John Steinbeck (1902 – 1968) là một tiểu thuyết gia người Mỹ, nhà văn truyện ngắn, và nhà báo nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết thời kỳ khủng hoảng của mình, Chùm nho thịnh nộ, đã giành được giải Pulitzer năm 1940. 
Một số tiểu thuyết của Steinbeck đã trở thành tác phẩm kinh điển hiện đại và nhiều cuốn đã được chuyển thể thành phim và vở kịch thành công.
John Steinbeck vinh dự nhận giải Nobel Văn học vào năm 1962 và Huân chương Danh dự Tổng thống năm 1964. 

Những năm đầu đời 

John Steinbeck tên khai sinh là John Ernst Steinbeck Jr, sinh năm 1902 tại Salinas, California, Hoa Kỳ. Steinbeck trải qua một tuổi thơ nghèo khó khi cha ông, John Ernst Steinbeck, đã phải cố gắng làm rất nhiều công việc khác nhau để nuôi gia đình và cho cái con cái được ăn học đầy đủ. 
Cha Steinbeck sở hữu một cửa hàng thức ăn và ngũ cốc, đồng thời quản lý một nhà máy bột giặt mì và từng là thủ quỹ của quận Monterey.
Mẹ nhà văn, bà Olive Hamilton Steinbeck là một nhà giáo. Steinbeck có ba chị em. Là cậu bé duy nhất trong gia đình, Steinbeck đã phần nào hư hỏng và được nuông chiều bởi mẹ. 
Người cha John Ernst Sr. thấm nhuần sâu sắc vào con cái mình và dạy chúng về nông nghiệp và cách chăm sóc động vật. Gia đình nuôi gà và lợn và sở hữu một con bò và một con ngựa Shetland. (Con ngựa yêu quý, tên là Jill, sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho một trong những câu chuyện sau này của Steinbeck, The Red Pony).
Chân dung John Steinbeck thời thơ ấu
Chân dung John Steinbeck thời thơ ấu
Nhà văn sớm thừa hưởng tình yêu và niềm đam mê với văn học, nghệ thuật từ mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, Steinbeck đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ những tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp cổ, Kinh thánh hay nhiều tác phẩm văn học đương thời nổi tiếng như Tội ác và hình phạt, Thiên đường đã mất
Đồng thời, Steinbeck sớm gắn bó với đời sống của người lao động. Mùa hè nào ông cũng tới làm việc trong các trại chăn nuôi ở địa phương, sát cánh cùng các nhân công là người nhập cư.
Nhờ đó, nhà văn tương lai sớm nhận thức được những khía cạnh khắc nghiệt của cuộc sống di cư và mặt tối của bản chất con người. Điều này xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm văn học của ông, tiêu biểu như trong Của chuột và người mà mình sẽ nhắc tới ngay phần sau. 
Cậu bé Steinbeck có một tuổi thơ yên bình khi lớn lên cùng ba chị em gái và dần hình thành một niềm yêu thương với quê hương mình, vùng thung lũng ở California.
Điều ấy đóng góp rất nhiều đến tư duy nghệ thuật và phong cách nghệ thuật của Steinbeck. Từ năm mười bốn tuổi, ông vẫn thường ở một mình trong căn phòng nhỏ để sáng tác truyện và thơ, giải phóng tài năng văn học thiên bẩm của bản thân.
Dù có cuộc sống êm đềm nhưng do hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ngay từ thời trung học, Steinbeck đã thường xuyên phải đi làm thêm kiếm tiền. 
Năm 1919, ông bắt đầu theo học tại đại học Stanford, chủ yếu với mục đích làm hài lòng bố mẹ. Mặt khác, ông vẫn say sưa với niềm đam mê văn học và tận dụng những năm tháng sinh viên để bồi dưỡng khả năng viết lách.
Giữa những thời gian ở Stanford, Steinbeck đã làm việc trên nhiều trại chăn nuôi ở California trong thời gian thu hoạch, sống giữa những nông trại lưu động. Từ kinh nghiệm này, ông đã biết về cuộc đời của người lao động di cư California. 
Steinbeck sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ để nghe những câu chuyện từ các đồng nghiệp của mình và đề nghị trả bất cứ ai kể cho ông nghe một câu chuyện mà sau này anh có thể sử dụng trong một trong những cuốn sách của mình.
Đến năm 1925, Steinbeck quyết định bỏ học đại học. Ông rời đi mà không bao giờ hoàn thành bằng cấp của mình, sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mình.
Trong khi nhiều nhà văn đầy tham vọng của thời đại đến Paris để lấy cảm hứng, Steinbeck hướng tầm mắt về thành phố New York...

Cuộc sống ở New York 

Sau khi làm việc cả mùa hè để kiếm tiền cho chuyến đi của mình, Steinbeck khởi hành đi New York vào tháng 11 năm 1925.
Tại thành phố mới này, nhà văn làm nhiều công việc khác nhau, bao gồm cả công nhân xây dựng và phóng viên báo chí. 
Sở hữu sức trẻ và nguồn sáng tạo dồi dào, Steinbeck viết không rời tay, ông viết cả trong giờ làm việc của mình. Vận may tới khi ông được một biên tập viên khuyến khích gửi các câu chuyện của mình để xuất bản. 
Niềm hy vọng chẳng tồn tại lâu. Khi Steinbeck đến để gửi bản thảo của mình, ông biết được người biên tập đã thôi việc tại nhà xuất bản đó, các biên tập khác thậm chí còn từ chối liếc nhìn vào bản thảo. 
Tức giận và chán nản bởi sự kiện lần này, Steinbeck đã từ bỏ giấc mơ trở thành một nhà văn ở thành phố New York.
Ông đã kiếm được trở về nhà bằng cách làm việc trên tàu chở hàng và đến California vào mùa hè năm 1926.

Tạo được tiếng vang 

Steinbeck đã phải trải qua một khoảng thời gian chật vật trước khi tên tuổi của ông được biết đến nhiều hơn trên văn đàn.
Trở về từ New York, Steinbeck tìm được một công việc làm người chăm sóc tại một nhà nghỉ ở Lake Tahoe, California. 
Trong suốt hai năm năng suất, ông hoàn thành một bộ sưu tập truyện ngắn và cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, Chiếc cúp vàng. Sau nhiều lần bị từ chối, tác phẩm này cuối cùng đã được một nhà xuất bản chọn vào năm 1929.
Steinbeck đã làm việc tại một số công việc để hỗ trợ bản thân trong khi tiếp tục viết thường xuyên nhất có thể.
Tại công việc của mình trong một trại sản xuất giống cá, anh gặp Carol Henning, người phụ nữ sẽ trở thành người vợ đầu tiên của anh.
Họ kết hôn vào tháng 1 năm 1930, sau thành công khiêm tốn của Steinbeck với tiểu thuyết đầu tiên của mình. Cha của Steinbeck cho vợ chồng trẻ một ngôi nhà và một khoản tiền nhỏ. Steinbeck tiếp tục công việc viết lách. 
Khi cuộc Đại suy thoái xảy ra, Steinbeck và vợ anh không thể tìm được việc làm, buộc phải từ bỏ căn hộ của họ.
Trong một chương trình hỗ trợ cho sự nghiệp viết của con trai mình, cha của Steinbeck đã gửi cho vợ chồng một khoản trợ cấp hàng tháng nhỏ. Ông còn cho phép họ sống miễn phí trong ngôi nhà của gia đình ở Pacific Grove, California.
Năm 1930, Steinbeck gặp nhà hải sinh vật học Ed Ricketts, một người am hiểu nhiều lĩnh vực, từ môi sinh tới triết học tới âm nhạc và nghệ thuật, là chủ phòng thí nghiệm sinh vật học ở Monterey.
Ricketts giúp đỡ và có nhiều ảnh hưởng tới sự nghiệp của Steinbeck, và cũng là hình ảnh của nhân vật Doc trong cuốn Phố Cannery Row (1945). 

Thành công gõ cửa 

Steinbeck tập trung viết lách trong khi Carol phục vụ như là người đánh máy và biên tập viên của chồng.
Năm 1932, nhà văn xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông mang tên Gửi vị Thượng đế không quen biết (To a God Unknown) – một tác phẩm mà Steinbeck biết chắc rằng sẽ thất bại. 
Sau khi xuất bản một số truyện vừa nhưng không được chú ý, Steinbeck bắt đầu nổi tiếng nhờ cuốn Tortilla Flat (1935), viết về một nhóm dân quê ở Monterey sau thế chiến thứ nhất sống bên lề xã hội. 
Năm 1933, mẹ ông bị đột quỵ nặng, buộc ông cùng vợ phải chuyển đến nhà cha mẹ đẻ ở Salinas để chăm sóc.
Trong khi ngồi cạnh giường mẹ mình, Steinbeck đã bắt tay viết những gì sẽ trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – The Red Pony, được xuất bản lần đầu tiên dưới dạng truyện ngắn và sau đó được mở rộng thành tiểu thuyết. 
Cùng với sự khởi sắc trong sự nghiệp, tình hình tài chính của ông cũng được cải thiện đáng kể. Nếu như trước đây, nhà văn chỉ kiếm được 35 USD mỗi tuần thì nay, với hợp đồng ký kết chuyển thể tác phẩm thành phim, Steinbeck ẵm về tay tới hàng nghìn USD. 
The Red Pony ra đời đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Steinbeck. Cùng với đó, một truyện vừa xuất sắc của nhà văn có tên Of Mice And Men (Của chuột và người) cũng được phát hành, mang lại cho ông thành công vang dội.
Xuất bản năm 1937, giữa thời kỳ Đại suy thoái của nước Mỹ, Của chuột và người là bức tranh phản ánh chân thực số phận nghiệt ngã của những người lao động nghèo khổ dưới đáy xã hội trong cuộc khủng hoảng kinh tế – những người nay đây mai đó, bám víu vào vai hy vọng le lói nhỏ nhoi để tiếp tục sống, tiếp tục hy vọng để rồi lại tuyệt vọng khi giấc mộng đời họ vụn vỡ tan tành. 
Mình biết đến John Steinbeck qua Của chuột và người, một thiên truyện ngắn với tấm bìa cứng của Nhã Nam cực đẹp. Chỉ dài hơn trăm trang nhưng cảm xúc để lại thì vô bờ, và mình phát mê luôn cái lối hành văn của Steinbeck. Cũng vì thế mà thời gian tới, mình quyết định sẽ đọc thêm kiệt tác Chùm nho thịnh nộ của ông. Các bạn hãy tự tìm đọc và cảm nhận nhé! 

Giải Pulitzer và Nobel văn học 

Tác phẩm gắn liền với tên tuổi của Steinbeck mang tên The Grapes of Wrath (Chùm nho thịnh nộ), được xem là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn và là một phần của kinh điển văn học Mỹ đương đại. Tác phẩm này đã bán được 15 triệu bản sau 80 năm kể từ ngày nó được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1939. 
Cuốn tiểu thuyết bao gồm 30 chương, phản ánh những biến đổi sâu sắc trong nông thôn nước Mỹ giai đoạn đầu thế kỷ XX dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc công nghiệp hóa. 
Dù chỉ phản ánh một giai đoạn ngắn ngủi trong lịch sử Mỹ và trên địa điểm cụ thể là bang California, nhưng ý nghĩa tác phẩm đã vượt xa hơn khi mang ý nghĩa của một sử thi bi kịch về nhân dân Mỹ. 
Chùm nho thịnh nộ đã trở thành tiếng kêu cứu khẩn thiết của nhân dân lao động bị thất nghiệp, sống trong những căn lều lụp xụp trên khắp đất nước. Mặc dù có sức lao động phi thường và biết hy vọng vào tương lai, nhưng cuộc đời của họ đang ngày càng dấn sâu hơn vào con đường khổ ải.
Tuy nhiên, Chùm nho thịnh nộ không chỉ chân thực phản ánh sự tàn khốc của một thời kỳ lịch sử Mỹ quốc, mà còn chú trọng trình bày tình cảm đối với quê hương, sự lưu luyến đối với đất đai, tâm lý chống đối cách mạng công nghiệp, tình cảm đối địch với bộ máy quốc gia cảnh sát và nhà ngục. Tác phẩm cũng đồng thời phản ánh phương diện lạnh lùng khắc nghiệt của cách mạng công nghiệp.
Với tác phẩm này, Steinbeck đã được trao giải Pulitzer vào năm 1940. Năm 1962, Steinbeck được trao giải Nobel Văn học, mà Chùm nho thịnh nộ là sáng tác chính của Steinbeck được Viện Hàn lâm Thụy Điển đưa ra như một trong những lý do trao giải. 
Điều đáng nói là khi mới ra đời, Chùm nho thịnh nộ đã khiến cho ngài nghị sĩ Mỹ Lyle Boren “nổi giận”, ông đánh giá đây là một tác phẩm “dối trá, đen tối và đáng ghê tởm xuất phát từ sự nhận thức méo mó, thiên lệch”.
Dẹp tất cả những điều đó sang bên, khi trao giải Nobel Văn học cho nhà văn, Viện Hàn lâm gọi nó đơn giản là “một thiên anh hùng ca”. 
Tạp chí Time liệt kê tác phẩm này trong danh sách 100 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất từ năm 1923 đến nay. Kết quả tuyển chọn dựa theo tiêu chí bình chọn Những kiệt tác thế giới được dịch ra chữ Hán do Bộ Văn hóa Trung Quốc tổ chức những năm 1980 – 1981 xếp Chùm nho thịnh nộmột trong 100 cuốn sách ảnh hưởng khắp thế giới.
Trong diễn từ nhận giải Nobel, ông đã khẳng định:
"Sứ mệnh từ xưa của nhà văn không thay đổi. Nhà văn được trao nhiệm vụ phô bày những lỗi lầm và thất bại xót xa của chúng ta, nhiệm vụ lôi ra ánh sáng những giấc mơ tăm tối và nguy hiểm của chúng ta nhằm nâng đỡ con người chúng ta."
Đối với John Steinbeck, nghệ thuật chân chính không bao giờ là một cuộc độc thoại mà đó là cuộc đối thoại lớn, liên tục giữa người cầm bút với người đọc và thời đại. Nhà văn phải viết về những gì mà mọi thời đại, mọi thế hệ đều trăn trở, đó là “cái thực tại của thực tế” mà con người mãi mãi là chứng nhân lịch sử.
Năm 1940, tác phẩm này đã được hãng 20th Century-Fox chuyển thể thành phim và đạt được thành công vang dội khi đoạt hai giải Oscars và được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại của Mỹ. 

Đời tư nhiều tranh cãi 

Sau Chùm nho thịnh nộ, Steinbeck còn gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp, song cuộc sống riêng tư của nhà văn không mấy hạnh phúc. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với Carol Henning kéo dài 12 năm và chấm dứt vào năm 1942. 
Theo các giai thoại kể lại, khi Carol mang thai vào năm 1939, sau khi cuốn tiểu thuyết Chùm nho thịnh nộ hoàn thành, Steinbeck đã ép vợ mình phải chấm dứt thai kỳ. Các thủ tục bị hỏng dẫn đến Carol cần cắt bỏ tử cung. 
Ngay sau khi ly hôn người vợ đầu tiên chưa đầy 1 năm, Steinbeck cưới ca sĩ Gwyndolyn Conger và họ có với nhau hai người con là Thomas và John.
Tuy nhiên, cuộc sống với người vợ thứ hai này không mấy suôn sẻ, họ ly dị vào năm 1949 sau 7 năm chung sống. Không để con tim ngơi nghỉ, Steinbeck lại tiếp tục tái hôn với Elaine Scott một năm sau, khi mà mực giấy ly hôn có lẽ còn chưa khô xong. 
Trong cuốn hồi ký My Life With John Steinbeck dưới lời tự thuật của Gwyn Conger Steinbeck, người vợ thứ hai của nhà văn, bà đã mô tả ông là “một người đàn ông tàn bạo” . Conger chỉ trích thậm tệ thói lăng nhăng của chồng cũ trong thời gian hai người còn chung sống. 
Thực tế, bà chỉ chấp nhận nói về chồng cũ của mình vào đầu những năm 1970, người đã qua đời trước đó vào năm 1968 chủ yếu vì bà đang cần tiền. 
Trong hôn nhân, Conger đã mô tả nhà văn Steinbeck là người chồng lạnh lùng, xa cách và hay đòi hỏi. Bà viết, “Từ lúc John thức dậy cho đến khi anh ta đi ngủ, tôi phải làm nô lệ cho anh ta”. 
Cũng theo lời kể của bà, Steinbeck hiếm khi thể hiện tình cảm với các con, và thậm chí ông còn chưa bao giờ muốn có con cả. Khi bà gặp vấn đề khi mang thai John Jr, Steinbeck nói với bà rằng điều này đã làm “phức tạp hóa” cuộc sống của ông vốn đã bận rộn với việc viết lách. 
Con trai ông, John thường xuyên phải nhập viện vì nghiện các chất kích thích. Vào những năm cuối đời, anh này còn nhiễm phải rượu và ma túy. Anh qua đời năm 1991, trong cuốn The Other Side of Eden (Mặt trái của Thiên đường), anh đã viết về ông bố Steinbeck nổi tiếng của mình như sau:
"Những nghệ sĩ bẩm năng thiên tài lại không phải những ông bố, bà mẹ giỏi giang. Họ coi mình là trung tâm của vũ trụ và đối xử khắc nghiệt, khác thường với con cái. Con cái của những thiên tài thường phải tự mình chăm sóc lấy bản thân." 
Conger cũng viết: “Anh ta chưa bao giờ khóc vì tôi, cũng chẳng bao giờ khóc cho các con trai của mình. Anh ta chưa từng khóc vì ai, nhưng đã bật khóc vì một con chuột tên là Burgess”.

Steinbeck ở Việt Nam 

Từ tháng 12 năm 1966 đến tháng 5 năm 1967, với một khẩu súng, một cây bút và một cuốn sổ ghi chép, John Steinbeck đã lang thang khắp các vùng chiến sự của miền nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh Mỹ – Việt. 
Những dòng cuối cùng của bản báo cáo được Steinbeck hoàn thành vào năm 1967, tạo nên một trong những ấn phẩm chân thực về các cựu binh Mỹ từng tham gia vào cuộc chiến tranh đầy tranh cãi. 
Những dòng chữ tâm huyết đó cũng đồng thời là những trang viết cuối cùng của Steinbeck được công bố. John Steinbeck qua đời chỉ một năm sau khi ông hoàn thành những trang viết về cuộc chiến ở Việt Nam.

Cái chết và di sản 

John Steinbeck qua đời tại Thành phố New York vào ngày 20 tháng 12 năm 1968, trong trận đại dịch cúm do bệnh tim và suy tim sung huyết. Nhà văn hưởng dương 66 tuổi và ông đã hút thuốc gần như trong suốt cả cuộc đời mình. 
Sinh thời, Steinbeck viết văn bằng giọng điệu bình dị nhưng không kém phần dữ dội, đề cập tới những ước mơ tầm thường hay các cảm xúc mơ hồ lẩn khuất trong tiềm thức mỗi người, trong mỗi mâu thuẫn xã hội sâu đậm giữa các tầng lớp xã hội. 
Giới thợ thuyền, những người thất nghiệp và bị phá sản, nông dân và công nhân nông nghiệp di trú không được có quyền làm người, họ hiện diện đây đó như hoài niệm về những người mà ông thân thiết nhưng không còn mấy ai nhớ mặt đặt tên. 
Bối cảnh trong tác phẩm của Steinbeck thường là nơi ông sinh ra và gắn bó, như Salinas, Monterey, Carmel, Pacific Grove, Soledad…, với các nông trại, những lối mòn, muôn thú, cây cỏ, núi đồi, sông biển, mây trời, hơi gió, màu sóng và sắc nắng quen thuộc của California. 

Một giai thoại lý thú về John Steinbeck và Ernest Hemingway 

John Steinbeck thích truyện ngắn The Butterfly and the Tank của Hemingway nên viết thư khen ngợi và ngỏ ý muốn gặp Hemingway. Hẹn gặp nhau ở quán rượu, Steinbeck và Hemingway tình cờ gặp nhà văn John O’Hara. 
O’Hara đưa cho Hemingway xem cây gậy bằng gỗ mận gai mà Steinbeck đã tặng cho ông trước đó. Mận gai là một loại gỗ nổi tiếng cứng rắn. Hemingway trề môi khịt mũi, “cái này không phải gỗ mận gai”. 
Hemingway đánh cuộc năm mươi Mỹ kim với O’Hara là ông có thể bẻ gãy cây gậy bằng cái đầu của mình. O’Hara nhận lời thách thức.
Hemingway để gậy lên đầu, dùng hai tay kéo hai đầu gậy và bẻ gãy nó. Ông ném mảnh vỡ của cây gậy vào góc quán và chế nhạo, “cái này mà ông dám bảo là mận gai”. 
Steinbeck giận sôi gan, không những vì cử chỉ phô trương thô lỗ của Hemingway mà còn vì cây gậy này là của ông của Steinbeck để lại. Bạn bè của ông thường giật mình khi thấy một Steinbeck vốn rất dịu dàng lại nổi giận khi nghe nhắc đến tên Hemingway. 
Sự căm ghét này kéo dài hàng chục năm. Steinbeck lấy cuốn sách Mặt trời vẫn mọc trên kệ sách và đọc một đoạn đối thoại của Hemingway bằng giọng đều đều làm nó dở đi và khó nghe, rồi bảo, “tôi không sao người ta nghĩ là Hemingway có khả năng viết đối thoại”.
Dần dần Steinbeck cũng bỏ qua. Khi ông nghe Hemingway phê bình đoạn kết của Chùm nho thịnh nộ – đoạn người đàn ông vì quá đói nên đã bú sữa từ ngực của một người đàn bà đang hấp hối – rằng đây “không thể là giải pháp cho những khó khăn về kinh tế của chúng ta,” Steinbeck viết, “lời phân tích của ông Hemingway không hẳn có giá trị nhưng quả nhiên rất buồn cười”. 
Nguồn tham khảo: