một con giun đất, nó lập tức tiết ra chất nhầy kinh tởm khắp cơ thể, thực sự rất khó nuốt. Buộc phải kiếm cành cây rồi lột rửa như làm lòng lợn, lột nguyên con giun từ ngoài vào trong, bất kể giun màu gì, sau khi lột đều có màu trắng như mỡ lợn, giun đất ăn đất nên phủi sạch đất rồi nhắm mắt bỏ vào miệng, nhai cầng cậc, nghển cổ mà nuốt xuống. Vị giống như đang nhai đất mùn đỏ ở trung tâm miền nam.
Lính tráng phải sống trong động, trước khi vào trong buộc phải cởi hết quần áo không thì sẽ bị thấm hơi nước và đáy quần sẽ hỏng. Lúc ẩm ướt nhất, nước trong động cao hơn nửa mét, người ngồi xổm bên trong, hơi ẩm ngấm tận xương khiến người ngứa phát điên, gãi bật máu vẫn ngứa, để lại di chứng suốt đời.
Kinh hồn hơn còn có đỉa, chúng hút sâu vào da thịt, lôi kéo thế nào cũng không được, càng kéo càng bấu chặt, lấy lửa đốt cũng không tách, sau đó một nửa bị đốt cháy, nửa còn lại rữa trên da thịt, trong đỉa có độc nên cả miếng thịt sẽ thối rữa theo.
Hai cánh tay của ông Trung chi chít vết đỉa cắn như những vết sẹo nhưng không nhiều bằng số người ông đã giết. Trong các trận thực địa hay chạm trán lớn nhỏ, ông đã diệt hơn 20 tên địch, chưa tính những người bị tiêu diệt từ xa. Sau một năm tham chiến, ông Trung đã từ đại đội phó thành quyền tiểu đoàn trưởng Lữ đoàn trinh sát, lúc đó ông hăm ba hoặc hăm bốn tuổi, dưới quyền ông là mấy trăm binh sĩ trong độ tuổi mười tám đôi mươi.
Mấy trăm thanh niên này hầu hết đều hy sinh ngày 28 tháng 5 năm 1985. Hôm đó, để ứng phó với cuộc phản kích tháng 6 của quân đội bên kia, họ đã thâm nhập địch hậu để thăm dò phân phối hỏa lực, căn cứ đạn dược và bố trí binh lực. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ trinh sát và trở lại Malipo, khi tới điểm cách biên giới quốc gia 48 km thì họ bất ngờ gặp phải hỏa lực phục kích dữ dội và bị bỏ lại. Có vẻ bên địch đã ủ mưu từ lâu và bao vây họ dưới đáy con đập, vây kín chỉ sót lại mặt phía bắc, là trận địa của quân địch mà ta không thể phá ra. Vòng vây ngày càng bị thu hẹp, súng máy bắn thẳng và máy phun lửa đang giao tranh, chứng kiến ông Trung cùng đồng đội sắp sửa bị bắt và tiêu diệt.
Trong làn mưa đạn, ông Trung tổ chức biểu quyết giơ tay một lần rồi kêu gọi pháo binh hậu phương yểm trợ: Lấy lữ đoàn trinh sát làm trung tâm, hỏa lực pháo binh yểm trợ trong bán kính 500 mét. Họ thỉnh cầu yểm trợ đánh bom tự sát một lần. Nếu dùng bốn chữ để giải thích thì sẽ là: Nhắm tôi mà bắn. Sau khi đấu tranh 13 phút với hậu phương, hỏa lực pháo binh đã oanh tặc toàn bộ vòng bao vây. Trong phút chốc, pháo hạng nặng của địch bắt đầu phản công, trận pháo giữa hai bên tiếp tục leo thang.
Ông không còn nghe thấy gì nữa do liên tục trúng đạn và bị hất văng lên mấy lần, ông bay lên và mắc vào nòng của một xe tăng hỏng. Các thuộc cấp không còn ai cả, chỉ còn lại mình ông Trung. Vốn dĩ ông cũng không sống nổi, khi thu dọn chiến trường lần đầu tiên, mọi người tưởng tất cả đều đã chết, không ai nhận ra ông còn thở. Phải tới sáng sớm hôm sau ông mới được phát hiện. Hai tháng sau đó, ông Trung đã hồi phục ý thức vài phút trong Bệnh viện Đa khoa Quân đội cách đó nghìn dặm, sau đó lại tiếp tục rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
Tình hình vết thương lúc đó của ông là: Gãy bốn đốt sống ngực, gãy hai đốt sống lưng, gãy năm xương sườn bên trái, gãy 9 xương sườn bên phải, gãy cổ tay trái, mất tai phải, nhiều vết thương xuyên phổi, nát vai phải, màng mắt hai bên bị bỏng, mất răng cửa hàm trên và hàm dưới, biến dạng hộp sọ, hai lỗ đạn 3 cm và vô số mảnh đạn khắp người.
Ông Trung đã banh ta lông tưởng như không sống nổi nhưng đã sống tiếp một cách thần kỳ. Đây có lẽ là nhờ chế độ đông máu vượt trội của ông hoặc do trời cao hy vọng giữ lại một mạng làm nhân chứng. Toàn lữ đoàn đều hy sinh chỉ còn sót lại mình ông. Trong vòng bảy tháng sau trận định mệnh đó, ông Trung nửa mê nửa tỉnh, trải qua 24 cuộc đại phẫu, được giám định thương tật cấp hai. Sau khi tận tình chữa trị, bác sĩ đã ra kết luận chắc nịch: Liệt toàn thân và nằm một chỗ suốt đời. Trong lúc còn hôn mê sau phẫu thuật, ông được quân ủy trao tặng danh hiệu chiến sĩ lập công hạng nhất, được cho chữa trị trọn đời và hưởng đãi ngộ của quân đội chính quy.
Ông Trung liệt toàn thân và nằm bất động trên giường bệnh trong viện điều dưỡng cho tới ngày 1 tháng 8 năm 1988, ông đã quyên góp trợ cấp trọn đời của mình cho một dự án từ thiện. Ông nói: Lấy tiền đó dùng cho chỗ nào cần đến. Lúc đó tổng số tiền trợ cấp ông được lĩnh hàng tháng là một con số không hề nhỏ, con số này không ngừng tăng lên theo thời gian, nhưng dù có cao đến mấy thì 26 năm nay ông Trung không động tới một xu vì ông đã quyên góp sạch sẽ số tiền đó. Các đồng đội của ông chết hết rồi, chỉ còn lại mình ông trên đời, tiền bổng lộc chính đáng ông chẳng cần, ông không thể tiêu số tiền toàn là máu này mà ngoan cố quyên góp trọn đời.
Ông Trung bị liệt suốt bốn năm. Dần dần hồi phục được chút sức lực ở chi trên, có thể gãi nhẹ những chỗ ngứa do di chứng hồi ở rừng mưa. Có một đêm khi đang ngủ, trong lúc mơ màng ông gãi rách một mảnh da ở vai và rút ra một mảnh đạn. Ông tiếp tục rút trong cơn nửa mê nửa tỉnh, tới mức ga giường bê bết máu, lưng tím bầm, khi trời sáng ông đã rút được gần một nắp chai các mảnh đạn.
Đã có kỳ tích xảy ra, ông Trung đã đứng dậy được mà không ai lý giải nổi, mọi người trong viện điều dưỡng đều sửng sốt. Một năm sau, người trong viện điều dưỡng lại sửng sốt lần nữa: ông Trung chạy được. Ông hiển nhiên là người cả đời được chăm sóc nhưng ông tin chắc là mình đã bình phục nên không nên chiếm dụng tài nguyên nữa. Ông mất một năm để hồi phục hoàn toàn sức khỏe sau đó thì tháo chạy. Bật tường mà chạy. Không cần lấy tính mạng để đánh đổi tất cả nữa, dù là vinh dự, hào quang hay là sự yên ổn tới cuối đời, ông thản nhiên phủi bỏ, một chút cũng không luyến tiếc.
Ông hai bàn tay trắng một mình đi khắp sơn hà đại địa tám nghìn dặm. Ông Trung đã bốc hơi khỏi tầm mắt của mọi người trong rất nhiều năm, người nhà, bạn bè, đồng đội, không ai biết ông trốn ở phương nào. Phải rất nhiều năm sau, một người bạn thân ở quê đã vô tình ghé vào một quán đồ nướng. Lúc này ông Trung đã tự lực cánh sinh và có một cuộc đời khác. Ông chọn một thành phố nhỏ ở miền nam cạnh các đồng đội của ông để ăn, ngủ, uống rượu, buôn bán nhỏ và lặng lẽ sống.
Trong tim của ông Trung có một thế giới đẫm máu, ông không muốn nói với ai, trong nhiều năm sống ẩn dật ở đây, không có nhiều người biết về quá khứ của ông. Từng có một nhà báo giống như tôi, sau khi tình cờ có được cơ duyên tìm hiểu về câu chuyện của ông đã viết một bài dài mấy chục nghìn chữ về cuộc đời binh nghiệp của ông. Người đó cũng được coi là bạn tốt của ông Trung, nhưng vì trước đó không đánh tiếng với ông nên sau khi ông Trung biết chuyện đã tìm đuợc người ấy, trước khi bài viết được phát hành đã kịp ghìm cương ngựa trước vực thẳm, cả người lẫn sổ ghi chép đều bị ném xuống sông.
Ông Trung không thèm quan tâm mà ngồi trên bờ khoanh chân hút thuốc. Chẳng có gì phải giải thích cả, ông chỉ là một cựu chiến binh cứng đầu không chịu dùng máu của anh em để mạ vàng cho mình mà thôi. Tôi viết chương này cũng chưa được ông Trung đồng ý, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để bị ông ném xuống sông rồi.
-- Các bạn ạ, tới đây có ai thấy câu chuyện này có gì cấn cấn không? Hay có gì đó sai sai không?
Mình xin thú nhận rằng: Mình dịch câu chuyện này khi chưa hề xin ý kiến tác giả, mình nhận sai, và thực ra không hề có ông nào tên Trung ở đây cả, tác giả cũng không rõ tên thật của ông ấy là gì mà chỉ gọi là người cựu binh. Mình lấy tên Trung không hề ngẫu nhiên, vì ông ấy là người Trung Quốc, và phía địch được nhắc tới ở trên là cha ông của chúng ta, quân đội Việt Nam trong cuộc chiến biên giới Việt Trung 1979-1989. Khi đọc tới những đoạn ông ấy nhắc tới "địch", mình thực sự nóng mặt, cái gì đây chứ, khó chịu thật sự. Mình bỏ dở sang hôm sau mới đọc tiếp. Mình đã gạt uất hận qua một bên và quyết dịch tiếp rồi thì mong các bạn có thể kiên nhẫn đọc hết. Thôi thì ta cứ gọi ông ấy là ông Trung và tạm thời chưa phán xét hay chửi bới gì nhé.
Chẳng có ý gì đâu, trong thời đại không biết cách phản tư này, có những câu chuyện cần được hậu thế hiểu rốt ráo. Không cần ghi nhớ, chỉ cần biết tới là được. Có chính sử miếu đường, cũng nên có lịch sử cải biên của nhân gian, sử là gì chứ? Với vốn hiểu biết hạn hẹp của tôi, nó là bốn chữ: Câu chuyện có thật. Dù đúng hay sai, chính hay phản thì trăm năm sau hậu thế cũng sẽ biết, nhưng dù thế nào thì xin đừng để nó biến mất, những chi tiết sống động và chân thực đó có quyền được người ta biết đến. Bất luận là chế độ này hay dân tộc này đều không được quên: Những người đó đã trải qua những việc đó, sau đó sống như vậy.
Ông Trung mở quán bán đồ nướng, chuyên bán đồ ăn đêm và kiếm tiền từ đám ma men. Quán của ông từng được tạp chí Lonely Planet xếp hạng là một trong mười địa điểm đáng trải nghiệm nhất tại Lệ Giang, Vân Nam, Trung Quốc khi du lịch vòng quanh thế giới. Lợi nhuận bao năm của quán nướng này đã trở thành các khu nhà trọ, các khu nhà trọ nay đã biến thành mấy triệu tệ hiện kim.
Khoản tiền khổng lồ này đã bị tiêu sạch sẽ. Ông Trung đã tuyển dụng một đội lính cứu hỏa nghỉ hưu, lương tháng ít nhất năm nghìn tệ, còn bỏ ra hai triệu xây dựng doanh trại và ký túc xá, chi ra gần một triệu tám mua thiết bị cứu hỏa chuyên dụng, còn dự định mua bốn xe cứu hỏa nặng tấn rưỡi.
Bao năm ẩn cư ở Lệ Giang, ông luôn lặng lẽ bán đồ nướng kiếm tiền, lặng lẽ chuyển nhượng nhà trọ để kiếm tiền và tích cóp từng chút một. Hai chín năm sau khi vào sinh ra tử trong chiến tranh Việt Nam, ông Trung nguyện tán gia bại sản để tự mình lập nên một đội cứu hỏa. Đội cứu hỏa duy nhất trong cả nước do cá nhân lập nên.
Ông ấy bảo vệ thế giới này theo cách của riêng ông. Ngốc nghếch và cố chấp như một cột cờ cũ kỹ trước sau như một đứng sừng sững trên thời đại xa xưa. Trong thời đại xa xưa đó, dù giá trị con người là nhất nguyên nhưng họ lại tôn sùng sự cống hiến một cách mộc mạc và đơn thuần.
Một lần, có vài khách du lịch bụi và sinh viên du lịch đến quán của tôi, tôi giới thiệu ông Trung với họ, họ lịch sự nói chuyện với ông về chủ đề chiến tranh, rồi tò mò hỏi: Năm 85, 86 mà vẫn còn đánh nhau sao? Không phải đã cải cách mở cửa từ trước đó rồi ư? Họ phần lớn là thế hệ 8x và 9x, trong đó có người quê ở biên giới Vân Nam. Tôi đứng ngồi không yên và thấy xấu hổ cho mình và họ. Liếc thấy ông Trung đang thản nhiên hút thuốc. Có vẻ ông đã quen với những màn vấn đáp kiểu này.
Vào ngày 1 tháng 8 hàng năm, ông Trung chắc chắn sẽ khó ở, sẽ uống say khướt rồi hát rống lên, nước mắt nước mũi giàn giụa. Bàn thờ được bày trước bức tường dán đầy di ảnh, khói hương nghi ngút, ông đứng thẳng hát vang các bài hát cách mạng, răng nghiến chặt, lạc hết nhịp, ai nghe cũng rùng mình.
“Nếu con nói lời từ biệt thì sẽ không trở về nữa, người có biết chăng, người có hiểu chăng…”
Một tay ông cầm cốc rượu trắng tràn đầy, tay kia nắm chặt, giữa mỗi bài hát lại hô to: Nghiêm… Chào! Ông chào kiểu quân đội, đổ nửa cốc rượu xuống đất, uống ngụm lớn hết nửa còn lại, cốc này lại sang cốc khác, uống không biết bao nhiêu cốc. Tôi phụ trách đứng bên cạnh rót rượu cho ông, ngày này dù ông có uống bao nhiêu, say tới mức nào cũng không thể khuyên nổi, một năm ông chỉ điên mỗi một lần này thôi.
Ông Trung uống say thì nửa thân trên mất trọng tâm nên cứ nghiêng ngả, hai chân ông thì đứng nghiêm ở tư thế nhà binh như cắm rễ xuống đất. Ông dúi cốc rượu vào tay tôi, nói: Nào, uống với các anh em của tôi cốc rượu. Lông tơ trên người tôi dựng ngược lên, không biết tại sao mà cứ như thật sự có một nhóm người quần áo bê bết máu đang đứng sừng sững ngay trước mặt tôi, máu dồn ầm ầm lên não, nuốt xuống một ngụm rượu, quanh mắt tôi nóng bừng. Tôi nói: Mẹ ơi, tôi có là cái thá gì đâu mà được uống rượu với các ông. Ông Trung bên cạnh gân lên quát tôi: Cạn đi!
Tiếng quát có lực giật quá mạnh, ông lắc lư mấy cái, rồi ngã ngửa xuống khiến bức tường rung lên. Ôm theo những thị phi đúng sai của 30 năm ròng khiến bức tường rung chuyển. Tôi ngồi khoanh chân và đặt đầu ông lên đùi mình. Ông mở tay mở chân thành hình chữ đại, rên to như bị trúng đạn, âm thanh ngày càng nhỏ, cứ thế nhỏ dần rồi chìm vào giấc ngủ say giữa thời đại hòa bình, lãng mạn và đẹp đẽ này.
Ánh nắng bên ngoài vừa đủ, người ta thong thả đi lại, thỉnh thoảng có người hiếu kỳ ngó vào trong nhìn nhìn. Tôi chạm đầu ông Trung, nóng và nặng trình trịch. Rượu đổ đầy sàn, thấm vào ống quần, cứ thế lan ra. Như đang ngồi giữa vũng máu.
Câu chuyện được biên dịch từ một chương trong sách của tác giả Đại Băng. Chỉ đọc thôi mà mình cảm thấy vô cùng hổ thẹn với cha ông, vì trước đây mình biết rất ít về cuộc chiến biên giới Việt Trung. Tới khi đọc câu chuyện từ một người lính cụ thể ở phía chiến tuyến bên kia thì mới thực sự quan tâm tìm hiểu tới cuộc chiến quan trọng đó. Giờ nhắc tới cái tên Vị Xuyên hay Gạc Ma thì trong đầu liền nghĩ tới những anh linh chiến sĩ đã bỏ lại cuộc đời để bảo vệ tấc đất biên giới quê hương.
Nhưng mình đã mở rộng phạm vi quốc gia thành phạm vi loài người, và thấy các chiến sĩ ở hai bên đều là nạn nhân, đúng hơn là các con tốt thí cho dã tâm của một thiểu số thế lực cầm quyền. Nỗi đau của chiến tranh đâu có phân biệt quốc tịch, trúng phải bom đạn thì dẫu là người phương bắc hay phương nam cũng đều đổ máu. Và nếu có là người sống sót thì khi bước ra khỏi cuộc chiến, di chứng cũng không nề hà anh là người xứ nào để không thôi ám ảnh phần còn lại của cuộc đời.
Chúng ta ngay từ bé xíu đã được dạy: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Tình yêu ấy vừa trong sáng vừa trung kiên. Và dù là người nước nào thì cũng cần biết yêu lấy đất nước, yêu người dân của mình trước hết. Nhưng nếu có thể yêu toàn thể nhân loại, yêu tất thảy chúng sinh trong cõi ta bà này, thì cũng không hề tệ.
Xin cúi đầu tri ân các anh hùng đã hy sinh máu xương và tuổi trẻ cho nền hòa bình của dân tộc. Cầu cho chiến tranh không còn trên đời này dưới mọi hình thức, cầu cho những vết thương sớm lành trở lại, cầu cho mọi nỗi đau sớm được xoa dịu, cầu cho người người dù sống hay chết luôn có một cõi an lành để đi về.
Cầu cho kẻ nào có thói kiêu căng hợm hĩnh, muốn dạy dỗ bài học cho người khác sẽ tem tém lại, biết soi gương mà tự tu thân, biết khiêm nhường, tự về mà giũa lại cái nết của mình trước. Trong Tam quốc diễn nghĩa có cực nhiều đạo lý được con dân Trung Hoa lưu lại muôn đời, nên là xin nhớ:
- Xưa nay ai cũng chết nhưng không có tín thì không ra người.
- Chúa sang trọng thì bây tôi vẻ vang, chúa lo âu thì bầy tôi nhục nhã.
- Thà rằng ta chết thì thôi, chớ không chịu làm điều phi nghĩa.
- Người chí bất nhân đi đánh người chí nhân, chẳng thua sao được!
- Các con! Phải cố gắng lên mới được! Chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm! Có hiền có đức, mới phục được lòng người. Đức của cha con mỏng manh, chớ nên bắt chước!
- Vừa là khách quý ngồi trên ghế. Thoắt đã thằng tù đứng dưới sân.
Xin mượn một đoạn trong cuốn sách có câu chuyện trên để kết thúc bài viết:
Thấu suốt thế sự là học vấn, thông hiểu tình cảm con người là văn chương. Hầu hết người trung niên bị cuộc sống thế tục phủ rêu, các góc cạnh chưa bị mài nhẵn hoàn toàn, chỉ là không dễ dàng bộc lộ mà thôi.
Một số bài báo viết về cuộc chiến:
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất