Cổng làng xưa trong lòng đô thị
Làng lên phố và quá trình đô thị hóa là điều không thể tránh, dù không gian làng có thay đổi nhưng văn hóa làng vẫn là sợi dây kết nối giữa cá nhân và cộng đồng.
Giữa nhịp sống hối hả của phố phường, bắt gặp đâu đó những chiếc cổng làng cổ tưởng như tách biệt với công trình hiện đại, ngược lại tạo cảm giác thân thuộc về một nơi chốn đã từng gắn bó. Điều đó cho thấy văn hóa làng không hề bị lạc lõng mà hòa quyện vào dòng chảy của văn minh đô thị, là điểm nhấn cho kiến trúc của một thành phố.

Nguồn: Liber
Trước hết, nói về làng - đây là một đơn vị cư trú và sinh hoạt cộng đồng của cư dân vùng nông thôn. Trong đó cổng làng như một biểu tượng của ranh giới để bảo vệ cư dân sinh sống trong làng, ngăn cách giữa khu vực nơi ở và đồng ruộng. Bên cạnh đó, cổng làng còn mang ý nghĩa như bộ mặt thể hiện cốt cách và tư chất của người dân trong làng.
Đằng sau cổng làng là một bức tranh đa sắc màu về cuộc sống sinh hoạt và tín ngưỡng của người nông dân vùng quê Bắc Bộ xưa.
Về thiết kế, hầu hết các cổng làng đều xây bằng gạch chỉ cuốn tò vò [1], trên có mái che và trán cổng thường có ghi chữ đại tự tên làng, cửa chính và hai cửa phụ bên cạnh. Trong đó, hai bên cửa chính chạm khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm, thường là chữ ông đồ hoặc chữ của vua ban tặng.
Trong dòng chảy đô thị hóa hiện nay, những chiếc cổng vẫn ở đó tuy nhiên đã có sự thay đổi về diện mạo để phù hợp với nhu cầu đi lại, cổng làng xưa với lối đi hẹp dành cho việc đi bộ hoặc phương tiện thô sơ, giờ đây không đáp ứng được nhu cầu sử dụng không gian cho phương tiện lớn hơn như xe ô tô, xe tải.
Cổng làng trong phố cũng không còn chức năng bảo vệ ...
bởi làng xóm và các vùng đô thị mới đan xen lẫn nhau và không có sự phân biệt rạch ròi về ranh giới. Chính vì thế, cổng làng hiện tại chỉ còn mang tính biểu tượng về văn hóa, là kỷ niệm của một thời đã qua.
Dù vậy, không vì thế mà cổng làng mất đi giá trị về nghệ thuật kiến trúc và vai trò trong đời sống tình cảm của con người. Khu vực nội thành Hà Nội tính đến cuối năm 2013 chỉ còn 98 cổng không kể các cổng làng do sáp nhập Hà Tây (cũ). Trong đó, Thụy Khuê là phố có nhiều cổng làng nhất như cổng làng Đông Xã, cổng xanh làng An Thọ, cổng làng Yên Thái, … Khu vực ngoại thành cũng có một chiếc cổng “nổi tiếng” - cổng làng Đường Lâm vẫn giữ được nét kiến trúc và không gian bao quanh bởi đồng ruộng, hàng rào tre đậm làng quê vùng Bắc Bộ xưa.
Làng lên phố và quá trình đô thị hóa là điều không thể tránh, dù không gian làng có thay đổi nhưng văn hóa làng vẫn là sợi dây kết nối giữa cá nhân và cộng đồng. Vì vậy, sự hiện diện của cổng làng là một phần không thể thiếu của cuộc sống đô thị cũng như bức tranh di sản kiến trúc. Những chiếc cổng mang trong mình giá trị lưu giữ và bảo tồn để “văn minh đô thị” và “văn hóa làng” luôn song hành và phát triển cùng nhau.
Bài viết thuộc series 1% của Liber.
Về Liber: https://www.facebook.com/CongdongLiber

Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất