Đã khi nào các bạn mua hàng tá sách về, chất đầy trên giá nhưng lại cứ trì hoãn việc đọc chúng chưa? Có lúc nào các bạn vẽ ra một kế hoạch rất hoành tráng như làm một điều gì đó, học một ngôn ngữ mới. Và sau vài ngày hăng hái, các bạn bắt đầu tuột mood, xếp xó bản kế hoạch ban đầu chưa? Và tệ hơn, bạn đã từng trải qua cảm giác mỗi sáng khi thức dậy đều vắt tay lên trán tự hỏi “Tôi có nên tiếp tục đi làm ở công ty này, với những công việc và đồng nghiệp nhàm chán hay nghỉ quách cho xong nhỉ?”
Một cách thật lòng, tôi đã từng kinh qua tất cả những điều trên, và sau khi đọc rất nhiều tâm sự, chia sẻ trên mạng xã hội, tôi tin rằng mình không cô đơn (hihi).
Phần lớn chúng ta, đều lý giải nguyên nhân cho những hành động, cảm xúc trên là “chán” hoặc/ và “lười”, nhưng thực chất khi nhìn sâu hơn, ta có thể dễ dàng thấy nguyên nhân gốc rễ của biểu hiện chán và lười ấy là “thiếu động lực”.
Dễ thấy nhất, khi ở trong cùng một hoàn cảnh nhưng lại xuất hiện những người có hành động trái ngược nhau. Khi làm cùng một công việc, người A cố gắng hết mình, hoàn thành mọi thứ vượt mong đợi để được công nhận và thăng tiến. Trong khi nhân viên B chỉ làm đúng tám tiếng công sở, hoàn thành xong công việc được giao chứ không quan tâm đến việc làm mọi thứ ở mức tốt nhất có thể, và cuối tháng nhận lương, vậy là đủ vui. Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa A và B? Có thể nhiều người sẽ bảo rằng bởi vì A là người tham vọng. Nhưng một lần nữa, nguyên nhân cho sự “tham vọng”, cũng như khác biệt cốt lõi giữa A và B là “động lực”.
Vậy thì, bạn nghĩ xem, nếu như chúng ta có kỹ năng tự tạo và duy trì động lực mạnh mẽ cho bản thân thì ta có thể đạt được những điều mình đề ra một cách hiệu quả hơn, từ việc đọc sách, tập thể dục hoặc thậm chí là thăng tiến trong công việc. Nghe có vẻ rất thú vị và hấp dẫn đúng không?
Theo Adrian Furnham và Ian Macrae, các tác giả cuốn sách Tạo động lực tăng hiệu suất, có hai loại động lực là Động lực bên trong và Động lực bên ngoài. Động lực bên trong chính là nhiệt huyết, đam mê. Động lực bên ngoài là sự công nhận, là phần thưởng và tiền bạc.
Bằng những trải nghiệm bản thân tới thời điểm hiện tại, tôi chỉ chia sẻ những cách hữu ích để chúng ta tăng động lực bên trong từ quyển sách này. Quan trọng hơn, tôi quan niệm rằng thế giới sẽ đổi thay khi chúng ta thay đổi nên thay vì trông chờ vào những phần thưởng từ bên ngoài, hãy phát triển và hoàn thiện mình đủ để thu hút những điều tuyệt diệu đó đến. Tuy nhiên, nếu bạn là chủ doanh nghiệp, lãnh đạo cấp cao của một công ty thì Tạo động lực tăng hiệu suất là quyển sách đừng nên bỏ qua với những chương bàn chi tiết về cách tạo động lực cho nhân viên nhằm tăng hiệu suất làm việc không thể nào chi tiết hơn cùng lời khẳng định chắc nịch từ hai tác giả “các phương pháp tạo động lực “đang nổi” hiện nay thật ra không mấy hữu dụng” và dĩ nhiên, rất tốn kém.
Còn bây giờ, quay trở lại với công thức tạo động lực bên trong, tôi muốn bạn trả lời cho câu hỏi này trước. Theo bạn, công việc nào khiến chúng ta hạnh phúc nhất?
Dù câu trả lời của bạn là gì, tôi hi vọng rằng bạn sẽ không quá bất ngờ khi đọc được kết quả từ tờ báo The Guardian rằng các công nhân xây dựng, giáo sĩ, kỹ sư, giáo viên và người làm vườn cảm thấy hài lòng về công việc nhất. Việc người làm vườn và công nhân xây dựng, những công việc tay chân khá vất vả và lương không quá cao nằm trong top này nói lên điều gì? Phải chăng những công việc khiến mọi người hạnh phúc nhất là những công việc không nhất thiết phải có lương cao, nhưng thường có tính thử thách, phức tạp hoặc mang lại sự thỏa mãn ở mức độ cá nhân. Mọi người thường cảm thấy vô cùng thỏa mãn khi nhìn thấy thành quả mà họ làm ra, hoặc khi tạo ra một thứ nào đó.
Điều thú vị là những công việc khiến mọi người hài lòng nhất lại được nhìn nhận như là một đam mê hơn là một công việc đúng nghĩa. Một công việc mà toàn bộ khả năng và đam mê của một người được hòa lại làm một, chúng ta gọi hiện tượng này là động lực bên trong. Sự thỏa mãn trong công việc đến từ bản chất của chính nó, tiền bạc và lợi ích không tạo nên động lực, dù có thể mang đến sự hưng phấn nhất thời. Công việc cần chạm tới hứng thú và đam mê của người đó. Vì thế động lực tích cực trong công việc lại tốt cho tinh thần và sức khỏe của từng cá nhân, từ đó cho ta nhiều lợi ích hữu hình hơn như những mối quan hệ chất lượng, lòng tự trọng, sự thăng tiến.
Câu hỏi ở đây là, làm thế nào để có thể tạo ra động lực và duy trì nó tới khi đạt được mục tiêu đây? Adrian Furnham và Ian Macrae đã đưa ra những mẹo vô cùng khoa học mà ta có thể ứng dụng sau đây:
- Đặt mục tiêu: Bạn cần phải tập trung vào việc tạo động lực ngay khi bắt đầu làm việc (thậm chí trước cả khi bắt đầu làm việc) và những mục tiêu ý nghĩa với độ khó trung bình sẽ giúp con người làm việc tốt nhất. Bạn có thể chia mục tiêu ra thành từng chặng nhỏ, và mỗi khi đạt được một mục tiêu chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn để chinh phục những mục tiêu khó nhằn hơn.
- Nuôi dưỡng sự tò mò trong công việc: Hãy mang trong mình tâm thế học những điều mới lạ và những tình huống xử lý tình huống hay từ đồng nghiệp để bổ trợ cho công việc.
- Cống hiến: Hãy tin rằng những công việc, dù nhỏ, của chúng ta đang góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho cả một công ty, tập đoàn. Và việc làm của bạn rất có ý nghĩa, rất quan trọng.
- Hãy mang sự vui vẻ và trí tưởng tượng vào công việc.
- Hợp tác và cạnh tranh: Hãy hỗ trợ đồng nghiệp và nhận sự hỗ trợ từ họ. Đồng thời, hãy đặt một mẫu hình đồng nghiệp cho mình cố gắng hướng tới.
- Công nhận: Rất nhiều người mong chờ sự công nhận từ bên ngoài, như sếp và đồng nghiệp, nhưng trước hết, hãy dành cho những cố gắng của bản thân sự công nhận của chính mình. Bạn thể tự thưởng cho mình một món quà nhỏ khi đạt được mục tiêu hoặc đơn giản là một lời khen tặng.
Những mẹo trên quả thật quá đơn giản phải không, nhưng khi thực hiện thì cảm giác rất tuyệt đấy và động lực cũng như năng lượng của các bạn sẽ luôn mạnh mẽ. Hãy thử ứng dụng và chia sẻ kết quả cùng nhau nhé!